Tuesday, November 5, 2019

'QUẢ ĐẮNG' CỦA THỔ NHĨ KỲ Ở SYRIA (theo FairObserver)




Quốc Hưng (Theo FairObserver)
Thứ ba, 5/11/2019, 10:44 (GMT+7)

Khi lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở Syria, nhiều người cho rằng bên mất nhiều nhất là người Kurd.

Thỏa thuận ngày 22/10 đẩy người Kurd ra khỏi vùng đệm rộng khoảng 30 km, dài hơn 400 km dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, gần như khiến họ đánh mất quyền kiểm soát các khu vực quan trọng. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ngừng chiến dịch Mùa xuân Hòa bình chống lại dân quân người Kurd và tuần tra biên giới chung với Nga.

Nhiều chuyên gia cho rằng thỏa thuận này là một chiến thắng dành cho Moskva và Ankara, bởi Thổ Nhĩ Kỳ luôn muốn đẩy lui người Kurd ra xa khu vực biên giới và phi vũ trang hóa lực lượng này, trong khi Nga hướng ưu tiên vào việc loại bỏ các lực lượng đối đầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Người Kurd dường như hoàn toàn thất thế khi đứng trước áp lực quá lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, Nga hôm 22/10. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, chuyên gia Shukriya Mahmoodee, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Người Kurd ở Mỹ (AKRI), cho rằng người Kurd mới là bên chiến thắng trong thỏa thuận này, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có thể hứng chịu "quả đắng" với chính những nước cờ do họ vẽ ra.

Trong bối cảnh Nga chưa từng khẳng định người Kurd muốn độc lập ở Syria, những phát biểu của Moskva về "sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria" là nhằm phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới quốc gia này.

Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi người Kurd là phần tử khủng bố, song Nga không cho rằng Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) hay Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) là tổ chức khủng bố hay lực lượng ly khai. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại cho rằng nhóm phiến quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn mới là "tổ chức khủng bố".

Trong khi các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi thỏa thuận với Nga như một "thành công lớn", Ankara có thể sẽ đối mặt với khả năng YPG và quân đội Syria hợp tác chống lại phiến quân NSA. Thậm chí, một kịch bản khác được vẽ ra là YPG sáp nhập vào quân đội chính phủ Syria để phối hợp giành lại các vùng lãnh thổ đang bị phiến quân kiểm soát, đặc biệt là tỉnh Idlib giáp Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu chính quyền Assad giành lại quyền kiểm soát tỉnh Idlib, ảnh hưởng của Ankara tại Syria sẽ chấm dứt ở đây. Điều này khiến nhiều chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại về cách Tổng thống Tayyip Erdogan phải giải quyết với 110.000 tay súng phiến quân NSA bị đánh bại ở tỉnh này và có thể chạy sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận Nga - Thổ hôm 22/10 sẽ là cơ hội để Putin có thể "trói tay" Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm qua đã công khai đòi lật đổ chế độ Assad và việc hậu thuẫn cho NSA cũng là một phần trong kế hoạch này. Từ năm 2011, Erdogan đã nỗ lực đẩy lùi lực lượng quân đội chính phủ Syria khỏi khu vực biên giới chung khi liên tục khẳng định rằng "chế độ Syria đã không còn tính pháp lý và không có tư cách đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ".

Tuy nhiên, bằng thỏa thuận trên, Moskva muốn Ankara công nhận chính quyền hiện nay ở Damascus và mong muốn Erdogan "bắt tay làm lành" với Assad. Mặc dù được phép tuần tra chung với quân cảnh Nga, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhường lại quyền kiểm soát biên giới cho biên phòng Syria theo một lộ trình do Nga và Iran đưa ra.

Một khi lực lượng biên phòng Syria đã ổn định tại khu vực biên giới, các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ kết thúc.

Đây cũng chính là điều Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mong muốn. Trên thực tế, một biên giới do Nga và Syria kiểm soát sẽ cho phép người Kurd tập trung vào các vấn đề nội bộ như phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, an ninh và chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bên cạnh đó, người Kurd và Nga đang thảo luận về một kế hoạch hợp nhất lực lượng SDF với quân đội Syria, như một quân đoàn thứ 5. Nếu như thỏa thuận này được thực thi, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chấp nhận sự thật rằng người Kurd sẽ vẫn ở lại trong khu vực, nhưng với một danh nghĩa khác.

Theo thỏa thuận Nga - Thổ, tất cả lực lượng YPG cùng vũ khí sẽ phải rời khỏi thị trấn Manbij và Tal Rifat. Tuy nhiên, theo một thỏa thuận trước đó giữa SDF và Nga, quân đội Nga và Syria sẽ được triển khai đến khu vực để ngăn chặn các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu như SDF được sáp nhập vào quân đội Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận thêm một "quả đắng" khi người Kurd và binh sĩ chính phủ có thể tiến hành chiến dịch quân sự chung nhằm vào phiến quân NSA đang kiểm soát thành phố Afrin.

Các khu vực kiểm soát ở đông bắc Syria sau thỏa thuận Nga - Thổ. Đồ họa: Bloomberg.

Đây là nguyện vọng hàng đầu của SDF trong mọi hợp tác quân sự với quân đội Syria. Đổi lại, các lực lượng SDF có thể giúp quân đội Syria tấn công các khu vực do các nhóm vũ trang thân al-Qaeda kiểm soát ở tỉnh Idlib. Mối quan hệ hợp tác này là điều mà ông Erdogan không bao giờ muốn trở thành hiện thực.

Erdogan muốn thiết lập một vùng an toàn dài 480 km, rộng 32 km nằm trong lãnh thổ Syria do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, và hồi hương hai triệu người tị nạn Syria. Tuy nhiên, theo như thỏa thuận vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ được phép tuần tra chung với quân đội Nga trong một khu vực rộng 10 km bên trong Syria. Bên cạnh đó, khả năng hồi hương hai triệu người tị nạn Syria cũng khó có thể xảy ra, khi những người tị nạn có thể sẽ muốn trở về quê nhà hơn là bị đưa đến một nơi do NSA kiểm soát.

Kể từ khi bắt đầu các cuộc hòa đàm, Thổ Nhĩ Kỳ là nước duy nhất phản đối chính quyền tự trị người Kurd có một vị trí trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, Ankara giờ sẽ buộc phải chấp nhận để người Kurd tham gia các cuộc thương lượng. Trong buổi họp báo chung với Erdogan, Putin đã tuyên bố rằng "các quyền của người Kurd ở Syria nên được tôn trọng". Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã lần đầu tiên nói về việc đảm bảo một vị trí cho người Kurd trong tiến trình hòa bình ở Syria.

So với Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd đang có vị thế tốt hơn trên mặt trận ngoại giao sau khi chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Ankara hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt. Cộng đồng quốc tế lên án hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng đây là kế hoạch loại bỏ người Kurd và các dân tộc thiểu số khác ở khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ còn đối mặt với những cáo buộc về tội ác chiến tranh và sử dụng vũ khí bị cấm nhằm vào dân thường, điều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của Ankara.
Nga gần như sẽ không tấn công người Kurd, khi cả người Kurd và người Arab ở đông bắc Syria đã chấp nhận để chính quyền Assad quản lý khu vực. Moskva sẽ nỗ lực thúc đẩy một giải pháp chính trị giữa chính quyền tự trị người Kurd và Damascus nhằm ổn định tình hình Syria sau nhiều năm rối ren.

Bên cạnh đó, việc Mỹ duy trì một lực lượng ở các lãnh thổ do SDF kiểm soát, cũng như kế hoạch đưa thêm quân đến bảo vệ các mỏ dầu trong khu vực sẽ là một "quân bài mặc cả" cho người Kurd trên bàn đàm phán với Nga và Syria.

Thỏa thuận vừa qua cũng cho thấy những rạn nứt trong nội bộ Ankara, thậm chí từ những người từng ủng hộ Erdogan. Một cựu quan chức chính phủ từng ca ngợi các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã đề nghị Mỹ bác bỏ các yêu sách của Erdogan và đang yêu cầu Tổng thống đàm phán với người Kurd ở Syria.

Dường như những người ủng hộ Erdogan đã nhận thức được rằng những gì họ mong đợi từ hoạt động quân sự vừa qua sẽ không thành hiện thực, và nhiều người đã không còn ủng hộ Tổng thống nữa. Do vậy, với hoạt động quân sự được cho là "phản tác dụng" vừa qua, "canh bạc" của Ankara có thể sẽ kết thúc với một cái giá rất đắt.

Quốc Hưng (Theo FairObserver)





No comments: