Bi
kịch Việt Nam: Cuộc cách mạng không thể
Jackhammer
Nguyễn
10/10/2021
https://baotiengdan.com/2021/10/10/bi-kich-viet-nam-cuoc-cach-mang-khong-the/
Cuộc cách mạng không thể (Révolution
Impossible) là từ mà báo chí Pháp gọi cuộc phản kháng có cả bạo động của sinh
viên học sinh Paris mùa hè năm 1968. Đây là thế hệ người Pháp ở thành thị, sinh
ra và lớn lên sau thế chiến thứ hai. Họ không hài lòng về nhiều chuyện trong xã
hội Pháp lúc đó, và cũng bị ảnh hưởng của tình hình chính trị thế giới giữa cuộc
chiến tranh lạnh, cuộc đối đầu giữa hai hệ thống xã hội, tư bản và cộng sản.
Nhiều nơi treo cờ búa liềm, cùng những khẩu hiệu của Lenin, Mao, và dĩ nhiên những
phản kháng cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam nữa.
Không giống như cuộc cách mạng Pháp trước đó gần
200 năm, chỉ có những nhóm sinh viên học sinh phản kháng, công nhân, nông dân
Pháp vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường, cuộc phục hồi kinh tế tại Tây Âu sau
thế chiến. Paris 1968 chỉ là một lời nhắc nhở tạo đà cho những cải cách xã hội
của nước Pháp sau đó.
Vẫn biết là mọi sự so sánh đều khập khiễng,
nhưng khi nhìn hàng trăm ngàn công nhân Việt Nam rời vùng công nghiệp Sài Gòn,
Bình Dương, Đồng Nai, tôi nghĩ đến cụm từ đó, Révolution Impossible.
Impossible ở đây không phải là sự vắng bóng của
các tầng lớp dân chúng đông đảo, mà là sự thụ động của dân chúng, sự cam chịu của
tầng lớp nghèo khó tại Việt Nam. Họ cam chịu thay vì làm cách mạng.
Nhưng sự thụ động không đủ để tạo nên cái
không thể của Việt Nam. Trong một bài viết trên Tiếng Dân, tôi từng nói rằng,
Việt Nam thiếu những điều kiện về kinh tế xã hội để có thể có một cuộc cách mạng.
Về kinh tế, hàng triệu nông dân cảm thấy hài
lòng khi lên những khu công nghiệp để làm việc. Họ chưa phải là công nhân, cũng
chẳng phải dân thành thị mà chỉ là những nông dân ly hương đi làm thuê, tệ hơn
có những cán bộ cộng sản gọi họ là “dân ngụ cư”.
Về xã hội, Việt Nam không có một tầng lớp
trung lưu đông đúc để có thể làm nên những cuộc cách mạng kinh điển như ở Anh,
Hà Lan, hay Pháp. Vào thập niên 1990, có một số quan sát từ bên ngoài nói là tầng
lớp trung lưu Việt Nam đang mở rộng, giàu có lên nhờ cải cách kinh tế theo thị
trường. Đúng là có một số người giàu lên, nhưng sự mở rộng của tầng lớp trung
lưu thì không. Những người trung lưu hiện nay của Việt Nam đại đa số gắn chặt với
chế độ, dù là trong lĩnh vực công hay tư. Của cải làm ra được phân phối bất
công vì các chính sách thuế và xã hội bất công. Tài sản vì thế tập trung vào
nhóm có quyền lực, và nhóm “trung lưu” bên dưới gắn với nhóm quyền lực ấy.
Nông dân không ngóc đầu lên nổi. Những năm sau
khi thống nhất, có những chủ trương nông nghiệp gây đại họa như là đê bao, lúa
vụ ba,… Khi bắt đầu có những dự án đầu tư vào các ngành gia công và chế tạo
(gia công là chủ yếu) thì nông thôn bị bỏ mặc. Vốn là một quốc gia nông nghiệp
nhiều tiềm năng, Việt Nam không bao giờ học được cách thức làm tăng giá trị
nông nghiệp của mình như Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, hay thậm chí thua xa nước láng
giềng Thái Lan.
Chính sách kinh tế gọi là công nghiệp hóa của
chính phủ Việt Nam trong hai mươi năm qua thực chất là duy trì gia công rẻ mạt
của những nông dân ly hương.
Chính sách này cộng với bộ máy kềm kẹp toàn trị
làm cho đại đa số công nhân, dù đông nhưng chỉ là một tập hợp những cá nhân rời
rạc không có kỹ năng, không có mục đích chung, với mục tiêu duy nhất là sống
còn.
Đã có những tổ chức nghiệp đoàn hình thành hơn
10 năm trước, với sự giúp sức của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Nhưng những
tổ chức này, sau vài thành công ban đầu, đã hoàn toàn tan rã, vì sự đàn áp của
bộ máy toàn trị là phần lớn, nhưng cũng do sự quan liêu của nhóm lãnh đạo ở nước
ngoài, và sự nhũng lạm của những cá nhân trong nước.
Trong bảy, tám năm vừa qua, nhiều người hy vọng
sẽ có một cuộc cách mạng bắt đầu trên mạng xã hội, và sau đó sẽ triển khai ra
trên đường phố. Nhưng đây là cách mạng mong ước (wishful revolution) vì nó sai
ngay từ đầu là mạng xã hội và đại đa số dân chúng không trùng lắp với nhau. Việt
Nam là quốc gia có nhiều danh khoản Facebook là điều có thật, nhưng điều đó
không có nghĩa là đại đa số dân chúng, công nhân và nông dân đang trao đổi với
nhau về những vấn đề chính trị, xã hội trên mạng xã hội.
Hơn nữa, mạng xã hội lại tạo ra những cái gọi
là phòng đồng vọng (echo chamber), lợi bất cập hại, thay vì kết nối con người lại
với nhau, nó lại chia rẽ xã hội ra thành những nhóm nhỏ. Tệ hơn, Facebook lại hợp
tác với Đảng Cộng sản để kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn. Mà nói cho cùng,
Facebook sinh ra vì lợi nhuận chứ không phải vì cách mạng, không nên trách họ.
Cách mạng là một khái niệm xã hội của phương
Tây, nhưng có lẽ trong lịch sử hiện đại của con người nó lại được các quốc gia
phản cách mạng nhất là Việt Nam và Trung Quốc nói đến nhiều nhất. Trong văn
chương, tu từ, dư luận xã hội ở hai nước này, cụm từ cách mạng được mặc định
xem là của Đảng Cộng sản.
Cái gọi là đổi mới trong ba mươi năm qua đã tập
trung của cải vào tay một số ít người tại Việt Nam, làm nên một số bộ mặt thành
thị hào nhoáng, nổi lên giữa những khu tá túc chật hẹp của công nhân vùng ven
đô, và xa hơn là một vùng nông thôn tiêu điều và nghèo đói.
Sự hữu hiệu của bộ máy kềm kẹp toàn trị, tâm
lý thụ động của dân chúng, sự hài lòng của những nông dân ly hương, tạo nên một
nghịch lý lớn nhất của Việt Nam trong thế kỷ 21, là sự đói nghèo của đa số dân
chúng tồn tại song song với một cuộc cách mạng không thể.
Liệu điều này có thay đổi sau cuộc tháo chạy
Covid tán loạn tháng 10/2021? Tôi hoài nghi về điều đó.
No comments:
Post a Comment