Saturday, November 2, 2019

ĐÔ-LA LÀ VŨ KHÍ ĐÁNH TRUNG CỘNG (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
November 1, 2019

Quốc Hội Mỹ sẽ biểu quyết dự luật “Nhân Quyền và Dân Chủ cho Hồng Kông.” Tin vừa loan báo, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối Mỹ muốn can thiệp vào nội bộ Trung Quốc! Tại sao?

Cộng Sản Trung Quốc không lo chính phủ Mỹ sẽ giúp những người tranh đấu đòi cho Hồng Kông sống dân chủ. Mối lo chính là dự luật này, nếu thành luật sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Hồng Kông, nhất là vai trò của Hồng Kông trong đời sống kinh tế nước Trung Hoa.

Bởi vì Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế. Và cũng là cửa ngõ để đưa đồng “nhân dân tệ” ra thị trường thế giới, thành nơi đồng tiền Trung Cộng được dùng, được trao đổi với tiền ngoại quốc. Mỗi năm, các cuộc trao đổi thương mại từ lục địa qua Hồng Kông dùng nhân dân tệ lên tới 500 tỷ nguyên ($70 tỷ), số “đồng nguyên” được ký thác trong các ngân hàng ở Hồng Kông đã lên tới 644 tỷ.

Vì vậy, trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng hiện nay, Hồng Kông sẽ trở thành một mục tiêu tấn công của chính phủ Mỹ. Chiến tranh mậu dịch sẽ biến thành chiến tranh tài chính!

Bắc Kinh lo ngại, vì họ vẫn muốn dùng địa vị của Hồng Kông để “quốc tế hóa” đồng nhân dân tệ, mục tiêu sau cùng là biến đồng “nguyên” thành một thứ tiền tệ quốc tế.

Khi hai thương gia ở Congo và Ecuador mua bán với nhau chẳng hạn, họ thường không dùng tiền của nước họ mà phải dùng một thứ tiền tệ nào dễ dùng để đi mua ở các nước khác. Tập Cận Bình muốn có ngày họ sẽ dùng đồng nguyên.

Còn lâu tham vọng này mới thành sự thật; vì địa vị của đồng nguyên còn quá thấp.
Theo số liệu của Ngân Hàng Thanh Lý Quốc Tế (Bank for International Settlements – BIS), trong Tháng Tư năm nay 88% các vụ giao thương trên thế giới được thanh toán bằng đô la Mỹ. Đồng nguyên đứng hàng tứ tám, chỉ có 4.3% tổng số thương vụ quốc tế, đứng sau đồng franc Thụy Sĩ.

Công ty Swift (the Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) ở Bỉ (Belgium) chuyên ghi chép những món tiền chuyển tay sau các vụ trao đổi thương mại thế giới. Vai trò này giống như công việc của các thư ký nhưng nó lại đầy các tin tức quan trọng.

Theo Swift thì hơn 40% các vụ thanh toán thương mại quốc tế được trả bằng đô la Mỹ. Số đồng nguyên dùng để thanh toán chỉ chiếm dưới 2%; đứng sau đồng tiền Anh Quốc (7%), Nhật Bản (4%).

Những vai trò thống ngự của đồng đô la trong thương mại quốc tế có đem lợi lộc gì cho nước Mỹ hay không?

Chính phủ Mỹ có thể sử dụng thế mạnh này khi muốn tạo áp lực trên các quốc gia khác. Khi chính phủ Mỹ ra lệnh cho các ngân hàng nước Mỹ không được giao dịch với bất cứ cá nhân, công ty thương mại, ngân hàng, hay một quốc gia nào, thì họ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề!

Thí dụ, năm 2018, Tổng Thống Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi thỏa hiệp quốc tế với Iran về bom nguyên tử. Ngày 5 Tháng Mười Một, công ty Swift thông báo cho mọi người biết từ nay họ không giữ quan hệ nào với các ngân hàng xứ Iran nữa. Các ngân hàng Mỹ cũng không thanh lý các ngân phiếu của các công ty Iran hoặc phát xuất từ các ngân hàng của Iran nữa.

Ông Trump còn đi một bước xa hơn nữa. Ông cấm các công ty và ngân hàng Mỹ không được giao dịch với những công ty hay ngân hàng thuộc nước khác nhưng làm ăn với các ngân hàng hay xí nghiệp Iran. Một công ty Pháp mua dầu của Iran sẽ được ghi vào sổ đen. Công ty đó không thể thanh toán các ngân phiếu dùng đô la Mỹ qua các ngân hàng Mỹ. Họ sẽ gặp bao nhiêu chuyện phức tạp trong giao dịch quốc tế, những lợi lộc do việc mua dầu lửa của Iran trở thành quá nhỏ so với những trở ngại vì không được dùng da Mỹ để thanh toán với nước khác.

Trung Quốc phải nhập cảng 70% dầu lửa và 50% khí đốt, Iran là một nguồn cung cấp lớn. Công ty dầu lửa ở Chu Hải, Trung Quốc, sẽ phải ngưng việc mua bán trực tiếp với các công ty Iran nếu muốn thoát bị Mỹ cấm không được giao dịch với các ngân hàng Mỹ kể từ Tháng Bảy năm nay. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối chính phủ Mỹ đơn phương “ra lệnh” các nước khác không được mua bán với Iran, nhưng cuối cùng cũng không thay đổi chi được.

Vì vai trò của đồng đô la Mỹ trong nền tài chính thế giới cũng không phải do các chính phủ Mỹ áp đặt mà được. Người ta thích lấy đô la khi bán hàng, cứ như thế biến đô la thành một đồng tiền quốc tế!

Chính phủ Mỹ chỉ lợi dụng địa vị đó để làm áp lực ngoại giao. Các công ty quốc tế vẫn có thể thay đổi, dùng đồng euro thanh toán với nhau nếu không dùng đồng tiền Anh Quốc hay tiền Nhật. Nhưng đồng nhân dân tệ thì chắc còn phải đợi lâu lắm mặc dù nền kinh tế Trung Quốc sẽ có ngày vượt lên lớn hơn kinh tế Mỹ và hiện nay giao dịch thương mại của Trung Quốc đã đứng hàng đầu.

Trong cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung Quốc hiện nay, ông Donald Trump có một lợi thế là dùng đô la như một vũ khí. Nhưng điều này ít khi được nhắc tới!

Với dự luật “Nhân Quyền và Dân Chủ cho Hồng Kông,” Quốc Hội Mỹ có thể tấn công vào vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông bằng cách cho phép chính phủ cấm các ngân hàng Mỹ giao dịch với các cơ sở thương mại và tài chính của lãnh thổ này khi nhà cầm quyền xâm phạm các quyền tự do dân chủ của người dân. Vì vai trò của Hồng Kông quá quan trọng đối với Trung Quốc trong thương mại quốc tế, lệnh cấm này sẽ có thể gây trở ngại cho rất nhiều xí nghiệp trong nước Trung Hoa!

Giấc mộng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ càng xa lắc xa lơ! (Ngô Nhân Dụng)

------------------------------------------

Viễn Đông Online
1/11/2019

GENEVA - Tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO vào thứ Sáu đã cho phép Trung Quốc trừng phạt $3.6 tỷ Mỹ kim đối với hàng hóa Hoa Kỳ, trong phán quyết có thể làm tăng căng thẳng đối với cuộc đàm phán thương mại hiện nay. Đây là phán quyết có giá trị cao thứ 3 trong lịch sử WTO, và bằng một nửa so với con số được Trung Quốc yêu cầu. Vụ kiện bắt đầu từ trước cuộc chiến tranh thương mại, do Trung Quốc cáo buộc một số quy định chống phá giá của Hoa Kỳ là bất hợp pháp.

Tuy phán quyết của WTO không liên quan đến cuộc đàm phán hiện nay về thương chiến, nhưng đây sẽ là một vũ khí pháp lý mới mà Bắc Kinh có thể dùng để chống lại chính phủ Trump nếu cần. Trung Quốc nay có thể yêu cầu hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO cho phép đánh thuế đáp trả đối với hàng hóa Hoa Kỳ, và các yêu cầu này thường sẽ được chấp thuận. Bước kế tiếp Hoa Kỳ cần làm sẽ bao gồm điều chỉnh các khoản thuế chống phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc liên quan trong vụ kiện, hoặc giải quyết tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh.

Trên lý thuyết, việc giải quyết tranh chấp này có thể được bao gồm trong cuộc đàm phán thương mại hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh. Vụ kiện lên WTO liên quan đến thuế chống phá giá do Hoa Kỳ áp đặt lên 13 loại sản phẩm Trung Quốc, bao gồm máy móc, hàng điện tử, kim loại, và khoáng sản. Vào tháng 5, 2017, WTO yêu cầu Hoa Kỳ phải điều chỉnh chính sách chống phá giá, trong khi Bắc Kinh muốn được đáp trả đối với $7 tỷ Mỹ kim hàng Hoa Kỳ.






No comments: