Monday, June 28, 2010

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (4)

Những câu chuyện về dạy và học (4)

Liêu Thái

28/06/2010 7:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=21672

.

Chuyện 1: Buổi trưa ở huyện Đại Lộc và người đàn ông đau khổ

Chuyện 2 – Chuyện của La

Chuyện 3 – Câu chuyện ở Huế – Thầy cô bớt đi nhà trọ đi…

Trong chuyến đi này, tôi đi nhiều tỉnh, nhiều huyện và nhiều mục tiêu khác nhau cho chuỗi phóng sự mà tôi sắp giới thiệu với quí độc giả. Mỗi câu chuyện như một mảnh rời của một chuỗi dài mối liên hệ nhân quả có liên quan trực tiếp từ vấn đề giáo dục, lịch sử và ý thức hệ. Trong những phóng sự này, tôi chỉ đưa ra những sự việc có thật mà tôi đã nắm bắt, đã “chớp” trên đường mình đi qua.

.

Chuyện 4 – Càng dạy nhiệt tình học trò càng hỏng…

.

Thay vì quay về Quảng Nam, tôi lại đi ngược ra Đông Hà – Quảng Trị theo lời mời của một anh bạn giáo viên. Anh ấy kể chuyện dạy, học, cách lựa chọn nghề ở vùng này và một số huyện ở Nghệ An, Thanh Hóa khá thú vị, dường như 90% người dân đều có ước mong con mình sẽ trở thành nhà giáo. Chính vì vậy mà thầy thì nhiều mà dạy học chẳng bao nhiêu, phải đi khắp các tỉnh để xin việc. Tôi hỏi vì sao không chọn nghề khác lại cứ nhằm vào nhà giáo mà chọn?

Anh bạn trả lời: “Theo tôi võ đoán thôi, vì họ thấy chiến tranh, chết chóc diễn ra ngay trước mắt, nhất là trận Mậu Thân – 1968, con đường từ Đông Hà lên Khe Sanh, Hướng Hóa là một cái mồ chôn xác người, là con sông máu trên mặt đất nên chi người dân ở đây họ tránh bất kì nghề gì dính đến chính trị, mà không có nghề nào thoát được chính trị tốt hơn là nghề dạy học. Nếu học nghề kĩ thuật, mai mốt có gì người ta bắt mình đi sửa xe tăng, làm vũ khí… Học luật thì càng dính đến chính trị. Chỉ có đi dạy học là khỏe! Tôi nghĩ là vậy!”.

Nhưng tôi lại thấy có chút gì đó của những vết nhơ đấu tố ruộng đất, của nạn đói và mù chữ trong những năm Pháp thuộc.

.

Đó cũng là một cách nghĩ, nhưng dù sao thì cũng phải gặp một vài giáo viên, vài ông hiệu trưởng để biết thêm chi tiết, thực hư ra sao. Tôi được anh bạn giới thiệu đến ông H. – một ông giáo già trước đây vốn là hiệu trưởng, có đời sống khá đặc biệt. Sau năm 1975, ngoài việc dạy học, sau đó làm hiệu trưởng quản lý các giáo viên, ông suốt ngày đạp xe đến thăm, giúp đỡ bà con dân tộc Vân Kiều, trồng và chăm sóc hoa hồng chỉ để cho một việc duy nhất là đến rằm hằng tháng, ông hái hoa đặt khắp các điểm bên lề đường 9 Khe Sanh, Hướng Hóa – con đường mệnh danh đại lộ kinh hoàng một thời – và một số ngôi mộ hoang, không ngoại trừ các mộ chiến sĩ cộng sản, vì theo ông:

“Cái chết nào cũng là cái chết, trước cái chết không có phe nhóm hay đảng phái nữa mà là sự mất mát không đáng có. Nhất là những người dân chết oan do chạy tản cư từ Huế lên Quảng Trị trong Tết Mậu Thân vì họ nhầm tưởng rằng ở đây an toàn hơn. Và họ tản cư theo những chiếc xe nhà binh, họ đu níu khắp thành xe, lúc đó nhà tôi ở trên này, tôi chui vào hang đá trên núi, từ hang nhìn xuống thấy từng đoàn xe đưa người tản cư lên đây nhưng rồi giữa đường, pháo kích của phe Cộng sản từ trên đồi nã xuống vì nghĩ rằng đó là xe quân đội Cộng hòa, anh có biết là xác người bốc ra khỏi xe nhìn thấy được… Làm sao mà tôi không nhang khói, không tưởng niệm những oan hồn ấy chứ? Đó là chưa nói có nhiều đêm trăng thanh, tôi còn nhìn thấy họ về… Đau khổ vô cùng anh ạ! Nhiều chuyện khó nói lắm, có lẽ do vậy mà tôi luôn nhìn thấy một dòng sông máu trên con đường này, nhiều lúc tôi nhìn thấy các học trò của mình đang giẫm lên những con đường máu với khăn quàng đỏ, quần xanh áo trắng, thật là…! Những bài học lịch sử à? Xạo, tất cả những kẻ chiến thắng đều nói xạo về sự thất bại vấy máu của mình, đó là lịch sử! Tôi là một giáo viên dạy sử. Nhưng tôi biết cách chuộc tội bằng những bó hoa mỗi rằm, suốt ba mươi mấy năm nay tôi làm vậy!”.

.

Tôi hỏi thêm về chuyện ông đã nhìn thấy những bóng ma như thế nào, chỗ nào là chỗ chiếc xe banh xác, chỗ nào là ngọn đồi người ta ngồi pháo kích. Ông chỉ cho tôi nhưng yêu cầu tôi không được chụp hình và không được kể câu chuyện hồn ma đã nói với ông những gì, cũng như không được nêu rõ danh tánh của ông. Tôi nói với ông là tôi sẽ không nêu tên ông, sẽ làm theo những gì ông bảo nhưng sẽ có những người khuất mặt biết tên ông, hiểu lòng ông, và bài học lịch sử của ông dạy cho con cháu mỗi rằm mới đích thực là bài học con người cần và cần cho cả những hồn ma. Ông cười mỉm.

Và, tôi giấu, không nói với ông là tôi đã nghe bạn ông kể rằng trong những năm đói kém, giáo viên như ông phải đi đào khoai mì mà cải thiện bữa ăn nhưng khi có lễ quốc khánh gì gì đó, cán bộ thị trấn đến mua hoa, ông không bán; tìm không ra hoa để làm lễ đài, mua ông cũng không bán, vậy là phải cử cán bộ cấp cao của huyện xuống mua, ông vẫn không bán. Nói kiểu gì ông cũng không bán. Cuối cùng người ta đe dọa ông. Ông đọc một bài thơ của Nguyễn Đức Sơn: Đụ mẹ bông hồng/ Mày đứng giữa đồng/ Sao mày không lao động… Rồi ông nói rằng ông chỉ bán bánh mì, hoa không phải của ông mà là của những người đã đổ máu và ngã xuống năm 1968. Ông không thể cướp trắng để tung hô cho một việc không bình thường… Năm đó ông về hưu non. Lại về trồng hoa. Người ta gọi ông là “ông già hoa hồng”.

.

Tôi tạm biệt ông, đến nhà người bạn vong niên cũng là đồng nghiệp của ông. Thầy K. trước đây ngoài việc dạy học, thỉnh thoảng còn lên tận cửa khẩu Lao Bảo “chẻ hàng” (vác thuê hàng lậu băng đường rừng tránh hải quan, biên phòng) về chợ Đông Hà cho các đầu nậu, mỗi tháng thầy đi chừng 4, 5 chuyến để cải thiện đời sống gia đình. Thầy K. nói rằng cũng chính vì ở đây quá dư thầy của ban xã hội mà các thầy ban tự nhiên thì có vẻ như thiếu nên ai dạy toán, lý, hóa đều no lưng ấm cật nhờ dạy thêm, chứ môn sử như thầy thì ngồi chơi xơi nước suốt ba tháng hè chẳng biết làm gì ngoài nghề cửu vạn. “Mà cửu vạn cho ai? Thì cho các nhà buôn, đầu nậu, cho kẻ buôn lậu, thì biết mình đang làm việc sai trái đấy nhưng chén cơm manh áo mà anh! Với lại thực ra mình không làm thì thiên hạ cũng làm đầy ra đấy, mà hàng lậu lại tốt, rẻ hơn hàng Việt Nam mới là khổ! Mà anh biết ai buôn lậu nhiều không? Các quan và người nhà của các quan, đám này chơi hàng cao cấp, bạo gan và lì đòn chẳng biết sợ ai, hàng lậu bây giờ là của nhà quan cung cấp cả đấy thôi!” – thầy K. tâm sự. “Không có gì khổ và nhục bằng cảnh ban ngày tranh thủ đi chẻ hàng, tối đến đi dạo xóm, nghe học trò ê a bài học mình dạy về đạo đức, về lịch sử, về lòng thật thà, sự dối trá… Nghe riết thành quen và thấy mình đang sống trong một đất nước dối trá, một bầu khí quyển giả tạo và luẩn quẩn áo cơm… Biết làm sao bây giờ! Công bằng à? Làm gì mà nghe lớn tiếng như vậy chứ? Không bao giờ có chuyện ấy đâu, ngay trong nhà trường, cùng là đồng nghiệp với nhau, nhưng anh đỏ [đảng viên] ăn hiếp anh không đỏ, anh đỏ có quyền lợi mọi mặt, anh không đỏ thiệt thòi trăm bề, dù học không ra gì nhưng anh đỏ lúc nào cũng được cất nhắc, lương bổng lợi lộc vẫn luôn dành cho anh đỏ trước, ngày tết hay ngày giỗ gì thì có đỏ có ngon cơm, không thì ngậm cười cho vui… Đó là chưa nói đến chuyện có những cái lợi tréo ngoe như thế này, anh đỏ bị kỉ luật do làm không tốt công việc hoặc sai phạm, thay vì mất việc hay giáng cấp, lại được tổ chức Đảng đứng ra bảo vệ, loay hoay sao không biết, vài hôm đã thấy lọt tọt lên ghế cao hơn. Như vậy làm sao chúng tôi có niềm tin, chúng tôi an tâm để mà dạy chứ…! Và chuyện dạy học, nói ra nghe buồn lắm!”.

.

Câu chuyện thầy K. kể cũng không hiếm thấy, không lạ gì. Tôi nhớ không lầm là tôi có một ông thầy giáo hồi cấp III, ông này vừa là bí thư đoàn trường, vừa là giáo viên dạy sử thuộc loại xoàng xĩnh nhất nhì trong trường nếu không nói là dỏm nhất nhì huyện. Nhóm chúng tôi thường gắn cho ông cái tên: Tiến Sĩ Gây Mê hoặc là “cái máy tụng chính trị”. Nhưng được cái hoạt động đoàn rất năng nổ, không chê vào đâu được, một đảng, hai đảng, ăn đảng ngủ đảng… Nhưng rồi đùng một cái ông bị kỉ luật vì tội đánh số đề hay bán số đề gì đó tôi không rõ lắm nhưng chắc chắn là có dính đến số đề. Trong lúc chờ kỉ luật thì ông xin chuyển công tác. Chừng nửa tháng sau thì không nghe ai nhắc đến ông thầy này nữa. Một năm sau, tình cờ tôi gặp ông trong quán nhậu ở Tam Kỳ, hỏi ra mới biết lúc này ông đã làm chuyên viên Sở Giáo dục, quyền thế đầy mình, nhà cửa bề thế. Ngồi uống vài ly, ông ra chiều triết lý: “Cuộc đời mà em, mình không có đất dụng võ ở huyện thì mình phải lên tỉnh mà trổ tài chứ!”. Tôi cười nói qua loa cho xong chuyện chứ “võ” ông cỡ nào thì hồi ông dạy tôi, tôi quá biết. Đó là chưa nói khi làm chuyên viên Sở Giáo dục, ông có trách nhiệm ra đề thi học kì cho các trường trong tỉnh. Nghe đâu ông ba lần ra đề thi nhầm mốc thời gian và làm cả học sinh lẫn thầy cô phải điêu đứng vì kiểu làm việc của ông.

.

Trở lại chuyện ở Quảng Trị và Nghệ An, càng đi tôi càng thấy ngao ngán đến mức chẳng muốn nghe, chẳng muốn viết thêm gì nữa. Thầy giáo thì kêu than chuyện lương bổng, kêu than chuyện cơm áo gạo tiền, đâu cũng chừng ấy. Tôi thử đặt câu hỏi cho mười người, trong đó tôi hỏi hai câu, một câu là họ có biết được hiện nay có bao nhiều đầu sách liên quan đến chương trình họ đang dạy hay không và họ thường tham khảo những sách nào. Câu trả lời của họ là không rõ lắm và không có thời gian để tham khảo sách ngoài chương trình giảng dạy do Bộ Giáo dục soạn. Và một câu nữa là họ có nguyện vọng như thế nào trong vấn đề dạy học, họ trả lời là mong được tăng lương. Có vẻ như động cơ của tiền lương mạnh hơn động cơ tri thức. Cái bụng cồn cào réo gọi to hơn cái đầu trăn trở, suy tư.

.

Thầy M. – hiệu trưởng một trường ở thị trấn Quan Hóa – huyện Quan Hóa – tỉnh Thanh Hóa nói với tôi sau một lúc ngồi nói đủ các chuyện và đọc thơ [ông này mê thơ Phùng Quán lắm]: “Thực ra ai mà chẳng có lý tưởng, nhất là lý tưởng nghề nghiệp, nghề liêm khiết, cao quí mình đã chọn, nhưng ông nghĩ như thế nào nếu là ông đang sống trong một guồng máy có quá nhiều tiêu cực, đến quà cứu trợ cho học sinh nghèo cũng bị xén, phần thưởng bị xén, mỗi lần xây trường hay đại hội gì là một dịp để các vị ăn chơi đú đởn, vung tiền qua cửa sổ, dắt học sinh đi thi học sinh giỏi thì không lo chăm sóc, hướng dẫn và động viên chúng mà chỉ chực chúng vào phòng thi là chui ra mấy tiệm gội đầu váy tai để giải trí, du hí… Nhân cách của thầy giáo như vậy thì bảo sao đất nước tiến bộ được. Mà hiện tượng này không phải là số ít đâu nhé! Nhỏ ăn nhỏ, lớn ăn lớn… Tôi nói vậy ông có ghi âm thì chịu khó cất riêng mà nghe nhé, đừng làm tôi khổ nữa nhé, tôi nói với ông là để chia sẻ, xả stress chứ không phải nói để lên cột đèn, mà có lên cũng chẳng sao, tôi mệt rồi! Hai mươi năm đỏ quá đủ rồi!”.

Thầy M. dừng nói, nhấp một ngụm trà và im lặng nhìn ra sân. Tôi định chào tạm biệt ông thì ông nói tiếp: “Ông nghĩ thử xem, tôi thấy hết sức vô lý, mình ở thời đại nào chứ, giáo viên chúng tôi lương ba đồng ba cọc, phải làm thêm, dạy thêm, cày xới đủ chuyện. Không an tâm được để mà dạy, nhiều thầy cô dạy ba năm mà mức lương cũng chỉ èo ọp xấp xỉ một triệu đồng mỗi tháng, trong khi đó mỗi sinh viên xài tiết kiệm gì đi nữa chi phí cũng phải trên một triệu đồng một tháng. Bán vàng, bán heo gà, bán lúa để đi học, khi ra trường lại phải lo lót tốn một mớ tiền cho các quan ngành giáo dục để rồi nhận lương không bằng người ta lượm mót như vậy thì nhà nghèo phải lâm nợ là cái chắc. Và khi đã lâm nợ hay túng quẫn rồi thì người ta phải nghĩ cách lấy lại tiền mình đã bỏ ra, lấy lại tiền để chữa cháy cho hiện tại là chuyện đương nhiên. Tiêu cực là tất yếu. Đó là tôi chỉ nói giáo viên thôi đó. Ông có biết là trong lúc một giáo viên với bao nhiêu công sức học tập khi đi dạy lương một tháng không bằng phí ăn ở đi lại một ngày cho một đại biểu trong cuộc họp Quốc hội hay không? Ông thử tính mỗi người một ngày ở khách sạn, máy lạnh, ăn uống, đi lại, tệ nhất cũng mất đứt một triệu đồng chi phí, con số này tôi biết nếu mang nó ra công khai trước nhân dân thì sẽ thấp hơn nhiều, nhưng tôi tin chắc là nó còn nhiều hơn nữa kia! Vậy gần năm trăm đại biểu, có phải mỗi ngày mất gần năm trăm triệu đồng, ông nhân cho hai tháng trời là sáu mươi ngày có phải là ba chục tỉ đồng không? Ba chục tỉ đó làm được rất nhiều việc cho giáo dục. Đó là chưa nói đến hàng đống các khoản tiền đen, tham nhũng… Trời ạ, một khi trên đã hỏng thì dưới làm sao mà nên được! Các đại biểu ấy cũng chẳng làm ra trò trống gì, lập ra ba điều bốn chuyện vớ vẩn gọi là luật, hiến pháp, đủ các trò, rồi lại sửa đổi. Kết quả thì nát bét ông thấy rồi đó. Vậy bảo chúng tôi làm gì chứ, dạy? Dạy cái đường các ông vạch ra, bọn tôi gân cổ lên dạy để các ông ngồi chơi xơi nước hưởng lộc a? Đôi khi thấy học trò hỏng cũng buồn lắm ông ạ, nhưng cái đà này dạy càng kĩ nó càng hỏng. Đất nước giống như một căn nhà bị mối mọt tứ bề, cột kèo vi lách gì đều ruỗng, đụng một chỗ là sập nhà, dạy gì chứ? Càng dạy nhiệt tình càng hỏng. Ông hiểu chứ?”. Tôi gật đầu, tạm biệt thầy M. đi gặp thêm một số thầy cô khác.

.

Trong lúc tôi nói chuyện với thầy M. trên chương trình truyền hình Hà Nội đang phát sóng trực tiếp buổi họp Quốc hội, các đại biểu đang bàn luận về chuyện nên hay không nên xây dựng đường sắt cao tốc, một đại biểu đứng lên phát biểu: “… Những đất nước có chỉ số IQ cao thì có đường sắt cao tốc, chúng ta là nước có chỉ số IQ cao, vậy chúng ta phải xây dựng đường sắt cao tốc…”. Thầy M. cười một trận hả hê và nói trong tiếng sặc: “… Tam… đoạn luận đó! Hay, hay… ra phếch!”.

Thầy M. tình nguyện dắt tôi đi thăm một số đồng nghiệp mà theo thầy là họ “đáng tin” hơn những người khác và họ cũng cởi mở trong nói chuyện hơn. Nhưng những người này, người đi làm đồng, người dạy hè, người đi “chẻ hàng”. Tôi chỉ có cơ hội nhìn qua một số tiện nghi của họ, có thể nói là mọi thứ gần như đầy đủ, ti vi, máy tính, máy giặt, đầu DVD, xe máy, thậm chí máy lạnh, tủ đứng bằng gỗ quí… Phòng khách khá sạch sẽ, tươm tất nhưng sao ít có nhà nào có một tủ sách cho ra bề phòng khách của một nhà sư phạm nhỉ?! Tôi lại nghĩ tiếp đến chuyện mình tham khảo thử có bao nhiêu người chịu bỏ công đầu tư, nghiên cứu cho tri thức của mình trong quá trình dạy học. Có lẽ chuyện này phải viết ở bài sau!

.

© 2010 Liêu Thái

© 2010 talawas

.

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (3)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (2)

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (1)

.

.

.

No comments: