Monday, November 11, 2019

XIN CHỚ NHẦM TRÍ NHỚ VỚI TRÍ TUỆ (Nguyễn Đình Cống)




Nguyễn Đình Cống 
10/11/2019

Tôi xem một số video trên Youtube về một số người được xem là Siêu Trí Tuệ VN. Đó là những cái tên như Dương Anh Vũ, Nguyễn Lan Phương Nghi, Nguyễn Thị Tường Vân, Diệu Linh, Nguyễn Thị Thủy, Lê Nguyễn Phước Vinh v.v… Họ đã trình bày khả năng ghi nhớ siêu đẳng, hoặc như Nguyễn Ngọc Thịnh rất tài nghệ xoay rubic.

Những ngừoi tổ chức chương trình Trí tuệ VN để họ biểu diễn cũng như những người chứng kiến đều cho rằng họ thuộc loại Siêu Trí Tuệ. Một vài người trong số họ cũng tự nhận mình như vậy. Xin dẫn ra vài biểu diễn.

Lê Nguyễn Phước Vinh 14 tuổi, biểu diễn trí nhớ về các sự kiện lịch sử. Lần lượt chiếu lên màn hình 1000 sự kiện trên thế giới và trong nước. Mỗi sự kiện kèm theo thời gian bằng một bộ số. Thí dụ: 18041942-Mỹ dùng B25 ném bom Tokyo, thủ đô Nhật Bản.

Thời gian để ghi nhớ 1000 sự kiện chưa đến 20 phút. Ban tổ chức nhặt ra 19 bộ số, ghép lại thành một dẫy liên tục gồm 146 con số. Phước Vinh xem dãy số đó trong vài phút và lần lượt kể ra các sự kiện. Thí dụ 18061918 là ngày 18 tháng 6 năm 1918, Nguyễn Ái Quốc, thay măt nhân dân xứ An nam trình bản yêu sách 8 điểm ở hội nghì các cường quốc.

Ngoài việc trả lời chính xác cả 19 sự kiện, Vinh còn trả lòi câu hỏi thứ 20 như sau: Trong 1000 sự kiện có 1 thời gian không chính xác. Đó là sự kiện nào? Câu trả lời là bia tiến sĩ ở Văn miếu được lập vào năm 1484 chứ không phải năm 1488 như đã cho.

Mai Thị Tường Vân, khoảng 25 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện sống ở Úc. Tường Vân xem 100 tờ, mỗi tờ gồm các mã vạch và số điện thoại với 22 ký tự, là hồ sơ của một thùng hàng (tất cả là 2200 ký tự). Nhặt ra 3 mã vạch, hỏi số điện thoại tương ứng, Vân đã trả lời đúng. Vân đã từng tham dự giải vô địch về trí nhớ toàn thế giới năm 2016.

Trí nhớ là một trong các vai trò của bộ não, là một phần của trí tuệ, nhưng chưa phải là vai trò cơ bản nhất, chưa phải là quan trọng nhât. Phần quan trọng nhất của trí tuệ là suy nghĩ và nhận thức. Những trí tuệ lớn của thế giới như Newton, Einstein, Hawking, Pascal, Platon, Socrates v.v… nổi tiếng không phải vì có trí nhớ hơn người mà là nhờ khả năng tư duy sáng tạo.

Trí nhớ cần không? Rất cần. Có quan trọng và quý giá không? Có.

Những người có trí nhớ tốt đóng góp được gì cho sự phát triển xã hội? Có, nhưng rất ít. Họ có thể huấn luyện phương pháp, truyền đạt kinh nghiệm ghi nhớ cho nhiều người khác, ngoài ra họ góp vui trong giải trí. Chỉ bằng siêu trí nhớ họ hầu như khó có thể đóng góp gì cho sự phát triển khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, tư tưởng, đạo đức, chính trị. Như vậy Siêu trí nhớ chưa phải là Siêu trí tuệ.

Trong những người có siêu trí nhớ có thể tồn tại một số người có thêm những khả năng khác. Kết hợp siêu trí nhớ họ phát huy tốt những khả năng này. Như thế siêu trí nhớ là lực lượng bổ trợ chứ không phải chủ đạo.

Ca ngợi những người có siêu trí nhớ, cổ vũ việc học tập, rèn luyện để có trí nhớ tốt là đúng, nên làm. Nhưng hiểu sai khái niệm, từ trí nhớ thành trí tuệ rồi bốc người ta lên mây, cho người ta là siêu trí tuệ, là một việc làm lợi bất cập hại. Rất mong những người tổ chức chương trình Siêu Trí tuệ VN như Lại Văn Sâm, Trần Thành Nam có những điều chỉnh thích đáng.






No comments: