NỘI
DUNG :
Nguyễn Quang Duy
.
Nhạc Việt: tác
giả và thính giả
Trần Phố Hội
============================================
Nguyễn Quang Duy
November 20, 2019 at 5:53 PM
Miền Nam trước đây gọi nhạc vàng là tân nhạc
để phân biệt với cổ nhạc. Sau chiến tranh, bên thắng cuộc mở “mặt trận” tấn
công vào nền văn hóa miền Nam, cả tân nhạc lẫn cổ nhạc đều bị nghiêm cấm và bị
hủy diệt.
Tân nhạc bị gán ghép là nhạc tâm lý chiến, nhạc
phản động, nhạc xuyên tạc đường lối, chống phá cách mạng, hay bị xem là thứ nhạc
sến, nhạc đồi trụy, nhạc ru ngủ, nhạc lãng mạn bi quan, nhạc vàng vọt.
Từ ngữ nhạc vàng xuất phát từ miền Bắc đã
nhanh chóng được người miền Nam chấp nhận để phân biệt với nhạc đỏ là loại nhạc
cộng sản.
Trong tâm tư người miền Nam màu vàng là màu
da, màu dân tộc, màu mai vàng phương Nam, màu tươi trẻ, màu của kim loại quý hiếm
vào bậc nhất. Bởi thế cờ
vàng và nhạc vàng nhanh chóng được xem là báu vật của Việt Nam Cộng Hòa.
Vì yêu
nhạc vàng…
Khi đất nước chia đôi, cách mạng văn hóa được
phát động tại miền Bắc, nhạc vàng bị nghiêm ngặt cấm đoán. Nhạc đỏ với âm điệu
Trung Hoa nhanh chóng thống trị nền âm nhạc miền Bắc, nhưng vẫn còn nhiều người
yêu nhạc thường lén lút thưởng thức nhạc vàng.
Một vụ án văn nghệ liên quan đến ban nhạc 3
người bị tố cáo hát xen kẽ nhạc vàng trong những đám cưới và những cuộc liên
hoan, được xử công khai tại Hà Nội vào tháng 1/1971.
Ông Phan Thắng Toán tự Toán Xồm bị kết án 15
năm tù giam và tước quyền công dân 5 năm. Ông Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù và tước
quyền công dân 5 năm. Ông Nguyễn Văn Lộc tự Lộc Vàng, 10 năm tù và tước quyền
công dân 4 năm.
Thập niên 1980, khi họ ra tù, nhạc vàng đã
khá phổ biến nhưng cả ba vẫn bị quản chế và gặp phải muôn vàn khó khăn.
Ông Toán Xồm không nhà sống lang thang đã qua
đời trên hè phố Hà Nội vào đúng đêm 30/4/1994, tưởng niệm 19 năm miền Nam lọt
vào tay cộng sản.
Ông Đắc mất năm 2005 trong nghèo khổ.
Ông Lộc Vàng sống bôn ba mãi đến gần đây mới
mở một quán cà phê nhỏ ở Hà Nội lấy tên Lộc Vàng.
Văn nghệ
tự do
Chủ trương của Việt Nam Cộng Hòa được ghi rõ
trong cả 2 Hiến pháp 1956 và 1967 là xây dựng một xã hội dựa trên triết lý nhân
bản, khai phóng và dân tộc.
Văn nghệ được tự do hoạt động nên chỉ trong
vòng 20 năm đã có hàng chục ngàn bản tân nhạc đủ thể loại chính thức phát hành,
trong số đó, có hàng trăm tác phẩm đã trở thành bất hủ.
Đa số nhạc miền Nam đều chan chứa tình người,
tình yêu quê hương, yêu đất nước, nỗi mong muốn thanh bình trở lại.
Tân nhạc được chia thành dòng nhạc tiền chiến,
nhạc đại chúng, nhạc trẻ, nhạc du ca và nhạc phản chiến.
Còn được phân loại thành nhạc lính, nhạc
tình, nhạc kích động, nhạc khiêu vũ, nhạc dân ca, nhạc sắc tộc, nhạc ngoại quốc
lời Việt, nhạc chiêu hồi, nhạc chính huấn, nhạc đạo, nhạc thiếu nhi, nhạc hướng
đạo, nhạc sinh hoạt…
Người miền Nam trân quý tác giả nên trân trọng
đặt tên cho dòng nhạc Lam Phương, nhạc Phạm Duy, nhạc Trần Thiện Thanh, nhạc
Hoàng Thi Thơ, nhạc Anh Bằng…
Trước khi hát một bản nhạc, người điều khiển
chương trình hay ca sỹ thường giới thiệu tên tác giả và hoàn cảnh tác phẩm được
sáng tác.
Việc giới thiệu tác giả và tác phẩm đã trở
thành một phần của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.
Mỗi tác giả mỗi khác, mỗi bài nhạc mỗi khác,
mỗi ca sỹ trình diễn mỗi khác, biểu hiện sự phong phú và đa dạng của âm nhạc miền
Nam.
Ở miền Nam nhà nào cũng có radio, nhiều nhà
có tivi, có dĩa hát, có máy thu thanh cassette… không có thì nghe ké nhà hàng
xóm.
Nhiều ca sỹ, nhiều ban nhạc, nhiều hãng băng
dĩa cassette cạnh tranh phục vụ đại chúng.
Từ tờ mờ sáng nhạc vang vọng khắp nơi, đến tối
mịt mù, đôi khi vẫn nghe tiếng nhạc dập dình.
Những bản nhạc bolero, rumba, chachacha,
tango dễ nhớ, dễ hát và dễ đi vào lòng người.
Người miền Nam hát bất cứ lúc nào có thể hát
được. Đám cưới, đám hỏi hát hò, đến cả ngày giỗ đám ma cũng tụm năm tụm bẩy hát
cho nhau nghe.
Họ hát từ tiền đồn heo hút, hát trong nhà thờ,
trong chùa ra đến góc đường, góc chợ, quán ăn, hát cho nhau nghe và cho chính
mình nghe.
Họ quan niệm hát hay không bằng hay hát, họ đồng
cảm và đồng sáng tác bằng cách chế lời đổi nhịp điệu bài hát.
Máu văn nghệ chìm đắm trong tim óc người miền
Nam, trở thành nếp sống, nếp văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.
Trong tù “cải tạo”, nhạc miền Nam bị cấm, ai
hát bị biệt giam đến chết, các tù nhân vẫn hát, hát cho nhau nghe, hát để gìn
giữ báu vật Việt Nam Cộng Hòa.
Nhạc
vàng Bắc Tiến
Những ngày đầu 30/4/1975, không ít người miền
Nam ngạc nhiên khi nghe bộ đội Bắc Việt hát những bài viết về người lính miền
Nam như Rừng Lá Thấp của Trần Thiện Thanh hay Xuân Này Con Không Về của Trịnh
Lâm Ngân.
Khác chiến tuyến nhưng họ hát với tấm lòng của
người lính xa nhà mong muốn chiến tranh chấm dứt để về lại quê hương.
Về miền Bắc, trong ba lô người bộ đội, chiếc
cassette nhỏ và chục băng nhạc làm quà. Làng trên xóm dưới bắt đầu biết đến nhạc
miền Nam.
Còn ở miền Nam, các đội cờ đỏ truy lùng nhạc
chế độ cũ. Người yêu nhạc bị mang ra khu phố đấu tố, nhiều thanh niên bị cưỡng
bức đi Thanh Niên Xung Phong, có người còn bị bắt đi cải tạo chỉ vì lén lút
chơi nhạc vàng.
Đầu năm 1979, chiến lợi phẩm của bộ đội miền
Bắc là những kho cassette và băng nhạc trên đất Campuchia, nhạc vàng lại một lần
nữa tràn ngập miền Bắc.
Rồi những radio cassette, những cuộn băng nhạc
hải ngoại được chuyển ra miền Bắc, tiếp tục sự nghiệp Bắc tiến của nhạc vàng.
Khi ấy Hà Nội đã chuyển hầu hết công an và
cán bộ tuyên giáo vào Nam nên nhạc vàng công khai cạnh tranh với loa phường và
các đài chính thống.
Nhạc vàng trở thành món ăn tinh thần cho người
dân miền Bắc, nhất là những người sống ở thành thị.
Nhạc vàng theo chân người Việt “xuất khẩu lao
động” sang tận Liên Xô và Đông Âu. Ở đâu có người Việt ở đó có nhạc Việt Nam Cộng
Hòa.
Ở miền Nam, sau những cuộc truy quét, nhạc
vàng bắt đầu sống dậy. Nhiều ca sỹ lén lút thu thanh, nhiều quán cà phê hát nhạc
vàng, nhiều đoàn hát “chui” về tận miền quê trình diễn.
Ngược lại, số người nghe nhạc đỏ giảm sút rất
nhiều, nhất là với những người trẻ muốn quên đi chiến tranh và cách mạng.
Đến năm 1986, Hà Nội phải chính thức công nhận
nhạc vàng, một danh mục gồm 36 tác phẩm âm nhạc của miền Nam được công khai
trình diễn. Nhiều chương trình văn nghệ nhạc vàng được công khai tổ chức.
Ở hải ngoại các nhạc sỹ tiếp tục sáng tác tạo
ra dòng nhạc vàng hải ngoại. Đến thập niên 1990, băng video Paris By Night,
ASIA, Vân Sơn,… từ hải ngoại gởi về được bà con trong nước nhiệt tình ủng hộ.
Nghị quyết 36 ra đời, Hà Nội chính thức chỉ đạo
phục vụ văn nghệ “đồng bào” hải ngoại. Nhạc vàng được Hà Nội chính thức nuôi dưỡng.
Nhiều ca sỹ nhạc vàng được Hà Nội cung cấp tiền và phương tiện ra hải ngoại
trình diễn. Hà Nội còn chấp nhận một số ca sỹ hải ngoại về nước hát.
Các nhạc sỹ đỏ bị “vắt chanh bỏ vỏ”, nhạc đỏ
bị bỏ xó không ai màng tới, đến đài phát thanh, đài truyền hình Hà Nội cũng
phát nhạc vàng.
Nhạc Việt
Nam Cộng Hòa sống dậy
Bước sang thời đại Youtube và Facebook, chỉ cần
chiếc máy tính, chiếc điện thoại cầm tay, mọi người có thể dễ dàng thưởng thức
kho tàng âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa.
Nhiều bạn trẻ mặc đồ lính Việt Nam Cộng Hòa
hát nhạc vàng thu hút hằng triệu người xem.
Nhạc vàng không chỉ giúp giới trẻ tìm hiểu lịch
sử Việt Nam Cộng Hòa, một số bạn trẻ dùng lời ca tiếng hát làm phương tiện đấu
tranh với mong ước phục hồi thể chế tự do.
Nhạc vàng còn được sử dụng để phản kháng làn
sóng nhạc Hàn, nhạc Mỹ, nhạc Trung… giữ gìn tình tự dân tộc và văn hóa Việt
Nam.
Nhạc vàng được hát khắp nơi từ miền núi xa
xăm phương Bắc xuống Cà Mau tận cuối miền Nam và mọi nơi trên thế giới.
Nhạc vàng đã bị “chôn” nhưng vẫn sống, ngày
càng sống mạnh. 44 năm qua, nhiều thế hệ tiếp nối vẫn yêu quý nhạc miền Nam,
tìm ra sự thật lịch sử và hướng về một ngày đất nước có tự do.
Trong vòng 20 năm Việt Nam Cộng Hòa xây dựng thành
công một kho tàng văn hóa dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.
Kho tàng
-------------------------------
XEM
THÊM
Nhạc Việt: tác
giả và thính giả
Trần Phố Hội
Một nhạc phẩm
có giá trị hay không là do sự đón nhận của thính giả, càng được
nhiều thính giả thích nghe, thích hát thì nhạc phẩm càng có giá
trị. Có nhiều nhạc phẩm được chính tác giả hài lòng nhưng sau khi
phổ biến lại không được người nghe đón nhận và sau đó mai một với
thời gian, ngược lại có những nhạc phẩm trước khi phát hành thì tác
giả lo lắng nhưng sau khi phổ biến thì được công chúng đón nhận nồng
nhiệt, vị dụ như nhạc phẩm “Chuyện Tình Lan Và Điệp” của Mạc Phong
Linh và Mai Thiết Lĩnh (Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng). Điều này
cho thấy ảnh hưởng của thính giả trong âm nhạc cũng rất quan trọng,
thính giả có thể giúp làm cho âm nhạc Việt Nam hoàn hảo hơn, nâng cao
giá trị của tác phẩm và tác giả, hay ngược lại; và như vậy thì
trách nhiệm của thính giả cũng nặng nề lắm.
Đây không phải
là một bài bình luận hay phân tích về âm nhạc mà chỉ là một chia
xẻ về vai trò của thính giả trong âm nhạc để rồi tìm cách làm cho
nền âm nhạc Việt Nam được trong sáng hơn.
Thời còn ở
bậc Trung học tôi thường nghe nhạc khi học bài; mấy người lớn hay la
rầy tôi về chuyện này, họ bảo vừa học bài vừa nghe nhạc thì học
sao cho “vô”. Tôi biết vì muốn tôi nên người nên họ mới la rầy tôi như
thế, và tôi cũng đồng ý với họ nhưng vẫn không bỏ được thói quen
đó. Có lẽ thời ấy tôi nghe nhạc mà không để ý mấy đến lời ca, chỉ
nghe âm điệu cho êm tai và tránh những tiếng động hay sự ồn ào khác.
Khi làm việc ở
Việt Nam trước 75 thì tôi thường nghe nhạc vào buổi tối, trước khi đi
ngủ.. Lời ca, tiếng nhạc đã đem lại cho tôi sự êm đềm, thanh thản;
giúp tôi thấy thoải mái trước khi rơi vào giấc ngủ. Thời gian này tôi
nghe nhạc “kỹ” hơn, nhất là lời ca. Tôi say mê những lời ca trong nhiều
bài hát đã diễn tả thật trung thực quê hương nghèo khổ của tôi như
“Quê hương anh nước mặn đồng chua, Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá... Áo anh
rách vai, quần tôi có hai miếng vá, Miệng còn cười buốt giá chân không
giày... (bài Tình Nước của Vũ Hòa Thanh)”, hay “Quê hương tôi có con
sông đào ngây ngất, Lúc tan chợ chiều xa tắp, Bóng nâu trên đường bước dồn, Lửa
bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!.. (bài Tình Hoài Hương của Phạm
Duy)”. Tôi yêu mến những lời ca mộc mạc, chân thật như vậy, và khi nghe
những lời ca đó tôi có cảm tưởng như đang nghe về chính mình.
Mỗi khi nghe
một bản nhạc hay tôi mong muốn được biết tác giả, nhất là muốn biết
tác giả sáng tác bản nhạc đó trong trường hợp nào, muốn biết nguồn cảm hứng nào đã giúp
tác giả có được lời ca, điệu nhạc tuyệt vời khi sáng tác nhạc phẩm
đó. Sau này nhờ có nhiều chương trình ca nhạc với chủ đề “Tác phẩm
và Tác giả” nên tôi được biết về cuộc đời của nhiều nhạc sĩ cũng
như cơ duyên đưa đến sự ra đời của nhiều nhạc phẩm hay, từ đó mỗi khi
nghe nhạc tôi luôn luôn chú tâm đến 3 yếu tố: lời ca, giai điệu và
tác giả.
Nếu lời ca và
giai điệu ảnh hưởng đến giá trị một bản nhạc thì tác giả cũng có
ảnh hưởng không kém, có khi còn quan trọng hơn vì không có tác giả
thì làm gì có nhạc phẩm. Khi nghe một bản nhạc hay mà biết được
nguồn gốc của bản nhạc, biết được tác giả là ai, đã sáng tác trong
hoàn cảnh nào, v.v... thì cảm nhận được nhiều hơn và thấy hay hơn.
Thật ra một nhạc phẩm tự nó chỉ là một vật vô tri vô giác, giá trị
của nó tùy vào sự đón nhận của thính giả là chính. Một bản nhạc
được nhiều người ưa thích thì có giá trị cao, bị nhiều người chê
thì chẳng có giá trị gì. Một bản nhạc dù được tác giả hài lòng
không hẳn là một bản nhạc hay nếu không được đa số thính giả đón
nhận.
Miền Nam chúng
ta có một kho tàng âm nhạc vừa to lớn vừa có giá trị cao quý, với
mấy ngàn nhạc phẩm và rất nhiều nhạc sĩ tài ba. Đa số những nhạc
sĩ ở miền Nam là những người có tư cách, có thiên tài, có lòng nhân
ái, yêu đồng bào, yêu quê hương. Những tác phẩm của họ nói lên tình
yêu thương giữa người và người, giữa người và quê hương, thể hiện
những vui buồn trong cuộc sống và chia lìa, tang tóc của cuộc chiến.
Nói đến những
nhạc sĩ tài danh ở miền Nam trước 75 thì nhiều lắm nên tôi không dám
nêu danh ở đây vì sợ không ghi đủ tất cả quý vị đó, trong bài viết
ngắn gọn này tôi chỉ nói đến hai nhạc sĩ đã gây tranh luận khá
nhiều trong chúng ta.
Khi mới chín
tuổi tôi đã nghe nhạc Phạm Duy (PD) và yêu thích nhạc của ông vô cùng.
Những bài ông viết về quê hương, đất nước, về những người dân quê
nghèo khổ tôi thấy trong đó có làng tôi, có những nông dân chung quanh tôi
vả cả tôi nữa. Tôi say mê nhạc PD từ nhỏ, khi còn trong nước cho đến
lúc ra hải ngoại.
PD từng tham
gia Kháng chiến chống Pháp một thời gian, sau đó ông rời chiến khu rồi
vào miền Nam để tiếp tục tự do sáng tác nhạc. PD là tên tuổi lớn và
đầy ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam với những hoạt động tích cực dành
cho cả âm nhạc và chính trị. Vì lý do chính trị, nhạc của ông bị cấm hoàn toàn
tại miền Bắc Việt Nam sau 1954, và toàn Việt Nam sau 1975.
PD có trên một ngàn bài hát (1), nhiều bài rất hay và nổi tiếng.
Cũng giống như
nhiều người cùng trang lứa với tôi, trước 1975 tôi thích nhiều nhạc
phẩm của Trịnh Công Sơn (TCS), có lẽ phần lớn do ảnh hưởng của xã
hội, của bạn bè thời đó, phong trào nghe nhạc TCS nổi lên trong giới
sinh viên học sinh làm tôi bị lôi cuốn theo. Sau này suy nghĩ về hiện
tượng TCS tôi tự hỏi có phải phong trào nghe nhạc TCS là do sinh viên
học sinh thực sự say mê nhạc của ông hay đây là kết quả của một chiến
dịch tuyên truyền đại quy mô của CS miền Bắc nhằm dựng lên một thần
tượng âm nhạc cho “Cách Mạng” như họ biến hóa một kẻ khủng bố thành
thần tượng chiến đấu như “anh hùng Nguyễn văn Trỗi”, và
nếu TCS không theo VC thì liệu ông có được nổi tiếng như vậy không?
Cũng nên nhắc lại rằng miền Nam VN thời đó có “Phong Trào Phản
Chiến”, gọi là “phản chiến” cho có vẻ yêu chuộng hòa bình nhưng thực
ra họ chỉ chống đối chính phủ VNCH là bên tự vệ mà không hề phản
đối CS miền Bắc là bên gây chiến, và thành phần hoạt động đắc lực
cho phong trào này là giới sinh viên học sinh. Nhạc TCS tuy nổi tiếng
trong giới sinh viên học sinh, nơi Phong Trào Phản Chiến hoạt động hữu
hiệu nhất, nhưng không phổ biến trong giới bình dân như nhạc của Trúc
Phương, Minh Kỳ, Lam Phương, Nhật Ngân, Nhật Trường, Anh Bằng v.v...
Như chúng ta
biết TCS tuy sinh ra ở Đắc Lắc nhưng lớn lên ở Huế và theo học trường
Lycée Français, rồi vào Sài Gòn học ở Jean-Jacques Rousseau, và sau
cùng học Sư Phạm Qui Nhơn; TCS không nghèo nàn khổ cực như bao người
khác cùng lứa tuổi với ông.
Trước 75 TCS
dạy học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng nhưng hay có mặt ở Sài Gòn. Ông sống ung
dung, hưởng mọi đặc ân của Miền Nam nhờ sự che chở và bao dung của
Lưu Kim Cương và Đặng Tuyết Mai (vợ Nguyễn Cao Kỳ) trong khi ấy bạn bè
ông phải dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ Miền Nam. Được
một cuộc sống như vậy đáng lẽ TCS phải biết ơn miền Nam, biết ơn
những người đã che chở cho ông thì ngược lại TCS âm thầm theo VC, phản
lại chính những ân nhân của mình, điều này minh chứng rằng TCS là
người không tốt, là kẻ phản phúc, vong ân bội nghĩa, nói theo ngôn
ngữ bình dân là “ăn cháo đá bát”, y hệch như Hồ chí Minh đối với bà
Nguyễn Thị Năm (bà Năm là ân nhân lớn của Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm
Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, v.v..., và là người bị xử bắn đầu
tiên trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất-CCRĐ).
TCS là người
có học thức mà không hiểu được sự tàn ác của CS Nga thời Stalin,
của CS Tàu thời Mao Trạch Đông, không hiểu được những tội ác tày
trời của Hồ chí Minh qua việc cộng tác với thực dân Pháp để giết
những người Quốc Gia yêu nước, qua việc ngăn chận và giết hại những
người miền Bắc muốn di cư vào Nam năm 1954, qua cuộc CCRĐ sau khi đất
nước bị chia đôi. Chuyện Nga đem quân sang chiếm Hung Gia Lợi (Hungary)
năm 1956 để dập tắt cuộc Cách Mạng ở đó, chuyện Nga đàn áp đẫm máu
cuộc nổi dậy của nhân dân Tiệp (Czechoslovakia) năm 1968, chuyện cách
mạng văn hóa ở Tàu cộng năm 1966, vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế năm
1968, và bao nhiêu chuyện khác nữa cũng không làm cho TCS thấy CS là
độc tài, tàn ác. Tất cả những điều này cho thấy TCS là người thầy
giáo yếu kém, kiến thức nông cạn, thiếu hiểu biết về chính trị và
lịch sử.
Sau khi nghe TCS
lên đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/75 kêu gọi ở lại xây dựng đất
nước và lên án những người ra đi tìm tự do thì tôi không còn cảm
nhận những bản nhạc hay của TCS như trước nữa, tuy nhiên khi ấy tôi
cũng chưa từ bỏ nhạc của TCS. Tôi hy vọng ông sẽ nhận ra sự sai lầm
của mình sau khi sống với VC.
Khoảng giữa
thập niên 1980 TCS sang Montreal, Canada và TCS đến xin hát ở chùa Quan
Âm, chùa cho hát với điều kiện TCS ở lại tị nạn. TCS không chịu điều
kiện đó và đã trở về VN sau khi thăm gia đình ở Montreal. Sống với VC
cả chục năm hẳn TCS đã thấy rõ những xấu xa của chế độ, thấy những
thối tha của đám người cầm quyền, vậy mà khi có cơ hội từ bỏ những
thứ xấu xa ấy thì ông lại chọn bám lấy chúng! Bao nhiêu người Việt
liều chết ra đi tìm tự do còn TCS đến được bến bờ tự do an toàn và
có đầy đủ điều kiện thuận lợi để ờ lại Canada tị nạn CS, thế mà
ông lại trở về VN, vì sợ VC? vì vẫn theo VC? hay vì tiếc chút bổng
lộc của VC? Sự kiện này làm tôi thấy TCS quá yếu hèn, không có một
chút tư cách của người bình thường nói chi đến nghĩa khí của một
nhà mô phạm, từ đó tôi đánh giá con người ông rất thấp và tôi không
muốn nghe nhạc của ông nữa.
Năm 2005, khi đã
84 tuổi, PD trờ về VN để sinh sống thì tôi không còn hứng thú gì khi
nghe nhạc của ông, tuy nhiên tôi chưa từ bỏ nhạc PD vì nhiều lý do. Trước
75 và trong thời gian sống bên Hoa Kỳ thì theo tôi biết PD không theo VC,
không làm tay sai cho VC. Ông không lên án những người bỏ nước ra đi tị
nạn sau 75. Trong chiến tranh PD không phản bội miền Nam, không phải bội
bạn bè. Nhiều người trong chúng ta đã lên án PD khi ông trở về VN,
theo tôi thì lên án ông không có gì sai. Một số người rộng lượng khi
nói đến chuyện PD về VN thì thở dài mà bảo rằng “trách chi cái ông
già lẩm cẩm đó”.
Đối với một
thầy giáo thì đạo lý là điều quan trọng, chẳng những người thầy
phải biết quý trọng đạo lý mà còn phải làm gương cho học trò, thế
mà TCS đã làm những chuyện phản lại đạo lý khi ông phản bội ân nhân
của ông. Nếu TCS thực tình tin vào chủ nghĩa Cộng sản và vào bưng
để chống lại Miền Nam thì người ta còn thấy ông có chút bản lãnh
của một trí thức, đàng này ông sống dưới sự bao che của bạn bè, ân
nhân rồi âm thầm phản bội họ, đó là điều vô lương tâm, vô đạo đức.
Một người như vậy mà nhạc của ông vẫn được các trung tâm băng nhạc ở
hải ngoại dùng trong các đại nhạc hội, được giới thiệu một cách
trang trọng, được người nghe vỗ tay tán thưởng thì PD thấy chuyện trở
về VN của ông sẽ không làm tổn hại đến những nhạc phẩm của ông, đến
tên tuổi của ông, đến sự nghiệp âm nhạc của ông. Chính chúng ta đã
gửi cho PD thông điệp sau đây “nhạc của ông quá hay thì ông muốn làm
gì cũng chẳng sao”.
Những điều tôi
nói về hai nhạc sĩ PD và TCS trên đây là nói về con người, nói về
nhân cách, nói về đức độ. Một xã hội chỉ có thể phát triển, thăng
tiến, thanh bình, thịnh trị khi kẻ cầm quyền và người dân có nhân
cách, biết phải biết trái, ơn đền nghĩa trả, quý trọng đạo lý,
v.v... Người có tài và có đức thường giúp cho xã hội an bình thịnh
vượng nên đáng được quý trọng, trái lại người có tài mà thiếu đức
thì thường làm cho xã hội băng hoại, đổ nát. Giá trị đích thực
nhất của con người là tư cách, thứ đến mới là tài năng.
Không phải ai
có tài cũng đáng được quý trọng, tôn thờ như thần tượng; nhìn vào
Hollywood thì chúng ta thấy đa số tài danh ở đó thay vợ đổi chồng như
thay áo, tự cao tự đại, những vấn đề không hiểu biết thấu đáo cũng
lên tiếng răn dạy người khác. Một Jane Fonda đã quá đủ cho người Việt
chúng ta thấy cái tai họa của người có tài. Những người tài danh ở
Hollywood đã đóng góp được gì cho xã hội? Phải chăng họ đã cho chúng
ta những giây phút giải trí với cái giá cắt cổ vì chính họ đã làm
tăng giá nhiều mặt hàng qua tiền quảng cáo.
Thử tưởng
tượng trong một Đại Nhạc Hội lớn ở Little Saigon có hơn ba ngàn khán
giả, Việt Khang vừa kết thúc nhạc phẩm “Một Mai Giả Từ Vũ Khí” của
Nhật Ngân, khán giả đứng dậy vỗ tay vang dội cả hội trường, khi
tiếng vỗ tay bớt dần thì MC trịnh trọng bước ra giới thiệu “Thưa quý
vị, tiếp theo đây là một nhạc phẩm rất nổi tiếng ở miền Nam trước
75, bài hát mang tựa đề Ướt Mi của TCS. Như quý vị đã biết TCS là
một nhạc sĩ đa tài với nhiều tình khúc tuyệt vời, với những bài ca
về cuộc chiến đã làm nên hiện tượng TCS, trong âm nhạc ông là một
nhạc sĩ nổi tiếng nhưng ngoài đời ông là một kẻ phản phúc, một nhà
giáo thiếu kiến thức về lịch sử, và một kẻ hèn nhát...”, nếu là
khán giả của Đại Nhạc Hội đó quý vị sẽ phản ứng ra sao? Vỗ tay
hoan hô? Đứng dậy đi làm “thủ tục hành chánh buổi sáng”? Nếu quý vị
la ó phản đối vì cho rằng MC nói bậy bạ thì quý vị đã làm một
chuyện không đúng; trong trường hợp này MC đã nói đúng và nói thật,
một sự thật mà quý vị chưa quen nghe hay không muốn nghe.
Nếu chúng ta,
những người nghe nhạc, thẳng thắn bày tỏ cảm nghĩ của mình về nhạc
sĩ, về những chuyện khả ố của họ, thì những nhạc sĩ có tư cách
sẽ cố gắng giữ tư cách, những nhạc sĩ thiếu tư cách sẽ cố gắng
sửa đổi để trở thành người tốt hầu được thính giả yêu mến và quý
trọng, và sẽ giúp những nhạc sĩ khác khi đến tuổi xế chiều không
nịnh bợ VC như trường hợp sau đây.
Tháng 6/2018,
Vũ Đức Sao Biển viết bài đăng trên báo Người Lao Động ngày 17/6/2018
có tựa đề “Để ngày cuối tuần hạnh
phúc” trong đó có các đoạn như sau:
“Mấy ngày vừa
qua, đã có hiện tượng một số anh em công nhân bị rủ rê, lôi kéo vào chỗ tụ
tập đông người; thậm chí ngừng việc hàng loạt khiến hoạt động của xí nghiệp,
công ty bị ngưng trệ. Hiện tượng đáng tiếc ấy đã được tổ chức Công đoàn các cấp
kịp thời phân tích, uốn nắn, ổn định tình hình.”
“Phải nói rằng
trong suốt lịch sử dân tộc thì chỉ có thời đại chúng ta đang sống, người Việt
Nam mới có được cuộc sống no đủ, an vui đến như vậy”
“Hãy sống và tuân
thủ pháp luật. Hãy tận dụng ngày cuối tuần, biến nó thành ngày hạnh phúc quý giá,
đầm ấm với gia đình, vợ con. Hãy nấu một bữa ăn ngon và nghỉ ngơi, vui chơi, giải
trí cùng gia đình, phục hồi sức lực để tiếp tục làm việc tuần tới.” (2),
(3)
Giặc Tàu phương
Bắc đang xâm lăng quê hương, chính quyền thì bán nước, công nhân yêu nước
xuống đường biểu tình chống ngoại xâm, trong tình cảnh đó VĐSB (một
thầy giáo, một nhà mô phạm) lại kêu gọi những người biểu tình hãy
ở nhà “nấu một bữa ăn ngon và nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí
cùng gia đình”
Sau khi đọc bài
này tôi không muốn nghe nhạc của ông nữa.
Tuy không hài
lòng khi thấy các trung tâm băng nhạc hay những đại nhạc hội vẫn còn
dùng nhạc TCS nhưng có một điều đáng khích lệ là cho đến nay chưa có
một chương trình ca nhạc tưởng niệm TCS ở hải ngoại (theo tôi biết và
hy vọng như vậy). Tại sao thế? Phải chăng họ cũng biết rằng TCS không
xứng đáng để được vinh danh.
Nếu chúng ta,
người Việt tị nạn CS ở hải ngoại, đã kềm chế không tổ chức chương
trình ca nhạc tưởng niệm TCS vì ông không xứng đáng thì nên cố gắng
tiến thêm một bước là không nghe nhạc của ông nữa. Trong phạm vi riêng
tư của một gia đình hay một buổi họp bạn của một nhóm nhỏ thì
chuyện hát nhạc TCS không thành vấn đề nhưng không nên dùng nhạc của
ông trong các chương trình văn nghệ Cộng Đồng, nhất là những chương
trình có chủ đề nhằm hổ trợ cho sinh hoạt đem lại tự do, dân chủ cho
VN.
Chuyện PD trở
về VN để kiếm tiền khi đã 84 tuổi thì thật đáng bị chê; còn chuyện
của ông thầy giáo kiêm nhạc sĩ TCS vong ân bội nghĩa, đã đến bến bờ
tự do mà lại quay về VN để hưởng bổng lộc của VC thì thật đáng coi
thường hay khinh miệt.
Kho tàng âm nhạc
ở miền Nam trước 1975 đã quá phong phú, nay cộng thêm những tác phẩm
ở hải ngoại sau 1975 viết về niềm đau của quê hương và cuộc đời tị
nạn thì chúng ta có quá nhiều nhạc phẩm hay để thưởng thức; nếu bỏ
đi nhạc TCS hay những bài hát của một số nhạc sĩ thiếu tư cách khác
thì chúng ta vẫn còn rất nhiều những tác phẩm hay và có giá trị
mà khi thưởng thức chúng ta hài lòng trọn vẹn vì cả ba yếu tố lời
ca, giai điệu và tác giả đều có giá trị.
Thính giả có
trách nhiệm rất lớn trong việc làm cho nền âm nhạc Việt Nam trong
sáng bằng cách đối xử với tác giả một cách trung thực, khen khi họ
có nhân cách, đức độ; và chê khi họ không có tư cách và làm những
chuyện thiếu liêm sĩ.
Trần Phố Hội
Mùa Xuân 2019
No comments:
Post a Comment