Monday, June 28, 2010

CÂU CHUYỆN NGHỊ TRƯỜNG

Câu chuyện nghị trường

Hoàng Vũ
Đăng ngày 28/06/2010 lúc 02:30:18 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4894

.

Nghĩa cử đẹp tại hội nghị G8

Thứ sáu ngày 25/06/2010, hội nghị thường niên G8 (bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh, Nga, Nhật Bản và Hoa Kỳ) đã khai mạc tại Deerhurst Resort, Huntsville, Ontatio, Canada. Tiếp theo sau đó là hội nghị G20 tổ chức tại Toronto vào ngày thứ bảy 26/06/2010.

Ngay sau lời chào mừng các nhà lãnh đạo của khối G8, Thủ tướng Canada – Stephen Harper đã công bố khoản ngân sách sơ khởi lên đến 1.1 tỉ đô-la của chính phủ Canada dành cho chương trình của dự án chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em trên toàn thế giới. Dự án này nhằm giúp cho các nước phát triển giảm thiểu những cái chết bi thảm của người phụ nữ và trẻ sơ sinh khi sanh nở cũng như giảm thiểu những cái chết tức tưởi của trẻ sơ sinh do bệnh tật. Như vậy đúng theo lời hứa tại hội nghị G8 – Ý vào tháng 12 năm ngoái, để thúc đẩy dự án mạnh mẽ hơn và tiếp theo ngân khoản 1.75 tỉ trước đây, chính phủ Stephen Harper sẽ chi tổng cộng 2.85 tỉ đô-la cho dự án này trong vòng 5 năm sắp tới.

Thủ tướng Stephen Harper nói: “Trách nhiệm liên đới là chìa khóa giải quyết những vấn đề cấp thiết toàn cầu, nếu những nước giàu có không hành động thì ai sẽ làm?”. Thủ tướng Stephen Harper cũng khẳng định rõ ràng ngân khoản này không được dùng để hỗ trợ phá thai theo đúng như cam kết của chính phủ Canada. Đây thật là nghĩa cử đẹp của nước chủ nhà trong kỳ hội nghị thường niên G8 năm 2010.

Để có được nghĩa cử đẹp này, tất nhiên chính phủ Canada của Đảng Bảo Thủ đương quyền do ông Thủ tướng Stephen Harper lãnh đạo phải được các dân biểu – nghị sĩ Quốc Hội Canada tán thành và chuẩn chi trong ngân sách tài khoá của Canada năm 2010. Đây là điều rất bình thường trong sinh hoạt chính trị tại các nước dân chủ, mặc dù đôi khi vẫn có những chống đối hoặc bất đồng quan điểm của các chính đảng đối lập, thế nhưng khi một chính sách, một ngân sách tài khoá, một đạo luật... đã được Quốc Hội thông qua thì chính phủ cầm quyền có đầy đủ quyền lực được Quốc Hội cho phép để thực thi.

Đặt vấn đề như trên để khi nhìn vào hiện thực chiều sâu cuộc biểu quyết nói "không” với dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Quốc Hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chúng ta thấy vẫn còn có nhiều điều bất ổn.

Nghị trường dân chủ

Trong hội nghị G8 năm nay chúng ta thấy có hai gương mặt mới: Thủ tướng David Cameron – Anh quốc, đắc cử ngày 11/05/2010 và Thủ tướng Naoto Kan – Nhật Bản, nhậm chức ngày 08/06/2010.


Nhân vật mới nhất, Thủ tướng Naoto Kan vừa thay thế cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama trong chức vụ chủ tịch đảng cầm quyền – Đảng Dân Chủ Nhật Bản (Democratic Party of Japan – DPJ) từ chức ngày 02/06/2010. Trong một thể chế dân chủ, việc từ chức của người lãnh đạo là việc rất bình thường, cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama từ chức vì đã không giữ được lời hứa khi tranh cử là đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa, tiếp theo vụ bê bối tài chính khi các nghị sĩ đảng đối lập cáo giác ông Yukio Hatoyama đã nhận khoản tài trợ tranh cử không hợp lệ, số tiền tài trợ bất minh lên đến 4 triệu đô-la đến từ những ngân khoản tài sản của mẹ ông và những ngân khoản của người quá cố.

Giả sử Đảng Dân Chủ Nhật Bản đương quyền tại Nhật bản là độc đảng và các nghị sĩ tại Quốc Hội Nhật Bản hầu hết là thành viên của Đảng Dân Chủ Nhật Bản đương quyền thì những bê bối tài chánh, hoặc sự thất hứa của ông Yukio Hatoyama có đủ nguồn lực để buộc ông ta phải từ chức không?

Nhận vật thứ hai, Thủ tướng David Cameron, vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Anh quốc đắc cử khi Đảng Bảo Thủ và Đảng Tự Do Dân Chủ liên minh thành lập chính phủ liên hiệp qua cuộc bầu cử ngày 06/05/2010, chấm dứt 13 năm cầm quyền liên tục của Đảng Lao Động.

Thử hỏi nếu nghị trường Anh quốc chỉ là sàn diễn độc đảng và lá phiếu của người dân chỉ là “trò chơi dân chủ” thì những nhân tài trẻ trung xứng đáng gánh vác trọng trách cho quốc gia dân tộc có được cơ hội bước lên vũ đài chính trị để lãnh đạo và điều hành chính phủ không; hay chỉ bị đè nén, áp bức kể cả phải chịu cảnh tù tội như những người trẻ Việt Nam?

Có hay không một nghị trường dân chủ trong một thể chế độc đảng, độc tài toàn trị? Câu trả lời dứt khoát là không.

Để có thật sự một nghị trường dân chủ đích thực thì điều kiện tiên quyết bắt buộc là phải có một thể chế chính trị đa nguyên đa đảng, đây chính là khởi điểm cho nền chính trị tự do và dân chủ để đất nước phồn vinh.

Nghị trường phản dân chủ

Nhìn lại nghị trường Quốc Hội Việt Nam, chúng ta cảm nhận được những gì?

Điều 83 – Hiến pháp 1992 của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định: "Quốc Hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc Hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp"...

Hiến pháp quy định như vậy, nhưng phải xét đến bản chất và con người thật của các thành viên Quốc Hội, các đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là gì và là ai thì mới hiểu rõ cơ chế vận hành và những thực thi của Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nhìn vào hiện tình xã hội, chúng ta có thể khẳng định rằng đa phần những vị đại biểu Quốc Hội Việt Nam đều đã không đắc cử một cách dân chủ sòng phẳng, minh bạch và công bằng qua lá phiếu cử tri của người dân; hầu hết các vị đại biểu Quốc hội Việt Nam đều là người của Đảng Cộng Sản dàn dựng sắp đặt ghế ngồi tại Quốc Hội thì thử hỏi họ nghe theo lá phiếu cử tri của người dân hay nghe theo lời của Đảng Cộng Sản?


Đứng trước vận mệnh quốc gia dân tộc đang đòi hỏi sự thay đổi vì ai ai cũng biết, cũng tường tận sự mục ruỗng thối nát của thể chế độc tài toàn trị; xem thường rẻ rúng người dân, chà đạp lợi ích đất nước qua những dự án bán rẻ đất nước để vơ vét, những dự án đưa dân tộc vào ngõ cụt để thoả mãn lòng tham không đáy... thì cuộc biểu quyết nói không lần đầu tiên với nghị quyết chính sách của Đảng Cộng Sản trong dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam của các vị đại biểu Quốc Hội Việt Nam ngày 19/06 vừa qua không hẳn là nỗi mừng vui mà chỉ là những âu lo trăn trở cho vận mệnh quốc gia và là những dấu hỏi lớn trong tiến trình dân chủ hoá đất nước.

Có thật một sự thay đổi đang diễn ra trong lòng Quốc Hội Việt Nam khi các vị đại biểu không còn lệ thuộc và vâng lời Đảng Cộng Sản hay đang có một cuộc đấu đá chia rẽ nội bộ trầm trọng trong nội bộ Đảng Cộng Sản trước kỳ đại hội XI giữa một bên đang bắt đầu những bước đi theo đà dân chủ tiến bộ và một bên bảo thủ cố “chịu đấm ăn xôi”?

Có thật một sự thay đổi sâu xa từ tấm lòng của mỗi vị đại biểu Quốc Hội Việt Nam khi nhìn thấy được nỗi thống khổ và thân phận của người dân trước những nghị quyết và chính sách bất chấp quy luật kinh tế, bất chấp sự tồn vong của dân tộc?

Có thật một sự thay đổi từ những chiếc ghế ngồi của những con người chỉ biết lợi dụng xu thời để chiếm đoạt quyền căn bản của người dân một cách hợp pháp?

Có thật một sự thay đổi từ tâm thức của những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam để vượt thoát những bế tắc chính trị, những tủi nhục thua kém của dân tộc, những mối lo nguy cơ mất nước, những xâu xé quyền lực nội bộ gay gắt... để tìm ra những giải pháp chính trị đúng đắn và lương thiện?

Còn những câu hỏi là vẫn còn những thao thức của những tấm lòng hướng về quê hương đất nước. Mong sao những câu hỏi sẽ có được lời giải đáp trong một tương lai không còn quá xa.

Hoàng Vũ

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: