Friday, June 25, 2010

NHỮNG CÂU CHUYỆN về DẠY & HỌC (3)

Những câu chuyện về dạy và học (3)

Liêu Thái

22/06/2010 12:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=21622

Chuyện 1: Buổi trưa ở huyện Đại Lộc và người đàn ông đau khổ

Chuyện 2 – Chuyện của La

.

Trong chuyến đi này, tôi đi nhiều tỉnh, nhiều huyện và nhiều mục tiêu khác nhau cho chuỗi phóng sự mà tôi sắp giới thiệu với quí độc giả. Mỗi câu chuyện như một mảnh rời của một chuỗi dài mối liên hệ nhân quả có liên quan trực tiếp từ vấn đề giáo dục, lịch sử và ý thức hệ. Trong những phóng sự này, tôi chỉ đưa ra những sự việc có thật mà tôi đã nắm bắt, đã “chớp” trên đường mình đi qua.

.

Chuyện 3 – Câu chuyện ở Huế – Thầy cô bớt đi nhà trọ đi…

.

Chuyến đi Huế của tôi thất bại hoàn toàn trong mấy ngày đầu, tôi không gặp được những người đã hẹn vì họ bận việc gì đó không đến được. Người làm cầu nối của tôi cũng mất tăm luôn, gọi điện thoại thì khóa máy, suốt hai ngày như vậy, tôi không biết làm gì ngoài việc đi lang thang khắp thành nội. Cũng may là lúc này Huế đang mùa Festival. Tôi chuyển sang du lịch thử xem sao. Chỗ đầu tiên tôi ghé là công viên phía đường Lê Lợi, dưới chân cầu Tràng Tiền, nơi các bạn tôi: Lê Vĩnh Tài, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Nguyệt Phạm, Lê Anh Hoài, Phùng Tấn Đông, Inrasara, Michelia… đang trình diễn thơ. Với người Huế, dường như đi xem trình diễn thơ là chuyện quá mới mẻ, họ cứ thấy các nhà thơ đi đi lại lại quanh khoảng sân khấu hình mu rùa bát giác có mái ngói âm dương treo dây nhợ lủng lẳng như thể phòng the, phòng đẻ là xúm vào rồi hỏi: Mần cái chi mà lạ rứa anh? Trả lời: Trình diễn thơ em ơi! Trả lời xong họ hỏi tiếp trình diễn thơ là gì… Trả lời là: Xem rồi sẽ biết… Tôi đi xem trình diễn thơ cũng được đôi ba lần. Nhưng cái không khí xem trình diễn thơ giống như xem sơn đông mãi võ thì có lẽ chỉ có duy nhất ở Huế. Khán giả cứ xúm vào, chồm tới, chen lấn vào sát sân khấu để nhìn rõ mặt nghệ sĩ, nhìn rõ tình tiết cho đến khi MC Phạm Xuân Nguyên nhắc họ lui bớt ra để nghệ sĩ tiếp tục trình diễn thì họ lui ra một chút rồi lại tiến vào như cũ, tiến lùi không biết bao nhiêu lần trong một buổi trình diễn ngắn chừng 70 phút. MC Phạm Xuân Nguyên thay vì giới thiệu tiết mục thì phải nhắc lùi và giải thích nội dung đã trình diễn giống như thầy giáo đang giảng bài trước các học trò. Riêng Phùng Tấn Đông thì ve râu cằm cười hậc hậc bảo rằng mấy nhà thơ ở mình chưa phân biệt được trình diễn thơ với sân khấu hóa nên mới có chuyện làm hoạt cảnh đánh ghen, đánh nhau trên sân khấu thơ (Tiết mục “Mùi thơm Của Im Lặng của Đồng Chuông Tử) nhìn vừa hài hước vừa giống kịch… Nói chung là buổi trình diễn thơ chỉ thành công một vài tiết mục và thành công nhất là tái tạo lại được không khí háo hức trong khán giả của thời sơn đông mãi võ bán thuốc nhức đầu nhức tay chân, xổ sán, nhức răng và nhổ răng.

.

Sáng hôm sau tôi đến thăm chùa Từ Hiếu và trong dịp này tôi gặp may, có một vài giáo viên dạy sử, văn đi chùa lễ Phật. Nhưng tôi sẽ nói chuyện này ở phần dưới đây, vì cái không khí đốt tiền của Festival khiến tôi không thể không viết tiếp được. Riêng trên đường Lê Ngô Cát kéo dài chừng 3 km từ ngã ba Điện Biên Phủ, bên cạnh Đàn Nam Giao đến Lăng Tự Đức, người ta đặt một dãy tranh cỡ lớn suốt hai bên đường. Tôi thấy lạ, hỏi một bạn đang lúi húi xếp tranh là hình như tranh này của sinh viên khoa mỹ thuật Huế thực hiện để góp màu sắc cho lễ hội? Anh chàng trả lời là không phải, đây là tác phẩm của ba họa sĩ lớn của Huế [tôi xin phép giấu tên]. Tôi hỏi tiếp là có bao nhiêu tác phẩm được xếp như vậy, anh chàng này nói là đúng ba ngàn bức. Tôi hỏi là mỗi bức tranh giá bao nhiêu, anh bảo đây là tiền dự án cung cấp, bí mật, không thể tiết lộ và tranh chỉ để cho đẹp chứ không bán. Nghĩa là ba họa sĩ lớn này làm dự án, trình dự án cho Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Huế và được duyệt, nhận tiền thực hiện ba ngàn bức tranh để xếp đặt cho có không gian nghệ thuật nhân ngày lễ hội ở Huế. Vậy thôi. Tôi thấy hơi buồn cười vì nhìn vào một dãy tranh tole bằng vải xịn, sơn dầu cũng khá tốt như vậy thì mỗi bức đầu tư giá gốc chắc chắn không dưới một triệu đồng. Có tiết kiệm cỡ gì cũng phải vượt hơn giá đó, chưa nói đến giá đỡ bằng tre và tiền thuê nhân công vận chuyển, xếp đặt… Chiều hôm đó trời mưa, những bức tranh tắm mưa, ba tỉ đồng [con số tôi ước lượng, số thực có thể thấp hơn đôi chút hoặc cao hơn] bị chôn dưới mưa nhìn nhúm nhó chẳng ra làm sao. Gần đó có mấy bà cụ bán nhang, tôi ghé thăm, trú mưa và hỏi chuyện, các cụ bảo rằng ơn trời nhờ lễ hội, mỗi ngày bán nhang kiếm lời được khoản 50 đến 60 ngàn đồng. Tôi im lặng, vì tôi biết các cụ ngồi bán nhang, tuổi già nhưng vẫn đóng thuế, có thể không cần đóng thuế chỗ ngồi nhưng trong mỗi cây nhang đã có thuế vận chuyển mùn cưa, thuế xăng dầu, thuế điện nước và thuế năng lượng cho sản xuất rồi. Và khi các cụ mua một hộp cơm để ăn trưa cũng có thuế trong đó. Và, chắc chắn là các cụ không thể hình dung được rằng mỗi bức tranh kia cũng được làm ra từ thuế. Vấn đề là gián tiếp hay trực tiếp thôi! Và chắc ba họa sĩ lớn kia khi thực hiện dự án cũng nghĩ được tới chuyện này nhưng vì cái đẹp. Nhưng tôi chẳng thấy đẹp chỗ nào, tự dưng dựng hàng loạt tranh chen chúc trên một con đường mưa nắng như vậy mà tranh thì chẳng có bức nào nhìn cho bắt mắt vì vẽ lung tung màu sắc, đặt lên giá giống như ảnh cưới như vậy thì không thể đẹp được. Tôi từng viết cảm nhận tranh của Hồ Hữu Thủ trên thienduongcafe.com khá nhiều và cũng từng học, nghiên cứu lý thuyết hội họa nên cũng cố căng mắt ra xem thử có đẹp không nhưng thú thật là không thấy đẹp một tí nào, chỉ thấy lòe loẹt xốn mắt thôi. Và bạn tôi cũng thấy vậy, người qua đường thì nhìn lướt lướt cưỡi ngựa xem hoa. Không có ý niệm gì đặc biệt cho con đường tranh này ngoài chuyện ba nghệ sĩ lớn này đốt tiền vô lý quá, trong lúc dân mình còn nghèo, có nhiều người kiếm từng bữa ăn còn khó khăn. Nghệ thuật chẳng bao giờ đi đôi với tội ác. Đốt tiền trong lúc đồng loại còn đói nghèo là một tội ác. Ba nghệ sĩ lớn này cũng được đào tạo căn bản dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đấy chứ. Một phép so sánh và ngầm đưa ra đối xứng chăng?

.

Tôi tiếp tục chở Michelia đi qua đường Kim Long, ở đây thì đủ thứ chuyện để mà xem, nào là tái tạo trận thủy chiến thời các vua chúa, mở các hàng quán, dịch vụ bia Festival Huế, sân khấu hóa lễ hội, nhộn nhịp và chộn rộn… Những khẩu súng thần công giả được đặt khắp nơi trong bãi trận giả, thuyền bè xếp thành nhiều lớp, sân khấu đèn rọi tứ phía. Nói chung là khá hoành tráng. Nhưng thứ đập vào mắt tôi mạnh nhất vẫn là cái toilet di động đặt nằm chình ình giữa đường, trông vừa giống toa tàu lại vừa giống cái nhà lại vừa gống chiếc xe, nhìn là thấy ngay, đi đường thì không cần nhìn và nếu không tập trung nhìn phía trước có khi đụng xe vào nó nữa là khác, lúc này thì khỏi cần nhìn nữa. Nhưng bạn nên nhớ một điều là để làm ra một bãi trận giả và để kéo cái toilet đến chỗ này, không ai tự nguyện làm không lương đâu, tất cả là tiền. Tiền ở đâu? Từ ngân sách. Ngân sách do đâu mà có? Thuế. Ai đóng thuế? Nhân dân. Con số hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng đọc lên như lá rụng cho một lễ hội vô thưởng vô phạt không mang lại lợi nhuận gì cho nhân dân như vậy chẳng phát biểu được gì nhiều ngoài những cái đầu lãnh đạo ham vui và không biết hoạch toán, vô cảm với nỗi khốn khổ của nhân dân – người đã đóng thuế bảo lưu cho sự tồn tại của nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam.

.

Tối hôm đó, tôi chui vào phòng khách sạn Hoa Cúc Tím ở với anh Nguyễn Tiến Văn, Phùng Tấn Đông, Inrasara, Lê Vĩnh Tài, Phan Bùi Bảo Thi… Những người này được hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế mời ra đọc tham luận về thơ, về tuyển tập Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng và trình diễn thơ. Tôi không có trong thành phần tham gia, tham dự nhưng do chỗ thân quen với mấy anh nói trên nên các anh rủ vào ngủ chung cho đỡ tốn tiền và nói chuyện cho vui… Nhìn chung, các văn nghệ sĩ cũng không mấy quan tâm về Festival, thậm chí buổi tọa đàm tại văn phòng Tạp chí Sông Hương lúc 14 giờ chiều ngày 06 tháng 6 năm 2010 cũng không mang lại điều gì mới ngoài cảm giác khủng hoảng và hoang mang khi có vài nhà thơ, tiến sĩ thủ cựu đứng ra lớn tiếng bảo vệ dòng thơ vần điệu và phản đối thơ hậu hiện đại, thậm chí thạc sĩ Mai Văn Hoan – giáo viên trường Quốc Học – Huế còn mạnh tay vỗ ngực xưng: “Tôi là thạc sĩ văn chương, tôi làm thơ đã hai mươi mấy năm nay, vấn đề không phải là thơ mới, thơ từ trường phái này trường phái nọ mà phải tạo ra một từ trường cho thơ của mình… Tôi cũng có từ trường cho thơ tôi, Nguyễn Du cần gì trường phái nào mà thơ ông vẫn hay, vẫn có từ trường riêng, không biết các bạn có thấy thơ tôi hay hay là không nhưng dù sao tôi cũng có một từ trường riêng… Chúng ta đừng có học đòi…”. Ông vừa nói vừa vung nắm tay dứ dứ về trước, tất cả cử tọa đều im phăng phắc trước hành động và lời lẽ hùng hồn của ông Mai Văn Hoan. Một lúc sau, có một bạn nhà thơ trẻ đứng lên phản biện: “Thưa anh chị, thưa anh thạc sĩ Mai Văn Hoan, tôi xin có vài ý rời với cái gọi là từ trường của anh và tinh thần trong tọa đàm thơ. Thứ nhất, anh có từ trường thơ, Nguyễn Du có từ trường thơ, vậy thì anh cứ phát huy cái ấy, anh không nên bác bỏ cái mới vì ngôn ngữ có tính đa chiều kích của nó, chất liệu, sự vật, sự kiện có tính khả thể của nó, thơ mới có tính hấp dẫn của cái mới, hậu hiện đại có cái hay của hậu hiện đại, chúng ta phải dân chủ, sòng phẳng và tôn trọng nhau trong sáng tạo nghệ thuật, đi tìm cái mới… Tôi thấy các cuộc tọa đàm hay thảo luận thơ ở Việt Nam thường mang đến khủng hoảng, thường có tính răn đe, định hướng hơn là khoa học và tạo ra hướng mở… Tôi nhớ hai câu thơ rất hay, xin lỗi chị em phụ nữ trước khi đọc nha! Ngồi buồn nghĩ chuyện làm khôn/ Đem chỉ may lồn rồi đái không ra… Liệu chúng ta có đang làm cái chuyện may lồn ấy không nhỉ?! Xin hết, xin cám ơn!”. Cử tọa vỗ tay, vài người không vỗ tay. Anh chàng nhà thơ trẻ ngồi lại đợi phản biện, thạc sĩ Mai Văn Hoan đứng lên trả lời: “Bạn ơi, bạn hiểu nhầm ý tôi rồi, tôi nói là tôi có từ trường của tôi, bạn cũng có từ trường của bạn, tôi đâu có nói gì đâu!”. Buổi tọa đàm kết thúc ở đây, sau câu “chốt” của MC Phạm Xuân Nguyên: “Thưa nhà thơ trẻ, anh hỏi chúng tôi rằng liệu có khủng hoảng hay không, liệu chúng ta có đang may… hay không thì tôi xin thưa là tôi và chúng ta đang từ từ gỡ những sợi chỉ trong cái… mà kẻ ưa làm khôn đã khâu nó lại… Chúng ta kết thúc ở đây, xin cám ơn mọi người, chúc mọi người sức khỏe, xin mời các đại biểu, các anh chị nhà thơ ở lại cùng dùng bữa chiều và cùng đi dự đêm trình diễn thơ!”.

.

Cũng trong buổi thảo luận này tôi gặp được vài giáo viên văn, qua họ, tôi gặp thêm mấy giáo viên sử, mời họ cùng uống cà phê với mấy người gặp ở Từ Hiếu, nghe họ trò chuyện về nghề dạy và học ở đây. Nhưng tôi cũng không hỏi được gì ngoài việc họ thấy học sinh bây giờ như thế nào và học trò chỗ họ dạy có gì đặc biệt không… Hỏi là hỏi cho vui vậy chứ tôi không hy vọng lấy được thông tin gì vì họ quá cẩn thận, dường như họ nhìn người khác rất cẩn thận, âu đó cũng là tính cách của vùng đất từng là cái nôi chính trị, đấu đá và sinh ra những nhà ngoại giao lại được tôi luyện qua mấy cuộc chiến tranh và được đào tạo dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một người trong nhóm trả lời tôi: “Học sinh bây giờ mất dạy quá! Nó xem thầy cô chẳng ra gì, mười đứa hết bảy đứa gặp thầy cô không muốn chào, nếu có chào thì cũng chào qua loa, lấy lệ, đó là chưa nói có nhiều đứa còn hăm dọa, đe dọa thầy cô trong một số trường hợp. Đó là chưa nói đến phụ huynh coi thầy giáo không ra gì, xem nghề dạy học là cái cần câu cơm không lành mạnh nên đôi khi thái độ của họ dành cho các thầy cô không mấy lịch sự, hòa nhã… Thậm chí trong một lần lớp của cô H. có học sinh đánh nhau, khi cô gọi hai em lên cảnh cáo, đưa về văn phòng trường cho viết bản kiểm điểm thì chừng vài phút sau, đứa học trò gây sự rút điện thoại ra nhắn tin, ngay tức khắc có một số điện thoại lạ gọi vào máy cô H. với nội dung: Con mụ kia, mày mà không biết điều tao cho mày mất một cái lỗ tai, ông xẻo l. đấy chứ đừng có giỡn với ông! Cô H. báo chuyện này với ban giám hiệu, hiệu trưởng cho gọi công an, cung cấp số điện thoại đã gọi cô H. với cơ quan an ninh nhưng sau đó số này không dùng nữa, việc điều tra dừng ở đó. Đứa học trò hay gây gổ đánh nhau vẫn không có gì thay đổi. Càng hành động bạo hơn. Cô H. xin chuyển trường.”.

Đến đây, thầy T. một giảng viên khoa Hán Nôm Đại học Huế chuyển sang vấn đề đạo đức xã hội và tư cách người nhà giáo. Thầy nói: “Trong một xã hội khủng hoảng như thế này, chúng ta cũng nên đặt lại vấn đề, chúng ta đã thụ đắc những tri thức gì, dạy học trò chúng ta những gì mà chúng ngang ngược đến vậy? Thử so sánh kiến thức chúng ta với kiến thức tiền nhân, thử so sánh nhân cách chúng ta với nhân cách tiền nhân. Tôi từng chứng kiến một sinh viên xin chuyển lớp ngay tức khắc sau buổi gặp mặt đầu tiên với cô chủ nhiệm của em ấy. Sau này thân quen với tôi, em vốn là sinh viên xuất sắc, luôn tôn trọng thầy cô và nói năng, cư xử phải lẽ, tôi hỏi em sao không học ở lớp cô D. mà chuyển đi, cô ấy vui tính, dạy cũng hay, luôn dẫn đầu thành tích thi đua trong trường. Em M. lắc đầu, im lặng một lúc rồi nói nhỏ rằng: Cô ấy làm mất hình ảnh một nhà giáo… Nhà em làm một mini hotel, em đã chứng kiến chuyện cô ta ba bốn năm nay, hết lão này đến lão khác, hết khách sạn này đến khách sạn khác, bỏ bê chồng con… Em rất khinh loại giáo viên như vậy… Đương nhiên đây không phải là số đông nhưng nhìn lại tỉ lệ mà tôi tự điều tra, tham khảo ở các khách sạn, nhà trọ thì hơn 50% khách “dù” của họ là giáo viên, 30% là công chức và trong số 50% đó lẫn lộn giữa giáo viên, công chức, nói chung là kẻ có tiền và kẻ ham tiền hoặc có tiền cả hai và ham hưởng thụ, ham của lạ… Có lẽ chính vì vậy mà hình ảnh nhà giáo trở nên xấu đi, tụt điểm không thể cứu được nữa. Đó là chưa nói đến tinh thần dạy học kiểu thị trường xã hội chủ nghĩa, dạy để lấy tiền và dạy như đúc khuôn, học trò càng học càng ngu ra… Như vậy chúng ta bị mất hình ảnh là đúng rồi. Đó là chưa nói đến chuyện có quá nhiều giáo viên, giảng viên đỏ trong trường, họ xuất thân từ đoàn trường, là cán bộ đoàn, hoạt động đoàn năng nổ, là đảng viên nhưng lại học chẳng ra gì, không có khả năng giảng dạy, kiến thức lõm bõm nhưng vẫn được cất nhắc, cứ bám trụ… Nguy hiểm cho giáo dục, nguy hiểm cho tâm hồn học trò vô cùng! Thầy cô bớt đi nhà trọ đi, bớt toan tính cơm áo xe cộ nhà cửa đi, để dành đầu óc mà dạy thì hy vọng thay đổi chút đỉnh! Đương nhiên khi tôi nói như vậy thì xúc phạm đến những thầy cô nghiêm túc, yêu nghề, chân chính, tôi xin lỗi những người nghiêm túc và chân chính có mặt và không có mặt ở đây!”.

Còn nhiều chuyện ở Huế nhưng tôi xin viết ở bài sau, tôi phải trở về Quảng Nam vì Q., em kết nghĩa của tôi nhắn tôi về gấp vì chuyện vợ nó và hiệu trưởng trường cô ấy dạy, nó bảo vợ nó sắp sinh, nếu với tình hình này thì nó sẽ cắp dao đi tìm tay hiệu trưởng để hỏi cho ra nhẽ. Tôi bảo nó bình tĩnh, chuyện gì còn có đó, nó cũng nói luôn là: La nó xạo với anh đó, nó dạy chung trường với vợ em, nó học cùng khóa vợ em, nó dạy có tháng chỉ được 700 ngàn đồng thôi, nó thiếu tiền nhà, tiền ăn nhìn mà thương luôn, thầy chạy luôn anh ơi! Nó sĩ hảo đó! Tôi im lặng. Tôi rủ Nguyễn Lãm Thắng, Lê Minh Phong và Trương Văn Vĩnh ghé thăm nhà thơ Trần Vàng Sao, nói chuyện với ông một hồi lâu rồi quay về Quảng Nam.

(còn nữa)

© 2010 Liêu Thái

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: