22/11/2019
Hiến Pháp Mỹ cho ra đời hệ thống dân chủ dựa
trên Tam Quyền Phân Lập: ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp hiện
diện cùng với nhau. Quyền lực của mỗi ngành có những hạn chế nhất định và được
giám sát bởi hai ngành kia, và còn được gọi là ‘Giám Sát và Phân Quyền’ (Checks
and Balances). Một trong những quyền của ngành lập pháp để giám sát hành pháp
là luận tội tổng thống (còn gọi là ‘đàn hặc’, hay ‘impeachment’ tiếng Anh), khi
cảm thấy Tổng thống đã phạm trọng tội (high crimes and misdemeanors). Hạ viện
Quốc hội sẽ đứng vào vai công tố viên: điều tra và buộc tội, rồi sau đó Thượng
viện trở thành tòa án, nơi tội cáo buộc được xét xử. Buộc tội và xét xử đều tùy thuộc vào lá phiếu của
mỗi vị dân cử, nên thủ tục này không thuần túy luật pháp, mà nặng tính chính trị.
Khi Tổng thống Trump đắc cử năm
2016, ông tạo ra một khung cảnh chính trị đặc thù không có tiền lệ. Ông vi phạm
truyền thống chính trị Mỹ đã được coi như luật bất thành văn: ông giấu hồ sơ
thuế của mình (tuy đã nhiều lần hứa sẽ công bố); ông mang con cái vào giữ những
chức vụ then chốt trong chính phủ (tuy họ hoàn toàn không có kinh nghiệm gì);
ông duy trì các doanh nghiệp của mình (tuy vẫn tiếp tục kiếm lợi nhuận kể cả từ
chính phủ Mỹ và các chính phủ nước ngoài); ông đả kích và phỉ báng các đồng
minh trong khi tuyên dương các quốc gia đối đầu với Mỹ kể cả Nga; ông mạt sát
các cựu quân nhân và phụ huynh tử sĩ; ông dung túng các tổ chức kỳ thị chủng tộc
và giới tính. Danh sách này rất dài, nhưng như ông đã từng tuyên bố: “ngay cả nếu
tôi có bắn chết người trên Đại Lộ Số Năm, tôi cũng không sợ mất bất cứ một lá
phiếu nào”.
Thật thế, phản ứng của đảng Cộng hòa của ông
chứng minh điều ông tin là đúng. Ban đầu, nhiều chính khách trong đảng lớn tiếng
chỉ trích hành vi sai trái và lời phát biểu dối trá và kỳ thị của ông. Dần dần,
họ im lặng và cuối cùng là chuyển qua ủng hộ hay bào chữa cho bất cứ điều gì
ông làm.
Nhiều người đã cho rằng nền dân chủ Mỹ đang đứng
trước nguy cơ sống còn: một nhà lãnh đạo với xu hướng độc tài rõ rệt, nhưng vẫn
được gần một nửa nước Mỹ bầu lên. Đối phó thế nào nếu chính tổng thống toa rập
với nước ngoài để lũng đoạn hệ thống bầu cử? Nếu tổng thống đe dọa và sỉ nhục bất
cứ ai có quan điểm khác mình? Nếu tổng thống gọi báo chí và truyền thông là “bọn
tin giả” và “kẻ thù nhân dân”?
Câu trả lời đã bắt đầu rõ ràng hơn. Rất nhiều,
hay có thể nói hầu hết, những quan chức chính phủ dưới quyền Tổng thống Trump
không đồng ý với cách làm việc cẩu
thả và có tính mưu tư lợi của người lãnh đạo quốc gia. Họ bắt đầu phản ứng bằng
cách phanh phui các hành vi này trước Quốc hội.
Và Quốc hội bắt đầu luận tội.
Tại Sao Luận Tội?
Nhân vật có nhiều quyền lực nhất đảng Dân chủ
đối lập là bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện. Bà đã hành động rất thận trọng,
trì hoãn và cản trở các yêu cầu của những nhà dân cử trẻ tuổi muốn tiến hành luận
tội nhanh chóng. Bà lập luận rằng chỉ khởi xướng luận tội khi có bằng chứng chắc
chắn và khi lòng người “đã chín”. Nhiều người cho rằng bà nhát; ngược lại, một
số đông quan niệm luận tội là vô ích, vì Thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm, sẽ
không bao giờ kết tội Tổng thống Trump.
Vào tháng Chín, tình hình đột ngột thay đổi.
Biden, Bố và Con
Joseph Biden là Cựu Phó Tổng thống trong hai
nhiệm kỳ của Obama, và là một chính trị gia kỳ cựu của Đảng Dân chủ. Ông đã từng
là Thượng nghị sĩ Liên bang trong gần 40 năm và nổi tiếng là một trong những
thành viên Quốc hội nghèo nhất, và nghèo thường đi đôi với thanh liêm (nguồn:
Center for Responsive Politics). Cuộc đời ông trải qua nhiều bất hạnh, như khi
vợ và đứa con gái một tuổi bị chết trong tai nạn xe hơi ngay sau lúc ông đắc cử
Quốc hội lần đầu tiên vào năm 1972. Ông một mình nuôi hai đứa con trai cho đến
khi lập gia đình lần thứ hai. Rồi con trai Beau Biden đã qua đời do bệnh ung
thư, khiến ông từ chối không tranh cử tổng thống vào năm 2016.
Hunter Biden, con trai thứ và duy nhất còn lại,
là một luật sư chuyên về luật quốc tế và được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của
công ty Burisma, một công ty khí đốt của Ukraine. Công ty này từng bị tai tiếng
do vi phạm luật pháp Ukraine, nhưng chưa hề có một chứng cớ về bất cứ sai trái
nào của cá nhân ông Hunter Biden.
Tình báo Mỹ đã khẳng định chắc chắn rằng Nga
lũng đoạn cuộc bầu cử tổng thống 2016 của Mỹ. Ông Putin muốn đánh lạc hướng dư
luận bằng cách đổ lỗi Ukraine mới là thủ phạm. Tuy không có bằng cớ nào, ông
Trump và bộ hạ đã lập tức ‘ca theo’ bài hát của Putin. Họ áp lực Ukraine phải
điều tra việc này và điều tra công ty Burisma. Đây là cách Tổng thống Trump muốn
làm nhơ tên tuổi của Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người được coi là đối thủ
chính trị mạnh nhất của Trump trong cuộc bầu cử 2020.
Dùng
tiền viện trợ đã được Quốc hội thông qua để áp lực một chính phủ nước ngoài bôi
nhọ đối thủ chính trị và lũng đoạn bầu cử Mỹ là một hành động tống tiền, hối lộ
và làm tổn hại đến an ninh quốc gia. Đó là một tội phạm và lý do tại sao thủ tục
luận tội đã bắt đầu.
Ukraine, Nga và Mỹ
Ukraine, một cựu Cộng hòa Sô viết, được độc lập
sau khi Liên bang Sô viết sụp đổ, nhưng di sản của chế độ cộng sản vẫn phủ trùm
và nền dân chủ trẻ trung gặp nhiều thử thách, kể cả nạn tham nhũng tràn lan. Nước
Nga của Putin, lợi dụng rối ren của cựu chư hầu và hàng xóm của mình, châm mồi
cho thiểu số gốc Nga ở Ukraine khởi động cuộc chiến tranh ly khai, rồi vin vào
đó để xâm lăng và chiếm đứt bán đảo Crimea, một vị trí chiến lược trên bờ Hắc Hải.
Vào tháng tư năm nay, Ukraine bầu một tổng thống
mới, ông Volodymyr Zelensky. Đại đa số dân Ukraine ủng hộ chủ trương chống tham
nhũng của tổng thống trẻ tuổi thân Tây phương này. Zelensky rất cần sự giúp đỡ
của Mỹ và NATO để đối chọi với Nga.
Cả hai
đảng trong Quốc hội Mỹ biểu quyết viện trợ quân sự gần 400 triệu đô-la cho
Ukraine. Số tiền viện trợ này bị giữ lại mà không ai rõ lý do, cho đến khi có ‘người thổi còi’ phanh phui câu chuyện.
‘Người Thổi Còi’, hay Whistleblower
Một nhân viên tình báo ẩn danh báo cáo với
thượng cấp về cuộc gọi giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky của Ukraine
vào ngày 25 tháng 7, 2019. Báo chí gọi người này là ‘người thổi còi’ hay
whistleblower, có nghĩa là một người thấy sai trái và báo cho các thẩm quyền biết.
Luật Mỹ bảo vệ những ‘whistleblower’, vì họ là một trong những cách giám sát
các tệ đoan của các công ty hay cơ quan chính phủ. Theo người ‘whistleblower’,
Trump áp lực Zelensky phải tiến hành điều tra công ty Burisma và vai trò
của ông Hunter Biden, con của Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nếu muốn Mỹ giải
ngân cho số tiền viện trợ mà Ukraine rất cần để mua sắm vũ khí chống Nga.
Cho đến nay, nhân viên tình báo này vẫn ẩn
danh. Tuy nhiên, lời khai của người này đã được vài nhân viên chính phủ khác
tham dự vào cuộc gọi đó xác nhận là đúng. Không những thế, chính Tổng thống
Trump đã thừa nhận nội dung của cuộc gọi giống những gì ‘người thổi còi’ kể lại,
tuy Tổng thống cho rằng sử dụng tiền viện trợ quốc gia để áp lực một chính phủ
khác nhằm phục vụ mục tiêu chính trị cá nhân nằm trong quyền hạn của mình.
Tổng thống và phe ủng hộ ông lập tức mạ lỵ
‘người thổi còi’ như một nhân vật hèn nhát và không thể tin được. Họ cũng đòi Đảng
Dân chủ phải công bố danh tánh người này, tuy điều đó trái với luật Mỹ, vốn bảo
vệ những ‘whistleblower’. Đến bây giờ thì danh tánh nhân vật này không còn quan
trọng nữa, vì những điều người đó khai đã có thể kiểm chứng dễ dàng bằng nhiều
nguồn khác.
Buộc Tội và Gỡ Tội
Phe buộc tội là Đảng Dân chủ đã trình bày rất
chi tiết về sự lạm dụng quyền lực của Tổng thống Trump, nhờ các lời khai thuyết
phục của nhiều nhân chứng. Qua đó, chúng ta hiểu được rằng Trump đã sai Rudy
Giuliani, luật sư riêng của ông, phá rào đi đêm với Ukraine để áp lực chính phủ
xứ này phải điều tra và bôi nhọ đối thủ chính trị của Trump. Các nhân chứng điều
trần đều giữ các vai trò quan trọng trong chính phủ về quan hệ với
Ukraine. Họ xác nhận rằng chính Tổng thống Trump và ông Giuliani đã đi ngược lại
với chính sách ngoại giao Mỹ để phục vụ mục tiêu chính trị cá nhân của Trump.
Các vị dân cử của Đảng Cộng hòa được Tổng thống
giao cho trách nhiệm hẳn không hứng thú gì với họ: bào chữa cho những sai trái
không bào chữa nổi. Họ đành theo cẩm nang của những tay tội phạm: Đầu tiên tấn
công các nhân chứng bất kể nhân chứng là ai. Rồi họ tìm cách đánh lạc hướng dư
luận bằng cách bịa đặt ra những thuyết âm mưu mà không có mảy may chứng cớ. Cuối
cùng, họ nói: Ừ thì Tổng thống đã làm thế đấy, nhưng đó là quyền của một vị
lãnh đạo. Ngăn chặn tiền viện trợ để áp lực một quốc gia khác điều tra đối thủ
chính trị của minh thuộc phạm vi quyền lực của Tổng thống và chẳng có gì sai
trái.
Những Ngôi Sao Điều Trần Trước Quốc Hội
Cho đến hôm nay, thứ năm, ngày 20 tháng 11,
2019, đã có một số nhân chứng điều trần trước Quốc hội tạo nhiều chú ý,
vì
tuy là
các
nhà
ngoại giao hay quân sự làm việc dước quyền Tổng thống Trump, họ dám nói lên sự thật
để bảo vệ Hiến pháp và nền dân chủ Mỹ.
Người đầu tiên là bà Marie Yovanovitch, cựu đại
sứ Mỹ ở Ukraine. Theo thẩm định của giới chuyên môn, bà là một nhà ngoại giao
có khả năng và đã đắc lực phục vụ quyền lợi của nước Mỹ trong bang giao với
Ukraine. Nhưng Giuliani coi bà như một trở ngại cho nỗ lực tống tiền Tổng thống
Zelensky, nên ông khởi xướng chiến dịch bôi xấu bà. Tổng thống Trump, trong một
cuộc trao đổi với Zelensky đã được các nhân chứng xác nhận, miệt thị chính đại
sứ của minh. Vào tháng tư năm nay, bà bị Bộ Ngoại giao đột ngột triệu về Mỹ viện
cớ an ninh cá nhân bà bị đe dọa, rồi bị sa thải không có lý
do.
Trung Tá Vindman là người gốc Ukraine, bố mẹ
tị nạn chính trị lúc Vindman mới lên 3 tuổi. Vindman gia nhập quân đội Mỹ và được
thăng thưởng nhiều lần, kể cả được trao huy chương Purple Heart sau khi bị
thương ở mặt trận Iraq. Vindman là người dự thính cuộc gọi tai tiếng giữa Trump
và Zelensky, khi Trump đòi vị đồng nhiệm của minh phải điều tra ông Hunter
Biden. Sau cuộc gọi, Vindman lập tức báo cho thượng cấp vì tống tiền một nguyên
thủ quốc gia khác là việc sai trái. Lời báo cáo của Vindman bị dìm đi, và bản
ghi chép chính thức của cuộc gọi lập tức bị Nhà trắng niêm phong. Vindman tình
nguyện ra điều trần trước Quốc hội để trình bày những gì mình biết.
Hèn Nhát và Bỉ Ổi
Mặt trái của sự can đảm trên là hành vi tráo
trở, có thể nói đốn mạt của các chính trị gia Cộng hòa. Phản ứng đầu tiên của họ,
từ Tổng thống Trump trở xuống, là miệt thị và đe dọa các nhân chứng. Với ‘người
thổi còi’, ông Trump đòi phanh phui danh tánh người đó ra, tuy luật Mỹ bảo vệ
cho những người này được ẩn danh để tránh bị trả thù.
Rồi ông và phe đảng tấn công Trung tá
Vindman, gọi ông là người phản quốc và làm gián điệp cho Ukraine vì có gốc
tích di dân (theo lập luận của họ, tất cả người Việt ở Mỹ đều là gián điệp của
Việt cộng và không thể tin tưởng được). Họ đe dọa đến sự an nguy của cá nhân và
gia đình ông đến mức ông phải yêu cầu được quân đội bảo vệ.
Tổng thống Trump cũng lên Twitter để miệt thị
Cựu Đại sứ Yovanovitch ngay lúc bà điều trần trước Quốc hội. Điều này đã bị Quốc
hội ghi nhận là nỗ lực đe dọa để bịt miệng nhân chứng, và có thể sẽ là một
trong những tội phạm bị xét xử.
Trái Bom Trong Buổi Điều Trần
Ngạc nhiên nhất là lời khai của cựu đại sứ Mỹ
tại NATO Gordon Sondland. Ông là một thương gia giàu có đã ủng hộ Đảng Cộng hòa
rất nhiều tiền, kể cả cho ủy ban tranh cử của ông Trump 1 triệu đô-la. Trump bổ
nhiệm ông làm đại sứ Mỹ tại NATO, tuy ông không có mảy may kinh nghiệm nào về cả
ngoại giao lẫn quân sự. Theo lời khai của các nhân chứng khác, ông là một phụ
tá đắc lực cho Tổng thống để né đường dây ngoại giao thông thường mà đổi chác
thẳng với đối tác nước ngoài. Ông thường xuyên nói chuyện trực tiếp với Trump kể
cả một cuộc gọi bất hủ từ một nhà hàng ở Kiev, thủ đô Ukraine, trên một điện
thoại cầm tay bình thường và thiếu an ninh, với những người bồi bàn đứng xung
quanh. Tổng thống Trump nói to đến độ các người khác có mặt, kể cả một số viên
chức ngoại giao Mỹ, có thể nghe được rằng Trump vặn hỏi xem Zelensky đã đồng ý
điều
tra chưa. Một nhân viên ngoại giao sau đó hỏi ông Sondland là Tổng thống nghĩ
gì về Ukraine. Sondland trả lời là Tổng thống chỉ muốn công ty Burisma (tức là
ông Biden) bị điều tra, chứ không quan tâm đến việc gì khác.
Trước Quốc hội, ông Sondland khai rằng ông đã
nhận lệnh trực tiếp từ Tổng thống Trump để áp lực Zelensky, và tất cả các nhân
vật then chốt trong chính phủ như Phó Tổng thống Pence, Bộ trưởng Ngoại giao
Pompeo, Chánh Văn phòng Mulvaney, đều biết rõ việc làm của Trump và Giuliani,
nhưng không ai lên tiếng hay tìm cách can thiệp.
Lời điều trần của ông Sondland phá vỡ tất cả
những bào chữa trước đây của phe Trump: Trump không biết gì, Trump không từng
gây áp lực trái luật với Zelensky, và các nhân vật then chốt kia cũng không
dính líu. Đương nhiên, ghế tổng thống giữ được hay mất còn tùy thuộc vào Thượng
viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số và cho đến hôm nay, vẫn hết mực trung thành
với Tổng thống. Lòng trung thành này có thể lung lay khi nhiều tội phạm bị phơi
bày trước công luận, và cử tri độc lập cũng như Cộng hòa bắt đầu xoay chiều.
Luận Tội Sẽ Đi Đến Đâu?
Không ai có thể đoán được điều này. Khi Tổng
thống Nixon bị luận tội năm 1974, lúc ban đầu đảng Cộng hòa của ông và đại đa số
người Mỹ cũng chống việc luận tội. Nhưng rồi dư luận từ từ chuyển hướng khi sự
lạm dụng quyền lực của Tổng thống bị phanh phui. Nhiều chính khách đảng Cộng
hòa ngả theo phía Dân chủ, và chính họ đã thuyết phục Nixon từ chức.
Tình hình nay đã khác nhiều. Số lượng người ủng
hộ nòng cốt của Tổng thống Trump không nhỏ và tuyệt đối trung thành, cho dù
Trump có làm bất cứ sai trái gì. Các chính khách Cộng hòa cũng đã cho thấy họ
coi trọng ghế nghị viên của họ hơn là hiến pháp, an ninh quốc gia, hay lòng tự
trọng. Tuy nhiên, chính trị muôn đời vẫn thế: chính trị gia cần cử tri.
Trước khi thủ tục luận tội Tổng thống Trump
tiến hành, hầu hết người Mỹ không ủng hộ việc này. Nhưng những cuộc thăm dò gần
nhất cho thấy đa số người Mỹ hiện nay đã cảm thấy Tổng thống Trump cần bị truất
phế qua luận tội. Con số này chưa đủ để tạo nhiều áp lực lên đảng Cộng hòa, vì
những vùng rặt Cộng hòa vẫn còn trung thành với Trump. Nhưng không bao giờ nói
không bao giờ. Lòng dân có thể tiếp tục thay đổi, và đó là điều rất bất lợi cho
ông Trump và đảng Cộng hòa của ông.
Nhận Định Kết
Có những giai đoạn trong hai năm nay mà nhiều
người Mỹ, kể cả người viết, rất bi quan về tương lai nước Mỹ. Xu hướng độc tài phủ trùm nhiều nơi trên thế
giới, từ Nga, Trung Quốc, Việt Nam, sang đến cả Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu. Rồi
nước Mỹ cũng bị lôi vào, và chúng ta đã phải đặt câu hỏi: liệu có tìm được lối
thoát hay không?
Nhưng tiến trình luận tội cho thấy, đa số những
người Mỹ có học thức, kể cả giới chuyên gia và công chức, sở hữu một giá trị
dân chủ vững vàng. Họ trung thành với Hiến pháp Mỹ, với nền tảng luật pháp và
nguyên tắc dân chủ, thay vì đảng phái hay bất cứ lãnh tụ nào. Trong tầm ngắn hạn,
có thể họ chịu khuất phục không lên tiếng, nhưng họ vẫn có cách chống lại. Họ rỉ
tin đến báo chí, họ không cộng tác với lệnh trên khi thấy những lệnh đó sai
trái, và họ tự nguyện điều trần. Họ là những chiến sĩ tiên phong của nền dân chủ
Mỹ, và chúng ta nên biết ơn họ.
Cho dù Tổng thống Trump có bị truất phế hay
không, thủ thục luận tội đã cho thấy nó có khả năng ảnh hưởng đến dư luận, và đến
kết quả cuộc bầu cử 2020.
Chúng ta, những người Mỹ, vẫn có quyền hy vọng
vào sự bền vững của nên dân chủ của xứ sở này.
------------------------
Thắng Đỗ là thành viên Hội đồng quản trị của PIVOT,
Hội
Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến
No comments:
Post a Comment