Wednesday, November 6, 2019

VIỆT NAM : HÃY TRẢ TỰ DO CHO NHÀ HOẠT ĐỘNG BỊ TÙ VÌ ĐĂNG BÀI TRÊN FACEBOOK (Human Rights Watch)




Tháng 11 5, 2019 8:00CH EST

Tòa án sẽ xử phúc thẩm bản án 6 năm tù giam

(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng vào ngày mồng 7 tháng 11 năm 2019, một tòa án ở Việt Nam sẽ xử phiên phúc thẩm bản án sáu năm tù đối với một nhà hoạt động môi trường vì đã lên tiếng phê phán chính quyền trên Facebook. Việc truy tố và giam giữ nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh rõ ràng đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông. Chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ bản án và ngay lập tức trả tự do cho ông.

Công an bắt ông hồi tháng Tám năm 2018 và cáo buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” theo điều 117 của bộ luật hình sự nước này. Tháng Sáu năm 2019, sau một phiên xử diễn ra trong vài giờ đồng hồ, một tòa án ở tỉnh Bến Tre kết án ông sáu năm tù giam, cộng thêm năm năm quản chế. Một tòa án cấp cao hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ xử phiên phúc thẩm.

“Nguyễn Ngọc Ánh là một trường hợp trong số ngày càng nhiều các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì bày tỏ ý kiến trên Facebook,” ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền Việt Nam dường như đang cho rằng việc sử dụng nền tảng mạng xã hội theo đúng mục đích thiết kế là một tội hình sự.”

Báo chí nhà nước đưa tin rằng ông chia sẻ các tin bài “phản động” nhằm “nói xấu” đảng và nhà nước, và kích động người dân biểu tình trong dịp quốc khánh. Tuy nhiên, các bài viết của ông Nguyễn Ngọc Ánh là về các vấn đề điển hình luôn thu hút sự quan tâm của các nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam: nạn môi trường bị tàn phá do công ty Formosa thải độc gây ra vào tháng Tư năm 2016, tình trạng thiếu tự do lựa chọn trong cuộc bầu cử năm 2016, hay các quan ngại về điều kiện sống của tù nhân chính trị.

Vợ ông Nguyễn Ngọc Ánh, bà Nguyễn Thị Châu, viết trên Facebook rằng khi bà tới thăm chồng vào tháng Mười, ông “lết chân đi rất khó khăn.” Bà viết rằng ông kể vừa bị một người tù khác, tên là Đỗ Hữu Cường, đánh đến bất tỉnh. Nguyễn Ngọc Ánh có báo về vụ việc đánh đập với quản giáo nhưng không ai có động thái gì.

Ngày 23 tháng Mười, công an ở thị trấn Bình Đại ở tỉnh Bến Tre triệu tập bà Nguyễn Thị Châu đến để chất vấn. Họ truy vấn về quan hệ của bà với các gia đình tù nhân chính trị khác, về việc mặc áo phông phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng lãnh thổ trên biển đang tranh chấp, về việc đi đón tù nhân chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn và về việc trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do.

“Thoạt tiên nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù người dân để ngăn cản họ thực thi quyền tự do ngôn luận, rồi sau đó nỗ lực dập tắt tiếng nói của những người trong gia đình họ muốn vận động đòi trả lại tự do cho họ,” ông Sifton nói. “Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần công khai phê phán những sự đàn áp này và lên tiếng ủng hộ các nhà phê bình và các nhà hoạt động.”

Việc bỏ tù ông Nguyễn Ngọc Ánh là một phần của đợt đàn áp đang tiếp diễn nhằm vào những người phê phán đảng và chính phủ. Trong mười tháng đầu năm 2019, chính quyền Việt Nam đã ra phán quyết có tội với ít nhất là 20 người, và xử họ với các mức án từ 6 tháng đến 10 năm tù vì phê phán chính quyền, vận động cho tự do tôn giáo, vận động cho các quyền cơ bản về chính trị và dân sự, hoặc chống tham nhũng.

Chính quyền đã bắt giữ Nguyễn Năng Tĩnh hồi tháng Năm, Phạm Văn Điệp trong tháng Sáu và Nguyễn Quốc Đức Vượng trong tháng Chín vì đăng hay chia sẻ các bài trên Facebook. Trong tháng Mười, chính quyền tổ chức các phiên tòa xử Nguyễn Thị HuệNguyễn Văn Phước và Phạm Xuân Hào cũng với các cáo buộc tương tự như thế.

Tổ Chức Theo dõi Nhân quyền liên tục kêu gọi các công ty internet công khai bày tỏ quan ngại về những trường hợp bị giam giữ bất công do bày tỏ chính kiến trên mạng, và kêu gọi Việt Nam sửa đổi các quy định pháp luật hà khắc về an ninh mạng và ngôn luận trên mạng.

--------------------------------

6 tháng 11 2019

Ngày 7/11 tới, tòa phúc thẩm ở TP Hồ Chí Minh sẽ có phiên xử phúc thẩm nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh, một người đã lên tiếng phê phán chính quyền trên Facebook.

Ông Ánh là một kỹ sư nuôi tôm, ở thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, năm nay 39 tuổi.

Truyền thông Việt Nam đưa tin rằng, ông Ánh đã chia sẻ các tin bài "phản động" nhằm "nói xấu" đảng và nhà nước, và kích động người dân biểu tình trong dịp quốc khánh.
Các bài viết của ông Ánh được ông đưa lên Facebook tập trung vào các chủ đề như nạn môi trường bị tàn phá do công ty Formosa thải độc gây ra vào tháng 4/2016, tình trạng thiếu tự do lựa chọn trong cuộc bầu cử năm 2016, hay các quan ngại về điều kiện sống của tù nhân chính trị...
Các bài viết này luôn thu hút sự quan tâm của công luận.

Cụ thể, báo thanh niên trong bài viết đăng khi ông Ánh bị xét xử lần đầu cho biết rằng, các nội dung này "đã phát tán đến hơn 2,4 triệu lượt người xem, hơn 45.000 lượt người thích và 133.000 bình luận."

Ông Ánh bị công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt giữ hồi tháng 8/2018 với cáo buộc tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam," chiếu theo điều 117 của Bộ luật Hình sự nước này.

Tháng 6/2019, sau một phiên xử diễn ra trong vài giờ đồng hồ, một tòa án ở tỉnh Bến Tre kết án ông 6 năm tù giam, cộng với 5 năm quản chế.

Luật sư của ông Ánh, ông Đặng Đình Mạnh cho BBC News Tiếng Việt biết hôm 6/11 qua điện thoại rằng, cả ông và ông Ánh đều bác bỏ hoàn toàn cáo buộc.

Luật sư Mạnh nói rằng tuy ông Ánh đã thừa nhận hành vi đăng tải những thông tin đó, nhưng điều đó chỉ là thực hiện quyền công dân của mình.

"Những cáo buộc đó hoàn toàn không công bằng. Anh Ánh không vi phạm như những gì anh đã bị truy tố. Anh Ánh có những trao đổi thông tin, hay những cuộc nói chuyện hay trao đổi quan điểm của anh về những vấn đề của đất nước như Forrmosa chẳng hạn thì thực ra anh đang thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình mà thôi.''

''Với quyền tự do ngôn luận của mình, anh có quyền đề cập đến những vấn đề của nhà nước, có thể là khen ngợi hay chỉ trích chính quyền, phê phán những chính sách chính quyền đang thực hiện không đáp ứng nguyện vọng người dân, thì đó là hết điều hết sức bình thường. Việc truy tố những hành vi như vậy thể hiện sự khắt khe với các quyền tự do dân chủ của người dân," ông Mạnh nói.

Vi phạm quyền tự do ngôn luận

Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), trong thông cáo phát đi hôm 6/11 cũng cho rằng, việc truy tố và giam giữ ông Ánh rõ ràng đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông.
Tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ bản án và ngay lập tức trả tự do cho ông.
Ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á thuộc tổ chức trên, nói rằng:
"Ông Nguyễn Ngọc Ánh là một trường hợp trong số ngày càng nhiều các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì bày tỏ ý kiến trên Facebook.
"Chính quyền Việt Nam dường như đang cho rằng việc sử dụng nền tảng mạng xã hội theo đúng mục đích thiết kế là một tội hình sự," ông nói.

Ông Ánh bị bắt khi con trai ông mới ba tuổi rưỡi.  FACEBOOK AN DUONG NGUYEN PHU

Ông Sifton, trong thông cáo trên, phân tích rằng, thoạt tiên nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù người dân để ngăn cản họ thực thi quyền tự do ngôn luận. Sau đó, nỗ lực dập tắt tiếng nói của những người trong gia đình họ muốn vận động đòi trả lại tự do cho họ.
Còn luật sư Mạnh thì cho biết, trong phiên phúc thẩm sẽ diễn ra ngày mai, ông sẽ bào chữa theo hướng ông Ánh vô tội. Việc ông Ánh bị truy tố và bỏ tù giam là hoàn toàn bị oan.

Bị đánh trong tù?

Vợ ông Ánh, bà Nguyễn Thị Châu, viết trên Facebook rằng, khi bà tới thăm chồng vào tháng 10/2019, ông "lết chân đi rất khó khăn."
Bà Châu cho biết là ông Ánh kể ông vừa bị một người tù khác đánh đến bất tỉnh.
Ông có báo về vụ việc đánh đập với quản giáo nhưng không ai có động thái gì.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng xác nhận có chuyện xô xát trong tù với ông Ánh nhưng là giữa những người bị tạm giam với nhau chứ không phải do quản giáo đánh người. Và tất nhiên, th

Vậy nhưng, ngày 23/10, Công an thị trấn Bình Đại, tỉnh Bến Tre triệu tập bà Châu đến để chất vấn.
Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền, bà Châu đã bị truy vấn quan hệ của bà với các gia đình tù nhân chính trị khác, về việc mặc áo phông phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng lãnh thổ trên biển đang tranh chấp, về việc đi đón tù nhân chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn và về việc bà đã trả lời phỏng vấn Đài Á châu tự do.
Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền, việc bỏ tù ông Ánh là một phần của đợt đàn áp đang tiếp diễn, nhắm vào những người phê phán đảng và chính phủ Việt Nam.
Theo tổ chức này, trong mười tháng đầu năm 2019, chính quyền Việt Nam đã kết tội ít nhất là 20 người và xử họ với các mức án từ 6 tháng đến 10 năm tù vì phê phán chính quyền, vận động cho tự do tôn giáo cũng như các quyền cơ bản về chính trị và dân sự, hoặc chống tham nhũng.

"Việc chính quyền khắt khe với những hành vi chỉ trích hay nói xấu chính quyền thực ra không mới. Thậm chí sau những sự kiện nóng như Formosa, thì những tiếng nói của như vậy của người dân tăng lên. Tức là những chỉ trích tương ứng với sự kiện diễn ra trong nước," ông Mạnh nhận xét.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền đã kêu gọi các công ty internet công khai bày tỏ quan ngại về những trường hợp bị giam giữ bất công do bày tỏ chính kiến trên mạng.
Đồng thời, kêu gọi các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam công khai phê phán những sự đàn áp này và lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động.
Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam sửa đổi các quy định pháp luật hà khắc về an ninh mạng và ngôn luận trên mạng.

Bà Châu, vợ ông Ánh, từng trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt và cho biết rằng, ông Ánh bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường từ năm 2014-2015.
Khi đó, ông chỉ nghiên cứu làm sao để làm sạch bãi rác thải quanh khu gia đình ở.
Từ lúc xảy ra sự cố Formosa, ông bắt đầu đi biểu tình, tìm hiểu thêm về môi trường, học đường, y tế và về dân oan về bất tuân dân sự.
Kể từ khi ông Ánh, trụ cột của gia đình bị bắt, bà Châu và con cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Châu cho biết khi ông Ánh bị bắt, con trai ông mới có 3 tuổi rưỡi.

Cha ông Ánh qua đời hồi tháng 3/2019, nhưng công an từ chối cho phép ông về chịu tang cha.


 ----------------------------

XEM THÊM

Tháng 10 7, 2019

Tháng 6 4, 2019





No comments: