Monday, November 11, 2019

CHÚT GỢI NHỚ CỦA MỘT NGƯỜI CHỨNG, SAU SỰ RA ĐI CỦA MỘT NHÀ TU HÀNH, HT THÍCH TRÍ QUANG (Lê Nguyễn)




11/11/2019

Những ngày qua, khi Thượng tọa Thích Trí Quang qua đời, mình không muốn nghĩ lại, nhớ lại một quãng đời tuổi trẻ đã qua, vào những tháng ngày sau 1.11.1963, khi nhiều tướng lãnh miền Nam thực thi kế hoạch của chính phủ Mỹ, lật đổ, thậm chí sát hại hai anh em nhà lãnh đạo Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu.

Nhưng rồi có một số bạn trẻ liên lạc, bày tỏ ý muốn biết một vài chi tiết về những gì liên quan đến thầy Trí Quang và Phật giáo miền Nam những năm sau sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa. Thôi thì xin ghi lại chút hồi ức và cảm nghĩ linh tinh vậy.

Những ngày sôi động vào giữa năm 1963, các cuộc biểu tình của Phật tử nổ ra khắp nơi, đặc biệt là Phật tử Huế, sau sự kiện chính quyền Thừa Thiên – Huế chỉ cho phép treo Phật kỳ tại các chùa, mà không cho treo ở khắp các ngả đường trong dịp Phật đản 1963, như đã từng cho phép làm thế trong các mùa Phật đản trước. Cái sảy nảy cái ung, chính quyền Thừa Thiên – Huế hành xử thiếu kiên nhẫn, súng nổ và sự kiện “đàn áp Phật giáo” được sớm sủa loan truyền trên khắp cả nước.

Trong những ngày tháng đó, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tỏ rõ một thiện chí hòa giải, không hề có chủ trương đàn áp triệt để đối với các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh và Phật tử các nơi. Đích thân ông Ngô Đình Diệm tiếp Ủy ban Liên tôn (giáo) tại dinh Độc lập để xoa dịu tình hình.

Điều may mắn cho phong trào Phật giáo – và cũng là rủi ro của chính quyền Ngô Đình Diệm – là lúc bấy giờ họ có được người bạn đồng hành là tòa Bạch ốc ở Washington, với chủ trương lật đổ hai anh em họ Ngô, khi mà lập trường cứng rắn của Phủ Tổng thống VNCH không cho người Mỹ can thiệp mạnh hơn vào miền Nam đã khiến cho những người lãnh đạo Mỹ cảm thấy bẽ mặt và tức tối.

Cuộc “cách mạng” ngày 1.11.1963 là “thành quả” của chính quyền Washington, với công cụ là một số tướng lãnh Việt Nam, song đã sớm sủa được các nhà lãnh đạo phong trào Phật giáo lúc đó xem như có công lớn của chính họ. Họ được cử người tham gia vào chánh phủ do “Hội đồng Quân nhân cách mạng” của tướng Dương Văn Minh lập nên, với Phật tử Trần Quang Thuận là đại diện khối Phật giáo giữ chức vụ Bộ trưởng Xã hội (sau một thời gian không lâu, ông Thuận từ chức và bị gọi nhập ngũ trường võ bị Thủ Đức).

Vào những ngày tháng đó, nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo không che giấu được tham vọng dựa vào “thành quả” lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm để chi phối đời sống chính trị lúc bấy giờ. Những người ủng hộ họ cho rằng họ là những kẻ “dấn thân”, còn những ai bi quan về thời cuộc thì cho rằng tham vọng chính trị đã lái họ đi xa con đường dành cho những bậc tu hành chân chính.

Họ chia ra làm hai phái: Phái Việt Nam Quốc Tự, đứng đầu là Thượng tọa Thích Tâm Châu, và phái Ấn Quang, đứng đầu là Thượng tọa Thích Trí Quang. Căn cứ vào những biểu hiện trên chính trường lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng có sự kình chống ngấm ngầm giữa hai phái và sự chống đối chính quyền của phái này, dù cho được khoác dưới danh nghĩa hay ho như tranh đấu chống độc tài, chống Mỹ, vv và vv, cũng ẩn chứa ít nhiều điều mà họ cho rằng chính quyền đã dành sự “ưu ái” cho phái kia.

Vào những ngày tháng ấy, trong con mắt của một gã sinh viên tuổi trẻ bồng bột và có đôi chút cực đoan, nhiều bậc tu hành đã hành xử như những con rối trên vũ đài chính trị.

Phái Ấn Quang lúc ấy hoạt động mạnh ở Huế, vốn có “truyền thống tranh đấu” trong dịp Phật đản 1963, với cơ sở là chùa Từ Đàm, và với sự đồng hành của các tổ chức gọi là “Lực lượng cứu nguy dân tộc” và “Hội đồng nhân dân cứu quốc” do một số nhân sĩ, nhà giáo đại học thành lập, gồm Lê Tuyên, Tôn Thất Hanh, Cao Huy Thuần, Nguyễn Hữu Trí…, có cơ quan ngôn luận là tờ tuần báo Lập Trường, tờ báo duy nhất trong lịch sử báo chí miền Nam được bán tại Sài Gòn với giá chợ đen, từ 7đ giá bìa, được công chúng tìm mua với giá 12đ! Người viết bài này cũng từng là nạn nhân của cái chợ đen báo chí đó.

Song song với những cuộc đảo chánh, chỉnh lý liên miên của đám tướng tá xôi thịt vào những năm 1963-1965 tại Sài Gòn, hoạt động “tranh đấu chống độc tài” của Thượng tọa Trí Quang cũng trở nên đình đám, cho đến một ngày, tờ tuần báo Time lừng danh của nước Mỹ hào phóng phong cho ông cái mỹ danh “người làm rung chuyển nước Mỹ”!

Không lâu sau khi quân lực miền Nam giành lại chính quyền từ tay Thủ tướng dân sự Phan Huy Quát (19.6.1965), Thượng tọa Trí Quang bắt đầu làm “rung chuyển” Sài Gòn bằng một cuộc tuyệt thực kéo dài mấy tháng liền. Địa điểm tuyệt thực là khu vực cây xanh trên đường Lê Duẩn ngày nay, trước dinh Độc Lập. Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (như Tổng thống) Nguyễn Văn Thiệu và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Thủ tướng) Nguyễn Cao Kỳ lúc bấy giờ đã tỏ rõ một bản lĩnh chính trị khi để cho cuộc tuyệt thực kéo dài tùy thích mà không hề có một phản ứng đáng tiếc nào. Bức ảnh mà nhiều người nhìn thấy trên mạng mấy ngày nay về cuộc tiếp xúc “vui vẻ” giữa Đại tá Nguyễn Ngọc Loan và thầy Trí Quang – theo tôi nhớ là trong cuộc tuyệt thực kéo dài đó – đã nói lên cách hành xử mềm dẻo và khôn ngoan của ông Thiệu và ông Kỳ.

Đáng nói nhất trong cuộc tranh đấu của những người Phật giáo tại Sài Gòn là “phong trào” đưa bàn thờ Phật xuống đường vào những tháng giữa năm 1966. Thôi thì bàn thờ được lôi ào ào ra đường, cản trở giao thông và gây rất nhiều ách tắc cho cuộc sống của người dân lúc bấy giờ! Với con mắt của một chứng nhân vào thời kỳ này, tôi đặc biệt khâm phục cái đầu lạnh và sự khôn ngoan của chính quyền Thiệu-Kỳ. Họ không ngăn cản, không đàn áp, cứ để cái hành động lạ lẫm đó kéo dài và ngày càng rơi dần vào cái nhìn ghẻ lạnh của công chúng, cuối cùng xẹp xuống hẳn! Không hiểu người dân Huế lúc ấy suy nghĩ ra sao về sự kiện đó, chứ đối với người dân Sài Gòn vào những tháng giữa năm 1966, hành động đưa bàn thờ Phật xuống đường là một thất bại nặng nề, vì sớm bị công chúng coi là trò quấy rối không hơn không kém.

Công chúng ghẻ lạnh với phong trào này một phần vì hậu quả nó gây ra: có lúc tình hình quá căng, có dấu hiệu lợi dụng của phía CS, lệnh giới nghiêm được ban ra từ 9g tối (tháng 6.1966), hàng quán vốn được mở cửa suốt đêm bị mất doanh thu, những người buôn bán dọc lề đường dẹp gánh, có người gửi thư mời đám cưới tại nhà hàng lúc 7g tối phải tất tả chạy đến từng nhà xin lui lại 5g chiều, lúc đó làm gì có điện thoại để bốc lên gọi nhau!

Ngẫm lại những gì xảy ra trong thời kỳ hỗn mang đó, cảm nghĩ sâu nặng đọng lại trong tôi là khi những nhà tu hành dành cuộc đời phía trước của mình cho những tham vọng chính trị thì họ đã phản bội lại các điều giới răn tham, sân, si dành cho những người đã cạo đầu, hiến cả cuộc đời cho Phật pháp. Người ta nói nhiều đến việc họ tự nguyện hay bị lợi dụng trong cuộc chiến hai miền Nam-Bắc, điều đó xin nhường lại cho các nhà nghiên cứu thời sự, bài này chỉ là sự điểm xuyết một vài chi tiết có thật, hi vọng góp chút nào vào việc nghiên cứu, đánh giá một thời kỳ lịch sử mà cái giả và cái thật, cái xấu và cái tốt đan xen nhau, và cho đến nay, nhiều sự kiện vẫn còn nằm trong vòng giả thuyết.

Những gì nhắc lại hôm nay đúng hay sai, hay hay dở, xin tùy ở cách nhìn của mỗi người, và xin không hoan nghênh bất cứ một cuộc tranh luận nào, cũng như bất cứ một ý kiến cực đoan nào đối với người đã khuất ở đây.

------------------------------------

LIÊN QUAN
Cao Huy Thuần
Từ Paris, Pháp
10 tháng 11 2019
Giáo sư chính trị học người Pháp gốc Việt, Cao Huy Thuần viết về người thầy của ông, nhà sư Thích Trí Quang, người vừa thị tịch hôm 8/11.
.
Hoài Hương-VOA    9/11/2019
.
.
.
.
18/04/2012
.
14/11/2010
.
Cập nhật : 15-05-2012
.
Jun 16, 2014




No comments: