Thursday, July 12, 2018

VỀ NHÂN VẬT CHÍNH TRỊ (Nguyễn Đình Cống)




Nguyễn Đình Cống
12/07/2018

Ông Hà Sĩ Phu vừa có bài “Cảnh báo việc quen gọi tham nhũng là nội xâm”, đăng Báo Tiếng Dân ngày 11/7/2018. Bài viết vạch ra nhầm lẫn cơ bản của Nguyễn Phú Trọng khi đồng nhất tham nhũng với giặc nội xâm. Ông Phu cho rằng “nội xâm” là tội ác chính trị, đó là một nhóm người trong nước, cướp quyền của dân, dùng chế độ độc tài để thống trị. Tham nhũng là tội ác về kinh tế, cần bài trừ tận gốc, nhưng nội xâm về chính trị nguy hiểm hơn nhiều, nó kéo lịch sử tụt lùi, đẩy dân tộc vào bế tắc. Giặc nội xâm này do một số nhân vật chính trị cầm đầu.

Ông Phu nhận định: “Với một nhân vật Chính trị thì “con người cá nhân” không quan trọng bằng “con người chức năng”. Chức năng của họ là dẫn dắt, điều hành dân tộc, nếu dẫn dắt đi lầm đường, đi vào ngõ cụt, đi vào nguy hiểm thì tội cực lớn, trong khi có thể hắn không tham nhũng nhiều về kinh tế, và có thể vẫn giữ được tư cách đạo mạo, không mắc những điều đạo đức thông thường hoặc những khiếm khuyết dễ thấy về tác phong ứng xử”.

Nhân nhận định này tôi xin tán rộng ra vài ý. Trước tiên viết lại 3 chuyện cũ.

Chuyện 1: Thời nhà Lý, Tô Hiến Thành (1102-1179), là Tướng quốc, quan phụ chính cho vua còn bé. Cấp dưới ông có Vũ Tán Đường, trung thành và mẫn cán, được ông yêu mến và tin cậy. Khi Tô Hiến Thành ốm sắp chết, Hoàng hậu hỏi xem ông đề cử ai thay, Tướng quốc cử Trần Trung Tá. Hoàng hậu rất ngạc nhiên vì Tá không phải người thân cận của Tô Hiến Thành. Trong thời gian dài, kể cả khi Tướng quốc ốm đau, không thấy Tá đến nhà thăm hỏi. Để trả lời sao không cử Đường mà cử Tá, Tô Hiến Thành nói:
Kính thưa Đức Bà. Đối với hạ thần, Tá và Đường, về mẫn cán thì hai người như nhau, nhưng viễn kiến của Tá hơn Đường. (viễn kiến: tầm nhìn xa). Vì vậy cử người lo việc nước thì thần xin cử Tá, còn nếu cần người hầu hạ trung thành thì thần sẽ chọn Đường.

Chuyện 2: Thời Đông Chu bên Tàu (khoảng 7 00 năm trước CN). Bão Thúc Nha và Quản Trọng là 2 người bạn thân, đều rất giỏi ở nước Tề. Khi vua Tề chết, hai người con tranh nhau. Bão Thúc Nha theo Tiểu Bạch, là em. Quản Trọng giúp người anh là anh là Củ, và trong 1 trận đánh Trọng đã bắn trúng Tiểu Bạch, mũi tên găm vào đai áo. Củ thất bại, chết, Tiểu Bạch lên ngôi. Vua định cử Bảo Thúc Nha làm Tướng quốc, nhưng Bão từ chối, xin tiến cử Quản Trọng là người tài giỏi hơn. Ban đầu vua không chịu, nói rằng ta bị hắn bắn, suýt chết, tha cho hắn khỏi chém đầu là may, không thể dùng tên phản tặc ấy. Nhưng sau khi được biết Quản Trọng thực sự có tài năng, vua đã dùng ông và ông đã giúp vua lập nên nghiệp bá chủ. Khi Quản Trọng ốm, sắp chết, vua hỏi ông tiến cử ai thay. Ông cử Thấp Bằng. Vua hỏi sao không cử Bão Thúc Nha. Quản Trọng thưa: Bão là vị quan có năng lực, cương trực, trung thành, nhưng viễn kiến kém, thường chỉ thấy cái lợi trước mắt nên không thể làm người đứng đầu triều đình.

Chuyện 3: Thời Hán Sở tranh hùng, cách nay khoảng trên 2200 năm. Hán vương Lưu Bang đang gặp nhiều khó khăn, rất cần người tài. Ngụy Vô Tri tiến cử Trần Bình, Hán vương phong Bình làm Đô úy, là chức quan cao. Bình đã nghĩ ra mưu kế hay, giúp Hán vương lập nhiều công lớn. Thế nhưng Bình bị một số tướng tá dèm pha, cho rằng ông đã từng theo Ngụy và Sở, từng nhận vàng của một số người đem biếu. Hán vương gọi Ngụy Vô Tri đến trách, tại sao lại tiến cử người có vấn đề về lý lịch và có biểu hiện tham nhũng.

Ngụy Vô Tri tâu: Thần biết Trần Bình trước có theo Ngụy, Sở và có một số nhược điểm trong cuộc sống, nhưng thần tiến cử là vì nhận thấy ông ta thực sự có tài năng mà Hoàng thượng đang cần, nếu Hoàng thượng thấy ông ta không có tài thì đuổi ông ta đi và thần xin chịu tội. Còn nếu Hoàng thượng cần một người có lý lịch trong sạch, để làm gương về đạo đức thì người đó không phải là Trần Bình, để thần xin đi tìm người khác.

Sau đó Hán vương gọi Trần Bình đến trách. Bình tâu: “Thần thờ Ngụy vương, Ngụy vương không biết mưu kế của thần, cho nên thần bỏ đi thờ Sở Vương Hạng Vũ. Sở vương không biết tin người, những người ông ta yêu chẳng qua chỉ là họ Hạng và anh em bên vợ, tuy có kẻ sĩ tài năng cũng không chịu dùng, nên thần bỏ Sở theo Đại vương. Thần nghe Đại vương biết dùng người, cho nên mới mình trần mà sang đây. Nếu thần không lấy vàng thì không có gì dùng, nếu như mưu kế của thần có cái gì có thể dùng được, thì xin đại vương dùng; nếu không dùng được thì số vàng vẫn còn ở đấy cả, thần xin gói lại nộp vào của công, xin được từ chức mà về. ”.

Hán vương xin lỗi, lại tăng chức cho Bình và Trần Bình trở thành một trong vài người có công đầu triều đại nhà Hán.

Bình luận

Hà Sĩ Phu nhận định: “Với một nhân vật Chính trị thì ‘con người cá nhân’ không quan trọng bằng ‘con người chức năng’.” Đó là nhận định rất chuẩn. Cả 3 chuyện trên đều đề cao con người chức năng. Ngoài ra còn có thể kể hàng ngàn, hàng vạn chuyện khác tương tự trong lịch sử, trong cuộc sống để minh họa.

Con người cá nhân thể hiện bởi tính tình, đạo đức, tác phong, nó thể hiện ra bề ngoài dễ thấy, nó có thể ngụy trang bằng cách đóng kịch để thể hiện ta đây có cuộc sống giản dị, là người tốt, biết quan tâm đến mọi người v. v… Con người chức năng thể hiện tư tưởng theo đuổi, bởi mong muốn sâu kín và mãnh liệt, bởi chủ thuyết và con đường mà họ dẫn dắt mọi người đi theo, bởi kết quả cuối cùng công việc họ làm cho dân cho nước.

Rất khó để người ngoài biết được mong ước sâu kín của ai đó vì điều mong ước nói ra cho mọi người nghe bao giờ cũng tốt đẹp, còn mong ước thật được giấu kín thường khác với điều công khai.

Thí dụ ông Võ Kim Cự, khi cho Formosa thuê đất Kỳ Anh 70 năm, nói ra mồm là vì sự phát triển của Hà Tĩnh, còn mong ước thầm kín là kiếm vài triệu đô la tiền đút lót.

Thí dụ Chu Nguyên Chương, nói ra mồm rằng nguyện vọng thiết tha nhất là đánh đuổi bọn thống trị nhà Nguyên, giành độc lập cho dân tộc Trung Hoa, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, nhưng khát khao cháy bỏng được giấu kín là làm hoàng đế triều Minh (bên Tàu).

Đứng đầu một nước, một tổ chức là điều mà nhiều nhân vật chính trị rất thèm muốn và giấu kín.

Như vậy, nhân vật chính trị hàng đầu, mặc dầu nêu gương đạo đức cần kiệm liêm chính, tác phong giản dị, gần gủi quần chúng v. v… để cho người khác học tập, mặc dầu vẫn giữ được vẻ đạo mạo, không có biểu hiện tham nhũng kinh tế (nghĩa là con người cá nhân hoàn hảo), nhưng con người chức năng không đạt yêu cầu thì vẫn là kẻ công ít tội nhiều, thậm chí có khi trở thành tội phạm chính của dân tộc.

Con người chức năng của nhân vật chính trị cấp cao thể hiện ở chỗ dẫn dắt dân tộc đi theo con đường nào, nếu dẫn dắt đi lầm đường, đi vào ngõ cụt, đi vào nguy hiểm thì tội cực lớn. Để đánh giá nhân vật chính trị không thể dùng sự tốt đẹp bên ngoài của con người cá nhân (mà một phần có thể do đóng kịch) để che lấp sự thiếu sót và sai lầm của con người chức năng. Để đánh giá một nhân vật chính trị phải chủ yếu dựa vào con người chức năng. Nhân dân theo họ, rất quan trọng và chủ yếu là theo con đường họ dẫn dắt chứ không phải là học tập, noi gương đạo đức và tác phong. Đành rằng đạo đức và tác phong của nhà chính trị cũng khá quan trọng, dễ gây ảnh hưởng.

Về con người cá nhân, Park Chung Hee, Lý Quang Diệu và Trump chịu một số phê phán, nhưng con người chức năng của Pắc và Lý là tốt nên đã tạo ra Nam Hàn và Singapore phát triển, con người chức năng của Trump là mạnh mẽ nên đang làm chuyển biến nước Mỹ và thế giới.

Con đường đã sai thì dù có học được vài tác phong tốt chẳng thể bù đắp lại những tai họa do con đường sai gây ra, còn nếu tác phong đó do đóng kịch mà có, nghĩa là trong đó có dối trá, thì tai họa càng chồng chất.








No comments: