Thursday, November 14, 2019

NÓI VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT MIỀN NAM TRƯỚC 1975 LÀ 'ĐỘC HẠI' , NHẠC SĨ NỔI TIẾNG BỊ 'NÉM ĐÁ' DỮ DỘI (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
14/11/2019

Công luận Việt Nam đang bày tỏ phản ứng bất bình, tức giận đối với phát biểu của nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM – khi ông cho rằng nền văn học, nghệ thuật của miền Nam trước năm 1975 là “độc hại” vì “xuyên tạc đường lối đúng đắn của Đảng”.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn

Phản ứng của cộng đồng mạng nổ ra ngay sau khi báo chí Việt Nam tường thuật lại buổi họp giao ban của Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật TPHCM vào ngày 10/11, với sự hiện diện của Bí thư thành phố Nguyễn Thiện Nhân.

“Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”, báo Phụ Nữ dẫn lời nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói trong buổi họp.

Diễn giải cho phát biểu của mình, nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói rằng trong số “63 tỉnh, thành thì có được bao nhiêu đài có phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch? Ít lắm”.

Ông còn kể lại chuyện được Cục Biểu diễn nghệ thuật đề nghị “Làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa”, khi đó ông “nghe sốc và đau lắm”, vẫn theo tường thuật của báo Phụ Nữ.

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, tại buổi họp, nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên cũng cho rằng giữa bối cảnh “giới trẻ tin vào mạng xã hội với thông tin độc lạ mà không tin vào báo chính thống”, thì văn học nghệ thuật của Việt Nam phải “đứng vào văn trò như thời chiến”.

Ông Liên cũng phê bình rằng việc “ca ngợi bolero của chế độ cũ thì chính là ca ngợi luôn đời sống của giai đoạn đó…”

Ngay sau khi những phát biểu trên được công bố, công chúng Việt Nam đã lập tức bày tỏ sự phẫn nộ đặc biệt đối với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, người vốn được biết tiếng với bài “Một đời người, một rừng cây”-một bài hát từng mang lại nhiều cảm hứng về lý tưởng sống cho thanh niên, sinh viên giai đoạn sau năm 1975.

Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook Trương Huy San rằng: "Giữ Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn trong “hội đồng lý luận” là cách tốt nhất để giam cầm Dân tộc trong chia rẽ và hận thù".

Trong khi đó, một số người khác cho biết tình cảm "thần tượng" dành cho nhạc sĩ của bài hát từng là "lý tưởng" một thời tuổi trẻ của họ đã hoàn toàn sụp đổ sau khi nghe phát biểu trên của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Trần Long Ẩn là nhạc sĩ lớn lên từ phong trào ca hát của sinh viên học sinh Sài Gòn trước năm 1975 như phong trào Du Ca Việt Nam, Hát cho đồng bào tôi nghe…

Năm 1972, ông rời Sài Gòn ra miền Bắc học tập, tu nghiệp và sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội.

Năm 2007, Trần Long Ẩn nhận giải thưởng Nhà nước Việt Nam về văn học nghệ thuật.
Hiện ông là Uỷ viên Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM.



---------------------------------------

11/15/2019  5 Comments

Tin tức trên mạng đang sôi nổi về một lời phát biểu mới đây của Trần Long Ẩn rằng “Toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xóa bỏ hết”. 

Mới nghe câu nói này vào thời điểm tháng 11 năm 2019 thì cứ tưởng đó là một tên điên khùng đang mớ ngủ những năm 1975, 1976, 1980... Thì ra đó là Trần Long Ẩn, tác giả một vài bài hát nổi tiếng như Tình Đất Đỏ Miền Đông, Đi Qua Vùng Cỏ Non, Mừng Tuổi Mẹ...

Năm nay ông này tuổi đã trên bảy mươi, từng là sinh viên văn khoa đại học Sài Gòn, theo Việt Cộng trước năm 1975 và đã từng giữ những chức vụ có uy quyền về văn hóa của nhà nước Cộng Sản. 

Cứ nhìn hiện tượng âm nhạc cả nước Việt Nam đang rộ lên phong trào hát những bài hát mùi mẫn điệu Bolero sáng tác trước năm 1975 của cái gọi là văn học nghệ thuật Miền Nam trước năm 1975 thì rõ ràng là Trần Long Ẩn đang mớ ngủ thật. 

Cứ tưởng là nhạc sĩ viết được vài bài hát nổi tiếng là tha hồ đưa ra nhận định về âm nhạc rồi lan sang cả một nền văn học nghệ thuật. Công việc này dành cho những nhà nghiên cứu uy tín, có đầy đủ kiến thức, thận trọng, không thành kiến thì mới có thể đưa ra những nhận xét cho người ta nể phục, học hỏi. 

Trần Long Ẩn phát biểu như vậy cho thấy kiến thức nông cạn và đánh mất những cảm tình của người thưởng thức các ca khúc của ông. Té ra ông chỉ có một mảnh nhỏ hương vị có được từ một vài bài hát, còn lại là không ngửi được. 

Nhớ lại thập niên 1980, nghe bạn bè kể lại rằng nhạc sĩ Phạm Đình Chương lúc còn sống đã nói với một thi sĩ nổi tiếng - người này chuyển sang sáng tác ca khúc và thực hiện một cuốn băng nhạc rồi phát hành - câu nói đó nhớ hoài: “Mày đừng mang lộn dép”

Và xin mượn lời đó để nói rằng “Trần Long Ẩn - mày đừng mang lộn dép”. 

15.11.2019






No comments: