Trân Văn
- Thiên Hạ Luận
23/11/2019
Tuần này, khá nhiều người Việt sử dụng mạng
xã hội kêu gọi tẩy chay Go Viet, sau khi công chúng phát giác, ứng dụng gọi xe
của doanh nghiệp này không cho phép hiển thị hai từ Hoàng Sa và Trường Sa (1).
Trước đó, cả khách hàng lẫn những tài xế hoạt
động cho Go Viet cùng sửng sốt khi ứng dụng gọi xe của Go Viet tự động mã hóa
tên các con đường Hoàng Sa, Trường Sa thành một chuỗi ký tự ***** (2).
Sở dĩ người Việt phẫn nộ vì Hoàng Sa, Trường
Sa bị chặn, bị mã hóa vì thiên hạ thường chặn, mã hóa các từ thô thiển vi phạm
thuần phong mỹ tục hoặc bị xem là phạm pháp, chọn Hoàng Sa và Trường Sa để “lọc”
theo kiểu như thế rõ ràng không thể chấp nhận!
Trần Văn Tuấn – một người chuyên viết các phần
mềm ứng dụng và viết dự án – czáo buộc đó là cố ý “lọc và ẩn”. Đó là lý do giống
như nhiều người khác, Tuấn gọi Go Viet là… “gâu – veit”, đồng thời cho rằng
“gâu – veit” nên “cuốn gói và cút”.
Đại diện Go Viet cũng đã lên tiếng. Công ty
này phủ nhận việc dùng bản đồ của Trung Quốc. Họ khẳng định ứng dụng gọi xe của
Go Viet dùng Google Maps và Google Cloud để định vị và lưu trữ dữ liệu. Tuy Go
Viet luôn chú tâm thể hiện sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam nhưng khi cập nhật,
nâng cấp ứng dụng này theo định kỳ vào hai ngày 20 và 21 tháng này, do Google Maps
đánh dấu nhiều hòn đảo, dòng sông, ngọn núi là ‘landscape.natural’ nên mới xảy
ra lỗi hiển thị các địa danh tự nhiên.
Tuy Go Viet khẳng định đã sửa “lỗi” nhưng
không chỉ trên mạng xã hội mà cả trên các diễn đàn của nhiều tờ báo như Thanh
Niên, đa số độc giả không cho đó là ngẫu nhiên và họ khẳng định đã gỡ bỏ, không
dùng ứng dụng gọi xe của Go Viet nữa (4).
Có phải người Việt quá “nhạy cảm” đối với chủ
quyền quốc gia, đặc biệt là chủ quyền quốc gia tại biển Đông và chủ quyền trên
hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở vùng biển này? Tại sao người Việt lại trở
nên “nhạy cảm” như thế?
***
Cũng trong tuần này, An Ninh Thế Giới – một
trong những phụ bản thuộc tờ Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an
Việt Nam đăng bài: “Không thể mãi chạy theo đường lưỡi bò” (5).
“Không thể mãi chạy theo đường lưỡi bò” hệ thống
lại ba scandal tương tự như scandal ứng dụng gọi xe của Go Viet (mã hóa, không
hiển thị Hoàng Sa và Trường Sa), xảy ra dồn dập trong vòng một tháng: Đầu tiên
là scandal “Everest - Người tuyết bé nhỏ”. Kế đó là bản đồ trong hệ thống định
vị của một chiếc xe hiệu Volkswagen, loại Touareg CR745J ở Hội chợ Triển lãm Ô
tô 2019. Tiếp nữa là giáo trình của Khoa Trung – Nhật thuộc Đại học Kinh doanh
và Công nghệ Hà Nội...
Cả ba scandal mà “Không thể mãi chạy theo đường
lưỡi bò” liệt kê đều nằm ở dạng: Bản đồ thể hiện trên phim, sách và trong ứng dụng
đều thể hiện theo yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông, bị người
Việt miệt thị là “đường lưỡi bò”!
Ông Vương Trọng Tín - tác giả “Không thể mãi
chạy theo đường lưỡi bò” – cho rằng, sỡ dĩ “đường lưỡi bò” có thể đi xuyên qua
các “cửa”, kể cả những “cửa” được dựng lên để “kiểm duyệt” như… Hội đồng Duyệt
phim Quốc gia là vì các cá nhân có liên quan thiếu cảnh giác và hời hợt về “nhận
thức chính trị” trong khi Trung Quốc hết sức thâm hiểm, tìm đủ cách để quảng bá
cho yêu sách phi pháp của họ. Cũng vì vậy, cả hệ thống phải liên tục “chạy
theo” để xử lý khi chuyện trở thành “đã rồi”.
Ông Tín cho rằng, đã đến lúc phải “tự vệ một
cách chủ động” và phải đủ tinh tế để không rơi vào “những cài cắm giống như những
cái bẫy hết sức tinh vi”. Nhận định này tuy đúng nhưng nhìn một cách tổng quát,
bài viết của ông chưa… thấu đáo.
Cần phải
phân tích sâu, tại sao các viên chức hữu trách ở đủ mọi cấp, mọi ngành và nhiều
lĩnh vực lại thiếu “cảnh giác” và hời hợt về “nhận thức chính trị”. Ví dụ việc
bất chấp tham vọng của Trung Quốc, vẫn đề cao “tinh thần bốn tốt” và “16 chữ
vàng” trong một thời gian dài, vẫn tìm mọi cách duy trì “tình hữu nghị” với
“người bạn lớn xã hội chủ nghĩa”, kể cả gửi các cán bộ trụ cột của đảng, của hệ
thống công quyền sang Trung Quốc để nhận… “bồi dưỡng”, có phải là nguyên nhân
không?
Nếu các scandal vừa kể không khiến công chúng
bừng bừng phẫn nộ. lên án hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì “ta” có
“chạy theo” để xử lý không? Những người như ông Tín và các đồng chí của ông có
bao giờ tự hỏi, tại sao càng ngày dân chúng càng “nhạy cảm” với những yếu tố có
liên quan đến chủ quyền lãnh thổ không? Sự “nhạy cảm” đó có liên quan gì đến những
chuyện, kiểu như, không viên chức hữu trách nào dám trực tiếp lên án Trung Quốc
xâm phạm biển Đông không?
-------------------------
Chú thích
No comments:
Post a Comment