Tuesday, October 19, 2021

ASEAN CỨNG RẮN VỚI MIÊN ĐIỆN - MỘT CHUYỂN BIẾN LỊCH SỬ (Hiếu Chân - Người Việt)

 


ASEAN cứng rắn với Miến Điện – một chuyển biến lịch sử?

Hiếu Chân/Người Việt

October 15, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/asean-cung-ran-voi-mien-dien-mot-chuyen-bien-lich-su/

 

Hội nghị bộ trưởng Ngoại Giao Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Mười, đã có một quyết định khác thường: không mời Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Miến Điện hiện thời, tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 26 đến 28 Tháng Mười. Hội nghị sẽ mời một đại diện phi chính trị của Miến Điện. Nếu chính quyền quân sự Miến Điện phản đối, ghế của nước này tại hội nghị thượng đỉnh sẽ bỏ trống.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/10/A1-ASEAN-cung-ran-Mien-Dien-1068x668.jpg

ASEAN chỉ mời một đại diện phi chính trị của Miến Điện mà không mời Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Miến Điện hiện thời, tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 26 đến 28 Tháng Mười. Trong hình, các nghệ sĩ trình diễn trong lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN, được tổ chức trực tuyến do đại dịch COVID-19, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 26 Tháng Sáu, 2020. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

 

Đây là một quyết định cứng rắn hiếm hoi của một khối 10 quốc gia nổi tiếng với chính sách đồng thuận và không can thiệp; liệu nó báo hiệu một sự thay đổi căn bản trong đường lối của ASEAN hay không? 

 

Miến Điện – từ đảo chính tới nội chiến

 

Tướng Min Aung Hlaing là tư lệnh quân đội Miến Điện, cầm đầu cuộc đảo chính quân sự ngày 1 Tháng Hai, 2021, lật đổ chính quyền dân sự do Tổng Thống Win Myint và Cố Vấn Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Cuộc đảo chính đã kết thúc một thập niên xây dựng dân chủ của Miến Điện, khiến cộng đồng quốc tế lên án và trừng phạt.

 

Một phong trào phản kháng của dân chúng Miến Điện bùng nổ trong cả nước và kéo dài đến bây giờ bất chấp sự đàn áp khốc liệt của quân đội. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 1,100 thường dân Miến Điện đã bị lực lượng an ninh Miến Điện giết hại, hàng ngàn người bị bắt trong các cuộc đình công và biểu tình.

 

Nhận ra mối đe dọa mà cuộc đảo chính ở Miến Điện có thể gây ra cho tính hợp pháp của khối, Tháng Tư, 2021, ASEAN đã triệu tập cuộc họp các nhà lãnh đạo tại Jakarta, Indonesia để bàn về giải pháp vãn hồi hòa bình và dân chủ. Tuy không được chính thức công nhận là nhà lãnh đạo Miến Điện nhưng Tướng Aung Hlaing vẫn được mời tham dự và sự xuất hiện của ông ta tại hội nghị Jakarta đã khiến cho người dân Miến Điện cảm thấy bị xúc phạm, kế hoạch hòa bình mà ASEAN đưa ra bị phản đối và trên các đường phố Miến Điện người biểu tình đốt cờ ASEAN để biểu lộ nỗi bất mãn với tổ chức này.

 

Dù vậy, hội nghị Jakarta đã đề ra được giải pháp năm điểm, gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, ASEAN cử đặc phái viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại, viện trợ nhân đạo và chuyến thăm của đặc phái viên tới Miến Điện. Giải pháp năm điểm bị phản đối vì không đề cập tới việc trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự và khôi phục chính quyền dân cử.

 

Nhưng nửa năm đã trôi qua mà giải pháp hòa bình của ASEAN vẫn còn nằm trên giấy: quân đội Miến Điện vẫn gia tăng đàn áp, đặc phái viên của ASEAN vẫn chưa được phép đặt chân tới nước này. Triển vọng đối thoại càng mờ mịt khi cuộc phản kháng của người dân chuyển sang hướng bạo động, cùng với lực lượng vũ trang của các sắc tộc thiểu số thực hiện chiến tranh du kích và một chính phủ lưu vong lâm thời của Miến Điện được thành lập từ những dân biểu, nghị sĩ được bầu lên trong cuộc bầu cử Tháng Mười Một năm ngoái để chống lại quân đội cầm quyền. Trong thực tế Miến Điện đã rơi vào tình trạng nội chiến giữa một bên là chính quyền quân sự gọi là Hội Đồng Điều Hành Nhà Nước (SAC) với một bên là Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia (NUG) lưu vong, kinh tế sụp đổ, xã hội hỗn loạn. Ngày 7 Tháng Chín vừa qua, ông Duwa Lashi La, phó tổng thống của NUG, đã ra lời hiệu triệu nhân dân tiến hành “cuộc chiến tranh phòng vệ” chống lại chính quyền quân sự; Miến Điện có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tương tàn không lối thoát. 

 

Diễn biến mới nhất là đặc phái viên của ASEAN, ông Erywan Pahin Yusof – bộ trưởng Ngoại Giao thứ hai của vương quốc Brunei, nước đang là chủ tịch ASEAN – đã đột ngột hủy bỏ chuyến đi đến Miến Điện trong tuần này, vì nhà cầm quyền quân sự không cho phép ông đến thăm, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, Tổng Thống Win Myint và nhà kinh tế học người Úc Sean Turnell.

 

Trong khi đó Hoa Kỳ, Úc, Canada, Nam Hàn, Anh, New Zealand và Liên Minh Châu Âu (EU), đã đưa ra một tuyên bố chung vào Thứ Sáu bày tỏ lo ngại về tình hình bi thảm ở Miến Điện và ủng hộ nỗ lực hòa giải của ASEAN. “Một giải pháp hòa bình và bất bạo động cho cuộc khủng hoảng và tái lập nền dân chủ là vấn đề cấp bách. Chúng tôi tái khẳng định sự tán thành mạnh mẽ của chúng tôi đối với những nỗ lực không ngừng của ASEAN nhằm vạch ra một hướng thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay,” tuyên bố chung cho biết nhưng không đề cập đến cuộc họp bộ trưởng Ngoại Giao hôm Thứ Sáu.

 

Bước chuyển biến của ASEAN

 

Quyết định không cho phép Tướng Min Aung Hlaing đại diện Miến Điện dự hội nghị thượng đỉnh là bước thay đổi lớn đối với khối ASEAN. Bà Retno Marsudi, bộ trưởng Ngoại Giao Indonesia, thậm chí còn yêu cầu một lập trường cứng rắn hơn nữa. Trên Twitter, bà Marsudi cho biết Indonesia cho rằng Miến Điện “không nên có đại diện ở cấp độ chính trị cho đến khi khôi phục nền dân chủ.”

 

Sự thay đổi lập trường này có tính lịch sử bởi vì từ khi thành lập đến nay, ASEAN đi theo chính sách đồng thuận – mỗi quyết định phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên – và không can dự vào công việc nội bộ của nước thành viên. Đường lối kỳ quặc này đã biến ASEAN thành một tổ chức hữu danh vô thực, không có quyền thực thi bất cứ giải pháp nào, thậm chí còn bị coi là “câu lạc bộ của các nhà độc tài” vì nó chưa bao giờ lên tiếng về tình trạng cai trị chuyên chế, vi phạm nhân quyền ở tất cả các nước thành viên.

 

Một đặc điểm khác là ASEAN đầy mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ. Mười nước ASEAN theo nhiều chế độ chính trị khác nhau, từ quân chủ (Thái Lan, Brunei), Cộng Sản (Việt Nam, Lào) đến dân chủ chưa hoàn chỉnh ở Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia. 

 

Về địa chính trị, ASEAN có các nước Đông Nam Á lục địa (Việt, Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện) là các nước “chư hầu cũ” của đế quốc Trung Hoa, chịu ảnh hưởng của Trung Quốc; và Đông Nam Á hải đảo (Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei) chịu ảnh hưởng của phương Tây. 

 

Về kinh tế, ASEAN có “ASEAN 6” là năm nước hải đảo cộng với Thái Lan có trình độ phát triển kinh tế thị trường cao hơn và “ASEAN 4” là những thành viên mới, kinh tế kém phát triển.

 

Sự mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ khiến ASEAN không bao giờ đạt được sự đồng thuận và dễ bị các thế lực bên ngoài phân hóa theo mục đích chiến lược của họ. Với điểm nóng Biển Đông chẳng hạn, các nước lục địa như Miến Điện, Thái Lan, Lào và đặc biệt Cambodia không ủng hộ quan điểm của Việt Nam và các nước hải đảo – là những nước tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông. Ngược lại, trong vấn đề dòng chảy sông Mekong bị Trung Quốc chặn ở thượng nguồn, lợi ích thiết thân của các nước Đông Nam Á lục địa lại không nhận được sự đồng cảm của các nước hải đảo.

 

Cuộc khủng hoảng Miến Điện càng làm nổi bật sự chia rẽ của ASEAN. Trong khi các nước Đông Nam Á hải đảo lên án cuộc đảo chính quân sự và đòi tái lập nền dân chủ ở Miến Điện thì các nước lục địa chỉ “quan ngại” chung chung và lo siết chặt biên giới để ngăn dòng người Miến Điện chạy loạn. “Một số nước thành viên có quan điểm cho rằng, ASEAN không nên có hành động nào liên quan đến tình hình Miến Điện,” vin vào đường lối không can thiệp vào công việc của các nước thành viên, Ngoại Trưởng Indonesia Retno Marsudi, cho biết. 

 

Việt Nam – nước “bảo lãnh” để Miến Điện gia nhập ASEAN năm 1997 – thậm chí còn đứng về phía Trung Quốc, phản đối Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết về tình hình ở nước này, phản đối việc gọi biến cố Miến Điện là một “cuộc đảo chính” và không khuyến khích các biện pháp trừng phạt tập đoàn quân phiệt Miến Điện. 

 

Nhưng tình hình tại Miến Điện ngày càng bi đát và áp lực quốc tế ngày càng tăng đã buộc ASEAN phải có thái độ dứt khoát để thể hiện uy tín của ASEAN. Sự trì trệ trong sáu tháng qua đã làm danh tiếng của ASEAN bị hoen ố và năng lực của khối trong việc giải quyết vấn đề Miến Điện bị hoài nghi. 

 

Nếu ASEAN không hành động, hoặc im lặng thừa nhận “tính chính danh” (?) của tập đoàn quân sự Miến Điện thì những tuyên bố huênh hoang về tự do, dân chủ, nhân quyền sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả hoặc “uy tín của chúng ta như là một tổ chức khu vực thật sự sẽ biến mất,” như lời cảnh báo của Ngoại Trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. 

 

Đã đến lúc ASEAN mạnh dạn vứt bỏ cái phương châm “đồng thuận,” “không can thiệp” cổ lỗ để theo đuổi một chiến lược can dự mạnh mẽ hơn vào các vấn đề khu vực, đóng vai trò trung tâm khu vực trong bối cảnh Đông Nam Á đã trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường toàn cầu, đặc biệt giữa Trung Quốc và phương Tây. Trung dung, trung lập trong cuộc đấu tranh giữa dân chủ và độc tài cũng có nghĩa là đứng về phía chuyên chế.

 

Việc cấm cửa Tướng Min Aung Hlaing của quân đội Miến Điện tại hội nghị thượng đỉnh là bước chuyển biến cứng rắn nhất từ trước tới nay của ASEAN nhưng có thể đó chỉ là bước đầu, cần được nối tiếp bằng những quyết định trừng phạt nặng nề hơn cho đến khi quân đội Miến Điện trả lại cho dân quyền điều hành đất nước một cách dân chủ và tiến bộ. [qd]





No comments: