Saturday, November 2, 2019

CHỦ NGHĨA DÂN TÚY KINH TẾ (Dương Quốc Chính)





Lâu nay anh em DLV vẫn hay lý luận là nhiều nước dân chủ nhưng vẫn nghèo. Các trường hợp hay được dùng làm ví dụ là Philippiness, Ấn Độ, Nam Mỹ và châu Phi.

Mình đã viết 1 số stt phân tích tổng quát lý do các nước đó nghèo bản chất là do dân chủ giả hiệu. Đã có stt viết riêng về Ấn Độ để phân tích lý do dẫn đến sự chậm tiến. 1 stt phân tích về Zimbabwe là 1 ví dụ điển hình về nền dân chủ ở châu Phi mà vẫn nghèo. 1 stt viết riêng về Venezuela để thấy nước này cũng có cái vỏ dân chủ nhưng vẫn siêu lạm phát không kém gì Zimbabwe. Nhưng Venezuela vốn không thể làm đại diện cho Nam Mỹ, vì họ là quốc gia dầu mỏ. Vì thế, nên stt này phân tích tổng quát về nền dân chủ ở Nam Mỹ và lý do tại sao họ nghèo.

Về chủ nghĩa dân túy này, người Việt mới TBCN nên đọc, vì nó rất gần gũi với VN. Đây sẽ là tấm gương cho VN nếu dân chủ đến ngay và luôn. Bản chất nó là dân chủ giả cầy, hay là độc tài của đám đông, không quan tâm đến quyền lợi cá nhân.

Cải cách ruộng đất chính là 1 giải pháp dân túy kinh điển ở các nước nông nghiệp mới thoát khỏi chế độ thực dân.

Nguồn: Kỷ nguyên hỗn loạn – Alan Greenspan (Cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – FED)

***

Theo nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế nổi tiếng Angus Maddison thì, vào đầu thế kỷ 20, GDP bình quân đầu người của Argentina lớn hơn của Đức và gần bằng ¾ của Mỹ. Nhưng đến cuối thế kỷ 20, GDP bình quân đầu người của Argentina đã giảm xuống chỉ còn chưa đến một nửa của Đức và Mỹ. Trong thế kỷ 20, GDP đầu người của Mexico giảm từ 1/3 xuống ¼ của Mỹ . Lực kéo của nước láng giềng phương bắc cũng không đủ để ngăn chặn sự suy giảm. Trong thế kỷ 20, mức sống của Mỹ, Tây Âu và Châu Á tăng nhanh hơn so với Mỹ Latinh. Chỉ có Châu Phi và Đông Âu là thấp tương tự Mỹ Latinh.

Theo định nghĩa trong từ điển, “chủ nghĩa dân túy” là triết lý chính trị ủng hộ quyền lợi và quyền lực của nhân dân; đối với tầng lớp đặc quyền, đặc lợi. Tôi coi chủ nghĩa dân túy kinh tế là sự phản ứng của dân nghèo đối với một xã hội suy đồi, họ coi tầng lớp giàu có là kẻ áp bức. Theo chủ nghĩa dân túy kinh tế, chính phủ phải đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, ít chú ý đến các quyền cá nhân hay thực tế kinh tế là tài sản quốc gia đã được phát triển hoặc duy trì như thế nào. Nói cách khác, các hậu quả kinh tế tai hại của chính sách đã được bỏ qua một cách vô tình hay hữu ý. Chủ nghĩa dân túy thể hiện rõ trong các nền kinh tế bất bình đẳng lớn về thu nhập. Sự bất bình đẳng trong các nền kinh tế Mỹ Latinh thuộc diện cao nhất thế giới, cao hơn rất nhiều so với ở bất kỳ nước công nghiệp nào, và cao hơn bất kỳ nền kinh tế Đông Á nào.

Nguồn gốc của sự bất bình đẳng ở Mỹ Latinh là chủ nghĩa thực dân châu Âu đã bóc lột nô lệ và thổ dân từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Theo Ngân hàng Thế giới, tàn tích của nó là sự bất bình đẳng lớn về thu nhập giữa các chủng tộc. Hậu quả là Mỹ Latinh đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy kinh tế phát triển trong thế kỷ 20. Sự nghèo đói cùng cực tồn tại song song với sự giàu sang kinh tế. Tầng lớp giàu có luôn luôn bị lên án là đã sử dụng chính quyền để làm đầy túi tiền của mình.

Cho đến nay Mỹ vẫn bị đổ oan là nguyên nhân chính của sự nghèo đói kinh tế ở phương Nam. Trong nhiều thập niên, các nhà chính trị Mỹ Latinh đã la lối chống lại chủ nghĩa tư bản Mỹ và “chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Người Mỹ Latinh đặc biệt căm thù một thế kỷ thống trị về kinh tế và quân sự của Mỹ và việc Mỹ sử dụng “ ngoại giao pháo hạm ” để khẳng định các quyền sở hữu của Mỹ. Năm 1903, Tổng thống Theodore Roosevelt đã đi một bước xa hơn là xúi giục một cuộc nổi dậy để tách Panama khỏi Colombia sau khi Colombia từ chối không cho Mỹ xây dựng kênh đào Panama. Việc Pancho Villa trở thành một người anh hùng đối với người dân Mexico không có gì là lạ. Villa đã khủng bố các khu dân cư của Mỹ ở vùng biên giới và một cuộc đột kích quân sự dài ngày của Mỹ vào Mexico năm 1916, dưới sự chỉ huy của tướng John Pershing, đã thất bại không bắt được ông ta.

Sự phản ứng của Mỹ Latinh ở bình diện lớn hơn được thể hiện qua thực tế là thái độ chống Mỹ đầy thách thức của Lazaro Cardenas đã biến ông thành vị tổng thống Mexico được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ 20. Năm 1938, ông đã quốc hữu hóa tất cả tài sản dầu lửa, chủ yếu là của các công ty Standard Oil of New Jersey và Royal Dutch Shell. Hành động của ông để lại hậu quả lâu dài cho Mexico [72] . Song Cardenas vẫn được ghi nhớ như một vị anh hùng. Chỉ riêng tên tuổi của ông cũng đã giúp con ông là Cuauhtémoc suýt trúng cử Tổng thống Mexico năm 1988.

Từ cuối Thế chiến thứ hai, trước nữa là từ khi ra đời Chính sách Láng giềng Tốt của Franklin Roosevelt, chính sách đối ngoại của Mỹ đã thể hiện nỗ lực cải thiện hình ảnh tiêu cực của mình. Tôi cho rằng các nhà phân tích khách quan có thể đánh giá rằng đầu tư của Mỹ sau chiến tranh là đóng góp cho sự phồn vinh của Mỹ Latinh. Nhưng lịch sử vẫn còn hằn sâu trong khu vực. Niềm tin truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và nền văn hóa của một xã hội thay đổi rất chậm. Theo tôi biết, nhiều người Mỹ Latinh trong thế kỷ 21 vẫn tiếp tục bất bình với Mỹ. Đặc biệt, Hugo Chavez của Venezuela đã ra sức khơi dậy tình cảm chống Mỹ.

Chủ nghĩa dân túy kinh tế hướng vào cải cách, không hướng vào cách mạng. Những người theo chủ nghĩa dân túy kinh tế biết rõ các yêu cầu cần phải giải quyết, nhưng giải pháp thì lại mập mờ. Không giống với chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân túy kinh tế không có sự phân tích chính thống về các điều kiện cần thiết để tạo nên của cải và nâng cao đời sống. Nó là một tiếng kêu đau đớn hơn là một nguồn trí tuệ. Các nhà lãnh đạo dân túy hứa hẹn sẽ giải quyết bất công. Phân phối lại ruộng đất và truy bức tầng lớp trên thối nát là đơn thuốc bách bệnh thông dụng. Họ hứa hẹn sẽ đem lại ruộng đất, nhà cửa và lương thực cho mọi người. “Công lý” là một ham muốn và có thể được phân phối lại.

Chủ nghĩa dân túy kinh tế dưới mọi hình thức là đối lập với chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Nhưng quan điểm này sai lầm về cơ bản, và nó dựa trên nhận thức sai về chủ nghĩa tư bản. Tôi và nhiều người khác, ở trong cũng như ở ngoài khu vực, cho rằng các nhà dân túy kinh tế có cơ hội tốt hơn để đạt được mục tiêu của mình thông qua chủ nghĩa tư bản. Mở rộng cửa cho thị trường và tăng cường sở hữu tư nhân đã đóng một vai trò thiết yếu ở những vùng đất phát đạt và có đời sống cao.

Việc chủ nghĩa dân túy không hề suy yếu dù bị thất bại liên tiếp là một bằng chứng rõ nhất cho thấy chủ nghĩa này chủ yếu là một phản ứng tình cảm, không có cơ sở lý tưởng. Brazil, Argentina, Chile và Peru đã từng chịu nhiều thất bại trong chính sách dân túy kể từ cuộc Thế chiến thứ hai. Song các thế hệ lãnh đạo mới dường như không rút ra được bài học lịch sử, vẫn tiếp tục áp dụng các giải pháp đơn thuần của chủ nghĩa dân túy. Có thể nói, việc làm đó đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Tôi lấy làm tiếc rằng các phong trào dân túy đã bất chấp các thất bại kinh tế trước đây trong cuộc đấu tranh của họ để xác định rõ một giải pháp cho nỗi đau khổ hiện nay của mình. Nhưng tôi không ngạc nhiên về thái độ bất chấp đó hay việc họ đã bác bỏ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Chủ nghĩa tư bản thị trường là một khái niệm trừu tượng rộng lớn, không phải lúc nào cũng phù hợp với các quan điểm không có hướng dẫn về cách thức hoạt động của các nền kinh tế. Tôi cho rằng thị trường được chấp nhận là vì lịch sử tạo ra của cải lâu đời của nó. Tuy nhiên, người ta thường phàn nàn với tôi rằng: “Không biết nó hoạt động ra sao và nó luôn luôn tỏ ra đang lảo đảo bên bờ vực hỗn loạn”. Đó không phải là một cảm giác hoàn toàn phi logic. Nhưng như đã được giảng dạy trong Kinh tế học 101, khi một nền kinh tế thị trường thỉnh thoảng đi chệch khỏi một con đường có vẻ là ổn định thì sẽ có các phản ứng cạnh tranh để điều chỉnh lại. Vì có hàng triệu giao dịch tham gia vào việc điều chỉnh này nên rất khó nhận ra. Các giải thích trừu tượng trong lớp học chỉ gợi mở về các động lực, ví dụ động lực giúp cho nền kinh tế Mỹ ổn định và phát triển sau cuộc tấn công ngày 11/9.

Chủ nghĩa dân túy kinh tế hình dung ra một thế giới ít phức tạp, trong đó một khung khái niệm bị coi là để đánh lạc hướng khỏi các nhu cầu cấp bách, rõ ràng. Các nguyên tắc của chủ nghĩa dân túy kinh tế rất đơn giản. Nếu có thất nghiệp thì chính phủ phải tạo việc làm cho người thất nghiệp. Nếu tiền tệ khan hiếm và vì vậy mà lãi suất lên cao thì chính phủ phải kiềm chế lãi suất hoặc phát hành thêm tiền. Nếu hàng hóa nhập khẩu đe dọa việc làm thì ngừng nhập khẩu. Tại sao việc làm đó lại không hợp lý như việc muốn khởi động một chiếc ôtô thì phải vặn chìa khóa?

Câu trả lời là trong các nền kinh tế, nơi mà hàng triệu người làm việc và mua bán hàng ngày, các thị trường cá thể liên kết với nhau chặt chẽ đến nỗi nếu ta hạn chế sự mất cân đối này thì lại vô tình gây ra một loạt mất cân đối khác. Nếu ta áp đặt một giá trần đối với xăng dầu thì sẽ xảy ra tình trạng cung ứng thiếu và xếp hàng rồng rắn ở các trạm xăng dầu, như đã quá rõ đối với người Mỹ vào năm 1974. Nét đẹp của cơ chế thị trường là, khi nó hoạt động tốt, thường là như vậy, thì nó có xu hướng tạo nên sự cân bằng. Quan điểm của dân túy giống như là làm sổ sách kế toán một chiều. Nó chỉ ghi số thu về, ví dụ như các lợi ích tức thời của giá xăng dầu xuống thấp. Tôi tin rằng các nhà kinh tế luôn phải làm sổ sách kế toán hai chiều.

Vì thiếu các chính sách kinh tế cụ thể có ý nghĩa nên để thu hút mọi người theo mình, chủ nghĩa dân túy phải viện vào đạo lý. Theo đó, các nhà lãnh đạo dân túy phải có sức hấp dẫn và tinh thần quả cảm, thậm chí là cả khả năng chuyên chế. Hầu hết các nhà lãnh đạo như thế xuất thân từ quân đội. Họ không tranh luận về tính ưu việt của chủ nghĩa dân túy so với thị trường tự do. Họ không tuyên bố theo chủ nghĩa Mác. Thông điệp kinh tế của họ là một bài hùng biện đơn giản, được gia giảm bằng các từ ngữ như “bóc lột”, “công lý” và “cải cách ruộng đất”, mà không phải bằng các từ ngữ như “GDP” hoặc “năng suất”.

Với những người nông dân canh tác trên ruộng đất của người khác thì việc phân phối lại ruộng đất là một mục tiêu mong muốn. Các nhà lãnh đạo dân túy không bao giờ giải quyết mặt trái tiềm tàng có thể rất tác hại. Robert Mugabe, Tổng thống Zimbabwe từ năm 1987, hứa hẹn và đã đem lại cho những người đi theo ông ruộng đất tịch thu của người da trắng. Nhưng những người chủ đất mới không được chuẩn bị để quản lý ruộng đất. Sản xuất lương thực suy sụp, buộc phải nhập khẩu trên quy mô lớn. Thu nhập có thể đánh thuế giảm mạnh, buộc Mugabe phải in thêm tiền để tài trợ cho chính phủ. Vào lúc cuốn sách này được viết, siêu lạm phát đang gây ra các tác động xã hội nghiêm trọng ở Zimbabwe. Một trong các nền kinh tế thành công nhất trong lịch sử của châu Phi đang bị hủy hoại.

(Hết phần 1)


------------------


Hugo Chavez, Tổng thống Venezuela từ năm 1999, đã theo gương Mugabe. Ông đã quốc hữu hóa và chính trị hóa ngành công nghiệp dầu lửa một thời đầy tự hào của Venezuela, từng đứng thứ hai trên thế giới nửa thế kỷ trước đây. Mức độ duy tu các mỏ dầu thiết yếu bị giảm mạnh khi ông thay thế phần lớn số cán bộ kỹ thuật phi chính trị của công ty dầu lửa nhà nước bằng những người thân với chính phủ. Việc làm đó đã gây tổn thất cho sản lượng dầu lửa hàng trăm ngàn thùng mỗi ngày. Sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm từ 3,2 triệu thùng mỗi ngày năm 2000 xuống 2,4 triệu thùng mỗi ngày hồi mùa xuân năm 2007.

Nhưng vận may đã mỉm cười với Chavez. Chính sách của ông có thể gây ra tình trạng phá sản ở bất kỳ nước nào khác. Nhưng từ khi ông trở thành tổng thống, nhu cầu dầu lửa thế giới đã đẩy giá dầu lên gấp gần 4 lần và đã cứu thoát ông ít nhất là vào lúc này. Tính cả dầu thô nặng thì Venezuela có thể là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Nhưng nếu như người ta không thể tạo nên một nền kinh tế để khai thác thì dầu dưới đất cũng không có giá trị gì hơn khi nó nằm yên hàng thiên niên kỷ [73] .

Có một tình huống khó khăn trong lập trường chính trị của Chavez. Hai phần ba thu nhập dầu lửa của Venezuela là từ xuất khẩu dầu lửa sang Mỹ. Dứt khỏi vị khách hàng lớn này sẽ là một tai họa đối với Venezuela, bởi vì phần lớn sản phẩm của họ là loại dầu chua nặng cần tới năng lực của các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Chuyển dầu sang châu Á có thể là một sự lựa chọn, nhưng rất tốn kém. Tất nhiên giá dầu lửa lên cao có thể tạo điều kiện cho Chavez đối phó với các chi phí phát sinh. Nhưng để mua ảnh hưởng ở ngoài nước và sự ủng hộ chính trị ở trong nước, ông đang dần dần gắn tương lai chính trị của mình với giá dầu lửa, không thể ngừng lại được. Ông cần có giá dầu ngày càng cao để thắng thế. Vận may có thể không mỉm cười mãi với ông.

Thế giới không nên lo lắng, bởi vì không phải tất cả các nhà dân túy có sức hấp dẫn đều hành xử giống Chavez và Mugabe khi giành được chính quyền. Luiz Inácio Lula da Silva, một nhà dân túy Brazil được nhiều người ủng hộ, đã được bầu làm tổng thống năm 2002. Trước khả năng ông sẽ thắng cử, thị trường chứng khoán Brazil sụt giảm, lạm phát được dự báo là sẽ tăng và phần lớn kế hoạch đầu tư của nước ngoài bị gác lại. Nhưng thật kinh ngạc đối với nhiều người, kể cả tôi, ông đã theo đuổi phần lớn các chính sách hợp lý trong Plano Real mà Cardoso, người tiền nhiệm của ông, đã đưa ra để thuần phục con ngựa siêu lạm phát của Brazil hồi đầu thập niên 90.

Chủ nghĩa dân túy kinh tế đưa ra nhiều cam kết lớn mà không tính đến làm thế nào để tài trợ cho chúng. Thường là việc thực hiện các cam kết đó dẫn đến thâm hụt ngân sách và làm cho việc vay nợ từ khu vực tư nhân hoặc các nhà đầu tư nước ngoài trở nên khó khăn. Do đó mà thường phải dựa vào Ngân hàng trung ương làm người chủ chi. Yêu cầu Ngân hàng trung ương in tiền để tăng sức mua của chính phủ châm ngòi cho cơn bão lửa siêu lạm phát. Kết quả là, như lịch sử đã cho thấy, chính phủ bị lật đổ và ổn định xã hội bị đe dọa nghiêm trọng.

Điển hình cho khuôn mẫu này là tình trạng lạm phát ở các nước Brazil năm 1994, Argentina năm 1989, Mexico giữa thập niên 80 và Chile giữa thập niên 70. Các tác động xã hội của chúng thật tai hại. Các nhà kinh tế quốc tế có uy tín như Rudiger Dornbusch và Sebastian Edwards đã kết luận: “Đến cuối mọi cuộc thử nghiệm dân túy, mức lương thực tế đều thấp hơn lúc đầu”. Trên thực tế, một trong các xu thế đặc thù ở các nước đang phát triển là thỉnh thoảng lại xảy ra siêu lạm phát.

Mỹ Latinh có thể quay lưng lại với chủ nghĩa dân túy kinh tế không? Trong hai thập niên qua, có lẽ vì liên tiếp bị thất bại về chính sách kinh tế vĩ mô mà các nước lớn trong khu vực đã nuôi dưỡng một nhóm các nhà kỹ thuật kinh tế có thể lãnh đạo Mỹ Latinh đi theo một hướng mới, trong đó có các nhà hoạch định chính sách xuất chúng.

Tôi có may mắn được làm việc với nhiều người trong số đó, trong những thời kỳ rất khó khăn của các thập niên gần đây, như là Pedro Aspe, Guillermo Ortiz, José Ángel Gurría và Francisco Gil Díaz ở Mexico; Pedro Malan và Arminio Fraga Neto ở Brazil; Domingo Cavallo ở Argentina. Phần lớn có bằng cao học về kinh tế từ các trường đại học có uy tín của Mỹ. Thậm chí một số còn trở thành nguyên thủ quốc gia như Ernesto Zedillo ở Mexico và Fernando Henrique Cardoso ở Brazil. Phần lớn đã ban hành các chính sách cải cách và giải phóng thị trường có hiệu quả thúc đẩy kinh tế phát triển, bất chấp sự chống đối mạnh mẽ của những người theo chủ nghĩa dân túy.

Theo tôi, có lẽ Mỹ Latinh đã ở trong một hoàn cảnh tồi tệ hơn nhiều nếu không có các vị bác sỹ này. Nhưng sự chia rẽ sâu sắc về thế giới quan, giữa phần lớn các nhà hoạch định chính sách này với xã hội còn chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy kinh tế mà họ phục vụ, vẫn còn tồn tại dai dẳng.

Sự ổn định kinh tế mong manh của Mỹ Latinh được phản ánh rất rõ qua cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 ở Mexico, nước có nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực và đã đạt được nhiều thành tựu kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ cuối năm 1994. Andrés Mannuel López Obrador, một nhà dân túy, đã suýt được bầu làm tổng thống. Tôi không thể đoán được khi lên cầm quyền ông sẽ giống Lula hay Chavez.

Không phải các nước phát triển, ví dụ như Mỹ, không chú ý gì đến chủ nghĩa dân túy kinh tế. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì các nhà lãnh đạo dân túy khó có thể thay đổi được hiến pháp Mỹ hoặc văn hóa Mỹ để gây ra một sự tàn phá như Perón hay Mugabe đã từng làm. Tôi cho rằng Wiliam Jennings Bryan, với bài diễn văn “Cây thánh giá vàng” đầy kích động tại Đại hội Đảng dân chủ năm 1986, là tiếng nói có sức lôi cuốn nhất của chủ nghĩa dân túy kinh tế trong lịch sử Mỹ. Ông tuyên bố: “Không được áp đặt lên đầu người lao động chiếc vương miện đầy gai nhọn. Không được đóng đinh nhân loại lên cây thành giá vàng”. Nhưng tôi không tin là Mỹ sẽ thay đổi nhiều nếu ông trở thành tổng thống.

Huey Long ở Louisiana cũng vậy. Trong thập niên 30, ông đã giành được chính vị thống đốc và một ghế trong thượng viện Mỹ nhờ tài hùng biện trong bài diễn văn “Chia sẻ tài nguyên”. Năm 1935, ông bị ám sát khi đang chạy đua vào Nhà Trắng. Chủ nghĩa dân túy rõ ràng không có gen di truyền. Con trai ông, Russell, làm chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện trong một thời gian dài là người cương quyết ủng hộ chủ nghĩa tư bản và ủng hộ giảm thuế cho doanh nghiệp.

Tất nhiên trong lịch sử Mỹ cũng có các sự kiện dân túy như Phong trào tự do cuối thế kỷ 19 hay phần lớn nội dung của đạo luật New Deal, nhưng Mỹ đã không có một chính phủ dân túy nào. Sự kiện dân túy gần nhất là việc tổng thống Richard Nixon đóng băng giá và lương vào tháng 8/1971. Nhưng các sự kiện dân túy đó chỉ là những sai lầm trong tiến bộ kinh tế Mỹ. Còn ở Mỹ Latinh thì chính sách và chính phủ dân túy là căn bệnh phổ biến, do đó đã gây ra nhiều hậu quả.

Chủ nghĩa dân túy kinh tế được coi là sự mở rộng của dân chủ sang lĩnh vực kinh tế. Nhưng không phải vậy. Những người dân chủ, viết bằng chữ d thường (Không có ý nói tới những Đảng viên Đảng dân chủ – ND) , ủng hộ hình thức chính phủ trong đó đa số cai trị, nhưng không bao giờ vi phạm các quyền cá nhân cơ bản. Trong các xã hội như vậy, quyền của thiểu số được bảo vệ trước đa số. Chúng ta để cho đa số quyền quyết định mọi chính sách công nhưng không được vị phạm các quyền cá nhân [74] .

Dân chủ là một quá trình phức tạp và chắc chắn không phải luôn luôn là hình thức chính quyền hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tôi tán thành nhận xét châm biếm của Wilston Churchill rằng: “Dân chủ là hình thức chính phủ tồi tệ nhất trừ tất cả các hình thức khác đã được thử nghiệm”. Bất kể như thế nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nếu được tự do hành động thì chính người dân sẽ có những quyết định đúng đắn về việc nên cai trị như thế nào. Nếu đa số đưa ra những quyết định sai lầm thì hậu quả sẽ bất lợi, thậm chí đưa đến rối loạn.

Chủ nghĩa dân túy gắn với các quyền cá nhân được nhiều người gọi là dân chủ tự do. Tuy nhiên, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy kinh tế” mà nhiều nhà kinh tế sử dụng để chỉ một nền dân chủ trong đó không có nhiều “quyền cá nhân”. Một nền dân chủ trong đó 51% dân số có thể xóa bỏ một cách hợp pháp các quyền của 49% dân số còn lại là một nền dân chủ không thực chất và sẽ dẫn tới chuyên chế [75] . Sau này thuật ngữ chủ nghĩa dân túy kinh tế mang nghĩa xấu khi được sử dụng cho những người như Perón – người mà nhiều nhà sử học cho là phải chịu trách nhiệm lớn về sự suy giảm kinh tế lâu dài của Argentina sau Thế chiến thứ hai. Argentina hiện vẫn còn phải vật lộn với di sản này.

Trận chiến của chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ thắng lợi. Mỹ Latinh đã chứng tỏ điều này rõ ràng hơn bất kỳ khu vực nào khác. Sự tập trung về thu nhập và tầng lớp điền chủ có nguồn gốc từ thời kỳ xâm chiếm thuộc địa của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong thế kỷ 16 vẫn là các nhân tố gây hằn thù sâu sắc. Chủ nghĩa tư bản ở Mỹ Latinh vẫn còn phải vật lộn cật lực.







No comments: