https://www.facebook.com/100023791571752/posts/1045752726227770/
Sau hoà bình 1954, cán bộ đảng viên Miền Nam
ra Bắc tập kết rất đông. Trong đó có nhiều nhân vật trí thức nổi tiếng. Một
hôm, tướng Lê Hữu Qua về nhà chơi, nói với ông bố tôi: Mấy ông miền Nam trực
tính quá. Chuyến này ông Bảy Trân gặp nạn rồi!
Bảy Trân là Nguyễn Văn Trân, thời kháng chiến
chống Pháp từng làm chủ tịch tỉnh Bà Chợ (tức Bà Rịa - Chợ Lớn), từng là đảng
viên cộng sản Pháp, được đảng cộng sản Pháp cử đi học trường đảng cao cấp ở
Liên Xô, cùng học với Trần Phú, Lê Hồng Phong, Bùi Công Trừng, Hà Huy Tập,
Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu . . . những người khai sinh ra đảng cộng sản Việt
Nam
Tướng Qua kể tiếp, khi đến trường Nguyễn Ái Quốc
giảng bài, ông Trường Chinh giảng rằng, tổ chức Thanh niên Tiền phong ở Nam Bộ
là của Nhật, là tổ chức phản động. Bảy Trân đứng ngay lên nói: Chính tôi cử Trần
Văn Giàu đi gặp Phạm Ngọc Thạch thành lập Thanh niên Tiền phong, cái vỏ bên
ngoài là của Nhật, cái ruột bên trong là của ta… Đồng chí không biết tình hình
Nam Bộ lúc đó thì đừng nói!
Mấy tháng sau khi cãi Trường Chinh, học viên
trường Nguyễn Ái Quốc Nguyễn Văn Trân, người được dự kiến sẽ vô trung ương rồi
đi làm Đại sứ Việt Nam ở Liên Xô liền nhận quyết định về hưu ở tuổi ngoài 50.
Một lần khác, tướng Qua về nhà tôi chơi lại
nói với ông bố tôi: Lại một ông Nam Bộ nữa thẳng thắn, chuyến này nhất định sẽ
mang hoạ vào thân!
Ông bố tôi hỏi ông em ruột: Lại chuyện gì nữa
thế? Tướng Qua kể: Tại Hội nghị trung ương mở rộng vừa qua, ông Dương Bạch Mai
đã cả gan nói: Mao Trạch Đông là thổ phỉ, không thể tin lời một tay thổ phỉ nói
được!
Ít lâu sau, Dương Bạch Mai chết đột ngột ngay
tại phiên họp Quốc hội sau khi uống một ly nước do một cán bộ đưa cho. Khi xe cấp
cứu đến, bác sỹ Tôn Thất Tùng nhảy lên xe định đi theo để cố cứu sống một người
cộng sản tiền bối, nhưng bị gạt lại, với một câu nói lạnh tanh: Không phải việc
của đồng chí!
Sau ngày thống nhất đất nước, Thủ tướng Phạm
Văn Đồng vô Tiền Giang, Thủ tướng phê phán Tiền Giang đã mua bán phân bón với
Cà Mau trong lúc chủ trương là ngăn sông cấm chợ (!). Chủ tịch Tiền Giang lúc
đó là ông Nguyễn Văn Bình quê ở Cai Lậy đã thẳng thắn trả lời: Tỉnh chúng tôi
thâm canh lúa cần phân, tỉnh Cà Mau nuôi tôm là chính không cần phân. Trung
ương lại phân bổ phân bón theo đầu tỉnh. Cà Mau thừa phân, chúng tôi lại vô
cùng thiếu phân, nên Cà Mau bán, chúng tôi mua. Nếu còn phân phối phân bón theo
kiểu này chúng tôi vẫn cứ tiếp tục mua!
Tính khí người Nam Bộ là thế, bộc trực, thẳng
thắn, cởi mở.
Nhưng bây giờ thì có khác. Khi tôi làm phóng
viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng bằng Sông Cửu Long nhiều năm, tỉnh Bến Tre
họp hội nghị khoa học nào tôi cũng dự. Nhưng những lần họp sau tôi không thấy
giáo sư Đào Công Tiến, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí
Minh về dự. Gặp ông ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi hỏi: Sao lâu nay không thấy
anh về Bến Tre dự hội nghị khoa học? Giáo sư Tiến rầu rầu nói: Tao là dân Bến
Tre, người Bến Tre tao nổi tiếng là kiên cường, thẳng thắn nhưng bây giờ thì
nhu nhược lắm! Đi họp trung ương không ai dám nói gì, sợ mất ghế! Khoa học cũng
không ai dám nói thẳng thì tao về làm gì!
Rồi giáo sư Tiến kể cho tôi nghe sự tích về
“Ông già Ba Tri” với vẻ tự hào: Ông già Ba Tri bị bọn cường hào ác bá ở quê nó
hiếp đáp, cướp ruộng vườn của ổng. Ổng dám lội bộ từ huyện Ba Tri giáp biển của
tỉnh Bến Tre ra tận kinh đô Huế. Ông già này băng rừng lội suối đến được kinh
thành. Cảm kích trước sự kiên cường của dân Bến Tre, nhà vua đã mở phiên toà xử
thắng cho ông lão, nên mới có sự tích “Ông già Ba Tri” truyền tụng bao đời nay.
Nghe giáo sư Đào Công Tiến kể, tôi cảm thấy
bùi ngùi. Chế độ toàn trị không có tự do ngôn luận, không có tự do tư tưởng, muốn
tồn tại phải hèn, đã bào mòn ý chí, nhân cách của con người Việt Nam, cho dù là
người Việt ở vùng đất nổi tiếng xưa nay là trọng nghĩa khinh tài như đất Nam Bộ!
Nhưng thời thế tạo anh hùng, lúc lâm nguy vẫn
có những con người nghĩa khí dám đứng lên bảo vệ nhân dân, bảo vệ lẽ phải, chống
lại cường quyền. Người đó cũng là một “Chất Nam Bộ”. Đó là Đại tá Giám đốc Sở
Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi.
Trong khi Ban thường vụ tỉnh An Giang chỉ đạo
“không tiếp nhận người từ các tỉnh về quê theo đường tự phát” thì Đại tá Nơi
cương quyết chống lại lệnh này. Ông Chủ tịch An Giang “kêu công an, quân đội
xách súng đạn ra” cản dân. “Tôi không làm đó thì ổng làm gì tôi?!”. “Tôi ra lệnh
không cho thằng nào trấn áp dân”. “Đù… má thằng nào muốn ra đó làm thì giỏi làm
đi”! Những đoạn tôi viết trong dấu ngoặc kép là trích nguyên văn băng ghi âm Đại
tá Nơi nói chuyện với người tiền nhiệm. Chữ “ổng” được nhắc đến là chỉ ông Chủ
tịch tỉnh An Giang.
Những ngày tôi ở Cần Thơ, bị kẹt lại vì dịch
Covid, tôi được nghe dân chúng nói về Đại tá Nơi như một người anh hùng, như một
Lục Vân Tiên cứu người dân trong cơn hoạn nạn, trong khi các nhà lãnh đạo tỉnh
khác, việc đầu tiên họ lo là giữ ghế, sợ mất chức, bỏ mặc dân của quê mình!
Vậy là “Chất Nam Bộ” vẫn còn đó, ở ngay trong
hàng ngũ những quan chức cộng sản.
Viết đến đây, tôi nhớ đến một đoạn văn của
Nguyễn Văn Bổng: Đất nước ta càng về phương Nam càng là đất mới, đất lưu đày. Đất
của những người không có quyền sống ở những mảnh đất đã được khai phá, vì thế
càng là đất của những người nổi dậy. Miền Tây Nam Bộ là mảnh đất lưu đày và nổi
dậy cuối cùng của Tổ quốc. Con người đến đây là con người liều, ngang tàng
nghĩa khí, coi tính mạng nhẹ tựa lông hồng, coi tiền tài như rơm rác! Đối với họ
chỉ nghĩa khí là trọng.
Đại tá Đinh Văn Nơi còn ít tuổi hơn cả con
tôi. Vậy tôi không mừng sao được! Nhân dân không mừng sao được!
TP.HCM, 10.10.2021
.
No comments:
Post a Comment