Sunday, October 10, 2021

COVID và KINH TẾ VIỆT NAM : KHI 'GIAI CẤP TIÊN PHONG' BỎ CHẠY (T.K.Tran - BBC News Tiếng Việt)

 


NỘI DUNG :

 

Covid và kinh tế VN : Khi 'giai cấp tiên phong' bỏ chạy

T.K. Tran  -  BBC News Tiếng Việt  

.

VÔ SẢN THỜI COVID   

Lâm Bình Duy Nhiên

.

==============================================

.

.

VÔ SẢN THỜI COVID   

Lâm Bình Duy Nhiên

10/10/2021  04:54    

https://www.facebook.com/duynhienlambinh/posts/10226127987283243

 

Câu chuyện của anh Phạm Văn Hùng cùng vợ và 15 con chó “tháo chạy” từ Long An về quê Cà Mau, đã mang lại sự cảm động nơi nhiều người.

 

Nhưng điều khiến chúng ta căm phẫn chính là đàn chó của vợ chồng anh đã bị cơ quan chức năng “thủ tiêu” vì lý do chúng bị “dương tính bởi một loại virus nào đó“!

 

Ai tin vào khả năng và kiến thức của các nhân viên y tế cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh này?

 

Từ giết thú đến sát hại con người, con đường tội lỗi chẳng bao xa…

 

Dẫu sự thật ra sao thì đó cũng là một hành động tàn nhẫn của một chính quyền tàn bạo, từ mọi cấp độ, trong cách hành xử và đối phó với nguy hiểm.

 

Người dân nghèo khó vì cách phòng chống dịch của chính quyền nên tìm đường bỏ về quê. Gia tài họ vỏn vẹn gói trọn trong những gói đồ hay những con vật thân thương. Tất cả cũng chẳng còn gì sau muôn vàn khó khăn, vất vả!

 

Giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt nhưng không hề đưa ra một giải pháp nhân văn nào để trợ giúp người dân, nhất là giới lao động nghèo và các hãng xưởng. Bỏ mặt họ trong túng quẫn, đói khổ và căng thẳng về tâm lý chỉ nhằm chống dịch sao cho “hiệu quả” để lấy tiếng với cộng đồng quốc tế. Rất nhiều điều phi lý và nực cười trong những quyết định và chỉ thị phòng chống dịch của nhà nước. Chính quyền dường như không muốn nhìn thấy những bài học của thế giới sau hơn một năm bị Covid hoành hành!

 

Khi người dân chưa được tiêm vắc-xin một cách kịp thời và chỉ nhận được đôi bao mì gói, ít chai nước tương, nước mắm hay vài ký gạo để “đồng lòng chống dịch” thì những kẻ giàu có, quyền thế vẫn được ưu tiên chăm lo và tiếp tục sống trong nhung lụa. Đó chính là tột đỉnh của sự bất công!

Tựu trung chỉ có dân nghèo đã phải trả giá quá đắt cho cách chống dịch cực đoan, bảo thủ và tàn nhẫn của chế độ.

 

Giai cấp lao động, vô sản đã góp phần xương máu để giúp người cộng sản nắm quyền. Họ vẫn là con cờ của chế độ trong sự tuyên truyền giáo điều về “sứ mệnh và vai trò lịch sử” của họ trong “công cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản”.

 

Thực tế thì họ đã bị bỏ mặc vào lãng quên bởi kẻ cầm quyền. “Sống chết mặc bay”, giới cầm quyền tha hồ làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của người nghèo! “Cuộc cách mạng vô sản” đã tạo nên một giai cấp tư sản khác, tàn nhẫn hơn, bóc lột hơn, đó chính là “giai cấp tư sản – mafia đỏ”. Những nhóm lợi ích, quan chức và thân đảng, tha hồ làm giàu một cách bất chính. Chính họ đã gây nên sự bất công giữa các tầng lớp trong xã hội. Thao túng quyền lực, kinh tế và tài chính nhằm làm giàu cho cá nhân, gia đình, tập đoàn và cho đảng mới chính là “sứ mệnh lịch sử” của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

 

Một cuộc cách mạng đẫm máu và dối trá mà nạn nhân chỉ là người nghèo, thấp cổ bé họng.

Vô sản muôn đời vẫn “vô sản”! Khốn nạn thay!

 

Covid 19 đã phơi bày, một lần nữa, bản chất thật, thú tính của chính quyền.

 

.

Ảnh: BBC tiếng Việt.

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10226127988603276&set=pcb.10226127987283243

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10226127988843282&set=pcb.10226127987283243

 

.

========================================

.

.

Covid và kinh tế VN : Khi 'giai cấp tiên phong' bỏ chạy

T.K. Tran

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Stuttgart, Đức

10/10/2021

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-58862468

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/156E2/production/_120887778_243100702_253493560036981_723783964408121061_n.jpg Người dân chạy về miền Bắc tạm dừng chân ở đèo Hải Vân tối 06/10

 

Ngày 4/10, trong dịp ông Kushida Fumio được bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện văn chúc mừng, đồng thời Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: "Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kishida Fumio, đất nước Nhật Bản tiếp tục phát triển phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc."

 

Văn từ không nhắc tới lý do vì sao ông Fumio lại trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản, nhưng ai cũng biết rằng, lý do chính là người tiền nhiệm Yoshihide Suga đã phải ra đi vì thất bại trong nỗ lực chống nạn dịch Covid-19.

 

Covid: Người dân chờ vượt đèo Hải Vân trong đêm đen

Covid: Bỏ đi hay ở lại đều là quyền thiêng liêng

 

"Trông người lại ngẫm đến ta." Không rõ Thủ tướng Phạm Minh Chính hay lãnh đạo nào khác có dám noi gương của ông Suga vì khả năng phục hồi của Việt Nam trong nạn dịch Covid-19 bị đánh giá là tệ vào hàng nhất thế giới (theo một xếp hạng của Nikkei Asia Review) sau nhiều tháng dùng những biện pháp được xem là hà khắc nhất.

 

Cũng chính phủ hiện nay ở Việt Nam đặt ra chính sách quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu địa phương "nếu để xảy ra dịch bệnh", nhưng Trung ương thì có trách nhiệm gì không?

 

 

Người lao động chịu hậu quả của chính sách

 

Dịch Covid xảy ra ở trên toàn thế giới và người dân mọi nơi đều gặp khó khăn, nhưng xem ra người lao động Việt Nam đã và đang tiếp tục gánh chịu hậu quả của những chính sách chống dịch mà Nhà nước ban hành.

 

Trong thảm kịch dịch Covid-19 thì ngày 1/10 đánh dấu một cột mốc mới, minh chứng sự thất bại của chính sách hỗ trợ nửa vời của chính phủ. Chính sách hỗ trợ này hoặc không đủ, hoặc không đến tay người dân để có thể giữ chân những người lao động ở lại thành phố, ở lại xí nghiệp.

 

Khi lệnh giãn cách xã hội được dần gỡ bỏ ở TP HCM vào ngày 1/10 người ta thấy hàng trăm ngàn người lao động lại lên đường tìm cách rời bỏ các khu công nghiệp quanh Sài Gòn. Nếu họ may mắn được nằm trong diện đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp thì số tiền cứu trợ ít ỏi mà họ nhận được không đủ để trang trải cuộc sống.

 

Vì không còn tiền tiết kiệm, không có thực phẩm ăn mỗi ngày và cũng không kham nổi tiền thuê phòng trọ sau nhiều tháng thất nghiệp, bị giam lỏng tại nhà, thì "về quê" đối với họ là chọn lựa "chẳng đặng đừng".

 

Một tầng lớp vô sản bần cùng gồm nhiều triệu người đã thực sự thành hình.

 

Ta hãy xem chính sách bất nhất "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" của nhà nước làm tình hình thêm rối rắm ra sao.

 

Ngày 1/10, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải ký công điện gửi các tỉnh phía Nam yêu cầu kiểm soát và phục vụ tốt người dân có nhu cầu về quê.

 

Thế nhưng, tỉnh An Giang, sau cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh Ủy vào tối cùng ngày, giữ vững quan điểm là không tiếp nhận người về quê theo đường "tự phát".

 

Chủ tịch UBND, ông Nguyễn Thanh Bình nói rằng còn có nơi dịch diễn biến phức tạp và các khu tiếp nhận cách ly tập trung đã đầy.

 

"Điều này đã đặt An Giang vào tình thế là không thể tiếp nhận người dân về trong thời gian tới," ông được báo Lao Động dẫn lời.

 

Ngày 5/10 cũng ông Nguyễn Thanh Bình lại nói ngược lại là thông tin "An Giang cấm cửa, không cho công dân về quê" là do các thế lực thù địch xuyên tạc.

 

Tại tỉnh Sóc Trăng, số người trở về lên tới trên 24.000 người trong vài ngày, vượt quá khả năng cách ly, điều trị của tỉnh.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/13DB0/production/_120882318_243980352_567549481229227_5142770141998826954_n.png Trẻ em trong thảm cảnh 'tháo chạy về quê'

 

Ngày 3/10, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng gửi văn bản lên Thủ tướng kiến nghị phải siết chặt kiểm soát, không để người dân tự ý ra khỏi TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... trong thời gian 15 ngày để các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long có thì giờ sửa soạn, tổ chức.

 

Thế là sau phản ứng của các tỉnh, Thủ tướng lại ra lệnh kiểm soát chặt người ra vào các tỉnh thành, cố gắng vận động tuyên truyền để giữ chân người lao động ở lại, theo trang Người Lao Động.

 

Gần đây nhất, Thủ tướng Việt Nam lại nói quyền về quê là chính đáng và yêu cầu các tỉnh thành "trợ giúp người dân về quê".

 

Sự lúng túng trong cách đối phó với tình huống dịch bệnh trong các cấp nhà nước đã thật sự rõ nét. Những ai phải gánh chịu hậu quả của những chính sách bất nhất ấy? Đó không những là hàng triệu người công nhân cùng khổ mà cả các doanh nghiệp cũng khốn đốn.

 

Ngày 2/10 trong buổi họp với đoàn Đại Biểu Quốc hội TP HCM, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM phải kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương công bố công khai chiến lược phòng chống dịch để doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu sản xuất phù hợp với điều hành của Chính phủ và địa phương.

 

Vậy những người bị cấm đi là ai?

 

Họ là giai cấp công nhân, "lực lượng tiên phong của cách mạng, luôn đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH", theo trích dẫn một bài báo chính thống với nội dung sáo rỗng ca tụng người công nhân như trăm ngàn bài báo khác của nhà nước.

 

Thế nhưng, coi vậy mà không phải vậy. Nhà nước không hề coi trọng vị thế người lao động trong các chính sách. Bằng chứng là trong văn bản 3355QĐ/BYT của bộ Y tế ký vào tháng 7.2021 về 16 đối tượng ưu tiên được chích ngừa Covid-19 thì người lao động tại các xí nghiệp được xếp hạng 13, người lao động tự do xếp hạng 15.

 

Trong khi đó quân đội, công an bảo vệ chế độ được xếp ưu tiên 3, 4, chỉ sau lực lượng y tế, chống dịch.

 

 

Giai cấp công nhân rơi vào cảnh khốn cùng

 

Các chính sách kinh tế chỉ chú trọng tới việc hấp dẫn giới đầu tư, đã ấn định mức lương tối thiểu cực thấp so với mặt bằng cuộc sống.

 

Chính sách này buộc người công nhân phải làm tăng ca thường xuyên, đầu tắt mặt tối, phải sống trong những điều kiện tạm bợ.

 

Đó không phải là chính sách đãi ngộ xứng đáng cho giai cấp công nhân "tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chế độ Chủ nghĩa Xã hội".

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3BA2/production/_120866251_whatsubject.jpg

Trạm kiểm soát số 5 đặt dưới chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) đón hàng trăm người dân vào khai báo y tế lúc 17h ngày 4/10

 

Trận đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ rõ ràng sự thật về đời sống khốn khó của người lao động Việt Nam và những yếu kém trong cách ứng phó với tình thế của chính quyền do Đảng Cộng sản làm chủ.

 

"Tính ưu việt" của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước vẫn nói nay nằm ở đâu?

 

Niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước bị động, xoay như chóng chóng và trái ngược nhau từ trung ương tới địa phương có còn không?

 

Người công nhân Việt Nam, thường ngày được bộ máy tuyên truyền đề cao là "giai cấp lãnh đạo, là lực lượng sản xuất cơ bản của nền công nghiệp hiện đại", nay phải bỏ xí nghiệp chạy trở về thôn quê. Những nhà máy không công nhân điều hành thì "nền công nghiệp hiện đại" sắp đi về đâu?

 

Không cần phải là nhà tiên tri, ta cũng có thể hình dung được tương lai ảm đạm của một nền kinh tế mong manh, chủ yếu dựa trên sức lao động bán rẻ của người dân từ vùng quê .

 

Vấn đề mấu chốt ở đây là hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam mà như chính họ thừa nhận, đang có đầy các vấn nạn tham nhũng, cửa quyền, có dám thừa nhận một bộ phận nhân dân đã quay lưng lại họ, bỏ chạy về quê, để rút ra kết luận xác đáng cho tầng lớp cầm quyền?

 

Cùng với nền kinh tế đang bị xáo trộn, tương lai đất nước sắp tới đang bị đặt trước các câu hỏi rất lớn.

 

---------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông T.K. Tran, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn, hiện sống tại Stuttgart, CHLB Đức.

 

                                                            ****

TIN LIÊN QUAN

.

Việt Nam: ‘Tứ trụ’ phải rõ ràng về quyết sách kinh tế

10 tháng 10 năm 2021

.

Covid: Bỏ đi hay ở lại đều là quyền thiêng liêng của dân VN

7 tháng 10 năm 2021

.

Covid: Người dân chờ đợi vượt đèo Hải Vân về quê trong mưa gió

6 tháng 10 năm 2021




No comments: