Saturday, June 26, 2010

GÓP Ý với HOÀNG VŨ THUẬT về báo VĂN NGHỆ

Góp ý với Hoàng Vũ Thuật
Ngô Huy Liễn

26.06.2010

http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=815E6D6C36653FCE5AA56164CC121AC1?action=viewArtwork&artworkId=10832

Chiều hôm nay tôi được ông bạn già rủ xuống phố “Pétain” uống cà phê (nói cho “sang” theo kiểu thời Pháp thuộc, chứ bây giờ là phố Nguyễn Hữu Huân đấy thôi). Ông bạn già có tật ghiền đọc sách báo, sính nói chuyện thơ văn. Mấy năm nay, ông lại đâm ra nghiện in-tờ-nét, suốt ngày ngồi lọ mọ đọc thơ văn trên web. Đọc xong thì rủ bạn bè ra quán cà phê mà “tọa đàm bỏ túi”. Đề tài hôm nay của ông là một bài viết của Hoàng Vũ Thuật trên Tiền Vệ, “Vận mệnh thơ như vận mệnh con người”.

Ông bạn già khen bài viết “nói chung là được”, nhưng chê cái đoạn ông Hoàng Vũ Thuật đã tốn công “3 lần gọi điện trực tiếp cho Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, cùng trao đổi làm sao nâng cao hơn về chất lượng thơ trên báo”.

Ông bạn già cằn nhằn: “Hoàng Vũ Thuật ngủ mê hay sao mà lại đòi báo Văn Nghệ nâng cao chất lượng thơ? Chắc là từ cung trăng mới xuống, chứ ở đây ai mà chả biết từ lâu nay cái báo ấy nó có màng đến chất lượng thơ văn gì đâu nào. Mà sao phải gọi trực tiếp cho ông Tổng biên tập đến 3 lần? Chứ ông Thuật là chức sắc gì mà đòi hỏi cái báo ấy nâng cao cái thứ mà nó không muốn nâng cao, không thể nâng cao? Ông Nguyễn Trí Huân ấy biết chó gì về thơ mà ông Hoàng Vũ Thuật lại phải tốn công 3 lần thỉnh nguyện?...”

Rồi ông bạn già của tôi thao thao nói: “Bây giờ có còn nhà thơ nào khá mà lại muốn gửi đăng bài trên cái báo Văn Nghệ lá cải ấy? Cái báo chết tiệt ấy lâu nay người đọc trong cả nước có còn mấy ai biết cái mặt mũi của nó nữa! Vậy mà ông Hoàng Vũ Thuật lại nói ‘bạn đọc trong và ngoài nước đang đọc báo Văn Nghệ với niềm tin xem đấy là gương mặt văn học nước nhà’! Nói vậy là thế nào? Nghe như khéo nịnh. Có ai mà xem cái báo chết tiệt ấy là gương mặt văn học nước nhà đâu nào! Nếu cái báo chết tiệt ấy mà đúng là gương mặt văn học nước nhà thì quá thê thảm!...”

.

Ông bạn già bực bội thấy rõ, nhưng không phải là ông nói không có lý. Quá có lý đấy chứ. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông bạn già và ở đây tôi xin góp ý với ông Hoàng Vũ Thuật thêm mấy điều:

1- Ông Hoàng Vũ Thuật có ý muốn báo Văn Nghệ “tìm đất” cho sản phẩm của các nhà thơ ngoài luồng “được công bố”. Đây là một ý muốn tốt nhưng thiếu thực tế. Vì hai lẽ:

Báo Văn Nghệ sẽ không bao giờ chấp nhận các nhà thơ ngoài luồng (tôi muốn nói chính hiệu là ngoài luồng, chứ không phải đám giả vờ ngoài luồng). Báo Văn Nghệ là báo của ai, do ai điều khiển, nhằm chủ đích gì, phục vụ cho ai thì chắc chắn ông Hoàng Vũ Thuật đã biết rõ.

Các nhà thơ chính hiệu ngoài luồng không bao giờ chấp nhận xuất hiện trên báo Văn Nghệ, vì đó là một sự thỏa hiệp, một mối nhục. Nếu các nhà thơ ấy muốn thỏa hiệp thì từ đầu họ đã không nhảy ra ngoài luồng! Bây giờ để có thể xuất hiện trên báo Văn Nghệ thì họ phải tự kiểm duyệt trước rồi tự tay gửi bài cho báo, xin được công bố. Thật khó lòng mà họ làm những việc như thế, vì báo Văn Nghệ là cái chỗ mà họ khinh rẻ nhất.

2- Ông Hoàng Vũ Thuật nói “Một bức tranh, một bản nhạc khi ra đời thông thường phải lãnh đủ mọi thứ nghiệt ngã. Nhưng giá trị đích thực của nó bao giờ cũng là nơi gặp gỡ của số đông”. Tôi không đồng ý với lối suy nghĩ này, vì “số đông” không bao giờ là cái thước đo của “giá trị đích thực” cả.

Các loại sách báo thương mại nhố nhăng bao giờ cũng chiếm được “số đông”. Những tác phẩm có giá trị đích thực bao giờ cũng kén độc giả.

Khi đem “số đông” ra làm đích đến cho “giá trị đích thực”, ông Hoàng Vũ Thuật đã tự mâu thuẫn trầm trọng vì chính ông lại nói thơ ca “là tiếng đàn vô âm không phải lúc nào cũng dễ dàng nghe thấy.”

3- Ông Hoàng Vũ Thuật kết luận “Thơ đương đại Việt Nam sẽ già đi nếu không có những Trần Tuấn, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thuý, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly... Họ ra đời trong sự bầm dập, không lúc nào được suôn sẻ. Nhưng các nhà thơ trẻ ấy đã mang được linh hồn Việt Nam thời nay, đã mở rộng đường biên thi ca ra với thế giới. Các nhà thơ trẻ không chỉ mang bức thông điệp cho thế hệ, mà còn thể hiện nhu cầu thời đại của dân tộc.”

Nghe kêu... vù vù. Nhưng trong danh sách các nhà thơ này của ông tôi chỉ thấy có Trần Tuấn, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thuý và Ly Hoàng Ly là sung sức. Những Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh thì đã mất sức rồi. Đọc lại những tập thơ nổi nhất của Vi Thùy Linh tôi chỉ thấy sự diêm dúa, nông cạn, không có một đặc điểm thi pháp nào đáng lưu ý. Có lẽ cô ấy nổi lên một lúc là nhờ có khiếu tiếp thị với báo chí. Văn Cầm Hải thì không vượt qua nổi cái màu mè ngôn từ của thơ miền Nam thập niên 60. Nguyễn Hữu Hồng Minh chỉ được thời đầu, sau đó trở nên nhàn nhạt khi hòa mình vào chính thống.

Cái danh sách của ông cũng rất là thiếu sót. Thiếu hẳn những tên tuổi của những nhà thơ ngoài luồng đã không ngừng gây sóng gió và tiếng vang. Tôi không biết trong cái danh sách của ông, ai là những người thật sự “ra đời trong sự bầm dập”. Có lẽ trong đó có vài ba người đã gặp vài một số khó khăn nho nhỏ, có người lại chỉ gây dư luận khi gây ra những xì-căng-đan này nọ, chứ không có ai thật sự bị bầm dập cả.

Tôi đoán có lẽ ông Hoàng Vũ Thuật ngại nhắc tên những nhà thơ thật sự bị bầm dập. Họ là những nhà thơ ngoài luồng, chưa bao giờ được chính thức xuất bản. Họ mới là những người đã bị bầm dập ngay từ đầu. Trong số họ có những nhà thơ xuất sắc, nhưng họ đã dứt khoát đứng hẳn ở ngoài luồng để tự sinh tồn như những nhà thơ tự do, chấp nhận sống trong sự rình rập theo dõi của những con mắt chó săn văn hóa. Họ có đủ lòng tự trọng để không bao giờ muốn ngoái đầu lại để nhìn cái tờ báo Văn Nghệ và cái Hội Nhà văn Việt Nam nữa.

--------------

Bài liên hệ:

25.06.2010

Vận mệnh thơ như vận mệnh con người (tiểu luận / nhận định) - Hoàng Vũ Thuật

... Làm sao mỗi nhà thơ trở thành một vương quốc trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong tay nhà thơ trở nên ma thuật, có thể dẫn dụ độc giả đến những bến bờ lạ của cảm xúc, tạo ra một thế giới tinh thần mới mẻ. Muốn vậy, tôn trọng tự do sáng tạo chưa đủ, mà phải tìm đất cho sản phẩm của họ được công bố... (...)

.

.

.

No comments: