Thursday, November 7, 2019

CUỘC NỔI LOẠN Ở BỘ NGOẠI GIAO MỸ CHỐNG ĐỐI NGOẠI TRƯỞNG POMPEO (Trọng Thuấn)




10:25 07/11/2019

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ngày càng bất bình vì Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hỗ trợ ông Trump trong vụ bê bối Ukraine cũng như việc ông cách chức cựu đại sứ Yovanovitch.

Ngay sau khi được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) năm 2017, ông Mike Pompeo nghe các quan chức tình báo trình bày các bằng chứng cho thấy hacker làm việc cho chính phủ Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống năm 2016.

Tháng 5/2017, ông Pompeo nói trong điều trần ở Thượng viện rằng ông đồng  quan điểm với kết luận này của giới tình báo.

Nhưng hai năm rưỡi sau, ông Pompeo, giờ là Ngoại trưởng Mỹ, lại có lập trường khác. Ông đang ủng hộ cuộc điều tra về cáo buộc Ukraine, chứ không phải Nga, đã can thiệp bầu cử Mỹ.

Đó là cáo buộc từ các thuyết âm mưu, không có cơ sở và mang tính đảng phái, nhưng ông Trump vẫn cố vin vào để chứng tỏ mình đắc cử không phải nhờ vào Nga, theo New York Times.

“Tôi nghĩ mọi người nhận ra rằng chính phủ có nghĩa vụ bảo đảm các cuộc bầu cử diễn ra một cách minh bạch, không bị can thiệp, dù là từ chính phủ Ukraine hay chính phủ nào khác”, ông Pompeo nói.

Việc ông Pompeo đưa thông tin sai là tâm điểm của vụ bê bối Ukraine hiện tại. Nó cũng là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy ông đã trượt dài như thế nào khi phải "đi dây" giữa thể hiện trung thành với tổng thống, đồng thời cho người khác thấy ông vẫn đang theo đuổi chính sách ngoại giao truyền thống.

Tuy nhiên, việc thay đổi lập trường về thủ phạm can thiệp bầu cử, hay ủng hộ thuyết âm mưu về Ukraine cho thấy ông đã “trượt ngã”. 

Quan chức cấp dưới bất bình

Ông Pompeo, 55 tuổi, đang ở thời điểm bấp bênh nhất trong sự nghiệp chính trị, khi các nhà ngoại giao đang ra làm chứng cho thấy ông Trump và những người thân cận đã lợi dụng chính sách với Ukraine để mưu lợi chính trị. Điểm mấu chốt được các điều tra viên nhắm đến là ông Pompeo biết bao nhiêu về các tính toán đó của ông Trump.

Chính ông Pompeo đã giúp ông Trump cách chức Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch vào tháng 4. Cố vấn cao cấp Michael McKinley của ngoại trưởng Mỹ và ông Philip T. Reeker, quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách châu Âu, đã đề nghị lãnh đạo Bộ Ngoại giao bảo vệ bà Yovanovitch, nhưng các đề nghị này đều bị từ chối. 

Lời khai đó trái với lời kể của ông Pompeo trong cuộc phỏng vấn tháng trước, nói ông “chưa hề nghe” ông Kindley “nói bất cứ điều gì” về việc cách chức bà Yovanovitch.

Hai tuần trước, đến lượt người kế nhiệm bà Yovanovitch, ông William Taylor Jr., bị Tổng thống Trump công kích, vì đã làm chứng về việc ông Trump yêu cầu đổi chác với tổng thống Ukraine. Ông Pompeo cũng không bảo vệ cấp dưới của mình. Trên thực tế, ông còn ngăn cản các quan chức dưới quyền mình ra làm chứng.

Ngày 30/10, trả lời phỏng vấn Fox News và New York Post, hai báo ưa thích của ông Trump, ông Pompeo tiếp tục nhắc lại thuyết âm mưu về Ukraine, cựu phó tổng thống Biden và chính sách viện trợ quân sự của cựu tổng thống Obama - những chuyện bịa đặt mà các quan chức ngoại giao cảm thấy kỳ quặc.

“Ông Pompeo liên tục ưu tiên tham vọng cá nhân của mình, so với những gì là tốt cho lợi ích quốc gia về lâu dài hay lợi ích của Bộ Ngoại giao”, Andrew Weiss, cựu quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, nói với New York Times.

Các quan chức Bộ Ngoại giao ngày càng mất tin tưởng vào ông Pompeo. Họ cáo buộc ông bỏ mặc các quan chức kỳ cựu bị ông Trump chỉ trích, và để mưu đồ cá nhân của ông Trump quyết định chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Nhiều quan chức còn nói ông Pompeo đã phá hoại bộ máy 75.000 nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều hơn người tiền nhiệm Rex Tillerson, vị giám đốc dầu mỏ, vốn cũng không được lòng các viên chức ngoại giao.

“Ông ấy đã làm các nhân viên Bộ Ngoại giao thất vọng với nhiệm vụ quan trọng nhất của ông - ủng hộ họ trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà Bộ Ngoại giao từng trải qua (tức bê bối Ukraine)”, Nicholas Burns, quan chức ngoại giao cao cấp dưới quyền Tổng thống George W. Bush, nói với New York Times.

Một số quan chức Bộ Ngoại giao phải dựa vào các kênh không chính thức để lên tiếng, các cố vấn làm việc cho Quốc hội Mỹ cho biết. Mùa hè này, nhiều quan chức ngoại giao đã chia sẻ lo ngại về chính sách ngoại giao với các văn phòng của Quốc hội: về việc treo viện trợ quân sự cho Ukraine, về việc cắt 4 tỷ USD viện trợ nước ngoài, và về việc bán vũ khí cho Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Dấu hiệu ông Pompeo can dự bê bối Ukraine

Vai trò của ông Pompeo trong scandal Trump - Ukraine đang khiến các chỉ trích đổ dồn về phía ông. Các nhà điều tra của Quốc hội đã gửi trát yêu cầu tài liệu tới luật sư của Bộ Ngoại giao Ulrich Brechbuhl, cũng là bạn của ông.

Các lời khai về scandal Ukraine đã cho thấy ông Pompeo biết về các mưu tính của ông Trump, thậm chí còn tạo điều kiện cho tổng thống.

Tháng 10, sau khi tin tức về vụ treo viện trợ quân sự để yêu cầu Ukraine điều tra nhà Biden vỡ lở, ông Pompeo thừa nhận mình đã dự cuộc điện đàm vào tháng 7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - cuộc gọi khiến một nhân viên CIA đứng ra tố giác, dẫn đến cuộc điều tra luận tội hiện tại.

Vào tháng 8, ông Pompeo nhận bức điện khẩn từ ông Taylor, trưởng phái đoàn Mỹ tại Ukraine. Ông Taylor viết rằng treo viện trợ quân sự cho Ukraine là điều “ngu ngốc”. Theo lời khai của ông Taylor, ông Pompeo đã mang bức điện ngày 29/8 tới Nhà Trắng.

Nhưng ông Pompeo từ chối bình luận xem ông đã cố vấn ông Trump như thế nào.

Tháng 4, ông Pompeo tuân thủ khi Tổng thống Trump ra lệnh cách chức bà Yovanovitch. Luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, và các cố vấn của ông, đã vu cáo mà không có bằng chứng rằng bà Yovanovitch đã đả kích tổng thống.

Đối với các quan chức Ngoại giao, việc cách chức bà Yovanovitch gây nhiều bất bình. Nhiều bài đăng trên báo và thư ngỏ từ các cựu quan chức kêu gọi ông Pompeo bảo vệ bà Yovanovitch.

Ông McKinley khai trước các nghị sĩ ngày 16/10 rằng ông từ chức vì các lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã không ủng hộ các quan chức dưới quyền, và vì “việc lợi dụng giới ngoại giao để lấy thông tin bê bối phục vụ cho mưu toan chính trị trong nước”.

“Trong 37 năm làm Bộ Ngoại giao, ở khắp thế giới, giải quyết những vấn đề gây tranh cãi... tôi chưa bao giờ chứng kiến điều này”, ông nói.

Ngoài ra, các chuyến đi của ông Pompeo đến Kansas cũng khiến ông bị chỉ trích.
Ngày 29/10, Thượng nghị sĩ Robert Menendez của đảng Dân chủ yêu cầu điều tra liệu ông Pompeo có vi phạm Luật Hatch khi đã đến Kansas bốn lần trong năm nay, ba chuyến trong số đó là bằng tiền thuế của dân. Nhiều người đồn đoán rằng ông Pompeo dự định tranh cử vào Thượng viện năm sau.

Ngày 25/10, lần gần nhất ông Pompeo đến Kansas, tờ báo địa phương Kansas City Star đăng bài xã luận với dòng tít: “Mike Pompeo, một là từ chức, tranh cử Thượng viện, hai là hãy tập trung vào chuyên môn”.

“Ông ta nên tập trung vào ngoại giao - ông còn nhớ mình làm ngoại giao chứ? - và đừng tận dụng mọi cơ hội để đến đây chơi nữa”, bài xã luận viết.

------------------------

Mike Pompeo bị các nhà ngoại giao Mỹ cực kỳ bất mãn
: 
Published Nov. 4, 2019      Updated Nov. 5, 2019, 7:19 a.m. ET





No comments: