Sunday, June 27, 2010

Về Nhà Thơ Thời Sự “ĐẢ CẨU BỔNG”

Con người đằng sau tên gọi 'Ðả Cẩu Bổng'

Hà Giang/Người Việt
Friday, June 25, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115147&z=1

Tác giả những bài vè trút nỗi ưu tư

Hỏi rằng họ có thực tài

Thưa không!

Trái trứng, quả xoài, zero!

Học theo kiểu của “Bác” Hồ

Một năm bốn lớp ô hô giỏi rồi

Ðoạt bằng tiến sĩ mà chơi

Thực tài chẳng có họ thời tính sao

Hỏi ông ông cứ ừ ào

Hỏi bà lúng túng nói sao bây giờ

Thì ra tiến “dổm” ơ hơ

Bằng tiến sĩ ấy bây giờ treo đâu?

Hay là treo ở chuồng trâu?

Cho con chó cún gâu gâu sủa mừng...”

Ðó là những câu vè thời sự do tác giả “Ðả Cẩu Bổng” chuyển đến nhật báo Người Việt qua hình thức “độc giả góp ý” với bài viết “Quan chức Việt Nam ‘làm tiến sĩ’ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh!”

Trước đó không lâu, cũng qua mục “độc giả góp ý,” tác giả này gửi đến bài vè bày tỏ “chính kiến” về bài “Tướng công an Vũ Hải Triều bị tố 'đội trên đạp dưới.'”

“Ông” là trung tướng công an

To gan lớn mật, uống thang thuốc liều!!

Ông khoe dùng những độc chiêu

Sập nhiều trang “web,” nghe yêu quá mà!!

Ðàn ông nghe chuyện: “Ái cha!”

Ðàn bà hiểu chuyện miệng la toáng liền

Mắng rằng: Rõ thứ khùng điên!

Lưu manh đốn mạt nhất trên đời này!!

“Thông tin xa lộ mà bay

Ðánh sập hết cả là mày đấy ư?”

Cái đồ mặt thịt, thối hư

Hải Triều họ Vũ kể như thằng đần

Bênh vực chế độ bất nhân

“Phản dân hại nước, cái quân mặt dầy!”

Ngoài nhật báo Người Việt, những bài thơ, vè, đầy mỉa mai, châm biếm, có khi rất gay gắt của “Ðả Cẩu Bổng” còn được phổ biến trên các trang báo mạng như Vietland, và đa số các diễn đàn điện tử. Vì thế bút hiệu “Ðả Cẩu Bổng” - có nghĩa là “gậy đánh chó,” một món võ của Cái Bang trong truyện Anh Hùng Xạ Ðiêu - từ lâu đã trở thành quen thuộc với những ai quan tâm đến thời sự và Việt Nam.

.
“Bài thơ nào của tôi cũng là kết quả của một tin thời sự... Thơ là một hình thức đối kháng tốt.” Ông “Ðả Cẩu Bổng,” tác giả của nhiều bài thơ châm biếm, phê bình những sự kiện đang xảy ra ở Việt Nam. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/115147-big_DaCauBong.jpg

.

Thế nhưng con người đằng sau cái tên “Ðả Cẩu Bổng,” thì hầu như ít ai biết đến.

Riêng tôi, sau mỗi lần thưởng thức thơ ông, dù mỉm cười hay nhăn mặt, thì vẫn cứ hình dung ra một cụ già, có thể là một cựu chiến binh, mặt mày dữ dằn, khắc khổ, một người căm thù chế độ Cộng Sản tận xương tủy, và lấy việc sáng tác những bài thơ chỉ trích nhà nước Việt Nam làm lẽ sống.

Nhưng đến khi nhờ một người bạn ở tòa soạn mách nước, chỉ cho tôi đến tổ chức Coalition of Orange County Community Clinics, nơi ông làm công việc giúp người Việt Nam điền đơn xin bảo hiểm sức khỏe theo chương trình Healthy Family của chính phủ, thì tôi mới vỡ lẽ: tưởng tượng của mình sai bét.

Hơn cả vỡ lẽ, phải nói là tôi cảm thấy kinh ngạc khi thấy tác giả “Ðả Cẩu Bổng” ngồi trước mặt mình là một người đàn ông có khuôn mặt rất phúc hậu, hiền hòa, và làm một công việc đầy tính phụng sự xã hội. Bảy mươi hai tuổi đầu, ông vẫn mỗi ngày đi làm, liên tục giúp bao nhiêu gia đình, trẻ em, có cơ hội được chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

“Chú chính là tác giả ‘Ðả Cẩu Bổng’ từng gửi thơ vào cho nhật báo Người Việt?”

Như đọc được sự kinh ngạc của tôi, ông “Ðả Cẩu Bổng” cười hiền hòa, thoáng vẻ bẽn lẽn:

“Vâng, chính tôi đây cô.”

Ông tên thật là Nguyễn Xuân Hùng, quê ở Nam Ðịnh. Ông làm việc ở tổ chức Coalition of Orange County Community Clinics trên đường Beach từ trên 10 năm nay.

Và qua vài lần gặp gỡ, những câu chuyện thân tình, tác giả Ðả Cẩu Bổng đã chia sẻ thật cởi mở lý do tại sao ông làm thơ, tại sao lại chọn thể thơ này, và đã làm thơ từ bao giờ...

Hãy nghe câu chuyện và những lời tâm sự của nhân vật Ðả Cẩu Bổng.

“Từ nhỏ tôi đã rất thích làm thơ lục bát.”

“Thơ với mọi người là tiếng gió nhẹ thổi qua cung đàn, làm rung lên tiếng nhạc.”

“Bạn bè có người chê tôi là chỉ biết làm thơ thời sự. Nhưng tôi lại thích như thế cô ạ!”

“Vì với tôi làm thơ là để giải tỏa những bực bội, uất ức trong lòng khi đọc những tin về Việt Nam.”

“Lý do tại sao tôi làm thơ à? Ðể tôi đọc cho cô nghe mấy câu thơ này nhé.”

“Người làm thơ để khóc mây

Ðể hờn với gió, để xây mộng vàng

Tôi làm thơ để tôi phang

Những quân vô lại, Việt Gian, mặt dầy”

“Ông bắt đầu làm thơ từ bao giờ?”

“Nếu nói là bắt đầu thì phải nói là từ 60 năm về trước cơ, nhưng lúc đó tôi làm thơ theo kiểu con nít.”

“Tôi lớn lên với thơ. Bố tôi là ông Nguyễn Xuân Tình, hồi xưa được giải làm thơ ấp chiến lược.”

“Hồi ở trong quân đội, tôi cũng hay làm thơ để chọc người ta.”

“Lớn lên vì nhu cầu công việc thì cũng phải viết lách nhiều?”

“Công việc của ông là gì?”

“Vào khoảng năm 63, 64 tôi thuộc Trung Ðoàn 2, làm việc ở cục chiến tranh tâm lý. Mà công việc của chiến tranh tâm lý thì là công việc dùng văn nghệ để ‘tác động tinh thần,’ vừa tinh thần dân, vừa tinh thần địch.”

“Ông bắt đầu làm loại thơ này từ hồi nào?”

“Có lẽ tôi bắt đầu làm thơ nhiều từ lúc phải đi tù. Việt Cộng vào, tôi phải đi tù cải tạo bảy năm.”

Ông kể lại một vài bài thơ làm trong thời đi tù. Ông nói, lúc đó, khi làm thơ, ông phải “nhẩm đi nhẩm lại để nhớ trong đầu, chứ không dám chép xuống.”

“À đây là một bài thơ tôi làm vì bực cho sự vô giáo dục của họ.”

“Lúc tôi phải khai lý lịch, cán bộ hỏi: ‘Anh đi lính cho thằng Thiệu năm nào?”

“Không, tôi bị động viên từ thời ông Diệm rồi.”

“Từ thời thằng Diệm à? Sao anh lại gọi nó bằng ông?”

“Thì tại ông ấy là lãnh tụ, là tổng thống của chúng tôi.”

“Tổng Thống gì? Ðồ liếm gót giày Mỹ mà tổng thống à?”

“Ðã thế, thỉnh thoảng vào nói chuyện với chúng tôi, cán bộ họ cứ khoe là mình giỏi, chẳng hạn:”

“Các anh có biết là thằng Mỹ, thằng Johnson nó không oanh tạc nước ta là do thằng nào can thiệp không? Tôi bảo tôi không biết. Các anh mà không biết à? Thằng Giáo Hoàng đó! Sau những lần đó, tôi làm bài thơ này:

“Bây giờ thời thế đổi thay

Ông thành thằng cả, thằng rày lên ông

Suốt trong lịch sử Tiên Rồng,

Chưa ai xách mé gọi Ông bằng Thằng.”

“Còn một câu chuyện tù cải tạo nữa. Vào khoảng năm 76, đám tù chúng tôi bị đưa ra Bắc. Khi đưa tù ra Bắc, họ cho chúng tôi xuống con tàu ‘Sông Hương.’ Họ đẩy chúng tôi vào trong khoang, cái khoang nó chật lắm, mà họ nhét đến khoảng hai, ba trăm người vào đó.”

“Chúng tôi ở mấy ngày mấy đêm, mà lại không có nhà tiêu, nhà tiểu, thỉnh thoảng còn phải nghe các anh ấy bắc loa, nói là...

“Con tàu chúng ta sắp tiến sâu vào vùng biển và vùng trời của Tổ Quốc, miền Bắc xã hội chủ nghĩa nước ta. Khi đã vào được miền Bắc, rồi các anh sẽ được đưa đến một nơi có đầy đủ phương tiện vật chất để các anh an tâm học tập tốt, lao động tốt, mau chóng trở về với gia đình.”

“Ðộ một tiếng đồng hồ, loa ở trên nó lại nói xuống như thế, mà chúng tôi ở dưới này khổ sở, 5, 6 ngày không có phương tiện đi tiêu đi tiểu, nên chúng tôi không biết làm sao nên cứ mặc kệ nó, đến một cái góc tầu nào đó rồi tự biến thành nhà tiêu nhà tiểu thôi. Trong khoảng thời gian đó, tôi làm bài thơ như thế này:”

“Thế là cứ nói phét thôi

Có ai kiểm nghiệm những lời ấy đâu

Mấy tên cán cộng lầu lầu

Dưới trên một sách ngụy đâu có dè

Một năm cũng đủ tua toe

Biết nhau rõ quá có khoe cũng thừa.”

Qua câu chuyện, Ðả Cẩu Bổng cho biết ông sang Mỹ định cư năm 1992, và sau thời gian ổn định cuộc sống, bắt đầu làm thơ thời sự “lai rai” từ năm 1998, nhưng từ năm 2002 trở đi thì “thơ phang” của ông phát triển mạnh.

Nghe lời ông kể, có thể thấy ông làm thơ rất có hệ thống, hầu như ngày nào cũng làm, và chỉ làm khi có sự kiện thời sự làm cho ông bất bình.

Một ngày của ông bắt đầu từ 5 giờ rưỡi sáng.

“Tôi dậy sớm để nghe đài RFA, đài Little Saigon, để nắm tin thời sự trong ngày. Rồi trên đường đi làm, tôi ghé vào mua một tờ báo Người Việt, đọc lướt các tin tức. Ðọc xong tin tức tôi bắt đầu có ý tưởng trong đầu, thế là viết... rồi sửa lại.”

“Ngày nào tôi cũng làm thơ, nhưng không phải ngày nào cũng ra bài, còn tùy theo thời sự, và theo tình hình.”

“Bài thơ nào của tôi cũng là kết quả của một tin thời sự. Ðọc xong bài nào, tôi copy vào máy, ghi chú ngày tháng đàng hoàng, viết cảm nghĩ, rồi mới đánh thơ vào đó.”

“Bài thơ nào ông đắc ý nhất?”

Không trả lời câu hỏi, ông mở ngăn kéo lấy ra một hộp kẹo Altoid màu xanh.

Tôi tưởng ông sẽ mời mình ăn kẹo. Nhưng không, trong đó xếp đầy những thẻ nhớ USB. Ông rút ra một cái, đọc nhãn hiệu rồi bỏ vào máy.

“Bài này cũng hay,” ông vừa nhìn màn hình vừa nói.

“Tôi làm bài tháng 12, 2002, lúc đó có tin Tàu nó chiếm Hoàng Sa. Trước đó mấy ngày, không nhớ tôi đọc được cuốn sách nào đó nói là lúc đó Hồ Chí Minh ở hang Pắc Bó, ông cho dân Tàu nó qua nó ở, để nếu mà Tây nó có tấn công vô thì bảo đây là đất của Tàu để ông ta yên trí không bị tấn công vào sào huyệt. Sau này Tàu nó qua thì nó ở luôn thế là mình mất luôn đất với Tàu. Tôi tức quá mới làm bài thơ này:

“Trần Ích Tắc thời Trần ngày trước

Bị rủa là bán nước theo Tàu

Xét rằng việc ấy có đâu

Nặng bằng một lũ đầu trâu bây giờ.

Lũ khốn kiếp chỉ chờ có dịp

Ðem giang sơn Ðại Việt dâng Tầu

Chuyện này bắt rễ từ lâu

Chỉ vì chúng muốn bọn Tầu chở che

Thuở kháng Pháp chúng che biên giới

Cắm cờ Tầu ai tới thì hô

Quân Pháp có tấn công vô

Chúng la xâm phạm quy mô đất Tầu

Hồ ở đó vuốt râu cười khẩy

Mẹo tí hon bọn ấy mắc lừa

Giáp, Ðồng, Duẫn, Thọ đều thưa

Bác cao tay quá, cháu thua bác rồi

Chút tài vặt bác ngồi yên vị

Ðố ai mà có lý hơn ta

Thế rồi năm tháng dần qua

Thế rồi đất Việt hóa ra đất Tầu.”

Ðể hữu hiệu hơn, ông cho biết sắp sửa bỏ hết thơ mình vào “blog,” trên Internet.

Hơn 70 tuổi, sử dụng computer phom phom, rất minh mẫn, và vẫn còn làm thơ đối kháng, thơ “phang,” ông Ðả Cẩu Bổng quả là một hiện tượng.

.

.

.

No comments: