23/11/2019
Trong những ngày qua, bao nhiêu bài và ý kiến
đã được viết về 39 nạn nhân Việt Nam, phần lớn là từ miền Bắc như Hà Tĩnh và
Nghệ An. Danh
tính của họ đã được Bộ Công an Việt Nam và cảnh sát hạt Essex củ Anh
công bố vào ngày 8 tháng 11.
Hiện nay chúng ta chưa biết hết được câu chuyện
của từng người. Một vài khía cạnh cá nhân của cô Bùi
Thị Nhung, hay cô Phạm
Thị Trà Mi, được chia sẻ. Mỗi câu chuyện đều là nỗi thương tâm. Mỗi mạng sống
đều quan trọng. Không biết khi nào và có thể nào biết từng hoàn cảnh của mỗi
người không. Và có mấy người thật sự quan tâm để muốn biết.
Chuyện đưa
thi thể về lại Việt Nam bằng cách nào để đáp ứng được nguyện vọng của
gia đình, theo truyền thống của phần lớn gia đình Việt Nam, cũng là một vấn đề
phức tạp và nhức nhối không kém. Nếu xảy ra tại Úc, xác suất rất cao là chính
quyền Úc, cũng như dân chúng Úc sẽ ủng hộ hết mình, tài trợ cho nguyên chiếc
máy bay (charter plane) để đưa thi hài về Việt Nam, đến tận sân bay nội bài.
Không biết nước Anh có làm vậy không?
Người đã chết trong vụ này thì quá tội nghiệp.
Người còn sống thì khổ tâm không kém.
Sẽ còn rất lâu để biết rõ được đường dây buôn
người mà 39 người Việt đã trở thành nạn nhân trong vụ này. Tiến sĩ Nguyễn Đình
Thắng, giám đốc tổ chức Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS), đã trình
bày một số chi tiết quan trọng về đường dây nhiều mắc xích. Liệu sẽ có
cuộc điều tra ngọn ngành hay không, và dù có đi nữa, có tìm ra được thủ phạm
hay không, là một câu hỏi chưa thể có câu trả lời hiện nay.
Chính quyền Việt Nam có thể làm gì?
Nhiều lắm. Tìm ra các thủ phạm đằng sau vụ
này là điều tối thiểu. Tất nhiên nó đã có bảo kê, và có bao nhiêu dây dưa rễ má
đến tầng cao, nếu không phải là cao nhất, của chính quyền. Việt Nam có gần cả
triệu công an thuộc mọi ngành nghề, và công an Việt Nam cũng trách nhiệm luôn
phần di trú, gọi là Cục Xuất Nhập Cảnh.
Những ai đi khỏi, hay về lại, Việt Nam thì họ đều biết. Nhất là những người bất
đồng chính kiến, các nhà hoạt động độc lập, hay các thành phần bị liệt kê là
“phản động”. Sẽ không quá đáng khi cho rằng trong mắt giới cầm quyền và những
người thực thi công quyền tại Việt Nam, những thành phần này được xem là nguy
hiểm hơn cả những kẻ tội phạm hình sự, kể cả tội phạm buôn người (human
trafficking) và chuyển nhập lậu người (people smuggling). Họ cũng nguy hiểm hơn
cả thành phần tình báo Trung Quốc xâm nhập và lũng đoạn chính trị, kinh tế và
văn hóa Việt Nam nữa. Cách xử lý của các cơ quan công quyền và lãnh đạo chính
trị Việt Nam cho thấy quan niệm và chủ trương như thế.
Liệu có nên tin tưởng chính quyền Việt Nam sẽ
nỗ lực điều tra và chống
tận gốc nạn buôn người và chuyển nhập lậu người sau sự kiện này, mặc dầu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lên
án, và chỉ đạo “cơ quan chức năng sớm hoàn tất điều tra, truy tố, xét
xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội” hay không, để nó không xảy ra lần nữa?
Nhưng trước khi tiến hành “điều tra, truy tố,
xét xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội”, thì cần phải có những chính sách và
phương pháp đúng đắn. Đầu tiên là “phòng ngừa/prevention” và sau đó là “phát hiện/detention”.
Phòng ngừa cần phải có sự phối hợp của tất cả các ban ngành chính phủ tại Việt
Nam. Phát hiện phải cần có sự phối hợp ít nhất từ cục an ninh, cục xuất nhập cảnh
và cảnh sát đặc nhiệm. Vấn
nạn buôn người tại Việt Nam đã xảy ra vài thập niên nay. Những trẻ em
Việt Nam bị buôn người sang Trung Quốc và Cambodia làm nô lệ tình dục đã xảy ra
ít nhất hai thập niên qua, nếu không phải lâu hơn. Nhưng cho đến bây giờ ông Thủ
tướng ra chỉ thị các ban ngành thực hành mà vẫn không nắm rõ mục tiêu và chiến
lược, thì kết quả, nếu có, cũng sẽ rất giới hạn.
Bài nghiên cứu của Oanh
Nguyen và Hoan Nguyen, được xuất bản trên tạp chí Flinder Law Journals năm
2018, cho biết sự thất bại từ luật pháp, chính sách, đến việc thi hành các pháp
luật và chính sách này, đặc biệt từ cảnh sát Việt Nam, và nói chung các cơ quan
công quyền Việt Nam. Hai tác giả đề nghị Việt Nam nên cải thiện các chiến lược
để chủ động nhận diện và hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn người, nhất là trong phạm
trù xuất khẩu lao động, mại dâm và trẻ em lao động.
Nếu chính quyền Việt Nam biết lắng nghe, ít
nhất với những nghiên cứu khoa học và học thuật đúng đắn, như hai tác giả nêu
trên, hay bao nhiêu các nghiên cứu và đề nghị khác tại Việt Nam và trên thế giới,
kể cả Liên Hiệp Quốc, thì chuyện 39 “thùng nhân” có xác suất rất thấp để xảy
ra.
Điều tiếp chính quyền Việt Nam có thể làm là
cách tiếp cận và giải quyết vấn nạn này. Sau khi đã trừng phạt những kẻ buôn
người, chính quyền phải có trách nhiệm giúp đỡ nạn nhân và gia đình họ. Họ đã
trãi qua bao nhiêu đau khổ, mất mát, chấn thương trong chặng đường này. Có người
bị hãm hiếp, đánh đập, hâm dọa, luôn sống trong sợ hãi. Và cũng có người bị giết
hại, trên đường đi. Nó sẽ không bao giờ phai nhòa trong đầu họ. Cho nên họ cần
được hỗ trợ, nâng đỡ, và điều trị tâm lý, để vượt qua và để làm lại cuộc đời. Một
cuộc đời đầy thương tích. Đầy nghịch cảnh. Hai tác giả Oanh Nguyen và Hoan
Nguyen cũng kết luận rằng cần phải cải tổ luật, nhất là vì những nạn nhân, dù
biết mình bị lường gạt, cũng không dám khai báo vì sợ bị luật pháp xét xử. Luật
pháp và cách thi hành pháp luật như thế thảo nào không những thất bại hoàn toàn
trong việc bảo vệ nạn nhân mà còn là động cơ để những kẻ buôn người tiếp tục trục
lợi tối đa và vẫn tiếp tục hoành hành.
Điều tiếp theo mà tôi muốn nói, vắn tắc thôi
vì không thể đi sâu trong bài này, là vấn đề hộ chiếu. Hai trong những dấu hiệu
mà chúng ta, ngay cả người không chuyên môn hay trách nhiệm về vấn nạn buôn người,
có thể nhận diện ra ai là nạn nhân, là hai yếu tố sau. Một, là sự sợ hãi thể hiện
rất rõ nơi nạn nhân mà mình tiếp xúc. Họ không dám nói, người khác thường trả lời
dùm cho họ, và họ luôn ngó chừng coi thử có ai đó quan sát theo dõi họ không,
luôn lo lắng sợ hãi trong ánh mắt và cử chỉ v.v... Hai, là hộ chiếu. Các nạn
nhân buôn người phần lớn, nếu không phải tất cả, đều bị tịch thu hộ chiếu. Những
kẻ buôn người dùng nó để kiểm soát và ngăn chặn mọi ý định nào báo cáo với các
cơ quan công quyền. Hiểu được điều này nên chính quyền của nhiều nước dân chủ
đã thay đổi luật và luôn tìm cách bảo vệ nạn nhân, mặc dầu sau cùng nếu không
phải là công dân thì họ cũng bị buộc phải trở về lại nước, trừ phi có diện hợp
pháp để ở lại.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tôi không rõ các
nạn nhân của các vụ buôn người này có bị tịch thu hộ chiếu khi về lại Việt Nam
hay không. Nhưng những nhà hoạt động Việt Nam, mới đây nhất là cô Đinh Thảo, mới
về lại Việt Nam cách đây hai hôm khi viết bài này, đã bị tịch thu hộ chiếu.
Cô Đinh
Thảo cũng không phải là ngoại lệ. Nguyễn Hồ Nhật Thành, Nguyễn Anh Tuấn
v.v… cũng đều bị như vậy. Tại các quốc gia như Úc, hộ chiếu là quyền đi lại của
công dân. Bất cứ công dân nào. Chỉ khi nào phạm tội rất nặng, về an ninh quốc
gia, về tình trạng sức khỏe (như bệnh truyền nhiễm có thể lan rộng), hay áo
dâm, chẳng hạn, thì hộ chiếu mới có thể không được cấp/từ chối (refused), hay bị
hủy bỏ (cancelled). Nhưng mọi người đều có thể khiếu kiện tại tòa án. Tòa án là
nơi quyết định sau cùng, không phải chính quyền.
Những nhà hoạt động Việt Nam với mơ ước vì một
tương lai Việt Nam tốt đẹp hơn lại bị chính chính quyền của mình đối xử như mối
đe dọa an ninh. Họ đối xử như thủ phạm buôn người với nạn nhân bị buôn người. Hết
ý kiến!
Sau cùng, liệu những tuyên bố của ông Nguyễn
Xuân Phúc có giá trị gì không, có giải quyết được tận gốc vấn đề không? Những
lý do bỏ nước ra đi (push factors) thì vô số, và những lý do di cư đến nơi khác
(pull factors) thì cũng quá
nhiều, trong trường hợp Việt Nam. Điều đó cho thấy sự thất bại toàn diện của
chính quyền Việt Nam hôm nay trước mọi vấn đề của đất nước, mặc dầu họ muốn nói
muốn tuyên truyền như thế nào đi nữa. Đất nước chưa bao giờ có được như ngày
hôm nay, người đứng đầu nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nhiều lần như thế. Cuối
năm 2016 ông Trọng nói thế. Đến
đầu năm 2019 cũng nói thế. Nhưng mang hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị
coi thường. Số mạng của 39 người Việt Nam bị buôn người và chết tức tưởi như thế
trong thời đại này. Có gì để hãnh diện, để tự mãn đến thế!
Trên thực tế thì thực trạng của đất nước hôm
nay là ai cũng muốn ra đi, nếu có cơ hội. Ngay cả khi trả một số tiền quá lớn
và phải đi làm nô lệ thời đại mới, qua đường dây buôn lậu đầy nguy hiểm và bất
an, mà cũng có hàng chục, nếu không phải hàng trăm, ngàn người cũng muốn đi?
Thông tin trung thực và giáo dục công dân vì thế là phần vô cùng quan trọng
trong một phần của giải pháp này. Nhưng chính quyền Việt Nam đã làm gì trong
phòng ngừa và ngăn chận này?
Vài lời kết
Ông Phúc nên tìm hiểu cách tiếp cận và giải
quyết nạn buôn người của các nước khác trên thế giới, như
Úc, chẳng hạn. Bốn nguyên tắc quan trọng nhất là: phòng ngừa và ngăn chận; phát
hiện và điều tra; truy tố và tuân thủ; hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Nguyên tắc và
chiến lược đối phó này là sự phối
hợp toàn diện của chính quyền.
Hơn nữa, muốn chống tận gốc vấn nạn buôn người,
thì trước hết phải chống tận gốc nạn tham nhũng, với tính cách hệ thống. Ở đâu
cũng có tham nhũng, nhiều hay ít. Con người mà, tham lam ác độc đâu cũng có cả.
Nhưng hệ thống? Chỉ có dưới các chế độ độc tài và cộng sản thôi. Khi tham nhũng
tràn lan ở mọi tầng, mọi nơi, mọi lúc, thì làm sao chống cội nguồn vấn đề? Chẳng
lẽ tự hủy diệt chính mình!
Còn những vấn đề ở tầng bao quát hơn, như bao
vấn nạn khác của xã hội, của giáo dục, của khủng hoảng niềm tin và suy đồi đạo
đức, của sự giả dối và trí trá, của sự lạm quyền và lộng quyền, của tư duy bảo
thủ và lạc hậu, v.v… thì phải làm gì?
Rõ ràng là cần một giải pháp chính trị. Toàn
diện và triệt để.
No comments:
Post a Comment