Thursday, November 14, 2019

VIỆT NAM CÓ THỂ TRỞ THÀNH ĐỒNG MINH MỚI CỦA HOA KỲ ĐỂ CHỐNG LẠI TRUNG QUỐC? (Anders Corr - National Interest)




Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ
14/11/2019

Kể từ tháng Bảy, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một tàu tuần dương hộ tống của Trung Quốc đã có mặt tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông trong một thời gian dài. Khu vực tranh chấp, xung quanh 3 hòn đảo nhỏ mà Việt Nam chiếm đóng ở bãi Tư Chính, gần Việt Nam hơn bất cứ quốc gia nào khác và Việt Nam tuyên bố là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc tuyên bố khu vực này là lãnh thổ lịch sử, dựa vào cái gọi là đường chín đoạn mà Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague năm 2016 đã phán quyết là không có cơ sở pháp lý.

Việt Nam đặc biệt bị sự xâm lược mới nhất này đe dọa và phải chống trả, như đã từng tự vệ nhiều lần trước kia và đã tổn thất lớn về nhân mạng trong trận chiến chống lại Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa (1974), cuộc chiến Việt-Trung (1979) và hải chiến Trường Sa (1988). Trong mỗi trường hợp, Trung Quốc đều gây chiến trước và Việt Nam bị thiệt hại nhân mạng và lãnh thổ. Việt Nam đã có thể cải thiện an ninh rất nhiều nếu liên minh với Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất trên thế giới có thể đánh bại Trung Quốc một mình. Và Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi từ việc liên minh bằng cách tăng cường ngăn chặn Trung Quốc trong khu vực.

Nhưng mặc dù có nhiều lý do để tiến tới một liên minh và cải thiện tình hữu nghị trong hai thập niên qua, cả hai quốc gia đều bị những quan điểm sai lầm ngăn cản tư duy chiến lược về lợi ích quan trọng và chồng chéo của họ: Biển Đông. Việt Nam với chính sách “ba không”, chung quy là không liên minh với nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự trên đất của mình. Chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông chỉ đặt trọng tâm vào tự do hàng hải. Lẽ ra, thêm vào đó, nên tìm cách làm giảm sức mạnh kinh tế và quân sự tương đối của Trung Quốc, kể cả việc từ chối Trung Quốc tiếp cận các nguồn dầu mới, khí đốt và hải sản, vốn sẽ giúp họ gia tăng sức mạnh kinh tế, rồi trao quyền cho quân đội chống lại Hoa Kỳ. Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, những nguồn tài nguyên trong các vùng đặc quyền kinh tế không phải của Trung Quốc là tài sản dành riêng cho các quốc gia ven biển gần đó, gồm cả bờ biển dài của Việt Nam, chứ không thuộc về Trung Quốc thông qua đường chín đoạn bất hợp pháp.

Trung Quốc nhạy cảm với mọi dấu hiệu chiến lược ngăn chặn, nhưng khi sức mạnh, ảnh hưởng và sự xâm lược lãnh thổ gia tăng, việc ngăn chặn ngày càng trở nên rõ ràng như một chiến lược phản công cần thiết của các nước. Ngăn chặn không phải là quay trở về cuộc Chiến Tranh Lạnh, mà là một nguyên tắc chiến lược phòng thủ không bao giờ lỗi thời và kéo dài ít nhất từ thời Hy Lạp cổ đại. Việc ngăn chặn Trung Quốc sẽ được hỗ trợ qua việc Hoa Kỳ ủng hộ vật chất và yêu sách lãnh thổ của các quốc gia láng giềng Trung Quốc, kể cả Việt Nam. Nó cũng được hỗ trợ qua việc Việt Nam hủy bỏ chính sách “ba không”, dứt khoát liên minh với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc, chào đón các căn cứ quân sự Mỹ như là lực lượng thứ ba để làm nhụt chí nước láng giềng hung hăng phía bắc, như trường hợp Nam Hàn.

Chuyện mời Hoa Kỳ trở lại Việt Nam đặt căn cứ quân sự chắc chắn sẽ gây tranh cãi do xung đột lịch sử giữa hai quốc gia, nhưng giờ đây là lúc hãy gác lại quá khứ. Chúng ta có chung một kẻ thù mới ở Trung Quốc và chúng ta nên tuyệt đối cởi mở trong tình bạn mới được hàn gắn, để tối đa hóa sự răn đe.

Hành động cứng rắn đó có xảy ra hay không, phần lớn còn tùy thuộc vào thái độ của Trung Quốc trong việc bành trướng lãnh thổ, và nếu đúng như vậy, Trung Quốc có thể tiếp tục gây ảnh hưởng chính trị quan trọng ở cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, nhằm chống lại việc hai quốc gia này thân thiết với nhau hơn. Đặc biệt họ sẽ huy động các nhóm lợi ích, ở cả hai nước, vốn thường hay lấy lòng Trung Quốc trước nguy cơ xung đột quân sự. Các nhóm lợi ích đó luôn tìm cách tác động Hoa Kỳ và Việt Nam dẹp bỏ chiến lược ngăn chặn, dành ưu tiên cho kinh doanh và thương mại hơn là an ninh quốc gia và do đó cho phép các mối quan hệ quyền lực tiếp tục phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Vị trí của Việt Nam 

Nếu Trung Quốc thành công trong việc tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ của họ thông qua đường chín đoạn, như đã ghi rõ trong bản ghi chú năm 2009 gửi cho các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, thì Việt Nam cùng các nước yêu sách khác sẽ mất quyền đánh bắt hải sản và khai thác dầu khí rất có giá trị trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Việt Nam sẽ trở thành một vùng đất bị khóa cửa hợp pháp khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng chiến thuật kiểm soát sự tiếp cận hàng hải vào nước này.

Các yếu tố trong chiến lược mới của Việt Nam nên bao gồm:

1. Liên minh với các quốc gia có khả năng ngăn chặn Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân, ví dụ Hoa Kỳ, Pháp và Anh.

2. Liên minh với các quốc gia có đủ sức mạnh quân sự thông thường để răn đe Trung Quốc, ví dụ Hoa Kỳ.

3. Chuyển tăng trưởng kinh tế sang chi tiêu quân sự để răn đe Trung Quốc tại địa phương, ví dụ mua tàu ngầm, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không.

4. Dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền sẽ khuyến khích việc liên minh kinh tế và quân sự với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhất, được chặt chẽ hơn.

Ấn Độ, Nga và Úc, các quốc gia mà Việt Nam đã kêu gọi hỗ trợ, sẽ là các đối tác chiến lược hữu ích nhưng không phải là đồng minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để đánh bại Trung Quốc một mình. Nga có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và dù cả Nga và Ấn Độ đều là những cường quốc hạt nhân có sức mạnh quân sự thông thường đáng kể, họ vẫn không đủ mạnh về kinh tế và quân sự để đối đầu với Trung Quốc một mình. Cả hai đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization) do Trung Quốc lãnh đạo trong thực tế, nên bị sức mạnh của Trung Quốc chi phối. Vì vậy, họ không thể là đồng minh đáng tin cậy.

Úc là đồng minh tiềm năng đáng tin cậy nhưng không có vũ khí nguyên tử hay quy ước răn đe cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Họ cũng không đặc biệt mạnh về mặt ngoại giao, quân đội yếu kém hơn Trung Quốc, và chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn Hoa Kỳ, Pháp hoặc Vương Quốc Anh. Úc xuất khẩu khoảng 40,8% hàng hóa sang Trung Quốc (gồm cả Hongkong). Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc lớn như thế nào và từ đó tác động đến chính trị Úc. Ngược lại, Hoa Kỳ, Pháp và Anh có ít hàng xuất khẩu tính theo phần trăm GDP sang Trung Quốc hơn nên không chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều. Họ cũng được lợi thế do có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Mức độ che chở mà các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam gần như là con số không. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giúp đỡ Việt Nam rất ít, khi các quốc gia thành viên ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc và phủ quyết mọi chỉ trích về Trung Quốc. Tổ chức này chuẩn bị và thực hiện rất ít các kế hoạch quân sự và kinh tế cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi chính sách bành trướng ở Biển Đông. Dù thắng vụ kiện tại The Hague, Philippines, thành viên ASEAN, vẫn phải khuất phục trước ảnh hưởng của Trung Quốc sau khi Trung Quốc phớt lờ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Giờ đây, trong khối ASEAN, Việt Nam là quốc gia ương ngạnh nhất trong nỗ lực duy trì nền độc lập của mình. Tuy vậy, vì Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đến thượng tầng cơ cấu quyền lực Việt Nam và là đối tác thương mại lớn, một số mặt hàng Trung Quốc được trung chuyển bất hợp pháp để tránh thuế quan của Hoa Kỳ. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, với quyền phủ quyết của Trung Quốc, không đủ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Điều này cho thấy một liên minh hay thậm chí các mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ cũng sẽ giúp Việt Nam củng cố sức mạnh trong nước để chống lại Trung Quốc và tăng cường ngăn chặn trong trường hợp xung đột quân sự xảy ra, thông qua một người bạn hùng mạnh.

Hoa Kỳ có tất cả các điều kiện cần thiết của một đồng minh cốt lõi đáng tin cậy và đủ để chống lại Trung Quốc: một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga), sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc, sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết các nghị quyết của Trung Quốc ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, khả năng quân sự cần thiết để tiến hành cuộc chiến tranh quy ước chống Trung Quốc và vũ khí hạt nhân để răn đe và tự vệ trong trường hợp Trung Quốc định trả đũa bằng vũ khí nguyên tử.

Không có Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc, nền an ninh của Việt Nam không thể được bảo đảm. Sự tham gia của Hoa Kỳ là điều kiện thiết yếu đối với bất kỳ liên minh nào trên thế giới chống Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ dành đặc quyền cho những quốc gia tôn trọng giá trị dân chủ và nhân quyền. Vì vậy, để có được liên minh với Hoa Kỳ, Việt Nam tối thiểu cũng phải cải thiện từ từ nhưng vững chắc nền dân chủ và nhân quyền.     
   
Vị trí của Hoa Kỳ

Một liên minh Việt-Mỹ không chỉ lợi cho Việt Nam mà còn lợi cho cả Hoa Kỳ. Khi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ bằng một số biện pháp, bao gồm GDP tuyệt đối bằng sức mua tương đương, tăng trưởng GDP, gia tăng chi tiêu quân sự, tầm bắn của tên lửa chống hạm, quân số, số lượng tàu hải quân mới, tình báo nhân tạo và siêu máy tính, Hoa Kỳ và phần còn lại trên thế giới nên cân nhắc thật kỹ cách kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trước khi nó vượt các cấu trúc quyền lực cơ bản hiện hành như chủ nghĩa dân tộc, Liên Hiệp Quốc và G7. Ảnh hưởng chính trị toàn cầu của Trung Quốc được sức mạnh kinh tế hỗ trợ đang gia tăng và một phần được phân phối cho giới tinh hoa nước ngoài, gồm cả giới tinh hoa Mỹ, nhằm đạt được lợi ích chính trị.

Một liên minh mới với Việt Nam sẽ đảo ngược làn sóng chiến thắng ngoại giao mới của Trung Quốc và sẽ khiến Trung Quốc phải chấm dứt khai thác dầu khí và đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nó sẽ là một ví dụ giúp các quốc gia khác trong khu vực biết cách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của họ và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Nếu liên minh được mở rộng từ Việt Nam đến Indonesia và Ấn độ, những nước đang có chính sách không liên kết, dần dần Trung Quốc sẽ bị đẩy vào sân sau của chính họ.

------------------

Nguồn :
America must strengthen its containment of Beijing.
November 7, 2019





No comments: