Saturday, November 16, 2019

QUYỀN SỐNG KHÔNG LO SỢ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
November 15, 2019

Hằng năm cứ vào cuối Thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức lo lắng không biết những đứa cháu mình năm nay đi học có thể gặp nạn bắn giết trong trường hay không.

Chắc quý vị độc giả nghe thấy quen thuộc, bắt chước một câu của nhà văn Thanh Tịnh (1911-1988). Ông mở đầu truyện ngắn “Tôi Đi Học”: “Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.”

Những ai học văn chương Pháp chắc thấy Thanh Tịnh đã đọc Anatole France (1844-1924). Trong cuốn  tập “Cuốn Sách Của Bạn Tôi” (Le Livre de mon ami) France cũng kể “những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.”

“Tôi sẽ kể cho bạn nghe những điều tôi nhớ, mỗi năm, bầu trời mùa Thu khích động, những bữa ăn tối dưới ánh đèn và những chiếc lá đang ửng vàng trên hàng cây run rẩy; tôi sẽ kể bạn nghe những gì tôi trông thấy khi băng qua Vườn Luxembourg trong những ngày đầu Tháng Mười hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết; vì đó là lúc lá rơi từng chiếc một trên bờ vai trắng những pho tượng trong vườn. Điều tôi thấy trong khu vườn đó, là một cậu bé, hai tay đút túi và cái ba lô khoác trên lưng, đang đi tới trường nhảy nhót như một con chim sẻ.”

Tuổi trẻ êm đềm, thơ mộng. Trẻ em bây giờ chắc vẫn mang những kỷ niệm đẹp giống như Thanh Tịnh và Anatole France ngày xưa, dù đang ở nước Mỹ. Nhưng các phụ huynh có con cháu đi học chắc không chia sẻ những tình tự êm đềm đó nữa.

Chúng ta lo lắng. Tôi có sáu đứa cháu đi học, hai đứa mới vào năm đầu tiên bậc trung học, ở New York và Fountain Valley, California. Tôi lo lắng.

Ngày Thứ Năm, 14 Tháng Mười Một, 2019, một học sinh 16 tuổi đã bắn chết hai bạn cùng học trường Saugus High School tại Santa Clarita, California. Khu vực 200 ngàn dân này được coi là bình an, trường học tốt. Trong vòng 16 giây đồng hồ không ai kịp trở tay. Hung thủ mang khẩu súng bán tự động trong túi khoác vai, còn để dành viên đạn cuối cùng tự bắn vào đầu mình nhưng không chết ngay mà vô nhà thương mới chết.

Đã có 92 vụ bắn giết hàng loạt xảy ra ở Mỹ kể từ vụ bắn chết 17 người ở trường Trung Học Marjory Stoneman Douglas tại Parkland, Florida, ngày 14 Tháng Hai, 2018. Trong đó 11 vụ xảy ra trong trường học.

Chúng ta chia sẻ nỗi lo lắng của các phụ huynh học sinh trường Saugus High School.

Nhiều người mới cho con xuống xe bước vào trường đã biết có chuyện chẳng lành, bèn quay trở lại nhưng đành đứng ngoài, vì cảnh sát đã vây quanh trường hai ba phút sau khi súng nổ. Các phụ huynh bỏ công việc ở sở hay ở nhà kéo đến trường. Họ nhìn vào điện thoại cầm tay coi con nhắn tin nào chưa. Họ đi qua đi lại, nhiều người khóc. Họ chờ mấy giờ đồng hồ cho đến khi được gặp con mình, còn sống.

Khi Jeremy Thompson bất ngờ nhận được cú điện thoại của con trai sớm Thứ Năm, ông biết ngay là có gì lạ. Cậu con nhỏ kể có người bắn súng trong trường và cậu đã ra được bên ngoài, đang về nhà. Cậu con lớn nói anh đang cùng các bạn “cố thủ” trong lớp học. Tối hôm trước, ông mới đến trường coi các con diễn kịch “Shakespeare in Love.”

Bà Kristine Almaraz, 50 tuổi, vừa đưa con tới trường, lái xe quay đi thì thấy xe cảnh sát hú còi, bà nghĩ “Lạy Chúa, chắc không phải ở trường.”

Bà text một message (gửi một thông điệp qua phone) cho con gái. Cháu Maxximus, 16 tuổi, text lại cho mẹ báo tin bình an, “Mẹ đừng lo.” Lúc đó bà mới biết con mình vừa thoát chết.

Ông Jeff Turner, 58 tuổi, mới đưa hai con và một đứa bạn đến trường, về đến nhà thì thấy bà vợ đang khóc. Ông quay lại trường ngay lập tức, Micah, 14 tuổi, vừa khóc vừa nói cô cảm thấy có lỗi đã chạy trốn không ở lại trường săn sóc các bạn bị thương. Ông bố cũng bật khóc.

Ông Joy Songcuan đi làm, như thường lệ text cho con trai, chỉ để nói “Bố yêu con.” Thường thì cậu con tánh ít nói không trả lời. Hôm đó, khi Karl text lại cho bố, “Con cũng yêu bố” thì ông hiểu có chuyện bất thường, ông vừa kể vừa rớm nước mắt.

Đó là những con người có thật, đang sống thật, có thể là hàng xóm của chúng ta. Hằng ngày họ đưa con, cháu tới trường, trong đầu không nghĩ đến các địa danh như Nickel Mines, Virginia Tech, Sandy Hook, Parkland, vân vân, những trường học đã diễn ra những vụ thảm sát mấy năm qua. Nhưng không ai biết khi nào thì tên trường con cháu mình học cũng được ghi thêm vào bản thống kê, như trường Saugus High, mới rồi.

California là một tiểu bang có luật lệ kiểm soát súng cứng rắn nhất nước Mỹ. Trẻ vị thành niên không được mua súng. Khẩu súng bán tự động mà hung thủ 16 tuổi đã dùng bị hạn chế chỉ bắn được mười viên đạn, có lẽ nhờ thế nên chỉ có hai trẻ em chết. Nhưng năm ngoái, một người đàn ông đã bắn chết 12 người trong một hộp đêm ở Thousand Oaks. Năm 2015 một hung thủ đã giết 14 người ở San Bernardino.

Ai cũng phải sống trong lo lắng.

Chúng ta đã thuộc lòng câu văn đẹp như thơ của Thanh Tịnh: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.”

Đó là một kiếp sống xa xưa. Trường học bây giờ không còn là một nơi thơ mộng như trường làng Mỹ Lý, “mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ.”

Bây giờ chúng ta, trẻ em và người lớn, phải lo sợ một thứ kinh khủng hơn: Súng.
Con người phải có một thứ quyền, quyền sống không lo sợ. 
(Ngô Nhân Dụng)

  

-------------------------------

November 14, 2019
.
November 16, 2019









No comments: