Thursday, October 14, 2021

GIỚI HẠN CỦA CUỘC ĐỐI ĐẦU TRUNG - MỸ TRÊN HỒ SƠ ĐÀI LOAN (Anh Vũ - RFI)

 


Giới hạn của cuộc đối đầu Trung-Mỹ trên hồ sơ Đài Loan

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 13/10/2021 - 16:12

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20211013-gi%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A1n-c%E1%BB%A7a-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%91i-%C4%91%E1%BA%A7u-trung-m%E1%BB%B9-tr%C3%AAn-h%E1%BB%93-s%C6%A1-%C4%91%C3%A0i-loan

 

Những căng thẳng gia tăng xung quanh số phận của Đài Loan đang đặt Trung Quốc và  Hoa Kỳ trước sự lựa chọn khá tế nhị : Duy trì áp lực với nhau đến mức nào để không dẫn đến xung đột giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu của thế giới ?

 

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trong suốt thời gian qua đối đầu căng thẳng với nhau trong đủ các hồ sơ, trong số đó có vấn đề Đài Loan khiến nhiều người lo ngại có thể dẫn tới xung đột quân sự lớn.

 

Vẫn coi đảo Đài Loan như một tỉnh ly khai, Trung Quốc thường xuyên đe dọa sử dụng vũ lực mỗi khi Đài Bắc có dấu hiệu, chưa cần phải có tuyên bố độc lập. Đợt xâm nhập ồ ạt của không quân Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan những ngày đầu tháng 10 vừa qua là một ví dụ mới nhất. 

 

Bà Oriana Skylar Mastro, nhà nghiên cứu thuộc cơ quan tư vấn Mỹ American Enterprise Institute giải thích với AFP hành động của Bắc Kinh « là để nói với Đài Loan rằng không ai có thể đến cứu được họ »  và Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ quyết tâm thống nhất Đài Loan, cho dù hòn đảo đã có chính phủ riêng từ năm 1949, chỉ 10 ngày sau khi chế độ Cộng Sản tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

 

Tuy nhiên giới quan sát nhận thấy những hành động thị uy sức mạnh của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan vẫn chỉ mang ý nghĩa cảnh cáo, chưa phải đã là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.  Đồng thời đó cũng là hành động thử nắn gân xem những nước đồng minh của Đài Loan phản ứng ra sao.

 

Bởi vì gần đây, mặt trận chống Trung Quốc với sự dẫn dắt của Hoa Kỳ đang trở nên sôi động hơn và Đài Loan cũng trở thành một mảnh ghép trong bức tranh chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Ngoài Washington, các đồng minh của Hoa Kỳ cũng liên tiếp tỏ lập trường ủng hộ Đài Loan, khiến cho Bắc Kinh không khỏi tức tối khó chịu.

 

Dù không ít lần các quan chức của Bắc Kinh tuyên bố rằng vấn đề Đài Loan là của người Trung Quốc, Bắc Kinh không có gì để thương lượng … Nhưng, theo AFP, trong cuộc đối thoại mới đây tại Thụy Sĩ tuần qua giữa ông Jake Sullivan  cố vấn an ninh của tổng thống Joe Biden và lãnh đạo ngoại giao cao cấp của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, hai bên đã bàn đến vấn đề Đài Loan. Điều này cho thấy cả hai bên đều không muốn đầy vấn đề Đài Loan đi ngoài tầm kiểm soát.

 

Trả lời câu hỏi của BBC rằng liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo vệ đảo Đài Loan hay không,  cố vấn An Ninh Mỹ trả lời : « Chúng tôi sẽ hành động ngay bây giờ để cố gắng làm sao điều đó không bao giờ là cần thiết ». 

 

Mỹ có thể tiếp tục  bán vũ khí hay huấn luyện cho quân đội Đài Loan như thông tin được một quan chức Quốc Phòng Mỹ tiết lộ với AFP gần đây, nhưng thừa nhận một quy chế ngoại giao nào đó với Đài Loan là điều khó có thể xảy ra.

 

Khi những căng thẳng trong eo biển Đài Loan bị đẩy lên cao độ, hôm 06/10, hãng tin Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay ông đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan và hai bên đồng ý tuân thủ « thỏa thuận Đài Loan »  năm 1979.

 

Đó là cam kết đã được luật hóa ở Mỹ, theo đó cho phép duy trì các mối quan hệ văn hóa, thương mại và những mối quan hệ không chính thức khác giữa Mỹ và Đài Loan, sau khi Mỹ chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Đạo luật liên quan đó cho phép Mỹ cung cấp vũ khí mang tính phòng thủ cho Đài Loan, nhưng không nói rõ Mỹ sẽ chiến đấu để bảo vệ hòn đảo.

 

Trong một sự kiện mới đây ở Bắc Kinh, chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu « thống nhất » Đài Loan  nhưng trong « hòa bình ». Thông điệp được giới quan sát đánh giá là có chừng mực và thực tế, khác với những tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực quân sự  của ông trước đây  không lâu.

 

Giới quan sát có thể dễ dàng nhận thấy trong hồ sơ Đài Loan, Mỹ, Trung không giống nhau về mục tiêu nhưng có điểm chung về hành động theo kiểu «  mềm nắn, rắn buông ». Bởi cả hai đều đang cố tìm một sự cân bằng để không đẩy sự việc đi quá xa.

 

                                                                           ***

Các nội dung liên quan

.

Đài Loan tố cáo Trung Quốc hiếu chiến sau vụ xâm nhập của 77 phi cơ quân sự

.

Mỹ cân nhắc dùng tên Đài Loan cho "Văn phòng đại diện Đài Bắc" ở Washington

.

Đài Loan, bài toán nan giải của Hoa Kỳ




No comments: