Friday, November 8, 2019

BẰNG CHỨNG HAY THÁI ĐỘ? (lam hồng nguyễn)





Sự kiện Operation Smile kỷ niệm 30 năm thành lập tổ chức này tại Việt Nam vào ngày 10/11 sẽ không có mặt Thành Long. Đây là lần hiếm hoi, sự phản đối của cộng đồng mạng đã nhanh chóng đạt được kết quả.

Trước và sau sự kiện, không ai phản đối, bài xích gì công việc, mục đích của Operation Smile. Mọi phản đối, tẩy chay đều nhằm vào vai trò đại sứ vì trẻ em của Thành Long. Một số người tỏ ra “tỉnh táo, khách quan, công bằng và có...cái đầu” đã tỏ ý hoài nghi, rằng dường như làn sóng tẩy chay vừa qua với đông đảo người dùng mạng tham gia là chưa thỏa đáng, là cảm tính hoặc bị dẫn dắt. Nhiều người hoài nghi vì không tìm thấy ở đâu bằng chứng cụ thể chứng tỏ Thành Long có hành vi hay tuyên bố ủng hộ yêu sách đường lưỡi bò chín đoạn trên Biển Đông của Trung Quốc. Đưa thêm lý do này vào, bên cạnh lý do Thành Long quá “thân cận” với chính quyền Trung Quốc, phản đối dân chủ ở Hongkong hay sự chỉ trích cách đối xử riêng tư với gia đình, con cái của Thành Long chỉ chứng tỏ rằng người tẩy chay có xu hương cảm tính, bị tinh thần dân tộc cực đoan che mờ lý trí. Thận trọng hơn, nhiều người đã đưa ra yêu cầu: ai có bằng chứng gì về chuyện Thành Long ủng hộ đường lưỡi bò, xin chia sẻ?

Tôi muốn dừng lại ở điểm này.

Nhận thức, hiểu biết xã hội là cả một quá trình, không đơn giản chỉ là sự tiếp nhận thông tin về một sự kiện, một vụ việc xảy ra trong một thời gian cụ thể. Khuynh hướng và quan điểm của một con người cũng vậy. Nó không chỉ và không thể được xác lập hay khẳng định qua chỉ một thông tin như bằng chứng để làm điều kiện đủ.

Thời gian qua, Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội không gian và thời gian để tuyên truyền cho cái gọi là chủ quyền đường lưỡi bò chín đoạn phi pháp của họ. Hình chữ U đứt khúc được in trên bản đồ, trên hộ chiếu, trên sách giáo khoa, trên phim ảnh, đĩa nhạc, trên thiết bị dẫn đường xe hơi, trên các ấn phẩm quảng cáo, trên áo cho du khách Trung Quốc mặc khi ra nước ngoài... Đường lưỡi bò được nhắc đến trong mọi tuyên bố, mọi phát biểu của quan chức Trung Quốc, của hướng dẫn viên du lịch hợp pháp và bất hợp pháp, trên cả lời thuyết minh trong bảo tàng và bài giảng cho học sinh tiểu học.

Ngụy tạo lịch sử, dối trá tuyên truyền không chỉ là công việc thường xuyên của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc. Họ còn có hẳn một Hội nghị quốc gia tham vấn chính trị nhân dân Trung Quốc (Committee of the Chinese People’s Political Consultative Conference, CPPCC), có nhiệm vụ không khác gì một Hội nghị lập hiến, có vai trò tương tự như Thượng Viện không chính thức chuyên tư vấn chính trị. CPPCC có 2.158 thành viên, 2/3 trong số đó là người của ĐCS Trung Quốc, 1/3 trong đó được cử ra bởi Mặt trận Thống nhất (tương tự Mặt trận Tổ Quốc của Việt Nam). Trong số này có 124 người Hongkong.

Mỗi năm CPPCC chỉ họp một lần, cùng thời gian với phiên họp toàn thể của Đại hội nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) . Hai phiên họp toàn thể của CPPCC và NPC thường được gọi là "lưỡng viện", đều nhằm đưa ra các quyết định chính trị quan trọng ở cấp quốc gia.

Từ đầu năm 2013, Thành Long là một trong những thành viên người Hongkong được chỉ định vào hội nghị đặc biệt, cơ cấu quyền lực hàng đầu có nhiệm vụ tư vấn chính trị cho ĐCS Trung Quốc này. Thành Long là nhà tư vấn chính trị hàng chóp bu trong lĩnh vực phim ảnh. Điều này khác rất xa việc “không am hiểu chuyện chính trị” như Thành Long đã nói và nhiều người đã tin. Không chỉ là một diễn viên, Thành Long còn có vai trò một chiến lược gia quan trọng trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật – giải trí nhằm “củng cố lòng tin vào nguồn gốc văn hóa của Trung Quốc ngoài lục địa và giới thiệu đến thế giới những câu chuyện về Trung Quốc”, tạo ra và lan tỏa ảnh hưởng quyền lực mềm cho chính sách của của Tập Cận Bình ra thế giới. Theo The Economist ngày 23- 3- 2017, mỗi năm Trung Quốc dành một kinh phí khổng lồ 12 tỉ đô cho mục tiêu truyền bá quyền lực mềm này.

Trả lời phỏng vấn, Thành Long đã từng khẳng định rằng chất lượng cao là chìa khóa để phim Trung Quốc đi ra nước ngoài thành công, đồng nghĩa lan tỏa rộng văn hóa và quan điểm của Trung Quốc. Một trong những “tác phẩm điện ảnh” mà Thành Long hết lời ca ngợi là phim “Chiến dịch Biển Đỏ”, năm 2017 đã khiến người Việt phải phản đối kịch liệt vì cuối phim có lời đe dọa “sẽ làm điều tương tự”, tức tấn công quân sự để “bảo vệ quyền lợi Trung Quốc” ở biển Đông, trong đòi hỏi phi pháp về cái gọi là đường lưỡi bò chín đoạn.

Chẳng lẽ chừng đó chưa đủ thể hiện khuynh hướng chính trị của Thành Long, chưa đủ để nhìn thấy vai trò và đóng góp của diễn viên này trong mục tiêu xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, chỉ vì chưa tìm thấy ông ta có bất kỳ tuyên bố cụ thể nào về điều mà những người thích lấy hoài nghi làm kết luận?

Đối với chủ quyền quốc gia, dù trên bộ hay trên biển, chúng ta không thể trang bị hiểu biết theo kiểu “có nghe, có thấy” mới hiểu, có sự kiện xảy ra mới được coi là bằng chứng. E rằng, khi đó thì đã quá muộn.

Tôi tẩy chay Thành Long trong một sự kiện nhưng chắc chắn sẽ không ném đá hay xua đuổi Thành Long, và nhiều diễn viên bất đồng khác, vì họ đến Việt Nam. Tôi tin rằng, không chào đón sự có mặt của Thành Long trong vai trò đại sứ của một chương trình diễn ra trên đất Việt không đồng nghĩa với việc phủ nhận tài năng hay công kích tư cách cá nhân của diễn viên này. Đó là một việc cần làm và nhiều người đã làm, không ai coi đó là chiến thắng. Đồng tình, phản đối hay im lặng với Thành Long, đó là quyền tự do của mỗi người. Nhưng đó cũng là một cách để chúng ta bày tỏ thái độ với Trung Quốc. Không ai đánh giá vì bạn đã làm hay không làm điều đó. Chỉ bạn hiểu mình hơn ai hết, khi quyết định làm hay không làm, hay đơn giản chỉ là im lặng.

Photo: Action movie star Jackie Chan speaks to journalists on the sidelines of a meeting during the first session of the top political advisory body in Beijing on Tuesday. [Jiang Dong/China Daily, 2018-03-07]







No comments: