Friday, October 1, 2021

KHỦNG HOẢNG TÀU NGẦM : VÌ SAO NƯỚC PHÁP "ĐƠN ĐỘC" TẠI CHÂU ÂU? (Minh Anh - RFI)

 


Khủng hoảng tầu ngầm : Vì sao nước Pháp « đơn độc » tại châu Âu ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 30/09/2021 - 17:41

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20210930-tau-ngam-khung-hoang-phap-chau-au-hoa-ky

 

Hợp đồng bị phá vỡ, niềm tin cũng tan rã. Paris bị sỉ nhục, nhưng Pháp lại không có đồng minh. Thông báo phá vỡ hợp đồng mua tầu ngầm Pháp của Úc và việc thành lập liên minh AUKUS đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Pháp và các đồng minh lâu đời. Thế nhưng, Paris chỉ nhận được một sự ủng hộ dè dặt từ phía Liên Hiệp Châu Âu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/af0d1ede-21f0-11ec-87e0-005056a97e36/w:980/p:16x9/MACRON_SOUS%20MARIN.webp

Góc ảnh biếm họa: Vụ khủng hoảng tầu ngầm Pháp - Úc nhìn từ Hà Lan. © Ảnh chụp màn hình báo Le Monde ngày 24/09/2021.

 

Điều đáng chú ý là phải mất đến nhiều ngày sau, Liên Hiệp Châu Âu mới lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp. Nếu như Paris có những lời lẽ nặng nề bao nhiêu, chỉ trích Hoa Kỳ và Úc là « phản bội », « lá trái lá phải », « phá vỡ niềm tin », thì khối 27 nước thành viên lại có những phản ứng « dè dặt » bấy nhiêu.

 

Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, Joseph Borell chỉ « bày tỏ tình liên đới rõ ràng đến Pháp ». Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula Von Der Leyen, cẩn trọng tuyên bố « một trong số nước thành viên của chúng tôi đã bị đối xử một cách không thể chấp nhận. Chúng tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra và vì sao ».

 

Gerard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Washington trên đài France Culture lưu ý, cuộc khủng hoảng này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng trở nên gay gắt. Thế giới cũng đang đi vào một kỷ nguyên mới, sau một thời gian dài có những biến đổi quan trọng, từ một thế giới lưỡng cực trong suốt giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, chuyển sang đơn cực khi Liên Xô sụp đổ và Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất.

 

« Chúng ta đang trở về với thời kỳ 1914, nhưng trên bình diện thế giới, vào thời đó còn có một sự hiệp đồng, vấn đề là ngày nay không sự thỏa hiệp đó nữa. Nghĩa là các quốc gia cạnh tranh nhau, không còn một tiếng nói chung, hay thỏa hiệp tối thiểu về những lằn ranh đỏ của bên này hay bên kia. Nếu như cốt lõi của sự cạnh tranh năm 1914 là Sarajevo, thì giờ là châu Á. Một cách hiển nhiên, quý vị có một cường quốc đang đi lên và một cường quốc khác tìm cách kềm hãm đà tiến này. Đó là một ván cờ địa chính trị hoàn toàn mới mẻ không dễ gì hiểu được đối với châu Âu, vốn dĩ nhờ Mỹ mà họ đã thoát khỏi câu chuyện lịch sử 1945. »

 

 

Tướng de Gaulle : Bạn, đồng minh nhưng không liên kết

 

Trong thế giới mới này, nước Pháp vật vã khẳng định một vị thế. Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược, lá chắn bảo đảm an ninh lâu đời cho châu Âu trước những mối đe dọa được cho là đến từ Nga, nhưng Trung Quốc lại là một đối tác thương mại hàng đầu. Vậy Liên Hiệp Châu Âu phải ngả theo ai ? Trong khi mà nước Pháp, từ 20 năm qua không ngừng vận động cho ý tưởng một nền quốc phòng chung châu Âu.

 

Vấn đề này càng trở nên phức tạp do Washington luôn có những phát biểu nước đôi. Một mặt, Hoa Kỳ tuyên bố không đòi hỏi các nước phải chọn phe, nhưng mặt khác lại gây áp lực mạnh. Theo diễn giải của nhà nghiên cứu về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Martin Quencez, thuộc Marshall German Fund, thì cách hành xử này của Mỹ đối với châu Âu cũng như trong vụ khủng hoảng tầu ngầm cho thấy rõ Washington quan ngại lập trường của Pháp về điều được gọi là « cân bằng khoảng cách » giữa Mỹ và Trung Quốc.

« Pháp giải thích rằng thế giới ngày nay được kiến tạo bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc và do vậy châu Âu phải là một trong số các cường quốc đó để không bị những cường quốc khác nuốt chửng. Đối với Mỹ, lập trường này chính là "hướng đi thứ ba" giữa Washington và Bắc Kinh, một hướng đi không thể chấp nhận được. »

 

Về điểm này, nhà cựu ngoại giao Pháp giải thích rõ hơn về cách nhìn của Pháp đối với mối đe dọa từ Trung Quốc.

 

« Nước Pháp không bị Trung Quốc đe dọa về mặt quân sự. Liên Hiệp Châu Âu cũng không bị Trung Quốc đe dọa về mặt quân sự. Hơn nữa, Liên Hiệp Châu Âu còn tuyên bố một sự cạnh tranh "có hệ thống" nhưng không phải là một sự đối đầu với Trung Quốc. Chúng ta không hề có một sự đối đầu công khai với Trung Quốc. Do vậy, chúng ta phải tìm ra một thế cân bằng đúng đắn trong quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta không cần phải tham gia vào cuộc thập tự chinh quân sự, một sự bao vây. Nhìn từ Bắc Kinh, những gì Mỹ đang làm là thiết lập một vòng vây liên minh hải quân để đối phó với Trung Quốc. »

 

 

Ấn Độ - Thái Bình Dương : Những khác biệt về cách nhìn

 

Giờ đây, cuộc khủng hoảng AUKUS nổ ra, làm lộ rõ thế « cô lập » của Pháp ngay trong lòng khối Liên Âu. Những gì Pháp nhận được từ các đối tác châu Âu chỉ là một lòng trắc ẩn, tỏ ra thông cảm nỗi bực bội của Pháp. Nhà nghiên cứu Martin Quencez nhận định :

 

« Sự việc cho thấy rõ bất kể đó là từ Vacxava, Berlin, Roma hay là Stockholm có một nỗi sợ là cuộc khủng hoảng này sẽ bị châu Âu hóa, hay biến thành một vấn đề xuyên Đại Tây Dương. Họ nhìn vụ việc này như là một cuộc khủng hoảng riêng giữa Pháp và Mỹ, hay Pháp và Úc. Do vậy, tuyệt đối không nên bước thêm một bước để ủng hộ Pháp.

 

Như vậy, nước Pháp vừa là bên thua thiệt trong mối quan hệ với Mỹ, quan hệ với Úc và Anh, vừa cả trong quan hệ với các đối tác châu Âu, vốn đã không cho thấy rõ tỏ tình liên đới như Pháp mong đợi. Ngược lại, đối với Mỹ, đây thật sự là một thắng lợi hoàn toàn, bởi vì Mỹ chứng tỏ được rằng nước Pháp đã không được Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ. »

 

Thái độ dè dặt và thiếu một chính sách chung chống Trung Quốc từ Liên Hiệp Châu Âu như lời chỉ trích từ chính quyền Washington, còn do nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu không có cùng một cách nhìn về thế giới cũng như là chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhà nghiên cứu Martin Quencez giải thích.

 

« Việc khả năng có một chính sách chung đối với Trung Quốc, người ta không có cùng khái niệm về thời gian. Với một số nước châu Âu, thách thức mà Trung Quốc đặt ra nằm trong khoảng 20, 30 hay 40 năm tới. Trong trường hợp này, chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, lịch sử trêu ngươi, lại được công bố cùng ngày với thông báo liên minh quân sự AUKUS, đã được thiết lập trong một triển vọng khá xa.

 

Nhưng đối với Mỹ, triển vọng này hoàn toàn khác. Chính quyền Washington cho rằng giai đoạn được cho là nguy hiểm nhất, nằm trong khoảng từ 5-7 năm tới, nghĩa là giai đoạn chuyển tiếp.

 

Rồi chúng ta còn có khó khăn khác nữa là giữa các nước châu Âu, chúng ta không có cùng một lợi ích tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nước Pháp là một quốc gia vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, sở hữu nhiều vùng lãnh thổ trong khu vực, hơn 1,6 triệu công dân Pháp sinh sống tại đây, 90-93% vùng đặc quyền kinh tế của Pháp cũng nằm trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là một nét đặc thù của Pháp so với các nước Liên Hiệp Châu Âu khác, vốn xem vùng này như là một thách thức ở xa.

 

Nhìn từ Vilnus, Bucarest, hay Roma, Trung Quốc không là một kẻ thù hay là một mối nguy hiểm ngay sát cửa biên giới. Nhưng nước Pháp không có một chọn lựa nào khác. Paris phải trụ trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Và liên minh AUKUS cũng chẳng làm thay đổi điều đó, chẳng có lý do gì Pháp phải thoái lui khỏi khu vực. »

 

 

Đánh đồng lợi ích quốc gia với châu Âu : Một sai lầm của Paris

 

Đối với Pháp, cuộc khủng hoảng này đã làm « tan vỡ niềm tin » giữa các nước đồng minh. Theo ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, việc thành lập AUKUS cho thấy « Mỹ đang tái tập trung các lợi ích cơ bản của họ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ». Tuy nhiên, theo ông Gérard Araud, lời kêu gọi của Pháp cho rằng Liên Hiệp Châu Âu nên có một nền tự chủ quốc phòng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do những khác biệt về lợi ích.

 

« Vấn đề ở đây là Hoa Kỳ đã quân sự hóa chính sách đối ngoại, trong khi Liên Hiệp Châu Âu, đối mặt với Trung Quốc lại không có một chính sách quân sự nào. Liên Hiệp Châu Âu không phải là một cường quốc quân sự, do vậy có thể thảo luận về tất cả những chủ đề khác.

 

Thứ hai, từ Obama, Trump cho đến Biden, cho dù có sự khác biệt về phương pháp, phong cách lãnh đạo, lúc nào cũng có một sự tiếp nối lớn. Hoa Kỳ không muốn là cảnh binh của thế giới, Hoa Kỳ chuyển trục sang đối đầu với Trung Quốc.

 

Chủ đề thứ ba là về tự chủ quốc phòng. Ở đây có một thực tế là các nước Đông Âu, họ cần duy trì lá chắn của Mỹ trước những hành động đáng quan ngại từ Nga, nhất là đối với những nước yếu thế như các nước Baltic, Ba Lan. Còn đối với nhiều Tây Âu, họ cần sự bảo đảm an ninh của Mỹ là vì như vậy cho phép họ không chi tiêu nhiều cho quốc phòng. Chẳng hạn, ngân sách cho quốc phòng của Tây Ban Nha chỉ chiếm có 1,02% GDP, của Ý là 1,41% hay của Đức là 1,55%.

 

Giả như chúng ta phải độc lập về quốc phòng, cần phải có nhiều nỗ lực về quân sự, một thiện chí về sức mạnh mà nhiều nước châu Âu đã không có. Nước Đức không muốn là một cường quốc lớn, mà muốn là một nước Đại Thụy Sĩ. Đó là một quốc gia đang già đi rất nhanh, tuổi thọ trung bình ở Đức là 48 tuổi nhưng ở Pháp là 40. Trong khi đó nước Anh đang rời Liên Hiệp Châu Âu. Chính vì vậy mà nước Pháp bị cô lập tại châu Âu. »

 

Dẫu sao thì, chuyên gia Martin Quencez và cựu đại sứ Pháp Gérard Araud cũng có chung một nhận định, những vấn đề trên mang một tầm nhìn đơn phương từ phía Pháp. Cuộc khủng hoảng tầu ngầm và liên minh AUKUS là chuyện nội bộ giữa Pháp và Mỹ. Nền ngoại giao Pháp những năm gần đây mắc phải sai lầm to lớn : Đánh đồng những lợi ích quốc gia với lợi ích Liên Hiệp Châu Âu. Điều này giải thích vì sao Pháp bị cô lập trong nhiều hồ sơ quốc tế lớn từ Syria, Libya, Mali, cho đến vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương !

 

                                                       ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Khủng hoảng ngoại giao Pháp - Mỹ : Thế cô lập của Paris

.

Pháp thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Trung Quốc trong tầm nhắm

.

Khủng hoảng tàu ngầm : Pháp hủy một cuộc họp với bộ trưởng Quốc Phòng Anh





No comments: