Thursday, November 7, 2019

SỞ HỮU DỮ LIỆU CÁ NHÂN & KIẾM TIỀN TỪ NÓ. TẠI SAO KHÔNG? (Trần Hà Linh - Luật Khoa)





07/11/2019

“Idatity.”

Nhạc sĩ William Adams (will.i.am) đã trả lời như vậy vào năm 2014 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos khi được hỏi con người sẽ quan tâm tới điều gì vào năm 2019.

Nhạc sĩ William Adams (will.i.am). Ảnh: The Economis

“Idatity” là một cách chơi chữ của will.i.am, kết hợp giữa hai chữ “identity” (danh tính) và “data” (dữ liệu), hàm ý nói về dữ liệu/thông tin cá nhân của con người trong thời đại công nghệ số.

Trong bài viết đăng ngày 21/1/2019 trên tờ The Economist, will.i.am cho rằng “dữ liệu cá nhân cần phải được coi như là một quyền con người, tương tự như quyền tiếp cận nước sạch. Khả năng sở hữu và kiểm soát dữ liệu nên được xem là một giá trị trung tâm của con người. Bản thân dữ liệu nên được đối xử như một loại tài sản và con người nên được bù đắp thoả đáng cho nó”.

Lập luận của vị nhạc sĩ người Mỹ này là dữ liệu cá nhân là thứ bán được, nó đang tạo ra hàng tỷ đô-la thu nhập cho các “đế chế dữ liệu” như Facebook và Google, nhưng bản thân người dùng không được hưởng bất kỳ lợi ích tài chính nào. Ông so sánh điều này với bản quyền các bài hát và bản nhạc, thứ mang lại cho ông những khoản lợi nhuận kếch xù, và cho rằng dữ liệu cá nhân cũng phải được đối xử tương tự.

Không những không được hưởng lợi về mặt tài chính, người dùng còn bị các hãng công nghệ lợi dụng để bán đứng dữ liệu ngoài ý muốn của họ. Hậu quả của nó là các cuộc bầu cử bị thao túng (chẳng hạn như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và Brexit) và tình trạng hỗn loạn ở một số nơi (chẳng hạn như Nam Phi).

Thừa nhận rằng người dùng đang được sử dụng các dịch vụ công nghệ miễn phí, nhưng William Adams cho rằng người dùng đang bị hớ, vì các hãng công nghệ đang kiếm lợi nhiều hơn rất nhiều so với những gì người dùng được hưởng.

Với quan điểm như vậy, William Adams tin rằng những công ty công nghệ trong tương lai sẽ thay đổi mô hình hoạt động, tôn trọng quyền sở hữu dữ liệu cá nhân của người dùng bằng những hợp đồng sử dụng công bằng hơn.




No comments: