Án
lệ COVID-19: Trách nhiệm tham vấn xã hội dân sự khi thay đổi chính sách trong đại
dịch
Võ
Văn Quản - Luât Khoa
15/10/2021
Khủng hoảng không
phải là bình phong cho các chính sách vội vàng
Minh họa: Luật
Khoa. Ảnh: Reuters
Trong án lệ Article 39 v. Secretary of State
for Education, tổ chức thiện nguyện vì quyền trẻ em có tên Article 39 đã khởi
kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh vì ban hành văn bản quy phạm Adoption
and Children (Coronavirus) Amendment Regulations 2020 để điều chỉnh các
nguyên tắc làm việc với trẻ em trong bối cảnh đại dịch. [1] Tên của tổ chức từ
thiện này được đặt theo Điều 39 của Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, quy
định về trẻ là nạn nhân của lạm dụng, bạo lực hay đối xử tàn tệ.
Để hiểu thêm về bối cảnh có liên quan chút ít
đến tình hình tại Việt Nam, đối với trường hợp trẻ mồ côi (kể cả trong trường hợp
trẻ không còn bất kỳ ai có thể nhận trách nhiệm nuôi dạy – parental
responsibility), chính quyền các địa phương của Vương quốc Anh sẽ nhận trách
nhiệm này. [2]
Theo đó, một quyết định chăm sóc (care order)
sẽ được ban hành để tạo nền tảng pháp lý cho việc cung cấp nhà ở, cung cấp chi
phí ăn uống, học hành, đồng thời với việc bổ nhiệm một nhân viên công tác xã hội
(social care worker) thực hiện trách nhiệm của một người thân, người hướng dẫn
và bảo hộ cho trẻ. Hệ thống tương tự cũng được sử dụng để hỗ trợ về mặt tâm lý
lẫn vật chất cho trẻ em bị xâm hại.
Lo ngại sự lan rộng của dịch bệnh đối với đội
ngũ nhân viên an sinh xã hội địa phương đang thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và
theo dõi tình hình của trẻ em thuộc nhóm cần được chăm sóc đặc biệt, văn bản của
Bộ Giáo dục Anh có một số quy định nới lỏng yêu cầu về chăm sóc trẻ, ví dụ
như:
·
Nới lỏng yêu cầu đến thăm
và theo dõi trẻ trong một khung thời gian xác định chặt chẽ theo luật trước đó;
·
Trao thẩm quyền cho chính
quyền địa phương lựa chọn một người khác đến thăm trẻ như một người chăm sóc tạm
thời mà không cần phải là người có kết nối và thân thuộc với trẻ trước đó;
·
Tăng khoảng thời gian mà
trẻ cần được chăm sóc đặc biệt có thể phải ở lại các trung tâm chăm sóc tạm thời;
·
Trước đó, việc chăm sóc
và nuôi dưỡng trẻ ngoài khu vực địa phương quen thuộc của trẻ phải được cân nhắc
dựa trên đề cử từ chính quyền và xã hội dân sự để cho phép. Văn bản mới hủy bỏ
quy định này.
Để đáp trả, Article 39 đưa ra ba cáo buộc
chính:
1. Bộ này đã không thực hiện nghĩa vụ tham vấn đầy đủ các cơ quan bảo vệ
quyền trẻ em có thẩm quyền (Children’s Commissioner) lẫn các tổ chức xã hội
dân sự hoạt động trong lĩnh vực quyền trẻ em khi ban hành văn bản;
2. Nội dung của văn bản quy phạm được thông qua trái với mục tiêu và
nguyên tắc được ghi nhận trong văn bản pháp luật chính yếu điều chỉnh về quyền
trẻ em – Children Act 1989; và
3. Bộ trưởng đã không thực hiện đúng nghĩa vụ thúc đẩy hạnh phúc và sự
phát triển của trẻ em Vương quốc Anh.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/image-18.jpeg
Văn phòng của Bộ
Giáo dục Anh. Ảnh: Schoolsweek.
Tại Tòa Cấp cao, cả ba lập luận này đều bị bác
bỏ. Vụ việc này được đưa ra xem xét tại Tòa Phúc thẩm Vương quốc Anh (The Court
of Appeal), với lập luận chủ yếu cho rằng tính cấp bách và khả năng lây truyền
dịch bệnh tạo ra tiền đề cho chính phủ Anh can thiệp vào các quy định pháp lý sẵn
có. Tòa Phúc thẩm bác bỏ lập luận này, cho rằng việc nới lỏng quy định được Bộ
Giáo dục Anh đưa ra dựa trên lo ngại hợp lý về thiếu hụt nhân sự.
Tuy vậy, về việc tham vấn cộng đồng, Tòa Phúc
thẩm ghi nhận rằng Bộ Giáo dục Anh đã không thực hiện đúng quy định. Ngay sau
khi văn bản được ban hành, Children’s Commissioner và các tổ chức xã hội dân sự
đã gửi nhiều kiến nghị đề nghị bộ sửa đổi một số nội dung, hoặc hướng dẫn lại
nhằm bảo đảm quyền lợi của trẻ. Tuy nhiên, những kiến nghị này bị bỏ mặc. Quá
trình thảo luận nếu có cũng ở mức không chính thức, khiến cho các kiến nghị chỉ
ở dạng tham khảo chứ không phải là những đề xuất mà chính phủ cần phải xem xét
một cách nghiêm túc.
Tòa Phúc thẩm có một luận điểm rất đáng để mọi quốc gia học tập (hiển nhiên bao
gồm Việt Nam):
“Không thể phủ nhận rằng dịch COVID-19 đã tạo nên một
tình thế cấp bách và rất khó khăn cho các chuyên viên trong lĩnh vực chăm sóc
trẻ em, cũng như cho Bộ trưởng, người có trách nhiệm quản lý toàn bộ hệ thống.
Nhưng tình huống không cấp bách đến mức không thể tổ chức được kể cả là một
phiên tham vấn ngắn.
Và chính khi Bộ trưởng phải đối mặt với lựa chọn khó
khăn rằng có nên điều chỉnh các dịch vụ xã hội hay không, và nếu có thì điều chỉnh
như thế nào, là lúc ông ấy cần nhận được ý kiến đóng góp từ nhiều phía hơn nữa.” [3]
Án lệ Article 39 v. Secretary of State for
Education là một nền tảng rất tốt để nhận ra rằng khủng hoảng không thể được
sử dụng làm bình phong cho sự lạm quyền và những chính sách thiếu cân nhắc quan
điểm đa chiều của các chủ thể khác nhau trong xã hội.
Viện dẫn lý do cần “quyết đoán” để kiểm soát dịch
nhanh chóng nhằm loại bỏ quá trình tham vấn này chính là tư duy sai dẫn đến hệ
quả là những chính sách lộn xộn, như chúng ta đã thấy tại Việt Nam thời gian
qua.
Bài viết nằm trong loạt bài “Án lệ COVID-19 và những
thảo luận pháp luật đáng chú ý”. Đọc các bài khác tại đây.
.
CHÚ THÍCH
1. The Adoption and Children
(Coronavirus) (Amendment) Regulations 2020. Legislative.Gov.Uk.
https://www.legislation.gov.uk/uksi/2020/445/contents
2. Dove, J., Miller, C., & Sharp, D.
(2020). Orphans – are some of them prejudiced by the Children Act 1989? Can
this be remedied? Family Law. Published. https://www.familylaw.co.uk/news_and_comment/orphans-are-some-of-them-prejudiced-by-the-children-act-1989-can-this-be-remedied
3. Article 39, R (on the application of)
v Secretary of State for Education [2020] EWHC 2184 (Admin) (07 August 2020).
https://www.judiciary.uk/wp-content/uploads/2020/11/R-Article-39-v-SSE-judgment.pdf
No comments:
Post a Comment