Thursday, October 14, 2021

CHẾT SỚM VÌ NHỰA DẺO (Lương Thái Sỹ)

 


Chết sớm vì nhựa dẻo

Lương Thái Sỹ
13 tháng 10, 2021

https://saigonnhonews.com/doi-song/chet-som-vi-nhua-deo/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/13-chet-som-vi-nhua-deo-1024x683.jpg

Các hóa chất tổng hợp (phthalate) được tìm thấy trong hàng trăm sản phẩm tiêu dùng, trong đó có hộp nhựa đựng thức ăn. Minh họa: Unsplash

 

Các hóa chất tổng hợp gọi là phthalate có trong nhiều sản phẩm tiêu dùng được xem là có liên quan đến những cái chết sớm – Kết quả nghiên cứu mới được công bố vào ngày 12 Tháng Mười trên tạp chí Environmental Pollution.

 

Củng cố tác hại của nhựa dẻo

 

Các hóa chất tổng hợp (phthalate) được tìm thấy trong hàng trăm sản phẩm tiêu dùng, từ hộp xốp đựng thức ăn, bình đựng dầu gội đầu đến hộp trang điểm, lọ nước hoa và đồ chơi trẻ em, có thể gây ra khoảng 91,000 đến 107,000 ca tử vong sớm mỗi năm ở thành phần dân số từ 55 đến 64 tuổi tại Mỹ.

 

Các nhà nghiên cứu đo nồng độ phthalate trong nước tiểu của hơn 5,000 người lớn trong độ tuổi từ 55 đến 64 và so sánh nguy cơ tử vong sớm trong trung bình 10 năm. Kết quả cho thấy, những người bị nhiễm hàm lượng phthalate cao nhất dễ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào, so với những người khác, đặc biệt là chết vì bệnh tim mạch. Điều này (tử vong sớm) khiến nước Mỹ có thể thiệt hại từ $40 tỷ đến $47 tỷ mỗi năm do lực lượng lao động và năng suất lao động giảm- theo Tiến sĩ Leonardo Trasande, Giáo sư nhi khoa, y học môi trường và sức khỏe dân số tại NYU Langone Health ở New York City, người chủ trì nghiên cứu.

 

Ông cho biết thêm, nghiên cứu này sẽ bổ sung vào cơ sở dữ liệu ngày càng nhiều về tác hại của các hoá chất dẻo tổng hợp đối với cơ thể con người, đồng thời tăng cường ý thức về bảo vệ sức khỏe cộng đồng và doanh nghiệp bằng cách giảm dần và tiến đến loại bỏ sử dụng nhựa dẻo.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/13-chet-som-vi-nhua-deo-1-Unsplash-1-rotated.jpg

Những hộp đựng đồ trang điểm cũng có chứa chất độc hại. Minh họa: Unsplash

 

 

Ý kiến phản bác

 

Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia, các phthalate can thiệp sâu vào cơ chế sản xuất hormone của cơ thể, tức hệ nội tiết, ảnh hưởng đến phát triển, sinh sản, não, miễn dịch và các vấn đề khác. Chỉ cần sự gián đoạn nội tiết tố nhỏ cũng có thể gây ra những tác hại sinh học và phát triển đáng kể. Những nghiên cứu trước đây từng cảnh báo phthalate có liên quan đến dị tật bộ phận sinh dục, tinh hoàn yếu ở con trai, lượng tinh trùng và nồng độ testosterone thấp hơn ở nam giới trưởng thành. Một số nghiên cứu khác cũng liên kết phthalate với bệnh béo phì ở trẻ em, hen suyễn, các vấn đề tim mạch và ung thư.

 

Tiến sĩ Trasande từng là Giám đốc Trung tâm Điều tra các Mối nguy Môi trường của NYU Langone, nhấn mạnh thêm: “Bằng chứng về sự nguy hiểm của những hóa chất nhựa độc hại được thể hiện giống một tờ nhạc rap. Điều đáng quan tâm ở đây là khi bạn xem xét kỹ toàn bộ những gì ghi trên đó, bạn sẽ thấy lắm thứ rất đáng lo ngại và ám ảnh”.

 

Tuy nhiên, Hội Hóa học Mỹ (ACC)- đại diện cho các ngành công nghiệp hóa chất, nhựa và clo, đã phản biện lại phát hiện của nghiên cứu mới. “Phần lớn nội dung báo cáo của Trasande và cộng sự không tách bạch và thiếu chính xác,” Eileen Conneely, Giám đốc cấp cao về sản phẩm hóa chất và công nghệ của ACC phản bác. “Ví dụ nghiên cứu đã gộp tất cả các phthalate vào một nhóm thay vì riêng rẽ từng phthalate và cũng không nhắc đến việc ngành công nghiệp xem các phthalate trọng lượng phân tử cao (high molecular weight phthalates) như DINP và DIDP là ít độc hơn các phthalate khác. Nghiên cứu cũng bỏ qua hoặc xem nhẹ các kết luận trước đó của các cơ quan có thẩm quyền, dựa trên cơ sở khoa học về sự an toàn của phthalate trọng lượng phân tử cao”.

 

 

Trẻ em dễ bị nhiễm độc hại

 

Phthalate rất phổ biến trong các sản phẩm tiêu dùng quen thuộc như ống nước PVC, sàn vinyl, áo mưa, sản phẩm chống bẩn, ống tiêm y tế, vòi nước làm vườn và một số đồ chơi trẻ em. Con người tiếp cận với chúng thường xuyên nên nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Phơi nhiễm phthalate cũng đến từ bao bì thực phẩm, chất tẩy rửa, quần áo, đồ nội thất và các thành phần nhựa của xe hơi. Ngoài ra phthalate còn có trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu, xà phòng, keo xịt tóc và trong nước hoa để làm cho nó thơm lâu hơn.

 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), con người sẽ bị phơi nhiễm khi hít thở không khí bị nhiễm phthalate hoặc ăn hoặc uống thực phẩm tiếp xúc với nhựa chứa phthalate. CDC cảnh báo: “Trẻ nhỏ khi bò thường chạm vào nhiều thứ, sau đó đưa tay vào miệng, tức là đưa bụi dính hạt phthalate vào cơ thể. Vì vậy, nguy cơ phơi nhiễm ở trẻ em luôn lớn hơn người lớn”.

 

Tuy nhiên, Trasande không khẳng định nghiên cứu này là cuối cùng, là tuyệt đối đúng, mà chỉ là một bức ảnh chụp nhanh vào thời điểm này và cần kiểm chứng thêm. Để tìm hiểu chính xác cách phthalate ảnh hưởng đến cơ thể cần phải có một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên. Một nghiên cứu như thế sẽ không bao giờ thực hiện được, vì xét về mặt đạo đức chúng ta không thể chọn ngẫu nhiên đối tượng thử nghiệm rồi cho họ phơi nhiễm với các hóa chất độc hại tiềm tàng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/10/13-chet-som-vi-nhua-deo-1-Unsplash-2-1024x683.jpg

Trẻ nhỏ chạm vào nhiều thứ, sau đó đưa tay vào miệng, tức là đưa bụi dính hạt phthalate vào cơ thể. Minh họa: Unsplash

 

 

Phòng ngừa là chính

 

Trasande khuyên người tiêu dùng nên giảm thiểu tiếp xúc với phthalate và các chất gây rối loạn nội tiết khác như BPA (vẫn tìm thấy trong lớp lót của đồ hộp và hóa đơn giấy). “Hãy tránh đồ nhựa càng nhiều càng tốt, ông nói. “Đừng bao giờ cho hộp nhựa vào lò vi sóng hoặc máy rửa chén, nơi nhiệt có thể phá vỡ lớp lót để chúng nhiễm vào đồ ăn dễ hơn. Tự nấu ăn ở nhà và giảm sử dụng thực phẩm chế biến sẵn cũng giúp kéo giảm mức độ phơi nhiễm hóa chất tiếp xúc.”

 

Một số lưu ý khác nhằm giữ an toàn cho bạn và gia đình trước hoá chất độc hại: Sử dụng sữa tắm và bột giặt không mùi. Chỉ dùng các vật dụng làm sạch không có mùi hương. Dùng hộp thủy tinh, thép không gỉ, gốm hoặc gỗ để đựng và bảo quản thực phẩm. Mua trái cây và rau tươi hoặc đông lạnh thay vì đồ đóng hộp và chế biến sẵn. Nên rửa tay thường xuyên để loại bỏ hóa chất bám trên tay. Tránh dùng các chất làm mát không khí và tất cả các loại nhựa gắn nhãn số 3, số 6 và số 7.

 

--------

 

Đọc thêm:

 

-Những điều cần biết về thành phần dầu gội đầu

 

-Nhang thơm độc hơn khói thuốc lá

 

-“Bác sĩ triệu view” với những mẹo vặt cho sức khỏe

 




No comments: