Tuesday, November 12, 2019

SCANDAL CHÂN NHƯ KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN RIÊNG (Thạch Đạt Lang)




10/11/2019

Ngày 28/10/2019, Hoàng Đức Chân Như phóng viên chính thức của đài Á Châu Tự Do - RFA, đưa lên facebook của anh ta một status (stt) phỉ báng cựu tổng thống Obama là một "tên da đen", đồng thời gọi đảng Dân chủ Mỹ là đám con lừa, vu khống đảng Dân chủ Mỹ nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho nhóm khủng bố khát máu ISIS tồn tại đến ngày hôm nay.

Sau khi bị phản đối dữ dội, một số người còn gửi thư cho Ban Giám đốc của RFA, thông báo sự việc, yêu cầu phải có biện pháp xử lý thích ứng với nhân viên của mình, Chân Như đã xóa bỏ stt vừa kể và những stt biểu lộ sự kỳ thị về màu da, khuyến khích tự vũ trang, sử dụng bạo lực với những người khác chính kiến (ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ)…

Hiện tại, chưa biết RFA sẽ xử lý trường hợp Chân Như ra sao nhưng chuyện của Chân Như khiến cho nhiều người nhớ đến chuyện ông Lê Diễn Đức, cộng tác viên của RFA, từng bị RFA hủy hợp đồng vì những nhận định gây ngộ nhận đến đường hướng hoạt động của RFA và làm tổn thương nhiều người.

Ngày 30/08/2015, cũng qua facebook, ông Lê Diễn Đức bình luận về một tổ chức kháng chiến của người Việt hải ngoại là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, gọi tắt là Mặt Trận (hiện không còn tồn tại) : "Cả hàng trăm ngàn quân lính trong tay, vũ khí xềnh xàng mà còn bị bộ đội Bắc Việt đánh cho tan tành, chạy chít chết, cuối cùng phải đầu hàng, thì vài chục người đi qua rừng núi Thái Lan dựng "chiến khu" với mục đích Đông Tiến, phục quốc chỉ là trò cười, ảo tưởng, chứ anh hùng cái nỗi gì".
"Đây đích thực là một cuộc làm chiến khu giả lừa gạt bà con hải ngoại nhẹ dạ để kiếm tiền, không hơn không kém !"
"Niềm tin vào những anh hùng vị quốc vong thân ấy là niềm tin ngô nghê, mù quáng".

Bình luận đó của ông Đức từng bị phản đối gay gắt từ những blogger nổi tiếng cả ở ngoài lẫn tại Việt Nam.

Khoan bàn đến chuyện stt đúng/sai, phản ứng của nhiều người trên mạng xã hội cho thấy, nhận định của ông Đức đã làm nhiều người Việt bị tổn thương. Cũng vì vậy dư luận mới trở thành ồn ào và RFA phải hủy hợp đồng với ông Đức.

Lúc đó, RFA giải thích, quan niệm của cá nhân ông Đức không phù hợp với những tiêu chỉ và nguyên tắc của đài, quan niệm này gây mâu thuẫn, chia rẽ người Việt cả ở ngoài lẫn trong Việt Nam.

Cần nhắc lại, vào thời điểm đó, cũng có những người bênh vực ông Đức, rằng ông chỉ bày tỏ suy nghĩ với tính cách cá nhân trên trang facebook của ông, không nhục mạ, vu khống ai, chỉ chế giễu một số người Việt đặt niềm tin vào một tổ chức kháng chiến ma và những những người đã hi sinh cho tổ chức đó. Tuy nhiên đài RFA không rút lại quyết định hủy hợp đồng với ông Đức, họ chỉ gỡ bỏ thông báo lý do hủy hợp đồng.

Quyết định của RFA đối với Lê Diễn Đức cho thấy, khi viết bài cộng tác viên với một cơ quan truyền thông như RFA, ông Đức đã trở thành một nhân vật của đám đông (public figure). Thành ra việc trình bày ý tưởng, nhận định cho dù ở những nơi được xem là thuộc về cá nhân như facebook cũng sẽ tác động tới nhiều người và nếu không chính đáng, có thể gây ngộ nhận về RFA.

Trở lại với trường hợp của Chân Như, tính chất trong tương quan giữa cá nhân với RFA còn cao hơn một mức - Chân Như là nhân viên chính thức của RFA. Do đó, dù chỉ là bày tỏ nhận định trên trang facebook của mình, những ý kiến của Chân Như có thể khiến người ta nghi ngại về RFA. Khi nhân viên có định kiến và trở thành cực đoan như thế, làm sao RFA có thể bảo đảm tiêu chí khách quan, trung thực trong hoạt động của mình ?

Cho dù cá nhân có quyền tự do trong đánh giá, nhận định nhưng không phải tự nhiên mà Mỹ sử dụng luật pháp nghiêm cấm từ lời nói đến biểu hiện thái độ, hành động biểu lộ sự kỳ thị màu da, chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo… ở nơi công cộng, có thể khiến người khác nghe, thấy. Tự do suy nghĩ không phải là tự do hành động gây tổn thương những người khác biệt với mình.

Chân Như có quyền "khinh" ông Barack Obama, ghét đảng Dân chủ, kêu gọi mọi người ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng gọi ông Obama là "tên da đen", "lai đen", xem những người khác biệt chính kiến với mình là "đám con lừa", khoác cho "đám con lừa" những cáo buộc vô bằng như "tôn sùng cộng sản, nuôi dưỡng - tạo điều kiện cho khủng bố" và kêu gọi tự vũ trang để răn đe những người khác biệt chính kiến thì về mặt đạo đức là bất nhân, về mặt xã hội đó chính là phạm pháp vì nguy hại cho người khác.

Tuy người viết bài này quan tâm đến chuyện RFA sẽ xử trí Chân Như như thế nào nhưng sự quan tâm đó vẫn không lớn bằng thắc mắc :

Tại sao có không ít người Việt trưởng thành và sống trong một môi trường như Mỹ hoặc châu Âu lại nghĩ và hành xử như Chân Như ?

Tại sao cũng là di dân, cũng là thiểu số, cũng có không ít khác biệt với người bản xứ nhưng lại miệt thị những người da đen, người nói tiếng Spanish, người không cùng tôn giáo với mình ?

Tại sao vì cộng sản phải bỏ xứ tha hương nhưng trong đánh giá, nhận định, lời nói và hành động chẳng khác gì cộng sản : Xác định trên - dưới chỉ bởi màu da, chủng tộc, tôn giáo không giống… mình ?

Không chỉ miệt thị mà còn thản nhiên vu cáo, bày tỏ khát khao sử dụng bạo lực, hủy diệt người khác chỉ vì quan niệm - nhận thức về chính trị (Dân chủ, Cộng hòa) khác biệt với mình.

Tại sao chống cộng mà tư duy - hành xử lại y hệt như cộng sản ? Với họ, chống cộng là chống độc đoán, tàn bạo, phi nhân hay chống cộng chỉ vì chúng không giống… mình ?

Thạch Đạt Lang
(10/11/2019)








No comments: