Sunday, November 3, 2019

NẠN NHÂN CỘNG SẢN (Trần Khải)




29/10/2019
Trong những ngày cuối tháng 10 hàng năm, có một ngày được thế giới ghi nhớ: Ngày tưởng niệm các nạn nhân của đàn áp chính trị… Cội nguồn của ngày này là từ những cuộc đàn áp chính trị ở Liên Xô.

Tự Điển Bách Khoa Mở ghi rằng Ngày tưởng niệm các nạn nhân của đàn áp chính trị là một ngày được tổ chức vào ngày 30 tháng 10 hàng năm để tưởng nhớ các nạn nhân của sự đàn áp chính trị ở Liên Xô.

Từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, đây là ngày kỷ niệm tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, ngoại trừ đối với Ukraine có ngày riêng vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 5 được gọi là Ngày tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp chính trị của chế độ Xô Viết. Ngày 18 tháng 10 năm 1991, Xô viết tối cao của Nga (giải thể năm 1993) chính thức thành lập ngày 30 tháng 10 là Ngày tưởng niệm các nạn nhân của đàn áp chính trị. Ngày này cũng là ngày nghỉ lễ công cộng chính thức tại Nga.

Tự điển Wikipedia ghi rằng trước đây, ngày này là Ngày của tù nhân chính trị ở Liên Xô, một sáng kiến khởi xướng từ năm 1974 bởi những người bất đồng chính kiến bị cầm tù của Liên Xô đòi công nhận tình trạng tù nhân bị nhà cầm quyền giam giữ vì tự do ngôn luận như những tù nhân chính trị.

Các thành viên của tổ chức Memorial-Tưởng niệm tham gia tích cực vào ngày kỷ niệm này. Đây là một tổ chức xã hội dân sự hoạt động ở một số quốc gia hậu Xô Viết tập trung vào việc thu thập những tài liệu, bằng chứng và công bố quá khứ độc tài toàn trị của Liên Xô, cũng như theo dõi nhân quyền tại Nga và các nước hậu Xô viết khác.
Trong khi đó, lịch sử nhân loại cho thấy, nạn nhân Cộng sản không chỉ ở Liên bang Xô viết, mà còn ở toàn cầu.

Đó cũng là lý do Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản (Victims of Communism Memorial) được xây dựng trong một khuôn viên tại Washington, D.C., ở giao điểm của Đại lộ Massachusetts và Đại lộ New Jersey và Đường G, N.W, cách Ga Liên hiệp (Union Station) hai dãy phố và trong tầm nhìn của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, về hướng tây.

Mục từ khác của Tự Điển Bách Khoa Mở ghi rằng theo Quỹ Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản thì mục đích của tượng đài là: "để lịch sử về sự tàn bạo của cộng sản sẽ được dạy cho các thế hệ tương lai", và được ghi nhận là "để tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản".

Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản được Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush khánh thành vào ngày 12 tháng 6 năm 2007, kỷ niệm 20 năm ngày Tổng thống Ronald Reagan đọc bài diễn văn nổi tiếng "Hãy phá đổ bức tường này" trước Bức tường Berlin.

Một dự luật (gọi tắt là H.R. 3.000) cho phép dựng đài tưởng niệm được bảo trợ bởi hai Dân biểu Hoa Kỳ: Dana Rohrabacher và Tom Lantos, và hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ: Claiborne Pell và Jesse Helms được đồng thuận thông qua vào ngày 17 tháng 12 năm 1993 và được Tổng thống Bill Clinton ký thành luật theo bộ Luật công chúng 103-199 Chương 905 (Public Law 103-199) của Hoa Kỳ. Vì chậm trễ trong việc thiết lập tượng đài, giấy phép sau đó được gia hạn theo Chương 326 của bộ Luật công chúng 105-277 được chấp thuận ngày 21 tháng 10 năm 1998 cho đến hết ngày 17 tháng 12 năm 2007. Ủy ban Vận động Xây dựng Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản có nhiệm vụ gây quỹ và điều hành các giai đoạn đầu hoạch định cho tượng đài.

Tháng 11 năm 2005, Ủy ban Kế hoạch Thủ đô Quốc gia chấp thuận mẫu thiết kế cho tượng đài là một bản sao bức tượng "Nữ thần Dân chủ" bằng đồng cao 3 mét với hình người phụ nữ cầm ngọn đuốc tự do - hình ảnh mà các sinh viên Trung Quốc đã dựng lên trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989. Đài tưởng niệm gây ra lời chỉ trích từ đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung hoa vì bức tượng gợi nhớ lại các cuộc biểu tình đòi dân chủ đã bị đàn áp bằng xe tăng và súng đạn tại Quảng trường Thiên An Môn. Đại sứ quán gọi việc xây dựng tượng đài này như "một mưu toan phỉ báng Trung Hoa".

Mẫu thiết kế đài tưởng niệm và bức tượng là công trình của điêu khắc gia Thomas Marsh. Tượng được đặt trên một bệ đá, mặt trước có khắc câu: To the more than one hundred million victims of Communism and those who love liberty (Để tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản và những người yêu chuộng tự do); và mặt sau: To the freedom and independence of all captive nations and peoples (Cho tự do và độc lập của những quốc gia và dân tộc bị giam cầm).

Công trình tưởng niệm này do quỹ Victims of Communism Memorial Foundation (VOCMF) xây dựng. Đây là một tổ chức bất vụ lợi được thành lập theo bộ Luật công chúng 103-199 vào năm 1994, nhằm mục đích tưởng niệm hơn một trăm triệu nạn nhân của chế độ cộng sản trên thế giới. Chủ tịch của VOCMF là ông Lee Edwards, chủ tịch danh dự là Tổng thống George W. Bush. Ngân khoản cho công trình xây cất này là 825 ngàn đô la Mỹ, được đóng góp bởi nhiều cá nhân, tổ chức, đoàn thể chính trị cùng nhiều quốc gia từng là nạn nhân của chế độ cộng sản như Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia, Bulgaria, Estonia, Gruzia, Cuba, Đài Loan... Tổng cộng số tiền đóng góp do "cộng đồng người Việt gây quỹ cho VOCMF" thu được là 100 ngàn đô la.

Theo thống kê này, chế độ cộng sản đã giết hại hàng triệu người, có rất nhiều nạn nhân vô tội, vô danh đã bị giết khắp nơi như Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Cuba... Họ đã bị giết trong những trại cải tạo, trong những ngục tù, trong những cuộc đại cách mạng, trong các cuộc cải cách ruộng đất... Tượng đài sẽ giúp cho giới trẻ hiểu một phần của lịch sử thế giới trong thế kỷ XX.

VOCMF quyết tâm thực hiện dự án họ đề ra suốt 10 năm vì họ cho rằng tội ác của chủ nghĩa phát xít đã được thế giới công nhận nhưng tội ác của chủ nghĩa cộng sản vẫn ít người trên thế giới biết tới.

Lễ đặt viên đá đầu tiên xây đài tưởng niệm này vào ngày 27 tháng 9 năm 2006. Vào ngày 12 tháng 6 năm 2007, đài tưởng niệm được chính thức khánh thành, có Tổng thống George W. Bush tham dự[5]. Trong số hàng trăm khách mời thuộc các quốc gia từng và đang theo chính thể cộng sản, có nhiều người được cho là nạn nhân trực tiếp của những chính thể theo chủ nghĩa cộng sản, như nhà thơ người Việt Nguyễn Chí Thiện, tù nhân chính trị Trung Hoa Harry Wu, nhà báo chống cộng Litva Nijol Sadnait và nhiều người khác.

Trong buổi lễ khánh thành, Tổng thống Bush đã nêu ẩn danh của những người từng là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản:

“Họ gồm có các nạn nhân Ukraina bị chết đói trong Nạn đói Vĩ đại dưới thời Stalin; hoặc những người Nga bị giết trong các cuộc thanh trừng của Stalin; những người Litva, Latvia và Estonia bị quăng lên xe chở trâu bò và bị đầy khổ sai trong các trại tử thần vùng giá rét của chủ nghĩa Cộng sản Xô Viết. Họ bao gồm những người Trung Hoa bị giết chết trong Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa; những người Campuchia bị tàn sát trong những cánh đồng chết của Pol Pot; những người Đông Đức bị bắn chết trong lúc cố trèo qua Bức tường Berlin để tìm tự do; những người Ba Lan bị tàn sát tại rừng Katyn; và những người Ethiopia bị tàn sát trong cuộc "Khủng bố Đỏ"; những người da đỏ Miskito bị giết chết bởi chế độ độc tài Sandinista ở Nicaragua; và những người Cuba, Việt Nam bị chết chìm trong lúc vượt thoát bạo quyền.”

Ông Bush cũng nói: "Thủ đô Hoa Kỳ chưa từng có đài tưởng niệm nào cho nạn nhân của chế độ cộng sản" và "Trước sự hiện diện của những người, nam cũng như nữ, đã đấu tranh cưỡng lại cái ác và tiếp tay đưa đến sự sụp đổ của đế quốc cộng sản, tôi hãnh diện nhận lấy Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, thay mặt cho nhân dân Hoa Kỳ".

Có một thống kê khác, nhiều chi tiết hơn, in trong sách Le Livre noir du communisme: Crimes, terreur, répression (tạm dịch: "Quyển sách đen của Chủ nghĩa Cộng sản: Tội ác, khủng bố, đàn áp"), là một quyển sách liệt kê các tội ác của các chính phủ cộng sản từ xưa đến năm 1997, kể cả đàn áp dân chúng, giết người ngoài pháp luật, trục xuất, và nạn đói nhân tạo. Quyển sách được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1997, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng (bản tiếng Anh được xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Harvard dưới tựa The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression), tác phẩm đã được bán gần 1 triệu bản cho đến năm 2001. Ấn bản tiếng Đức, được nhà xuất bản Piper phát hành vào năm 2004, có một chương được viết bởi Joachim Gauck vào năm 1998[1][2], mà từ 18.03.2012 là tổng thống Đức.

Nhóm biên soạn cuốn sách là các nhà nghiên cứu và chuyên gia châu Âu. Họ tuyên bố đã sử dụng các tài liệu vừa được công bố lúc đó từ văn thư lưu trữ mật của KGB, cơ quan an ninh Liên Xô.

Stéphane Courtois, trong phần giới thiệu, tuyên bố rằng chủ nghĩa Cộng sản là một lý thuyết lý tưởng, tuy nhiên trong thực hành đã hình thành một thể chế chính trị mà đã đàn áp có hệ thống đến cả khủng bố người dân. Lý thuyết đó theo ông nên được xét đoán qua những kết quả thực tế. Để mà giữ vững quyền lực, Stéphane Courtois cho rằng các chế độ Cộng sản đã làm "các tội phạm tập thể thành một hệ thống chính phủ tiêu chuẩn". Theo Stéphane Courtois, mặc dù các chính phủ Cộng sản sau này không còn quá đáng như xưa, qua các tài liệu trong văn khố và những lời kể của vô số nhân chứng, Stéphane Courtois tuyên bố rằng khủng bố ngay từ đầu đã là đặc điểm của chế độ Cộng sản. Cái ý tưởng cho đó chỉ là tình cờ của nhiều tình huống rủi ro nhập lại của một vài quốc gia hay một vài thời kỳ là hoàn toàn sai lầm.

Trong phần kết luận, tác giả tuyên bố rằng: "Các chế độ cộng sản đã... biến tội ác hàng loạt thành một hình thức chính thể" và ước tính khoảng 100 triệu người đã bị giết dưới các chế độ Cộng sản, cao hơn cả dưới chế độ Đức Quốc xã là 25 triệu người.

Courtois đã trích dẫn tổng số lượng người chết là 94 triệu người, không kể số lượng người "thiếu hụt" (giảm dân số do tỷ lệ sinh thấp hơn dự kiến).

Các phân tích về số người chết do Courtois đưa ra như sau:
--- 65 triệu ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
--- 20 triệu ở Liên Xô.
--- 2 triệu ở Campuchia.
--- 2 triệu ở Bắc Triều Tiên.
--- 1,7 triệu ở châu Phi.
--- 1,5 triệu ở Afghanistan.
--- 1 triệu ở các nước Cộng sản Đông Âu.
--- 1 triệu ở Việt Nam.
--- 150 nghìn ở Mỹ Latinh.
--- 10 nghìn người chết từ "kết quả từ hành động của phong trào cộng sản quốc tế và các bên Cộng sản phi quyền lực."

Courtois tuyên bố rằng chế độ Cộng sản có trách nhiệm cho một số lớn các ca tử vong hơn bất kỳ lý tưởng hoặc phong trào chính trị khác, bao gồm cả chủ nghĩa phát xít. Các số liệu thống kê của các nạn nhân bao gồm các vụ hành quyết, cố ý hủy diệt dân số do nạn đói, tử vong do trục xuất, giam thể xác hoặc thông qua lao động cưỡng bức.





No comments: