Wednesday, October 13, 2021

CẤP CAO TRUNG - MỸ : VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ? (Hoàng Trường)

 


Cấp cao Trung – Mỹ: Việt Nam nên làm gì?   

Hoàng Trường

12/10/2021

https://www.voatiengviet.com/a/cap-cao-trung-my-vai-tro-viet-nam/6267308.html

 

https://gdb.voanews.com/AFC047DA-48C8-4B0D-86A1-E1D60B4B04F8_cx0_cy7_cw0_w650_r1_s.jpg

Nếu đơn thương độc mã, Việt Nam chẳng có trọng lượng đáng nể nào trong Thượng đỉnh Trung – Mỹ cuối năm.

 

Việt Nam đón nhận các thay đổi trong môi trường quốc tế và quốc nội đầy biến động hiện nay như thế nào? Nếu đơn thương độc mã, Việt Nam chẳng có trọng lượng đáng nể nào trong Thượng đỉnh Trung – Mỹ cuối năm. Nhưng nếu đặt vào thế trận AUKUS vừa ra đời và một FOIP cần nhiều động lực (không gian Indo-Pacific tự do và rộng mở), Cấp cao Mỹ – Trung có một số ý nghĩa đối với Việt Nam.

 

 

Một chuyên gia cao cấp tham gia chương trình “Đối thoại về hướng đi mới cho quan hệ an ninh Mỹ – Việt trong 25 năm tới” không muốn tiết lộ danh tính bày tỏ thái độ hoài nghi đối với Thượng đỉnh Mỹ – Trung cuối năm nay. Cựu viên chức ngoại giao này cho biết, từ nay đến đấy thời gian không còn nhiều nhưng biết bao sự kiện bất ngờ có thể xảy ra. Nội mỗi việc kết quả điều tra tai nạn tàu ngầm hạt nhân mới đây tại Biển Đông (tin này được công bố vào ngày 7/10) cũng là cả một vấn đề. Hoặc như tuyên bố mới đây của Cố vấn Quốc gia Jake Sullivan sau khi họp kín với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì, về các nỗ lực để “quản lý sự cạnh tranh khốc liệt”, sao cho bang giao không chuyển thành xung đột hay đối đầu. Từ trực tuyến, liệu hai nguyên thủ rồi sẽ gặp nhau trực tiếp? Hay bản thân cuộc trực tuyến cũng sẽ bị “treo giò”?

 

Một thượng đỉnh bất định

 

Quả thật, nhiều sự kiện khá “khốc liệt” mới nhất có thể ảnh hưởng đến cuộc thượng đỉnh Trung – Mỹ cuối năm. Chưa rõ, do ngẫu nhiên hay dàn dựng, nhưng tin tức đều được loan báo chỉ một ngày sau khi có thông báo về cuộc gặp Cấp cao giữa hai nguyên thủ. 

 

Thứ nhất, Mỹ bí mật huấn luyện quân đội Đài Loan. Ngày 7/10, tờ Wall Street Journal lần đầu tiên tung một tin “búa tạ”: Lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ đang bí mật huấn luyện các thành viên của quân đội Đài Loan, trong đó hơn 20 lính lực lượng đặc nhiệm đang huấn luyện phân đội nhỏ cho lục quân. Tờ The Economist ngày 8/10 bổ sung thêm, tính đến 30/6/2021, có khoảng 30 lính thủy đánh bộ, hải quân, không quân Mỹ đóng quân “thường trú” tại Đài Loan. The Economist còn cho hay, từ 2018, mỗi năm có khoảng 3.500 đến 4.000 quan chức Lầu Năm Góc thăm Đài Loan. Mỹ từng có nhiều dự án bán vũ khí cho Đài Loan, các vũ khí liên quan phải được huấn luyện để bảo quản và vận hành đúng cách. Đài Loan thỉnh thoảng cũng đưa tin quân đội Mỹ tới giúp Đài Loan huấn luyện.

 

Thứ hai, cũng đúng vào hôm 7/10, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố vừa cho thành lập Trung tâm Sứ mệnh Trung Quốc (CMC), sẽ có ảnh hưởng xuyên suốt mọi hoạt động của Cơ quan tình báo Mỹ. Giám đốc Giám đốc CIA William Burns nhấn mạnh mối đe dọa đến từ chính quyền Bắc Kinh chứ không phải người dân Trung Quốc. Thông qua đơn vị mới này, CIA sẽ có thể thống nhất mọi nỗ lực đang triển khai trong việc đối phó Trung Quốc. “CMC sẽ tăng cường hơn nữa nỗ lực chung của chúng ta nhằm đáp trả các mối đe dọa địa-chính trị quan trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21”, ông William Burns cho hay. Vậy là chỉ một ngày sau khi Washington và Bắc Kinh loan báo thượng đỉnh Mỹ – Trung có thể diễn ra vào cuối năm nay, các tờ báo lớn nhất ở Mỹ và phương Tây đã tiết lộ những thông tin “quả tạ” được cho là bất lợi đối với Tổng thống Biden và chuyện này có thể ảnh hưởng đến quá trình hòa giải giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

 

Thứ ba, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nhấn mạnh với BBC rằng, Mỹ "quan ngại sâu sắc" về những động thái gây phá hoại hòa bình trên eo biển Đài Loan. Ngày 7/10 tại Brussels, bình luận việc Trung Quốc điều số lượng kỷ lục máy bay phản lực quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong 4 ngày liên tiếp, như một cuộc phô trương lực lượng công khai, ông Sullivan nói với phóng viên: “Chúng tôi sẽ lên tiếng, cả kín tiếng lẫn công khai khi chúng tôi thấy các kiểu hoạt động gây mất ổn định về căn nguyên”. Khi được hỏi Mỹ có chuẩn bị hành động quân sự để bảo vệ Đài Loan, ông Sullivan đáp: “Chúng tôi sẽ triển khai hành động ngay bây giờ để không cho ngày ấy xảy ra” và khẳng định: "Mỹ có trách nhiệm làm việc với các đồng minh và đối tác để làm rõ quan điểm của chúng tôi, ủng hộ bạn bè và bảo vệ lợi ích của chúng tôi”.

 

Thứ tư, tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hôm 6/10 rằng, Mỹ sẽ cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc nếu cần. Phát biểu này được đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn ở New Delhi. Thứ trưởng Sherman được trích dẫn nguyên văn: “Chúng tôi sẽ cạnh tranh với Trung Quốc ở những nơi chúng tôi thấy nên làm, sẽ hợp tác với Trung Quốc nếu sự hợp tác ấy có lợi cho chúng tôi. Chúng tôi phải hành động như vậy khi Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự và sự quyết đoán trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

 

Ngay từ đầu, truyền thông Việt Nam từ mọi loại lề, đặc biệt là báo chí chính thống đã đưa tin kịp thời, đầy đủ và khách quan tin về Thượng đỉnh, tuy cho đến nay chưa thấy có bình luận. Các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hẳn rất quan tâm đến chi tiết: Biển Đông sẽ là một trong 4 vấn đề Trung Quốc nói với phía Mỹ tại Zürich là hoàn toàn thuộc công việc nội bộ của Trung Quốc (3 vấn đề còn lại là Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan). Trung Quốc không muốn Mỹ đặt những vấn đề này lên bàn thương lượng cuối năm. Hẳn nhiên, cũng như Mỹ đã nhiều lần tuyên bố, điều này là không thể, vì nó hoàn toàn trái với lập trường trước nay của Mỹ về vùng biển quốc tế liên quan đến các hoạt động tự do hàng hải theo Luật quốc tế (FONOP). Hướng giải quyết xung đột lợi ích này có liên quan sát sườn tới lợi ích của Việt Nam. Để đối phó với những bất định, có thể có thuận lợi nhưng cũng có thể có khó khăn, Việt Nam nên từ bỏ một số quan niệm sai lầm và gấp rút bắt tay hành động theo các hướng dưới đây.

 

 

Thay “tọa sơn…” bằng hành động

 

Thứ nhất, phải từ bỏ lập trường “tọa sơn quan hổ đấu”. Bởi sẽ rất tai hại khi nghĩ rằng, trong tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, Việt Nam có thể giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong cạnh tranh Trung – Mỹ. Quan điểm “trung lập” trong trường hợp này sở dĩ là sai lầm, bởi vì, sẽ không có bất cứ đối tác nào – dù là “toàn diện” như Mỹ, hay “chiến lược” như 6 nước trong cả hai “Bộ Tứ” (Nhật, Ấn, Úc, Pháp, Đức và Anh) – có thế thay thế Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh hải và lãnh thổ. Sứ mệnh ấy đặt trên vai quân và dân Việt Nam. Việt Nam không thể trung lập khi Trung Quốc gây hấn ngay trên sân nhà, thậm chí cướp giật ngay trong phòng ngủ của mình.

 

Thứ hai, không thể đánh đồng Mỹ với Trung Quốc. Ở Việt Nam, không phải không có quan niệm cho rằng, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều là nguồn gốc gây căng thẳng trên Biển Đông. Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, trong một lần phát biểu với báo giới, một mặt thừa nhận, những hành động của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Mặt khác, tướng Trung vẫn kết luận cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều gây ra sự bất ổn và căng thẳng trong vùng (?) Quan điểm chính thống không đến mức như thế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao mỗi khi phê phán hành động của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam, bắt đầu ghi nhận vai trò tích cực và xây dựng của Mỹ trong duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông.

 

Thứ ba, đừng bao giờ nghĩ rằng sự hội tụ chiến lược Việt – Mỹ tồn tại mãi mãi. Sự cộng hưởng chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam có thể còn kéo dài, đương nhiên. Bà Harris tuyên bố với báo giới trước khi rời Hà Nội: “Tôi tin chuyến thăm Việt Nam lần này báo hiệu sự khởi đầu của chương tiếp theo trong mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”. Nhưng kéo dài không có nghĩa là vĩnh viễn. Một khi quan hệ Mỹ – Trung đòi hỏi phải thỏa hiệp như nó đã từng thỏa hiệp trong lịch sử, thì cộng hưởng chiến lược Mỹ – Việt cũng sẽ thay đổi. Các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam chắc hẳn phải thấy trước nguy cơ ấy. Vì vậy, thời gian để thực hiện “Kế hoạch hành động” do hai Bộ Ngoại giao đề ra là hữu hạn, phải tranh thủ thời cơ có một không hai. Việt Nam phải thành một cường quốc tầm trung mới đủ sức tồn tại và phát triển trong không gian Indo-Pacific để có thể đáp ứng những thách thức hiện tại và tương lai, cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ trong liên khu vực.

 

Thứ tư, tranh thủ mọi thời cơ để nâng cấp “quan hệ đối tác toàn diện” lên “quan hệ đối tác chiến lược”. Nên đẩy nhanh các cuộc đàm phán về việc nâng cấp mối quan hệ lên thành “đối tác chiến lược”, với mục tiêu xa hơn, để tiếp tục nâng thành “quan hệ chiến lược toàn diện” vào cuối thập kỷ này. Việc chính thức hóa mối quan hệ này có 3 ý nghĩa quan trọng. Một, báo hiệu cam kết mạnh mẽ hơn của hai bên, xác lập được khuôn khổ hợp tác chặt chẽ hơn. Hai, nó gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng Việt – Mỹ tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ và sẵn sàng hành động bảo vệ trật tự ấy. Ba, giúp cân bằng quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc nói chung, mang lại nhiều sự lựa chọn hơn hiện nay. Mỹ không chỉ giúp Việt Nam nâng cao quyền tự chủ chiến lược, mà còn điều chỉnh chính sách ủng hộ nhà nước pháp quyền.

 

Thứ năm, cùng với ASEAN, Việt Nam cần xúc tiến Bộ Quy tắc COC. Có COC, có thể giúp ngăn chặn bất kỳ sự cố nào có thể gây nguy hiểm cho an ninh và sự ổn định của khu vực. Việc hoàn thiện COC có tầm quan trọng lớn không chỉ trong việc đảm bảo Biển Đông vẫn là một hải lộ quốc tế trung lập và an toàn cho tất cả mọi quốc gia, mà còn trong cả việc bảo vệ lợi ích của các quốc gia ven biển, cũng là các thành viên của ASEAN. Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển của các quốc gia này đã dẫn đến sự ra đời liên minh mới giữa Úc, Anh, Mỹ (AUKUS). ASEAN, QUAD (Bộ Tứ) và AUKUS có thể sẽ là ba trụ cột của một cấu trúc an ninh mới ở châu Á mà Việt Nam rất nên hoan nghênh. Các tổ chức đa phương kiều này đều có thể góp phần thúc đẩy một ước mơ chung của khu vực Indo-Pacific về hoà bình, tự do hàng hải và độc lập của các quốc gia.

 

Dĩ nhiên, còn rất nhiều các công việc cụ thể khác ngoài 5 việc cần thay đổi và cần hành động ngay để Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á chuẩn bị cho thời kỳ có thể hy vọng là “tia nắng mùa Xuân” trong quan hệ Mỹ - Trung. “Tia nắng mùa Xuân” sẽ kéo dài được bao lâu và liệu có xuất hiện trở lại một “đợt rét Nàng Bân” hay không, điều nay phải chờ xem Bắc Kinh và Washington có đủ thiện chí và ý chí để giải quyết tình trạng khó khăn hay không. Hy vọng thật mong manh khi trong những ngày này các động thái quân sự vẫn gia tăng liên tục. Tần suất của các máy bay quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan vẫn dầy đặc. Mười bảy tàu quân sự của 6 nước, bao gồm cả 3 tàu sân bay của Mỹ và Anh đang tập trận chung ở phía Tây Nam Okinawa. Toàn bộ khu vực “nồng nặc” mùi thuốc súng. (TTXVN, TTKTG, ngày 9/10/2021, số 228/TTX).

 

------------------

 

LIÊN QUAN

 

AUKUS hay dở thế nào với ASEAN và Việt Nam?

Thượng đỉnh ASEAN cuối tháng sẽ có một quyết định ‘lịch sử’?




No comments: