Wednesday, July 11, 2018

VÌ SAO VIỆT NAM THẤT BẠI (FB Thương Một Người)





Tít bài này nhại lại tựa sách Vì sao các quốc gia thất bại của Daron Acemoglu và James A. Robinson.

Những dẫn chứng từ lịch sử, địa lý, văn hoá, kinh tế cho thấy nguyên nhân thất bại của các quốc gia nghèo đói nằm ở 3 yếu tố: Công nhận quyền tư hữu, thể chế dung hợp và phá hủy sáng tạo. Sở dĩ một số nước đã bước vào giai đoạn thịnh vượng không phải con người ở quốc gia đó thượng đẳng hơn số đông các quốc gia nghèo đói mà là họ đã tôn trọng 3 yếu tố trên. Quyển sách không nhắc đến Việt Nam như một điển hình của nghèo đói nhưng những đặc điểm của một quốc gia thất bại lại... rất hợp với dáng em.

Công nhận quyền tư hữu

Ở Nhà Bè, TP.HCM, một công ty bất động sản cấu kết với chính quyền thu hồi đất của người dân với giá bồi thường 25k đồng/m2. Sau đó, công ty này phân lô bán nền, xây nhà và bán ra thị trường với giá 350 triệu đồng/m2.

Bất cứ một người nào, ngoại trừ bị thần kinh cũng đều nhận thấy đây là một chính sách cướp trắng trợn. Nhưng rủi thay, nó lại không phải là trường hợp cá biệt mà đã trở thành chuyện rất bình thường. Điều bình thường xảy ra đến nỗi, ở Việt Nam, tỉnh thành nào không có chuyện cướp đất trắng trợn như thế, tỉnh đó có khả năng bị xem là không bình thường hoặc lãnh đạo tỉnh đó bị thần kinh.

Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu thì gọi chính sách đó với cái tên khác, chính sách tước đoạt. Thể chế tước đoạt sẽ không khiến cho người dân có đủ niềm tin xây dựng một tương lai chắc chắn. Dĩ nhiên, dù các chuyên gia vẫn đang cố gắng kêu gào chính quyền chấp nhận quyền tư hữu đất đai nhưng dường như điều này đi ngược lại triết lý của thể chế cộng sản, đất đai sở hữu toàn dân.

Khi nào quyền tư hữu về đất đai, tư liệu sản xuất chính của quốc gia thiên về nông nghiệp chưa được công nhận, khi đó, nghèo đói vẫn sẽ là bức tranh ảm đảm của một đất nước thất bại.

Tuy nhiên, thể chế tước đoạt đâu chỉ thể hiện ở bất công về đất đai. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, 3 lần đổi tiền khiến cả đất nước kiệt quệ cũng chính là công cụ của tước đoạt. Không riêng Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Aghentina cũng từng làm thế.

Khi 100.000 đồng, qua một đêm chỉ còn lại 10 đồng thì phần tiền 99.990 đồng bị mất đã bị nhà nước cướp một cách có hệ thống. Với một thể chế tước đoạt như thế, quyền tư hữu về tài sản, vốn là quyền thiêng liêng của con người đã bị chà đạp bởi những người mang danh là lãnh đạo quốc gia.

Việt Nam đã trải qua 3 lần cướp cạn kinh hoàng cho nên khi đồng nội tệ đang hồi lạm phát, nhắc đến đổi tiền, những người thuộc hàng tuổi U50 - 60, ai cũng “nóng lạnh mẹ”.

Đấy, thể chế tước đoạt là như vậy đấy, làm sao quốc gia thịnh vượng?

Thể chế dung hợp

Thể chế dung hợp được hiểu là một bộ máy nhà nước có khả năng điều chỉnh những khuyết tật. Nó sẽ nhanh chóng nhận ra những rủi ro mà quốc gia sẽ đối mặt nếu những điều luật thông qua gây hại cho người dân.

Ở các nước phương Tây, người ta khó có thể có những chính sách gây hại cho số đông bởi bất cứ chính sách nào cũng phải thông qua lá phiếu của cử tri.

Hàng đống những ví dụ điển hình cho thảm họa chính sách quốc gia ở Việt Nam là những ví dụ điển hình cho một nhà nước đã không biết lắng nghe dân, cam kết quyền lợi cho số đông. Chính vì thế, những chính sách pháp luật quốc gia đã không dung hợp với cuộc sống.

Một quốc gia muốn tiến tới thịnh vượng, thể chế đó phải dung hợp chứ không phải là một thể chế tự đặt lợi ích nhóm, đảng phái lên trên quyền lợi quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, từ mật ước Thành Đô đến quá trình xây dựng hiến pháp, pháp luật ở Việt Nam đã cho thấy, thể chế cộng sản khó có thể hỗ trợ quốc gia Việt Nam đến với con đường thịnh vượng.

Trong khi đó, chính nó đang tự chứng minh con đường về với nghèo đói, lạc hậu rất thênh thang cho người Việt, nước Việt.

Phá hủy sáng tạo

Phim Bụi đời Chợ Lớn. Tôi đã không biết nội dung phim ra sao vì đã không có dịp được tới rạp xem nó trong đời này. Lý do, hội đồng duyệt phim của Việt Nam đã không cho ra rạp vì nó có những cảnh máu me, ghê rợn.

Làm phim mà không cho máu me, không cho ghê rợn, thì chỉ có thể đó là phim cấp 3 bệnh hoạn.

Ở một đất nước mà sự sáng tạo bị kìm hãm. Những lời thoại phim vô nghĩa, nội dung bị kiểm duyệt từng mm hình ảnh thì tự nó đã giết chết sáng tạo.

Sáng tạo đã khó. Phá hủy sự sáng tạo để sáng tạo ra một cái mới sáng tạo khác lại càng khó hơn.

Những phát minh đã biến đổi nhân loại, nhiều thứ đã từng là vật rất sáng tạo như: pin, đèn pin, là bàn, đồng hồ, điện thoại... nhưng ngày nay nó đã quá tầm thường. Những thứ đã từng sáng tạo đấy đã bị phá hủy để trở thành một chức năng nhỏ trong chiếc smartphone. Nay thì người ta đang tiến đến công nghệ 3D printing để xoá sổ những công đoạn của thời công nghiệp.

Thế giới không ngừng phá hủy sáng tạo để sáng tạo những thứ mới. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một quốc gia sống vì sự kìm hãm. Nếu nhắc đến báo chí, người ta nhớ Ban Tuyên giáo. Nhắc đến ca sĩ, người ta sợ Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhắc đến nhạc, người ta lại ngại Bộ Văn hoá TT và Du lịch...

Người dân cứ sợ và bị kìm hãm dẫn đến sợ hãi chính là an toàn. Nhưng sáng tạo và phá hủy sáng tạo về bản chất chưa bao giờ là lựa chọn an toàn. Chính vì nó không an toàn nên nó mới an toàn, và ngược lại.

Ông tổng thống Mỹ Obama đã từng chửi nước Nga của Putin đại ý, nước Mỹ vĩ đại vì có những bộ phim hay của Holywood và những sản phẩm công nghệ của smartphone. Trong khi nước Nga chỉ trông chờ vào việc đào khoáng sản.

Việt Nam giống nước Nga một cách kỳ lạ, đến cả đào khoáng sản cũng giống.

Mặc dù đó chỉ là những yếu chính khi tôi đọc xong quyển Tại sao các quốc gia thất bại. Tuy nhiên, đó chưa phải là những nguyên chủ yếu.

Việt Nam có một hành trình quá khác biệt và mang nhiều khuyết tật của chia rẽ, hận thù và độc ác.

Chia rẽ Bắc Nam, lương giáo, vùng miền, giới tính...

Triết lý của người Việt sai lầm khi học khuôn mẫu Khổng - Nho dẫn đến coi thấp người phụ nữ và không thể sáng tạo một nền nghệ thuật đủ tầm.

Độc ác bởi sự diệt vong các triều đại không bao giờ là cuộc chuyển giao êm đềm.

Muốn giải quyết những câu hỏi tại sao trên, người Việt đang cần một cuộc chuyển đổi từ tâm thức, lòng tự trọng và khoan dung.

Trên hết đó là sự hoá giải dựa trên tự tình dân tộc tránh đỗ vỡ như đã từng xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử.

Mục đích cuối cùng của người Việt là một đất nước thịnh vượng. Cho nên, giải quyết sao để đạt mục đích đó chứ không phải là một Việt Nam tao loạn với những toan tính phe nhóm đầy hận thù ác độc.









No comments: