HOÀNG
XUÂN HÃN VÀ CÁC VÌ VUA TRIỀU NGUYỄN
Lê Học
Lãnh Vân
15/10/2021 15:35
https://www.diendan.org/tai-lieu/hoang-xuan-han-va-cac-vi-vua-trieu-nguyen
Bác Hãn quen biết cá nhân và từng làm việc với
vua Bảo Đại. Bác cũng nhận xét về các vị vua Khải Định, Tự Đức. Có những nhận
xét của bác năm 1989-1990 khác với nhận xét của chính bác trước kia. Đây chỉ là
suy nghĩ của bác do trải nghiệm cuộc sống thực, do đọc sách chứ không phải là
nghiên cứu lịch sử. Bác nghĩ các nhà sử học về sau sẽ có những nghiên cứu thêm…
Bài viết này ghi chép lời kể của bác Hãn.
VUA BẢO ĐẠI
Bác Hãn là bạn thân của luật sư Phan Anh. Bác
có dịp gặp hoàng tử Vĩnh Thụy trước ngày ông lên ngôi làm vua Bảo Đại. Cuối năm
1944 đầu năm 1945 Phan Anh và Hoàng Xuân Hãn cùng một số bạn nhận thấy Nhật rồi
sẽ thua, còn Pháp thì đã yếu, thời cơ giành độc lập sẽ nằm ở lúc chuyển từ Nhật
rời Đông Dương và Pháp chưa đủ sức mạnh trở lại Đông Dương như trước. Những người
bạn cứ bàn bạc, nhưng chưa biết sẽ làm gì.
Pháp càng yếu và Nhật càng lấn lướt mở ra cơ hội
và làm nảy sinh lời giải đáp cho câu hỏi trên: lập một chính phủ Việt Nam để
chuẩn bị tuyên bố độc lập ngay khi Nhật đầu hàng và Pháp chưa kịp trở lại. Việc
này đặt Pháp trước một sự đã rồi. Khi có cơ hội tiếp xúc với triều đình Huế,
các bạn cử Hoàng Xuân Hãn nói chuyện với vua Bảo Đại.
Bác Hãn nhớ lại :
- Lúc đó ông Bảo Đại dễ thương, lý tưởng
lắm. Ông nói quốc dân thì khổ mà tui hưởng nhiều rồi, bây giờ chuyện gì làm được
cho quốc dân thì tui làm.
Theo bác Hãn vua Bảo Đại chân thành yêu thương
dân chúng. Ông canh tân các thủ tục chậm tiến, làm cho hoàng tộc và triều đình
“Tây” hơn. Ông chấp nhận chính phủ Trần Trọng Kim, ông chấp nhận thoái vị…
- Ông Bảo Đại chấp nhận thua thiệt hết
khi ông ấy thấy có lợi cho quốc dân. Đứng trước quyền lợi đất nước, ông Bảo Đại
sẵn sàng bỏ hết quyền lợi của mình và của gia tộc !
- Thưa bác, cháu nghe người lớn nói ông Bảo Đại
ăn chơi…
- Ông ham vui, thích săn bắn và dễ
theo phụ nữ. Nhưng đó là tính riêng của ông. Bác chưa bao giờ thấy ông tranh
giành quyền lợi với dân… Trong các cuộc tranh giành quyền lãnh đạo trong bên
trong nước ta, ông đều nhượng bộ. Có người nói tại tính ông hiền lành, nhu nhược,
không chú tâm việc lớn, bác ngờ là ông không muốn tranh giành nhau trước vận mệnh
quốc dân, với ông điều đó giống như thiếu đạo đức…
- Nhưng lúc đó dân mình không ủng hộ phe chính
trị nào có Pháp đứng sau lưng ?
- Bác cũng không ủng hộ. Ở đây, bác chỉ
nói tấm lòng ông Bảo Đại, không nói năng lực của ông !
VUA KHẢI ĐỊNH
Vua Khải Định không làm điều gì có tiếng lớn
trong thời gian mười năm của ông. Cũng dễ hiểu vì ông lên ngôi sau khi các vua
Thành Thái, Duy Tân bị phế truất vì âm mưu chống Pháp. Sự canh chừng của người
Pháp và người theo Pháp chung quanh khiến ông khó làm gì như hai vị trước.
Ngày trẻ bác ngầm không thích vua Khải Định, ấy
là bởi chịu ảnh hưởng các vị đi trước. Sau này suy xét nhiều hơn, tự biết nhà
vua muốn giữ được sinh mệnh của mình cũng không dễ !
Khi giao thiệp với vua Bảo Đại, bác thấy ông
thương nước thương dân một cách hồn nhiên, ngây thơ nữa đấy. Đúng là ông không
tài giỏi, lại ham vui, nhưng thực tâm ái quốc. Về mặt này, bác ngờ rằng các
lãnh đạo khác ít người bằng ông Bảo Đại. Hễ nói về chuyện này, ông Bảo Đại lại
nhắc vua Khải Định. Vì vậy bác cũng ngờ tấm lòng ái quốc của ông Bảo Đại có nguồn
gốc từ vua Khải Định.
Vua Khải Định bị công kích nhiều rằng ông xa xỉ,
thích ăn diện, tổ chức lễ lạc tốn kém. Triều Nguyễn có hoang phí như triều đình
bên châu Âu, bên Tầu đâu ! Thực ra đời sống vua chúa như vậy không có gì quá,
bác nghĩ rằng tâm lý dân Việt mình có phần vụn vặt. Ghét người giàu, người
sang. Các người làm chính trị thì công kích triều đình để thu hút dân chúng.
Vua Khải Định bị công kích nhiều nhất là chuyến
đi Tây. Xưa bác không thích chuyện ấy, bây giờ hình như bác lại thấy qua chuyến
đi ấy tinh thần tiến bộ của ông, mà cũng có thể ông có viễn kiến. Chuyến đi đó
có ảnh hưởng ngoại giao, được tổ chức đàng hoàng, báo chí châu Âu đưa tin khiến
thế giới biết nước mình nhiều hơn. Ông Bảo Đại kể vua Khải Định dặn ông lo học,
chỉ lo học, để sau này về nối ngôi mở mang đất nước, không tham gia vào bất cứ
hoạt động chính trị nào. Trong hoàn cảnh vua Khải Định và Bảo Đại, cách đó khôn
ngoan ! Nhờ vậy, năm 1945 nước ta mới có vua Bảo Đại hiếu hoà, tiến bộ, mới có
chính phủ Trần Trọng Kim làm bản lề để Việt Nam không bị lôi vào vòng sụp đổ !
VUA TỰ ĐỨC
Nhiều người cho rằng vua Tự Đức thủ cựu. Bác
Hãn có nghĩ vậy không ?
Vua Tự Đức bị kẹt trong thời cuộc. Vua Tự Đức
thông minh, có học thức, chăm lo việc nước. Trong suốt thời gian ông trị vì,
trong đình thần khuynh hướng bảo thủ mạnh hơn canh tân. Thời gian đầu thì Phan
Thanh Giản bị Nguyển Tri Phương lấn át, thời sau thì Trần Tiễn Thành bị Tôn Thất
Thuyết lấn át và giết chết.
Nửa thời gian đầu trị vì, vua Tự Đức theo
chính sách của vua cha Thiệu Trị và của vua ông Minh Mệnh và có khuynh hướng bảo
thủ. Điều này dễ hiểu cho ông xét theo quan niệm phụ tử, vua tôi ngày xưa. Từ
khi người Pháp tiến công Nam Kỳ, vua Tự Đức bắt đầu ngả về canh tân. Vua ngày
càng chú ý các ý kiến của Nguyễn Trường Tộ, có lẽ do thời cuộc biến chuyển giống
như Nguyễn Trường Tộ tiên đoán, và cũng do Trần Tiễn Thành nhiệt thành tiến cử.
Sau khi tiếp kiến và bàn luận sâu sắc với Nguyễn Trường Tộ, nhà vua ủng hộ ý kiến
của Nguyễn Trường Tộ. Mình nên biết quý nhà vua đổi từ bảo thủ sang canh tân chỉ
trong vòng vài năm. Tuy nhiên các ý kiến của Nguyễn Trường Tộ bị đinh thần và
Cơ Mật Viện hoặc bác bỏ, hoặc làm chậm trễ.
Trong số các đại thần nghiêng về canh tân, ông
Trần Tiễn Thành rất ủng hộ Nguyễn Trường Tộ. Sau khi Nguyễn Trường Tộ mất, vua
Tự Đức yêu cầu Trần Tiễn Thành sưu tầm tất cả các trước tác của Nguyễn Trường Tộ
cho hậu thế được đọc, biết đâu kiến giải được điều hay.
Trước khi mất, vua Tự Đức bổ nhậm Trần Tiễn
Thành làm đệ nhất Phụ chánh đại thần. Việc này cho thấy nhà vua có chí canh tân
cho tới lúc sắp mất.
Vài tháng sau khi nhà vua mất, Trần Tiễn Thành
bị Tôn Thất Thuyết giết chết.
MẤY CÂU VỀ QUAN NIỆM ĐỌC SỬ CỦA BÁC HÃN
- Cháu có đọc những bài nói Trần Tiễn Thành
theo Pháp nên bị Tôn Thất Thuyết giết ?
- Mình đọc sử cần dùng trí suy xét. Trọn
đời làm quan ông Trần Tiễn Thành dâng nhiều sớ về canh tân và đối phó mềm dẻo với
Pháp để giữ đất. Đọc các tờ sớ của ông thấy thương ông. So với ông Tôn Thất
Thuyết, ông Trần Tiễn Thành làm việc cẩn mật hơn, nhìn xa hơn.
Mà, triều đình thủ cựu cũng có nguồn gốc dân mình thủ
cựu. Thủ cựu thì chậm tiến. Tới sau này, khi chép sử, phần lớn các nhà sử học vẫn
chép đời Nguyễn có các vị quan yêu nước như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Thời
trẻ bác cũng nhìn như vậy. Sau này bác tự hỏi nếu chánh trị thời đó mà thuộc về
Phan Thanh Giản rồi Trần Tiễn Thành tiếp theo, nước mình có thuộc Pháp không ?
Nước mình có canh tân kịp không ?
Xin mở ngoặc bác Hãn ngưỡng mộ tinh thần cầm
quân chống giặc của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, nhưng cuộc nói chuyện này tập
trung vào khía cạnh canh tân !
Triều đình, chứ không phải vua Tự Đức, không chịu
canh tân, và Phan Thanh Giản phải gánh trọng trách bảo toàn đất Nam Kỳ khi vận
nước quá yếu ớt trước thế lực xâm lăng. Việc này quá sức ông. Phan Thanh Giản để
mất Nam Kỳ và tự tử sau khi Vĩnh Long thất thủ khiến vua Tự Đức càng cô độc trước
phe chủ chiến !
Trí suy xét còn cần hơn khi đọc sử Việt, nhà chép sử
chép theo suy luận nhiều hơn theo sự kiện ! Chưa đủ sự kiện đã suy luận nên
gieo nhiều lầm lạc, phân vân cho đời sau !
16 tháng 9 năm 2021
Lê Học Lãnh Vân
No comments:
Post a Comment