Tuesday, November 19, 2019

LIỆU TỔNG THỐNG TRUMP CÓ HỦY HOẠI NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA NƯỚC MỸ? (Jackhammer Nguyễn)




Jackhammer Nguyễn
20/11/2019

Trong ba năm vừa qua chúng ta chứng kiến một phong trào dân túy rất mạnh (và ồn ào) ở Mỹ, mà người đại diện nó là Tổng thống Trump.

Những người chống lại ông rất lo ngại ông sẽ hủy hoại hết những giá trị của nước Mỹ như là lòng vị tha đối với di dân, làm cho nước Mỹ ngày càng chia rẽ, kích động chia rẽ sắc tộc, làm cho các đồng minh bên ngoài bị tan rã,… Sự lo lắng càng cao khi khả năng ông thắng cử vào năm 2020 vẫn còn, nhất là dựa trên hệ thống đại cử tri, bị nghi ngờ là không đại diện cho số đông dân chúng, đã giúp ông thắng cử hồi năm 2016.

Tôi không bi quan như vậy. Ông Trump, cũng như các tổng thống Mỹ không có sức mạnh tuyệt đối như các lãnh tụ ở các quốc gia độc tài, họ bị kềm chế bởi chính cái khung của nền dân chủ Mỹ được tạo dựng hơn 200 năm nay. Ông Trump không thể muốn xử tử ai cũng được như ông Kim Jong-un, không thể cấm đảng đối lập như ông Hunsen, không thể truy bức đối thủ chính trị như ông Tập Cận Bình (đã làm với Bạc Hy Lai), thậm chí quyền lực ông còn yếu hơn cả ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc, muốn đuổi luật sư ra khỏi tòa là đuổi.

Hàng loạt đồng minh chính trị của ông Trump đã vướng vòng lao lý vì phạm tội mà ông không thể cứu họ được. Trong vụ mới nhất là ông Roger Stone bị kêu án có tội vì nói dối, ông Trump rất bực tức, nói rằng tòa án đã bất công, nhưng tòa án đó nằm ngoài vòng tay kiểm soát của ông Trump. Họ nằm trong cái mà ta gọi là tam quyền phân lập.

Ngay cả bộ phận chấp pháp dưới quyền ông cũng hoạt động khá độc lập. Hai kẻ tình nghi phạm tội rửa tiền, lại là khách hàng thân thiết của ông Giuliani, luật sư riêng của ông Trump cũng mới bị FBI, cơ quan thuộc hành pháp, bắt cách đây không lâu.

Trong các buổi điều trần luận xem ông Trump có tội hay không, người ta thấy các viên chức ngoại giao dưới quyền ông Trump đã khai những điều không có lợi cho ông sếp cao nhất của mình là Donald Trump.

Những người ủng hộ ông Trump hay diễn dịch những lời lẽ sống sượng về chủng tộc của ông Trump như là một sự chân thật chứ không phải là nói cho vừa lòng, đúng đắn về chính trị như các chính khách khác (political correctness). Những người chống ông Trump lo ngại những lời lẽ đó sẽ gây hại cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, dưới thời ông Trump, hàng loạt vụ khích bác, phân biệt chủng tộc đã bị xử tới nơi tới chốn, dựa trên những chuẩn mực nhân bản mà nước Mỹ đã tạo nên bấy lâu nay. Ví dụ gần nhất với cộng đồng người Việt là vụ ông Chân Như có lời lẽ phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội, đã bị RFA, nơi ông Chân Như làm việc, sa thải, sau khi có đơn tố cáo của nhiều người Việt khắp nơi trên thế giới, theo phân tích thư trả lời từ RFA gửi cho những người tố cáo, và một số nguồn tin khả tín khác.

Khuynh hướng chống cự (resist) trong xã hội Mỹ chống lại những hành xử và chính sách của chính quyền ông Trump đã không tàn lụi sau hơn hai năm. Người phụ nữ tỏ hành vi chống đối ông Trump ở Virginia, tuy bị sa thải vì người chủ sợ rắc rối với chính quyền, nhưng bà lại thắng cử vào hội đồng một quận giàu có bậc nhất của tiểu bang này. Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2018, và cuộc bầu cử đầu tháng 11 vừa qua, đem lại chiến thắng lớn cho Đảng Dân chủ đối lập.

Ở bên ngoài nước Mỹ, các viên chức ngoại giao và quốc phòng vẫn thầm lặng tìm cách gỡ đi những rối rắm mà ông Trump gây ra. Sự can đảm của bà cựu đại sứ Marie Yovanovitch trong vụ Ukraine là một ví dụ sinh động nhất. Bà đã cố gắng chống lại hành vi rất sai trái của ông Trump khi sử dụng tay luật sư riêng Giuliani, không có chức phận gì trong chính quyền, can thiệp vào hoạt động ngoại giao. Bà Đại sứ đã phải trả giá bằng chính sự nghiệp của mình.

Nếu ta nhìn lại toàn bộ những diễn biến trong chục năm qua, sẽ thấy rằng ông Trump không phải là một cái gì lớn lao. Ông chỉ là một tay cơ hội, lợi dụng sự bất bình đẳng kéo dài quá lâu trong xã hội Mỹ để lên nắm quyền. Vấn đề phải giải quyết của nước Mỹ hiện nay là sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn giữa khu vực bờ biển trù phú và vùng chính giữa nghèo nàn (hành động cắt thuế cho giới giàu có của ông Trump vừa qua làm tăng thêm hố ngăn cách), là sự bế tắc của ngành nông nghiệp bị mất giá và ngành chế tạo không còn việc làm (Donald Trump đã hứa hẹn rất nhiều nhưng không thể thực hiện gì được), là quyền lực quá lớn, dẫn tới độc quyền của các tập đoàn bảo hiểm, dược phẩm, bán lẻ,… làm cho mức sống người dân Mỹ ngày càng tệ.

Các hành vi, lời nói phân biệt chủng tộc, kích động, chia rẽ,… là một dẫn xuất của tất cả những sự bất bình vừa kể trên, chứ không phải là bản chất của vấn đề.

Các chính trị gia đối lập của ông Trump như bà Warren, ông Sanders, cô Cortez,… người ít người nhiều cũng đều có những chính sách dân túy muốn tìm cách giải quyết những vấn đề lớn đó của nước Mỹ. Đó mới chính là vấn đề nan giải của nước Mỹ.

Còn Donald Trump, nói như một nhà quan sát người Việt, cũng chỉ là một dấu ngoặc đơn của lịch sử, ông ta không thể thay đổi được những giá trị nền tảng của nước Mỹ. Thậm chí sự xuất hiện của ông Trump còn có tác động tích cực, như là giúp người dân chú ý hơn đến chính trị, đi bầu cử đông đúc hơn chẳng hạn. Những gì xấu mà ông ta và các đồng minh đang làm, càng làm cho người ta thấy rõ xã hội đang có chỗ nào cần sửa chữa.

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco





No comments: