Tuesday, July 17, 2018

QUẢN LÝ BÁO CHÍ MỸ : KHÔNG GIẤY PHÉP, KHÔNG KIỂM DUYỆT, KHÔNG THẺ NHÀ BÁO (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)





Posted on 17/07/2018

Nếu xem những quy định quản lý báo giới truyền thông trên thế giới là rừng, Hoa Kỳ có thể được xem là một tên lâm tặc. Hắn không thích sự hiện diện dày đặc của rừng cho lắm.
Nếu Hoa Kỳ là cái nôi của cách dùng từ “fake news” (tin giả), Hoa Kỳ cũng là quốc gia duy nhất có người dân tự tin rằng fake news hoàn toàn có thể bị đánh bại bởi chính các định chế tự do ngôn luận sẵn có của Hoa Kỳ mà không cần sự can thiệp của bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào.

Đôi khi, không phải việc cứ nhiều người làm là đúng; phần đông thực hiện là chúng ta nên đi theo. Và người viết luôn tin cơ chế kiểm soát báo chí – truyền thông của Hoa Kỳ, dù không hẳn là hoàn thiện tuyệt đối, sẽ luôn là cơ chế bảo vệ quyền tự do ngôn luận tốt nhất, với cơ quan kiểm soát phù hợp nhất, và cân nhắc tới quyền lợi của các chủ thể xã hội khác một cách hài hòa nhất.

Quản lý báo chí Hoa Kỳ: Thoáng mát như Hawaii

Quản lý báo chí của Hoa Kỳ là gần như không quản lý gì cả.

Khi được hỏi bạn cần những giấy phép gì để có thể hành nghề nhà báo, để có thể mở và vận hành một tờ báo, một trang tin tức; nhiều người Mỹ sẽ nói vui rằng: “You already have it! It’s our bill of rights” (Bạn đã có nó rồi mà! Tuyên ngôn nhân quyền của chúng ta đấy!)
Tuyên ngôn nhân quyền nói chung, và Tu Chính án thứ Nhất nói riêng, vốn nghiêm cấm Quốc hội thông qua bất kỳ đạo luật nào hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, trở thành nguồn sinh lực và thành trì bảo vệ tự do báo chí Hoa Kỳ gần như tuyệt đối.

Về mặt tổ chức, không cơ quan nhà nước nào có thể cấp giấy phép để thành lập một tờ báo. Như đã nói, tự do báo chí là quyền hiến định với Tu chính án thứ Nhất, vậy nên không luật nào có thể được xây dựng và ban hành tại Hoa Kỳ với tư tưởng cấp, xét duyệt việc thành lập một tờ báo.

Hiển nhiên, còn tùy thuộc và việc bạn muốn thành lập tờ báo đó dưới mô hình tổ chức kinh doanh nào, hoặc giả sử nếu bạn muốn tờ báo hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận; pháp luật của từng tiểu bang sẽ có những quy định đăng ký tương ứng. Nhưng có một điều chắc chắn là loại hình hoạt động báo chí, trang tin tức của bạn không thể bị kiểm soát hay yêu cầu giấy phép, phê duyệt gì cả.

Đến đây, người viết sẽ bị nhiều học giả hiểu biết về pháp luật Hoa Kỳ phản ứng nếu không nhắc đến FCC – Federal Communications Commission – tạm dịch là Hội đồng Truyền thông Liên bang. Dù báo giấy và báo mạng gần như không thể động đến, các đài phát thanh, đài truyền hình sóng sẽ bị FCC kiểm soát. Căn cứ lý thuyết cho quyết định này, và nhận được sự đồng thuận tương đối của người dân Hoa Kỳ, là bởi vì những loại hình tin tức nói trên sử dụng hệ thống tần sóng vô tuyến (airwaves), một loại hình tài sản công cộng.

Do đó, FCC có khả năng xử phạt những đài phát thanh, truyền hình vô tuyến nếu họ vi phạm tiêu chuẩn phát sóng hay thậm chí rút giấy phép phát sóng. Một vài ví dụ cụ thể, FCC đã từng phạt phát thanh viên Howard Stern nhiều lần vì sử dụng từ ngữ tục tĩu và gợi dục không cần thiết.

FCC cũng đưa ra án phạt rất nặng với đài CBS vì “sự cố trang phục” của Janet Jackson trong chương trình giải trí giữa giờ của Super Bowl 2004. Tuy nhiên, đến năm 2011, tranh chấp giữa CBS và FCC đã phải giải quyết trước Tòa Phúc Thẩm khu vực 3, với phần thắng tạm thời thuộc về CBS, do những tiêu chuẩn không rõ ràng, thiếu minh bạch của FCC.
Tranh chấp giữa FCC và CBS cho thấy sức mạnh của nền tư pháp độc lập Hoa Kỳ. Và nó cũng gợi mở rằng FCC được xây dựng không phải để trở thành ông kẹ của nền báo chí quốc gia.

Năm 2017, Tổng thống Donald Trump cũng từng dọa nạt về việc “rút giấy phép” của đài NBC vì đưa nhiều tin tức “nói xấu” ông (và thật sự thì cũng có phần thô tục).

Tuy nhiên, những dọa nạt này nhanh chóng bị rơi vào quên lãng sau khi chịu chỉ trích từ nhiều nhóm bảo vệ quyền truyền thông số. Ông Harold Feld, Phó Chủ tịch Tổ chức Public Knowledge khẳng định cơ chế hoạt động của FCC sẽ không cho phép những thể dạng bố ráp tự do báo chí như vậy diễn ra. Việc rút giấy phép, đình chỉ truyền thanh, truyền hình của một đài phát sóng chỉ có thể xảy ra khi đạt tiêu chuẩn rất cao do FCC đặt ra. Ông này dẫn chứng nhiều vụ việc để chỉ khi chương trình phát thanh trực tiếp dẫn đến hệ quả chết người hay chủ sở hữu đài phạm các tội nghiêm trọng liên quan đến ấu dâm và xâm hại tình dục trẻ em thì họa may giấy phép phát thanh – truyền hình mới có thể bị xem xét thu hồi.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng FCC chỉ có thẩm quyền liên quan đến các công ty tin tức sử dụng tần sóng vô tuyến. Báo giấy và các hệ thống tin tức số đều miễn nhiễm trước thẩm quyền quyền của FCC.

Tổng thống Mỹ Trump liên tục cáo buộc CNN là hãng tin giả (fake news), nhưng CNN không bị đóng cửa, mà báo chí cũng có cách giễu lại ông bằng biếm hoạ như thế này. Tranh: Creators.com.

Về mặt nhân sự, Luật Khoa đã có cơ hội phân tích chi tiết về thẻ nhà báo Hoa Kỳ tại đây. Lời khẳng định của nhiều tòa tại Hoa Kỳ, kể cả Tối cao Pháp viện, đã cho thấy quan điểm “nhà nước không nên, và không thể có quyền quyết định ai mới được phép trở thành nhà báo” luôn được bảo vệ tuyệt đối. Người viết tâm đắc nhất với bình luận dưới đây của Tòa Thượng thẩm California:

“Chúng tôi cũng cho rằng, không có cơ sở hoặc nguyên tắc khả thi nào có thể phân biệt thế nào là hoạt động báo chí ‘hợp pháp’ hay ‘không hợp pháp’. Bất kỳ nỗ lực nào từ phía hệ thống tư pháp nhằm phân biệt hiện tượng trên sẽ là nguy hại nghiêm trọng đến quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận – nguyên tắc trọng yếu của Tu chính án thứ Nhất…”

Riêng về mặt nội dung của các loại hình báo chí, tin tức nói chung; không quá đáng khi cho rằng báo chí Hoa Kỳ bất khả xâm phạm. Miễn nhiễm trước các quyết định hành chính, bất kỳ ai (kể cả chính phủ) nếu có vấn đề với báo giới, buộc phải đưa vụ việc ra trước tòa, chứ không thể tự ý xử phạt.

Nhiều người cho rằng, báo chí đưa tin sai sự thật thì phải bị nhà nước phạt, phải bị đình bản, xứng đáng quá rồi, còn kêu ca gì.

Tuy nhiên, tin thế nào là tin sai sự thật? Tin đúng ý chính phủ, tin đúng chủ trương của chính quyền? Nếu đúng sai liên quan đến một lời phát biểu, ai sẽ là người diễn giải ý nghĩa câu phát biểu ấy? Người phát biểu? Họ có thể sửa đổi quan điểm của mình bất kỳ lúc nào.
Tại Hoa Kỳ, tin nào là thật, tin nào là giả, cứ ra tòa xử lý. Đấy là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ quyền lợi cá nhân trong môi trường tự do báo chí. Tác giả cũng từng phân tích 4 án lệ quan trọng định hình nền tự do báo chí Hoa Kỳ, và cho rằng bạn đọc nên tìm hiểu qua vì sự lý thú của nó. Trong đó, án lệ New York Times Company v. Sullivan có rất nhiều điểm tương đồng với tranh chấp về phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mà Tuổi Trẻ dẫn lại.

Với án lệ này, mọi hành vi bình luận, đưa tin tức về những vị trí công quyền đều được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ, thậm chí cả những bình luận tin tức sai, nếu họ không cố ý lăng mạ hay hạ thấp uy tín của công chức đó. Trong khi, người khởi kiện buộc phải chứng minh được lỗi của tờ báo, gọi là “actual malice” (tức đăng tin dù biết nó sai trái, hoặc cẩu thả không kiểm chứng), một nghĩa vụ gần như là không thể.

Nếu áp dụng án lệ vào vụ việc của Tuổi trẻ Online, Chủ tịch nước sẽ phải chứng minh rằng ông đã biểu đạt rõ ý rằng ông không ủng hộ thông qua luật biểu tình và không mong muốn chuyển lời của cử tri đến Quốc hội, nhưng Tuổi Trẻ vẫn cố tình hiểu sai và đăng thông tin sai sự thật.

Thành trì của tự do báo chí?

Người Mỹ luôn tự hào về tinh thần tự do ngôn luận và tự do báo chí của mình. Vậy nên trong làn sóng kiểm soát tin tức trên khắp thế giới, họ vẫn ngạo nghễ cho rằng mình không cần bàn tay của nhà nước.

Trang Heritage bình luận, những kẻ xảo trá và những tay buôn scandal thi thoảng sẽ thành công trong một hệ thống tin tức không kiểm duyệt, nhưng sự thật cuối cùng sẽ được sáng tỏ khi tin tức được lan truyền qua nhân dân, và quyền tự do ngôn luận giúp ai ai cũng có thể lật mặt những tin tức gian dối. Như Jefferson từng viết:

“Thật khó để vẽ ra một lằn ranh rõ ràng giữa lợi dụng báo chí và tận dụng báo chí một cách lành mạnh. Nhưng chúng ta thấy rằng sẽ là tốt hơn khi tin tưởng vào sự phán xét cuối cùng của cộng đồng… trong việc phân định sự thật hay giả dối.”

Đó là thứ mà người viết luôn cho là lý tưởng về một nền báo chí thật sự. Nhân dân cần minh bạch thông tin và tự do tiếp cận thông tin, không phải nền kiểm duyệt của những quan tòa tự phong.











No comments: