Thanh Hà - RFI
Phát Thứ Ba, ngày 19 tháng 11 năm 2019
Bảo
vệ mậu dịch đa phương là vỏ bọc che đậy rạn nứt trong nội bộ nhóm 5 nền kinh tế
đang trỗi dậy BRICS. Theo kinh tế gia Julien Marcilly, cơ quan bảo hiểm tín dụng
xuất khẩu Pháp COFACE, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng áp dụng
các biện pháp bảo hộ và điều đó cản trở khối BRICS đạt được mục tiêu làm đối trọng
với phương Tây.
Lãnh
đạo Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi họp thượng đỉnh khối BRICS lần thứ
11 tại Brazil. Ảnh ngày 14/11/2019. Reuters
Năm nền
kinh tế đang trỗi dậy trên thế giới vừa kết thúc thượng đỉnh lần thứ 11 tại
Brasilia hôm 14/11/2019. Các bên khẳng định quyết tâm "vượt
qua mọi khó khăn đang thách thức mô hình mậu dịch đa phương", cùng nhau
"củng cố và cải tổ" để mô hình đó "hoạt động hiệu quả hơn, mở rộng
hơn" tránh mọi "quyết định đơn phương và mang tính bảo hộ". Theo
giới quan sát, những khẩu hiệu chung chung này đều gián tiếp nhắm vào Hoa Kỳ và
chính sách bảo hộ của tổng thống Trump và không có gì mới so với thượng đỉnh
năm 2018 ở Johannesbourg, Nam Phi.
Trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành nền
kinh tế thứ hai toàn cầu, trước một nước Mỹ đi theo con đường America First và
một Liên Hiệp Châu Âu đang bị suy yếu vì Brexit, vì một số khó khăn của Đức, đầu
tàu kinh tế châu Âu, BRICS tưởng chừng có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để khẳng
định thêm tiếng nói của mình.
Với 40 % dân số toàn cầu, tạo ra tới 1/4 tài
sản của nhân loại, trong hơn một chục năm liên tiếp, các thành viên BRICS liên
tục thu hẹp sự cách biệt kinh tế với các nền nước công nghiệp phát triển nhất
trên thế giới.
Nhưng trong thời gian gần đây, nhìn tới các
thành tích kinh tế, chỉ có Ấn Độ và Trung Quốc thực sự vẫn "tiếp tục trỗi
dậy", trong lúc Brazil, Nga và Nam Phi đều đã bị hụt hơi.
Jim O'Neill, cha đẻ ra cụm từ BRIC để chỉ
nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy, (ban đầu là bốn nước gồm, mãi tới năm 2011
các bên mới mời thêm Nam Phi tham dự, để BRIC có thêm được chữ S), trong một cuộc
phỏng vấn gần đây được đài Deutsche Welle của Đức trích dẫn e rằng, trong mươi,
mười lăm năm nữa BRICS sẽ bị thu hẹp lại với vỏn vẹn hai thành viên là Ấn Độ và
Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước mắt, Brazil và Nam Phi, sau
nhiều năm khủng hoảng về chính trị, vẫn là các đối tác quan trọng trong khu vực
ở châu Mỹ Latinh và châu Phi. Còn Nga tuy là yếu kém về kinh tế nhưng lại là một
"thế lực quân sự" trên thế giới.
Có điều, giới quan sát nhận thấy rằng, lần
này, năm nguyên thủ của nhóm BRICS đã tập hợp về Brasilia với những tính toán
quá khác nhau : với ông Tập Cận Bình, hội nghị tại Brazil lần này là một cơ hội
mới để Trung Quốc chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ. Tổng thống Jair Bolsonaro, trong
cương vị chủ nhà, được mệnh danh là một "Donald Trump của châu Mỹ
Latinh". Nguyên thủ Nga thì đặt trọng tâm vào hợp tác quốc tế trong các
lĩnh vực từ dược phẩm đến công nghệ không gian. Matxcơva muốn giảm nhẹ áp lực
do các biện pháp trừng phạt của châu Âu đè nặng lên nghiên cứu và kinh tế của
Nga. Về phần thủ tướng Narendra Modi, ông tuyên bố ưu tiên của Ấn Độ là "mở
rộng thương mại với 4 đối tác còn lại trong khối BRICS".
Đó là chưa kể, về mặt chính trị, cả năm nhà
lãnh đạo trong nhóm BRICS đều đang khơi dậy niềm tự hào dân tộc để cùng cố quyền
lực của chính mình. Do vậy, giới phân tích cho rằng "thái độ ích kỷ"
đó có nguy cơ làm tan rã khối BRICS.
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho RFI tiếng
Việt, chuyên gia kinh tế
Pháp, Julien Marcilly, thuộc cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu COFACE,
nhắc lại hai tham vọng ban đầu đã được Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam
Phi chính thức nêu bật nhân thượng đỉnh cách nay 5 năm cũng tại Brazil :
Julien Marcilly :"Năm
2014, lần đầu tiên, nhân một cuộc họp thượng đỉnh, 5 nền kinh tế đang trỗi dậy
trong nhóm BRICS chính thức đề ra hai mục tiêu cốt lõi. Thứ nhất, các bên cho rằng
với trọng lượng kinh tế và cả chính trị, 5 quốc gia này không có một chỗ đứng xứng
tầm trong các định chế đa quốc gia, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân Hàng Thế
Giới. Từ đó nhóm BRICS có tham vọng thành lập ra những định chế riêng biệt để
làm đối trọng với các cơ quan đa quốc gia vốn có của phương Tây. Thứ hai là vào
thời điểm 2014, hầu hết các nước trong khối này đang gặp khó khăn cả về kinh tế
lẫn tài chính, đặc biệt là Ấn Độ, Brazil và Nga bị thất thoát tư bản. Từ đó các
bên mới nảy ra sáng kiến thành lập một ngân hàng phát triển của riêng nhóm
BRICS để hỗ trợ lẫn nhau. Thành thực mà nói, thì Trung Quốc là nguồn đóng góp lớn
nhất cho ngân hàng của nhóm BRICS. Còn Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi thì trông chờ
vào định chế này để có được ngoại tệ.
RFI
: Tham vọng đó của nhóm BRICS có còn tính thời sự hay
không trong bối cảnh mỗi thành viên đều bị chia trí vì những hồ sơ nóng bỏng
khác và các hiềm khích giữa năm nước trong khối này có khuynh hướng gia tăng ?
Thí dụ như Brazil một mực tuyên bố đi theo đường lối của Donald Trump ở Hoa Kỳ,
còn quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng.
Julien Marcilly : Đúng
là vào thời điểm này, chính sách bảo hộ đang là điểm nóng gây căng thẳng, cũng
như là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tại thượng đỉnh vừa qua ở Brasilia, các
bên đồng thanh tuyên bố chống các biện pháp bảo hộ và BRICS chủ trương một thế
giới cởi mở hơn cho các luồng giao thương. Nhưng đó chỉ là tuyên bố chung kết
thúc thượng đỉnh
RFI : Bởi vì thực tế
cho thấy là năm nền kinh tế đang trỗi dậy này còn đang có quá nhiều những bất đồng
và như vậy là chưa đạt được tham vọng tái tạo một mô hình mới để làm đối trọng
với mô hình phương Tây ?
Julien Marcilly : Cho
đến hiện tại, tôi không nghĩ là các bên đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu bởi
nhiều yếu tố. Trước hết, liên quan tới vế dự trữ ngoại tệ : cho tới nay, ngân
hàng của nhóm BRICS không đáp ứng đúng nhu cầu, và cũng không được sử dụng đúng
mức. Kế tới là tuyên bố ủng hộ tự do mậu dịch của khối này chỉ là những lời nói
suông. Bản thân mỗi nước trong nhóm đều đi theo chủ nghĩa bảo hộ, từ Brazil cho
đến Trung Quốc.
Thứ nữa, về mặt kinh tế, có những khác biệt rất
lớn về nhịp độ và mức độ phát triển giữa 5 nước thành viên của nhóm BRICS, và
Trung Quốc là nước phát triển nhất. Còn về mặt chính trị, từ 5 năm qua, chính
quyền tại các nước này đều đi theo con đường dân tộc chủ nghĩa. Đó là thực tế tại
Ấn Độ, tại Trung Quốc và gần đây nhất là Brazil. Đây là yếu tố gây trở ngại rất
lớn cho sự phát triển chung của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Năm
nền kinh tế đang trỗi dậy này không thực sự đạt được những mục tiêu như mong muốn.
RFI: Vậy phải làm
gì để BRICS có được hơi thở mới ?
Julien Marcilly : Các
bên cần phải đàm phán để có được những thỏa thuận về thương mại với nhiều cao vọng
hơn. Chúng ta thấy rõ là Trung Quốc cần nông phẩm, cần lương thực chế biến của
Brazil, cần năng lượng của Nga, cần nguyên liệu của Nam Phi ... Vậy đổi lại, Bắc
Kinh cũng trách nhiệm bảo vệ các đối tác của mình trước một số rủi ro, đặc biệt
là trước rủi ro tài chính ... Tôi cho rằng có rất nhiều hướng hợp tác mà năm nền
kinh tế này có thể cùng nhau khai phá.
RFI : BRICS phải
chăng là một phương tiện để Bắc Kinh mở rộng thêm nữa ảnh hưởng ?
Julien Marcilly : Đây
là một khả năng và cũng là một hướng đi của Bắc Kinh. Trung Quốc tiếp tục củng
cố ảnh hưởng với phần còn lại của thế giới như chúng ta đã thấy qua dự án Một
Vành Đai Một Con Đường. Như trong tất cả các kế hoạch, Trung Quốc luôn theo đuổi
hai mục tiêu. Một là về chính trị, có nghĩa là mở rộng quyền lực mền. Hai là về
kinh tế, Bắc Kinh luôn luôn tìm kiếm mối đối tác có lợi cho cả đôi bên, tức là
Trung Quốc cần mua nông phẩm, cần nguyên và nhiên liệu của các bạn hàng. Đổi lại
thì Bắc Kinh có tiền giúp bốn thành viên còn lại trong nhóm BRICS giảm bớt áp lực
của thị trường tài chính.
No comments:
Post a Comment