Saturday, November 9, 2019

QUỐC HỘI MỸ BÊNH VỰC HỒNG KÔNG (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
08/11/2019

Hôm thứ Ba, 15 tháng Mười, 2019 Hạ Viện đã nặng lời khiển trách Bắc Kinh đàn áp người biểu tình tại Hồng Kông, trong lúc người Hồng Kông vẫn liên tục xuống đường đòi hỏi nền tự trị của họ.

Dân biểu Mỹ thông qua dự luật 'Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông' (Hong Kong Human Rights and Democracy Act), dành cho 7 triệu cư dân của thành phố đó. Đạo luật này, được coi là một biện pháp không gây tranh cãi vì sự hỗ trợ rộng rãi của lưỡng đảng,và được thông qua bằng miệng, vì không ai yêu cầu bỏ phiếu.

Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố, “Quý vị dân biểu Dân Chủ và Cộng Hòa đã đồng thuận ủng hộ cư dân Hồng Kông; nếu vì quyền lợi thương mại mà Mỹ không lên tiếng bênh vực nhân quyền tại Hồng Kông, là Mỹ không còn thẩm quyền để bênh vực nhân quyền trên bất cứ nơi nào khác trên thế giới này nữa.

"Hôm nay, Hạ Viện tự hào thông qua dự luật này để thêm một lần nữa tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với những giá trị nhân quyền và dân chủ."

Dự luật vừa thông qua sẽ đòi hỏi việc tái xét hàng năm để xác định xem, liệu quyền tự trị của Hồng Kông đối với chính phủ Trung Quốc đại lục có đủ để biện minh cho việc đối xử đặc biệt mà trung tâm tài chính nhận được theo luật pháp Hoa Kỳ hay không.

Dự luật cũng sẽ đưa ra một quy trình để Tổng Thống áp dụng các biện pháp trừng phạt và hạn chế quyền đi lại của những người bị coi là cố tình đe dọa hoặc thực hiện việc giam giữ, tra tấn, buộc tội bất kỳ cá nhân nào ở Hồng Kông, chống lại nội dung bản Tuyên Bố Chung giữa Trung Quốc và Anh Quốc về quyền tự trị của Hồng Kông, hoặc các hành vi vi phạm nhân quyền được quốc tế công nhận ở Hồng Kông.

Một dự luật tương tự, với đôi chút khác biệt nhỏ, đang chờ được Thượng Viện thông qua, rồi chuyển xuống Hạ Viện để đôi bên đồng thuận.

Hạ Viện, ngay buổi chiều hôm đó, còn thông qua thêm hai biện pháp: một bản nghị quyết ủng hộ người biểu tình và đạo luật bảo vệ Hồng Kông. Đạo luật này sẽ ngưng việc Mỹ xuất cảng sang Hồng Kông những khí cụ chống biểu tình như đầu đạn cao su và lựu đạn cay cho đến ngày cuộc điều tra độc lập hoàn tất và xác định việc cảnh sát Hồng Kông không vi phạm nhân quyền trong một năm.

Mặc dù Tổng Thống Donald Trump giữ thái độ im lặng trong thời gian thương lượng về việc xuất nhập cảng với Trung Quốc, nhưng thành viên quốc hội lưỡng đảng đều tỏ ra ủng hộ cuộc biểu tình của người Hồng Kông chống việc chính phủ Trung Cộng đàn áp họ.

Suốt bốn tháng nay -từ tháng Sáu 2019- người Hồng Kông xuống đường biểu tình, bắt đầu bằng việc chống đạo luật đưa người Hồng Kông phạm pháp sang Tầu để xử theo luật Trung Cộng. Sức mạnh của quần chúng khiến bà thị trưởng Carrie Lam -không do người Hồng Kông bầu lên- phải bỏ dự luật giải giao người Hồng Kông phạm pháp sang Tầu.

Sự nhượng bộ của bà Lam không làm dịu sức phản kháng của quần chúng, vì dân Hồng Kông còn đòi hỏi nhiều cải cách dân chủ và điều tra về việc cảnh sát bắn đạn thật trúng ngực một thanh niên 18 tuổi.

Cảnh sát trưởng Hồng Kông Matthew Cheung nói người biểu tình vượt mức quá đáng và lợi dụng trẻ vị thành niên; trong số 2,300 người bị cảnh sát bắt tuần trước có đến 750 người dưới 18 tuổi.

Dự luật của Hạ Viện còn có mục đòi hỏi Bộ Ngoại Giao Mỹ cứu xét và đánh giá mỗi năm một lần về quy chế chính trị Hồng Kông xem quy chế đó có đủ tự trị để được hưởng những quyền lợi ấn định trong đạo luật 1992 Hong Kong policy Act hay không, vì đạo luật đó dành cho Hồng K ông một quy chế kinh tế và thương mại đặc biệt và khác với quy chế dành cho Trung Quốc.

Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio tuyên bố, “Việc ủng hộ người Hồng Kông và bảo vệ nền tự trị của Hồng Kông phải được Hoa Kỳ và các nước dân chủ trên thế giới coi như một ưu tiên.”

Chủ tịch khối đa số tại Thượng Viện -Nghị Sĩ Mitch McConnell chưa ấn định thời điểm để Thượng Viện thảo luận về dự luật Hồng Kông; dự luật này phải được hai viện Quốc Hội thanh thỏa rồi mới chuyển qua Bạch Cung để tổng thống ký ban hành, nhưng cũng có thể tổng thống không ký.

Người biểu tình Hồng Kông trông cậy nhiều vào Hoa Kỳ, họ vẫy cờ Mỹ, hóa trang thành Captain America, hoặc sử dụng hình Uncle Sam trên những bích chương tuyển mộ trong những cuộc biểu tình. Họ cũng gửi phái đoàn sang Mỹ để xin giúp đỡ

Người Hồng Kông cầm cờ Mỹ trong những cuộc biểu tình. (Getty Images)

Họ cũng gửi phái đoàn sang Mỹ để xin giúp đỡ. (Getty Images)

Đối với họ thì Hoa Kỳ là quốc gia tượng trưng cho dân chủ, nên họ cố gắng níu kéo Hoa Kỳ vào cuộc tranh đấu dành nền tự trị cho họ.

Đối với chính phủ Mỹ, các cuộc biểu tình Hồng Kông phức tạp hơn; nó đang là một vấn đề nan giải nhưng cũng là một cơ hội để trình bày những nét đẹp của nền dân chủ Hoa Kỳ với toàn thế giới.

Ông Ryan Hass, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ nhận định, “Hoa Kỳ nên tiếp tục ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực, và quan sát kỹ lưỡng mọi biến chuyển tại Hồng Kông. Điều đáng lo là người Hồng Kông có thể trông cậy quá nhiều vào khả năng của người Mỹ bảo vệ họ thoát khỏi bàn tay của Bắc Kinh.”

Tuy nhiên, ông nói thêm, “Tôi lo là người biểu tình ở Hồng Kông có nguy cơ hiểu sai sự thông cảm và ủng hộ của người Mỹ, vì họ hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ họ thoát khỏi bàn tay nặng nề của Bắc Kinh.”

Mối lo của ông Hass rất hiện thực, nhưng cũng dễ giải quyết. Điểm khó hơn là thái độ của ông Trump.

Cái vinh dự đáp ứng được sự mong đợi của người Hồng Kông đang bị hiếp đáp, và niềm thỏa mãn chặn đứng được tham vọng vội vã của nhà độc tài Tập cận Bình, đang chờ tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mong là ông nhận ra cơ hội hiếm có đó và có thái độ thích ứng.

------------------------------------

Ngô Nhân Dụng
November 1, 2019

Quốc Hội Mỹ sẽ biểu quyết dự Nhân Quyền và Dân Chủ cho Hồng Kông.” Tin vừa loan báo, Bắc Kinh đã lên tiếng phản luật “đối Mỹ muốn can thiệp vào nội bộ Trung Quốc! Tại sao?

Cộng Sản Trung Quốc không lo chính phủ Mỹ sẽ giúp những người tranh đấu đòi cho Hồng Kông sống dân chủ. Mối lo chính là dự luật này, nếu thành luật sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Hồng Kông, nhất là vai trò của Hồng Kông trong đời sống kinh tế nước Trung Hoa.

Bởi vì Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế. Và cũng là cửa ngõ để đưa đồng “nhân dân tệ” ra thị trường thế giới, thành nơi đồng tiền Trung Cộng được dùng, được trao đổi với tiền ngoại quốc. Mỗi năm, các cuộc trao đổi thương mại từ lục địa qua Hồng Kông dùng nhân dân tệ lên tới 500 tỷ nguyên ($70 tỷ); số “đồng nguyên” được ký thác trong các ngân hàng ở Hồng Kông đã lên tới 644 tỷ.

Vì vậy, trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng hiện nay, Hồng Kông sẽ trở thành một mục tiêu tấn công của chính phủ Mỹ. Chiến tranh mậu dịch sẽ biến thành chiến tranh tài chính!

Bắc Kinh lo ngại, vì họ vẫn muốn dùng địa vị của Hồng Kông để “quốc tế hóa” đồng nhân dân tệ, mục tiêu sau cùng là biến đồng “nguyên” thành một thứ tiền tệ quốc tế; giành đoạt vai trò thống lãnh của đô la Mỹ hiện nay.

Hiện nay đô la Mỹ đứng trùm trong giao dịch thương mại quốc tế. Nếu hai thương gia ở Congo (châu Phi) và Ecuador (Nam Mỹ) mua bán với nhau chẳng hạn, họ thường không trả bằng tiền của nước họ mà phải dùng một thứ tiền tệ nào dễ đem đi mua hàng của các nước khác. Đa số dùng Mỹ kim Tập Cận Bình muốn có ngày họ sẽ dùng đồng nguyên.

Còn lâu tham vọng này mới thành sự thật; vì địa vị của đồng nguyên giờ còn quá thấp.
Theo số liệu của Ngân Hàng Thanh Lý Quốc Tế (Bank for International Settlements – BIS), trong Tháng Tư năm nay 88% các vụ giao thương trên thế giới được thanh toán bằng đô la Mỹ. Đồng nguyên đứng hàng tứ tám, chỉ có 4.3% tổng số thương vụ quốc tế, đứng sau đồng franc Thụy Sĩ.

Công ty Swift (the Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) ở Bỉ (Belgium) chuyên ghi chép những món tiền chuyển tay sau các vụ trao đổi thương mại thế giới. Vai trò này giống như công việc của các thư ký nhưng nó lại đầy các tin tức quan trọng.

Theo Swift thì hơn 40% các vụ thanh toán thương mại quốc tế được trả bằng đô la Mỹ. Số đồng nguyên dùng để thanh toán chỉ chiếm dưới 2%; đứng sau đồng tiền Anh Quốc (7%), Nhật Bản (4%).

Nhưng vai trò thống ngự của đồng đô la trong thương mại quốc tế có đem lợi lộc gì cho nước Mỹ hay không?

Chính phủ Mỹ có thể sử dụng thế mạnh này khi muốn tạo áp lực trên các quốc gia khác. Khi chính phủ Mỹ ra lệnh cho các ngân hàng nước Mỹ không được giao dịch với một cá nhân, công ty thương mại, ngân hàng, hay một quốc gia nào, thì họ sẽ thiệt hại nặng!
Thí dụ, năm 2018, Tổng Thống Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi thỏa hiệp quốc tế với Iran về bom nguyên tử. Ngày 5 Tháng Mười Một, các ngân hàng Mỹ không thanh lý các ngân phiếu của các công ty Iran hoặc phát xuất từ các ngân hàng của Iran. Công ty Swift thông báo cho mọi người biết từ nay họ không giữ quan hệ nào với các ngân hàng xứ Iran nữa.

Ông Trump còn đi một bước xa hơn nữa. Ông cấm các công ty và ngân hàng Mỹ không được giao dịch với những công ty hay ngân hàng thuộc nước khác nhưng làm ăn với các ngân hàng hay xí nghiệp Iran. Một công ty Pháp mua dầu của Iran sẽ được ghi vào sổ đen. Công ty đó không thể thanh toán các ngân phiếu dùng đô la Mỹ qua các ngân hàng Mỹ. Họ sẽ gặp bao nhiêu chuyện phức tạp trong giao dịch quốc tế, những lợi lộc do việc mua dầu lửa của Iran trở thành quá nhỏ so với những trở ngại vì không được dùng da Mỹ để thanh toán với nước khác.

Trung Quốc phải nhập cảng 70% dầu lửa và 50% khí đốt, Iran là một nguồn cung cấp lớn. Công ty dầu lửa ở Chu Hải, Trung Quốc, sẽ phải ngưng việc mua bán trực tiếp với các công ty Iran nếu muốn thoát bị Mỹ cấm không được giao dịch với các ngân hàng Mỹ kể từ Tháng Bảy năm nay. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối chính phủ Mỹ đơn phương “ra lệnh” các nước khác không được mua bán với Iran, nhưng cuối cùng cũng không thay đổi chi được.

Vì vai trò của đồng đô la Mỹ trong nền tài chính thế giới cũng không phải do các chính phủ Mỹ áp đặt mà được. Người ta thích lấy đô la khi bán hàng, cứ như thế biến đô la thành một đồng tiền quốc tế!

Chính phủ Mỹ chỉ lợi dụng địa vị đó để làm áp lực ngoại giao. Các công ty quốc tế vẫn có thể thay đổi, dùng đồng euro thanh toán với nhau nếu không dùng đồng tiền Anh Quốc hay tiền Nhật. Nhưng đồng nhân dân tệ thì chắc còn phải đợi lâu lắm mặc dù nền kinh tế Trung Quốc sẽ có ngày vượt lên lớn hơn kinh tế Mỹ và hiện nay giao dịch thương mại của Trung Quốc đã đứng hàng đầu.

Trong cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung Quốc hiện nay, ông Donald Trump có một lợi thế là dùng đô la như một vũ khí. Nhưng điều này ít khi được nhắc tới!

Với dự luật “Nhân Quyền và Dân Chủ cho Hồng Kông,” Quốc Hội Mỹ có thể tấn công vào vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông bằng cách cho phép chính phủ cấm các ngân hàng Mỹ giao dịch với các cơ sở thương mại và tài chính của lãnh thổ này khi nhà cầm quyền xâm phạm các quyền tự do dân chủ của người dân. Vì vai trò của Hồng Kông quá quan trọng đối với Trung Quốc trong thương mại quốc tế, lệnh cấm này sẽ có thể gây trở ngại cho rất nhiều xí nghiệp trong nước Trung Hoa!

Giấc mộng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ càng xa lắc xa lơ! (Ngô Nhân Dụng)






No comments: