Thursday, October 14, 2021

BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG ĐBSCL (Cao Thành Nghiệp, Mpa )

 


BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG ĐBSCL  

Cao Thành Nghiệp, Mpa 

12/10/2021   09:31  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2930280540517057&id=100006054199343

 

Hệ sinh thái tự nhiên rừng tràm ngập nước, sen súng, cỏ năng, cỏ ống, cỏ lát và hệ sinh thái rừng tràm ngập mặn ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với đa dạng sinh học đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay. Diện tích đất lúa và nuôi trồng thủy sản tăng lên dẫn đến diện tích rừng tràm và hệ sinh thái rừng tràm tự nhiên vùng Đồng Bằng sông cửu Long bị thu hẹp nghiêm trọng. Các hệ sinh thái động thực vật xưa ở vùng này cũng dần dần mất đi. Trước nguy cơ các hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, cảnh quan thiên nhiên thay đổi theo chiều hướng xấu.

 

Với diện tích tự nhiên 39.734 km2, từ lâu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên rất độc đáo. Đó là hệ sinh thái rừng Tràm U Minh, hệ sinh thái rừng tràm kết hợp sen súng, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái rừng tràm kết hợp với nông nghiệp.

 

Ở những khu vực này, có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn chim, sân chim tự nhiên rất hấp dẫn cho du lịch sinh thái. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng tràm đồng Tháp (Tràm chim), hệ sinh thái rừng tràm ngập mặn ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (đặc biệt là du lịch), giữ cân bằng môi trường sinh thái cho toàn khu vực.

 

Trước tác động của biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra vấn đề đặt ra hiện nay là cần quan tâm bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tầm quan trọng

 

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 347.500 ha rừng các loại, trong đó rừng tự nhiên là 53.700 ha, rừng trồng là 294.500 ha. Như vậy, diện tích rừng che phủ trong toàn vùng đạt chưa đến 10% diện tích đất tự nhiên.

 

Trong đó, tổng diện tích rừng ngập mặn chưa đến 100.000 ha, tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An… Vùng rừng ngập mặn này luôn luôn chịu sự chi phối của thủy triều biển với hệ thực vật rừng phổ biến là các loài mắm trắng, đước, bần trắng, bần chua, vẹt tách, dà quánh, dà vôi, giá, cóc vàng, dừa nước.

 

Theo số liệu của ngành lâm nghiệp, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tính đa dạng sinh học cao với 98 loài cây rừng ngập mặn; ngoài ra ở các hệ sinh thái đất ngập nước có đến 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá và thủy sản.

 

Ngoài ra, khu vực này còn có 10 khu đất thuộc vùng bảo tồn đất ngập nước đã được thành lập và đầu tư phát triển là Hà Tiên, Vườn quốc gia Tràm Chim, khu dự trữ thiên nhiên U Minh Thượng, Vườn quốc gia Đất Mũi, Rừng đặc dụng Vồ Dơi, Bãi bồi Cà Mau, Tính Dơi, Trà Sư, Láng Sen và Lung Ngọc Hoàng.

 

Có thể nói, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển với tác dụng chắn sóng, gió có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường bờ biển, đê điều, tăng khả năng chống chọi với tác động của thay đổi khí hậu. Đặc biệt, rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ đới bờ và cửa sông, hạn chế xói lở và tác hại của bão, sóng đối với hệ thống đê biển.

 

Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản, một khu rừng ngập mặn có chiều rộng 100m có thể làm giảm 50% chiều cao của sóng triều và giảm 50% năng lượng của sóng. Nhờ có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất, rừng ngập mặn có thể làm chậm dòng chảy và thích nghi với mực nước biển dâng. Các cây con, trái và hạt có khả năng sống dài ngày trong nước nên cây ngập mặn sẽ phát tán rộng vào đất liền khi nước biển dâng ngập các vùng đó.

 

Khi rừng ngập mặn tự nhiên được bảo tồn hoặc được bảo vệ đủ rộng, sẽ tạo thành những bức tường vững chắc, bảo vệ bờ biển và chân đê khỏi bị xói lở do bão lụt và nước biển dâng.

 

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thì tiếp cận hệ sinh thái là một chiến lược để quản lý tổng hợp đất, nước và các tài nguyên thiên nhiên nhằm tăng cường bảo vệ và sử dụng bền vững theo hướng công bằng. Nội dung cơ bản của tiếp cận hệ sinh thái bao gồm các nguyên lý của tiếp cận hệ sinh thái và các bước thực hiện, để tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp giữa bảo vệ và sử dụng đa dạng sinh học.

 

Tiếp cận sinh thái trong hoạch định chính sách phát triển ở khu vực ĐBSCL đã từng bước được sử dụng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu nước biển dâng; Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu; Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 

Thực trạng bị tàn phá

 

Những năm qua, rừng ngập mặn ven biển bị tác động làm suy giảm mạnh mẽ. Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1980-1995 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã bị mất 72.825 ha rừng, bình quân hàng năm bị mất 4.855 ha với tốc độ 5%/năm.

 

Những năm gần đây, mặc dù công tác bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển đã được các tỉnh trong khu vực quan tâm thực hiện, đặc biệt là dự án trồng 5 triệu ha rừng của quốc gia và các dự án hợp tác quốc tế như dự án Phát triển và bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; Dự án Khu dự trữ quốc gia U Minh Thượng, Chương trình sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước khu vực sông Mêkông.

 

Tuy nhiên, những tác động tiềm ẩn vẫn đang tiếp tục đe dọa hệ sinh thái rừng ngâp mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình đó, Chính quyền ở các địa phương phải có các giải pháp hữu hiệu trong quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển, tổ chức khai thác kinh tế tài nguyên gắn liền với phát triển hệ sinh thái đặc thù này.

 

Minh chứng cụ thể là thời gian qua, việc phát triển diện tích nuôi tôm trong rừng ngập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là một tác nhân gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công tác quản lý quy hoạch và khai thác bền vững nguồn tài nguyên ven biển. Nuôi tôm đem lại lợi ích kinh tế nhanh, nhưng hậu quả là làm suy giảm thảm rừng ngập mặn, làm biến đổi môi trường đất, môi trường nước và môi trường sinh thái. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có các giải pháp hữu hiệu trong vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững ở các vùng ven biển khu vực này.

 

Những tổn thất rừng ngập nước kéo theo hàng loạt các biến đổi về môi trường, sinh thái trong khu vực. Thảm rừng ngập mặn có độ che phủ cao trở nên trơ trọi, bị chia cắt; môi trường đất bị ô nhiễm do quá trình phèn hóa gia tăng ở quy mô lớn; đất đai bị phát quang làm gia tăng quá trình rửa trôi do mưa, gia tăng quá trình lan truyền phèn; giảm đi quá trình bồi tụ phù sa do mất rừng; đa dạng sinh học bị suy giảm nhanh chóng; mất cân bằng sinh thái trong khu vực. Hậu quả nhãn tiền là nạn tôm chết hàng loạt ở các khu ven biển đến nay vẫn tiếp tục diễn ra.

 

Ngoài ra, gần đây là quá trình mặn xâm nhập sâu ngày càng gia tăng đã tác động đến các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống trong khi khả năng thực thi các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

 

Các dự án thủy lợi trong vùng mặn hóa, vùng luân canh lúa-tôm, vùng ngăn mặn xổ phèn chưa phát huy được tác dụng trong thực tiễn đang trở thành nỗi trăn trở của các cấp chính quyền, các ngành quản lý và người dân. Chất thải nuôi trồng thủy sản ven biển, đặc biệt là chất thải nuôi tôm, ngày càng nhiều làm gia tăng áp lực tới môi trường và độ bền vững của hệ thống canh tác thủy sản với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.

 

Bảo tồn và phát triển

 

Hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm tự nhiên là một nguồn tài nguyên quý giá về nhiều mặt. Bảo tồn được hệ sinh thái này là bảo vệ được độ ổn định, cân bằng của cả hệ thống kinh tế và hệ thống môi trường trong quá trình phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, Bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm tự nhiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang là một trong những yêu cầu cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững khu vực trong thời gian tới.

 

Nhiệm vụ trước mắt của các địa phương có hệ sinh thái rừng ngập mặn cần tập trung tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền tại địa phương; quy hoạch môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng ven biển gắn với bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập nước; phân vùng sinh thái trong quy hoạch bảo tồn và phát triển các vùng đất ven biển, trong đó tập trung tiếp cận tổng hợp đa ngành, đa mục tiêu nông-lâm-ngư; đẩy nhanh tiến độ các dự án bảo tồn, phát triển, trồng mới và tái sinh hệ sinh thái rừng ngập mặn; nghiêm cấm bao ví bãi bồi cửa sông để nuôi trồng thủy sản; quy hoạch các khu bảo tồn bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước

 

Biện pháp bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm:

 

Thiết lập các biện pháp nâng cao tính đa dạng hệ sinh thái rừng ngập nước, nâng cao mức độ đa dạng sinh học Sân chim Bạc Liêu, Tràm Chim Đồng Tháp, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng rừng và đất rừng.

 

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền tại địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp, môi trường trong công tác bảo vệ và phát triển hiệu quả hệ sinh thái rừng ngập nước ở khu vực ĐBSCL.

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, các dự án trồng mới và tái sinh rừng ngập nước; nghiêm cấm bao ví bãi bồi cửa sông để nuôi trồng thủy sản làm hủy hoại diễn thế tự nhiên bồi tụ và phát triển rừng ngập mặn non trẻ. Đồng thời, tiến hành quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước và bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước, các sân chim tự nhiên, các rừng đặc dụng ngập mặn phòng hộ ven biển có giá trị như là lá chắn bảo vệ môi trường ở ĐBSCL.

 

Tiếp cận hệ sinh thái để nghiên cứu sâu sắc mối quan hệ của các thành phần trong hệ sinh thái rừng ngập nước, đặc biệt là thành phần các loài về đa dạng sinh học, môi trường sống và điều kiện trú ngụ và phát sinh, phát triển của cả quần thể trong hệ sinh thái, để tăng cường các khả năng phát triển nguồn lợi về kinh tế và sinh thái trong khu vực.

 

Đánh giá khả năng tự làm sạch và mức độ chịu tải của hệ sinh thái rừng ngập nước nhằm tránh các tác động bất lợi đến hệ sinh thái, làm tổn thất các giá trị quý giá của hệ sinh thái rừng tràm ở khu vực ĐBSCL.

 

Hinh :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2930279577183820&set=pcb.2930280540517057

https://www.facebook.com/photo?fbid=2930280280517083&set=pcb.2930280540517057

https://www.facebook.com/photo?fbid=2930280487183729&set=pcb.2930280540517057

https://www.facebook.com/photo?fbid=2930279993850445&set=pcb.2930280540517057

https://www.facebook.com/photo?fbid=2930279923850452&set=pcb.2930280540517057

………..

 

.

9 BÌNH LUẬN   

 






No comments: