Monday, November 18, 2019

HONG KONG : KẾT CUỘC SẼ RA SAO? (Phạm Phú Khải)




NỘI DUNG :
.

===============================
18/11/2019

Hai tuần qua kể từ các cuộc biểu tình nhân dịp lễ Halloween, sự đối đầu giữa những người biểu tình tại Hong Kong và lực lượng cảnh sát ngày càng gia tăng, nhất là ở mức độ bạo lực.

Một sinh viên tên Chow Tsz-Lok, 22 tuổi, đã chết vì bị té từ lầu ba xuống lầu hai bãi đậu xe vào ngày 8 tháng 11. Một thanh niên biểu tình bị cảnh sát bắn vào ngực bị thương nặng vào ngày 13 tháng 11. Một người hô hào khẩu hiệu ủng hộ Bắc Kinh bị người biểu tình đổ xăng vào người và châm lửa, bị thương tích nặng. Trong khi đó các cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi, tại nhiều quận hạt khác nhau ở Hong Kong. Cảnh sát bắn hơi cay và xịt nước vào người biểu tình ở mức độ tàn bạo hơn. Trong khi đó người biểu tình đã đốt lửa, xây rào chắn để chống lại cảnh sát, và tìm đủ mọi chướng ngại vật có thể, để phong tỏa các ngã đường, gây cản trở giao thông v.v…

Những cuộc đối đầu bạo động giữa sinh viên và cảnh sát càng leo thang, nhất là kể từ thứ Tư 13 tháng 11, khi cảnh sát mở nhiều cuộc tấn công vào các trường đại học tại Hong Kong, đặc biệt là Đại học Hong Kong Trung Quốc, có khoảng 20 ngàn sinh viên, nơi xảy ra những cuộc đụng độ bạo lực với nhiều người bị thương. Sinh viên Hồng Kông cố trấn thủ tại khuôn viên đại học. Cảnh sát lại tuyên bố rằng trường đại học là nơi “dung chứa tội phạm”. Những phát ngôn kiểu này chỉ là dầu đổ vào lửa. Không chỉ các trường đại học đóng cửa trong những ngày qua mà các trường trung học và tiểu học cũng phải tạm thời đóng cửa.

Vào tối ngày 11 tháng 11, Trưởng Đặt khu Carrie Lam (Chief Executive) tuyên bố chính quyền của bà sẽ không nhượng bộ trước các đòi hỏi của người biểu tình, cho rằng đó là suy nghĩ viễn vông (wishful thinking), gọi họ là “kẻ thù của nhân dân”, và khẳng định bạo lực sẽ không giải quyết hoặc đưa ra giải pháp nào cho những vấn đề tại Hong Kong.
Đúng vậy, bạo lực không giải quyết được gì cả. Tất cả mọi hành vi bạo lực, ở tầm nhỏ hay lớn, từ trong gia đình, ngoài xã hội cho đến tầm quốc gia, hay chiến tranh giữa các quốc gia với nhau, không bao giờ là giải pháp tối hảo và sau cùng. Mọi sự cần phải có sự thảo luận và thỏa hiệp để rồi tìm thỏa thuận với nhau. Khi con người không nói chuyện được với nhau, không tin vào thiện chí hay sự cam kết cũng như động cơ của nhau, thì sự leo thang dẫn đến bạo lực, là điều khó tránh khỏi.

Những điều bà Carrie Lam tuyên bố, về mặt lý luận, thì không sai. Nhưng hành động của bà sai. Không những sai mà còn chứng minh sự bất tài và bất lực của mình.

Ngay từ ban đầu phần lớn các cuộc biểu tình của người dân Hong Kong đều ôn hòa, chỉ yêu cầu chính quyền Hong Kong rút lại chính thức dự luật dẫn độ, và yêu cầu phía lập pháp không thông qua nó. Họ biểu tình để bày tỏ ý kiến, ý chí và quyết tâm không chấp nhận một dự luật dẫn độ mà Bắc Kinh có thể khai dụng cho các mục tiêu chính trị của họ, thay vì luận cớ chỉ là xét xử tội phạm hình sự mà thôi. Nhưng mất đến ba tháng, qua bao nhiêu nỗ lực liên tục của người Hong Kong, có khi lên đến gần hai triệu, mà qua đó leo thang đối đầu và bạo lực, thì bà Lam mới chính thức rút lại dự luận này vào ngày 4 tháng 9. Bà Lam, với tính cách người trách nhiệm chính tại Hong Kong, có thể ngăn chặn ngay từ ban đầu cuộc khủng hoảng chính trị tại đây nếu bà đã tuyên bố chính thức rút lại dự luật vào đầu tháng 6, thay vì nói suông “Dự luật đã chết” vào ngày 9 tháng 7. Nó không phải là ngôn ngữ chính thức và hợp lệ, cho nên người Hong Kong không chấp nhận lối nói hàng hai kiểu này.

Nhưng khi bà Lam chính thức tuyên bố rút lại dự luật thì bao nhiêu đụng độ, mất mát, và tổn thất đã xảy ra rồi. Chúng không thể bị đảo ngược (cannot be reversed/undone). Mọi niềm tin vào nền tự do dân chủ tại đây và “một quốc gia hai chế độ” đã soi mòn trầm trọng. Sự leo thang đối đầu bằng bạo lực càng tiếp diễn khi chính bà Lam, tuy tuyên bố như trên, nhưng vẫn chưa đưa ra giải pháp chính trị nào khả thi để giải quyết vấn đề Hong Kong một cách tốt đẹp nhất. Những người đấu tranh sử dụng vũ khí tự chế để chống lại bạo lực cảnh sát. Tuy người dân Hong Kong cho biết qua cuộc thăm dò ý kiến rằng người biểu tình đã gia tăng bạo lực, họ cũng cho rằng cảnh sát đã gia tăng sử dụng bạo lực còn hơn thế nhiều (vào tháng 10, 69 phần trăm cho rằng cảnh sát đã sử dụng bạo lực quá mức, trong khi 41 phần trăm nói như thế với người biểu tình). Tổ chức Ân xá Quốc tế quan sát các cuộc biểu tình trong thời gian qua và yêu cầu có cuộc điều tra độc lập về mức độ sử dụng bạo lực của cảnh sát. Cuộc thăm dò ý kiến trên cũng cho biết hiện nay 88 phần trăm người dân Hong Kong muốn thấy cuộc điều tra độc lập về vấn đề này.

Nếu đổ lỗi hoàn toàn cho cảnh sát trong chuyện này, dù họ đã sử dụng bạo lực quá mức, là không công bằng và không chính xác. Cảnh sát là người thi hành công vụ. Tất nhiên vẫn có những cảnh sát đã dùng bạo lực quá mức, làm sai luật. Ở đâu cũng thế. Nhưng khi nó mang tính cách toàn diện hay hệ thống thì đó là điều khác. Nên nhớ mọi quyết định sử dụng bạo lực, hay không sử dụng, và đến mức độ nào, ở bất cứ nơi nào, đều là những quyết định chính trị. Lỗi ở đây không phải là cảnh sát mà là người đứng đầu hành pháp, tức bà Carrie Lam. Bà có quyền, và có thể, chiếu theo Luật Cơ Bản/Hiến pháp của Hồng Kông, để chứng tỏ khả năng lãnh đạo chính trị của mình cho giải pháp Hong Kong, kể cả vấn đề kiềm chế sử dụng bạo lực, nhưng bà đã không làm như thế.

Tại sao Bắc Kinh vẫn muốn tiếp tục duy trì bà Lam cho dù bà bất tài và bất lực, và cho dù họ không hài lòng với cung cách lãnh đạo của bà? Một, vì thay thế bà trước yêu cầu từ chức và các đòi hỏi của người biểu tình là một nhượng bộ có hệ quả chính trị và tiền lệ không tốt cho Bắc Kinh về sau. Hai, bà Lam cũng chỉ là một con cờ mà Bắc Kinh có thể thay bất cứ lúc nào nếu họ muốn, nhưng chưa phải là lúc này. Ba, Bắc Kinh đang có những ý định khác, sâu rộng hơn, để giải quyết vấn đề Hong Kong.

Theo nhận định của một số chuyên gia hiện nay thì bạo động tại Hong Kong sẽ tiếp tục leo thang trong những ngày tới. Người biểu tình/đấu tranh sẽ không nhượng bộ, không chỉ vì phản kháng lại bạo lực của cảnh sát, mà chính vì các yêu cầu của họ chưa được đáp ứng. Họ sẽ không bỏ cuộc mà không chiến đấu đến cùng. Còn những người đứng đầu tại Hồng Kông như bà Lam thì cũng tiếp tục chủ trương đối đầu, dùng bạo lực để trấn áp, thay vì nỗ lực tìm giải pháp chính trị thật sự. Vẫn tư duy “mạnh là đúng” (might is right) của kẻ cầm quyền.

Theo giáo sư Minxin Pei, một chuyên gia về Trung Quốc từng viết nhiều sách và bình luận được theo dõi rộng rãi, cũng đưa ra nhận định này vào ngày 14 tháng 11 vừa qua. Giáo sư Pei cho biết “Thông cáo của Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa kết thúc của Ủy ban Trung ương 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang có kế hoạch thắt chặt sự kìm kẹp của mình đối với thuộc địa cũ của Anh bằng bất cứ giá nào.” Mặc dầu chưa nắm rõ chi tiết về các ý định này của Bắc Kinh, giáo sư Pei cho rằng điều rõ ràng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ý định giết chết Luật Cơ bản, kiểm soát trực tiếp hơn việc bổ nhiệm các quan chức chủ chốt, làm suy yếu hoặc loại bỏ cơ chế độc lập tư pháp tại Hong Kong, kiềm chế tự do dân sự và đàn áp bất đồng chính kiến, bao gồm cả việc truyền bá ý thức hệ chính trị. Giáo sư Pei nhận định rằng nếu Bắc Kinh thi hành ý định này thì hiển nhiên bạo lực sẽ leo thang, nhưng đó cũng là lý cớ họ dùng để triển khai lực lượng an ninh và áp đặt sự kiểm soát trực tiếp lên Hong Kong, đưa đến sự chấm dứt của Hong Kong mà chúng ta được biết đến. Nhưng làm như thế, theo Pei, sẽ rất có hại cho họ về lâu về dài. Pei kết luận đó là kết cuộc đầy rủi ro của Trung Quốc tại Hồng Kông.

Những thay đổi chính trị trong các nền dân chủ cấp tiến luôn xảy ra trong ôn hòa, bằng chính lá phiếu của người dân, hiếm khi tốn giọt máu nào. Trong khi đó, những cuộc đấu tranh, chiến tranh, hay cách mạng v.v… một cách bạo lực nhất để thay đổi nguyên trạng trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay xảy ra trong các thể chế chính trị độc tài, đầy áp bức và bất công. Trong các văn hóa chính trị độc tài lâu đời, kẻ lên cầm quyền tuy hứa hẹn đủ điều trước cách mạng nhưng sau khi thành công lại tiếp tục kiểm soát người dân bằng bạo lực, tuyên truyền và dối trá. Họ không nghĩ đến chuyện đối thoại với dân và chấp nhận các tiếng nói phản biện, trái chiều. Cũng vì như thế nên luôn luôn có phản kháng, và thường đưa đến bạo lực. Chỉ có thể thoát được vòng luẩn quẩn này bằng ý thức, kỹ/khả năng, tinh thần thỏa hiệp tìm giải pháp chung tuy tôn trọng khác biệt. Và trên hết sự cam kết và quyết tâm tôn trọng vào một luật chơi chung: hiến pháp và pháp luật. Không ai được đứng trên hay ngoài nó. Nói tóm lại, đó là tinh thần dân chủ thật sự mà người dân cần hiểu và xây dựng.

Rất tiếc các chế độ độc tài và cộng sản hoàn toàn không có văn hóa hay tư duy như thế! Bắc Kinh có tiến hành như nhận định của giáo sư Pei hay không thì thời gian sẽ trả lời. Tin mới nhất cho biết một số lính của Quân đội Giải Phóng Nhân dân/PLA đã xuất hiện trên đường phố Hồng Kông cuối tuần qua để phụ dọn dẹp các đường phố bị phong tỏa, nhưng cũng có thể để răng đe, để đưa tín hiệu rằng họ đang có mặt ở đó và nên cẩn thận. Ước đoán khoảng chừng 500 sinh viên chiếm năm trường đại học tiếp tục chiến đấu bằng hàng trăm nếu không phải hàng ngàn bom xăng, cung tên và những gì họ có trong tay sáng nay, thứ Hai, với lực lượng cảnh sát. Các cơ quan truyền thông quốc tế xem đây là cuộc đối đầu bạo lực nhất trong gần sáu tháng qua, trong khi đó cảnh sát đe dọa sẽ dùng đạn thật để bắn. Đây là lúc phải cần có lãnh đạo chính trị để tìm giải pháp tốt nhất, nếu không sẽ leo thang thêm nữa, và máu sẽ đổ nhiều hơn nữa.

Nhưng Bắc Kinh xưa nay vẫn chủ trương “mạnh là đúng” một cách tệ hại, sai lầm và lỗi thời. Những chế độ nào, hay cá nhân lãnh đạo nào, vẫn tiếp tục con đường này, thì họ hoặc không hiểu gì về lịch sử, về con người, hoặc thiếu sáng suốt và túng quẫn để nỗ lực tìm ra các giải pháp chính trị vững ổn và văn minh hơn trong thế kỷ này.

====================

18/11/2019

Những gì tồi tệ nhất đã đến với Hong kong mặc dù những con người trẻ tuổi kiên cường đã biết trước những gì mà họ sẽ đối diện.

Trong đêm 17 tháng 11 sau khi người biểu tình rút vào trường Hong Kong Polytechnic University để lấy nơi này làm cứ điểm đối phó lại với lực lượng cảnh sát, đây là ngôi trường cuối cùng bị sinh viên chiếm giữ làm căn cứ trong 5 trường đại học xảy ra bạo động tuần qua, cảnh sát Hong kong được trang bị tận răng trong đó không ngoại trừ khả năng có cả đội đặc nhiệm chống khủng bố được điều từ Hoa lục đã bắt đầu tấn công vào ngôi trường này. Hàng trăm xe chuyên dụng chống biểu tình, hàng ngàn cảnh sát sắc phục đã bao vây ngôi trường và bắt đầu tấn công người biểu tình vào lúc 12 giờ 45 sáng.

Cảnh sát thông báo dành riêng một con đường cho người biểu tình thoát ra nhưng đây là cái bẫy dùng để bắt người. Ai vào con đường này đều bị bắt dẫn đi mặc dù đa số người biểu tình vẫn kiên tâm ngồi lại trong vòng vây. Cảnh sát tỏ ra là một lực lượng máu lạnh khi bắt tất cả các thiện nguyện viên cấp cứu trong đội y tế. Họ bị trói ngoặc tay phía sau bằng loại dây thắt nilon và cảnh họ bị trói tập thể đã làm thế giớ sững sờ, không ai có thể tin lực lượng cảnh sát chống biểu tình của một đất nước dân chủ như Hong kong lại bắt trói người thi hành sứ mệnh nhân đạo.

Hình ảnh những sinh viên tuổi đời rất trẻ thay nhau bảo vệ tuyến đầu chống lại cảnh sát bằng những sáng tạo trong hoàn cảnh tuyệt vọng mới thấy quyết tâm của họ. Những cô nữ sinh viên với thân thể mảnh dẻ chạy lúp xúp giúp cho các nam sinh viên khuân các chướng ngại vật mới thấy sự hy sinh không gì so sánh nỗi của lớp trẻ Hong kong. Có lẽ những hình ảnh này cùng những bức thư được xem như di chúc của nhiều bạn trẻ đã khiến thế giới cảm phục. Cũng là biểu tình nhưng sinh viên Hongkong cho thế giới thấy tầm cao của họ trong cách tổ chức, lòng quyết tâm, tính kỷ luật, tinh thần đồng đội … đã khiến bộ máy đàn áp vĩ đại nhất thế giới cũng phải âu lo tìm mọi cách đối phó.

Sau đêm định mệnh 17 tháng 11 Hong kong có thể sẽ lịm tắt dần những tiếng đả đảo quen thuộc của người biểu tình nhưng người dân Hong kong tin rằng con em của họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Hai chữ đầu hàng hình như không có trong tự điển của người trẻ Hong kong hôm nay.

Từ những cuộc biểu tình to lớn bất bạo động tập trung cả triệu người, người dân Hong kong đã thay đổi chiến thuật theo hoàn cảnh bị đàn áp, khủng bố. Trong sáu tháng với hàng trăm cuộc biểu tình quy mô lớn nhỏ người dân Hong kong đã học được bài học về sự lừa đảo của cảnh sát cũng như các mánh khóe nhơ nhớp được nhập khẩu từ đại lục. Thái độ căm hận Bắc Kinh của người dân Hong kong là kết quả của các mưu đồ xuất phát từ đại lục. Trước sự đàn áp điên cuồng của Bắc Kinh, người biểu tình trút phẫn nộ lên người đại lục thân cộng, trút giận lên tất cả những gì mang hơi hướng đại lục dù đó chỉ là một vật vô tri có dính líu đến đại lục.

Giả mạo làm những công dân bảo vệ cảnh sát, những người dân chống biểu tình, những kẻ hành hung người biểu tình đã nhận lại được phản đòn của những người trẻ tuổi. Họ không còn mập mờ trước ranh giới nên hay không nên bạo động. Phản xạ tự nhiên của con người đã khiến họ rơi vào tình thế bạo động một cách có điều kiện, đây là điều Bắc Kinh mong muốn nhưng người biểu tình cũng không lấy đó làm điều ân hận vì họ biết rất rõ chỉ có sức mạnh của bạo lực mới có thể đương đầu với lực lượng hắc cảnh bởi lực lượng này ngày càng tỏ ra mất tính người, mất tinh thần thượng tôn pháp luật và nhất là mất hẳn chức năng chính thức của họ là an dân chứ không phải giết dân.

Một doanh nhân Hong kong khi trả lời Reuters cho biết: “Nếu chúng tôi ôn hòa thì họ không thèm lắng nghe. Nếu chúng tôi mạnh bạo thì họ lại nói là như thế chả giải quyết được vấn đề gì.”

Đó là sự thực đã xảy ra trên mọi cuộc biểu tình khắp thế giới. Khắp thế giới cổ vũ cho bất bạo động nhưng khắp thế giới không nước nào đủ khả năng cản trở hành vi mất kiểm soát của lực lượng chống biểu tình khi lực lượng này lấy phương án bạo động làm chủ đạo.

Hắc cảnh Hong Kong bạo động và được cung cấp mọi phương tiện để thực hiện nó một cách hoàn hảo. Khi nào cảnh sát còn tỏ ra phấn khích khi sử dụng súng bắn đạn cao su, lựu đạn cay, thiết bị phóng âm thanh tầm xa (Long Range Acoustic Device -LRAD) hay những nắm đấm vào người biểu tình thì lúc đó đừng lên án người biều tình sử dụng bom xăng, gạch đá cũng như những thứ vũ khí tự tạo thô sơ khác.

Lần đầu tiên trong sáu tháng qua, hơn một triệu người dân Đài Loan cùng thức với người Hong kong, trong khi đó tại Việt Nam, hầu như mọi tài khoản facebook gắn liền với diễn biến tại mảnh đất này.

Người Đài Loan nhận biết được tương lai của chính họ qua bài học Hong kong. Người Việt Nam xem câu chuyện Hong kong là phép thử cho mọi suy nghĩ về một viễn ảnh tương tự cho chính mính. Hong kong là ánh sáng cuối đường hầm tuy leo lét nhưng khả năng hy vọng của nó không bao giờ là nhỏ.

Nhiều người tỏ ra nóng lòng vì thế giới không hết lòng ủng hộ Hong kong theo cung cách thông thường nhưng nếu chịu bình tâm một chút sẽ thấy rằng Hong kong chưa bao giờ bị bỏ rơi trong lòng người dân tại các nước dân chủ. Khi người dân của đất nước ấy muốn thì chính phủ của họ sẽ không thể im lặng vì động cơ nào đó. Tuy nhiên từ ủng hộ tới hành động của một quốc gia cần những diển tiến cũng như thủ tục cần thiết để sự ủng hộ ấy trở thành sức mạnh.

Trường hợp Hoa Kỳ là một ví dụ.

Lên án bằng lời nói, cổ vũ người dân biểu tình tại xứ sở của mình để ủng hộ người dân một nước khác có lẽ đã không còn tác dụng. Trừng phạt và bao vây kinh tế là biện pháp hữu hiệu nhất để đối phó với một chính thể độc tài đảng trị là cách vô cùng tinh vi trong hoàn cảnh Hong kong hiện nay.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong kong được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua, đang được trình ở Thượng Viện và có xác suất cao sẽ được thông qua, đang là một thách thức đối với sự đàn áp người biểu tình tại Hong kong. Đạo luật này làm cho bất cứ hành vi bạo lực nào đi vượt khuôn khổ của luật pháp sẽ bị chế tài gắt gao bởi chính phủ Mỹ. Chẳng hạn Hong kong sẽ không được mua của Mỹ các loại khí tài, các loại vũ khí kiểm soát đám đông không gây chết người, như hơi cay và đạn cao su.

Đạo luật quy định bất cứ ai "chịu trách nhiệm trong việc bắt cóc và tra tấn người dân, những người đang thực thi các quyền con người cơ bản, được quốc tế công nhận" sẽ bị cấm đến Hoa Kỳ, cũng như bị áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Nhưng có lẽ Bắc Kinh sợ nhất là đạo luật cho phép tình trạng giao dịch đặc biệt của Hong kong sẽ bị cắt bỏ và thành phố này sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hoặc thuế quan mà Mỹ áp lên đại lục. Trước đây Hong kong được ưu đãi và không bị ảnh hưởng tới cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động. Hơn nữa khi đạo luật này bắt đầu áp dụng cửa ngỏ đầu tư của quốc tế từ Hong kong vào đại lục sẽ bị khóa kín, Hong kong sẽ trở thành ốc đảo thay vì là một đặc khu kinh tế tài chánh như từ trước tới nay.

Hong kong có bị đàn áp thế nào thì người dân của họ cũng sẽ không mất niềm hy vọng. Nước Mỹ ở xa nhưng biện pháp bảo vệ họ rất gần và cụ thể, vì vậy dù thế nào thì chúng ta, những người Việt canh cánh vì máu của sinh viên Hong kong cũng không nên mất lòng tin vào sự chính đáng mà từng viên đá dưới lòng đường Hongkong cũng tỏ ra sẵn sàng cho họ.





No comments: