Sunday, January 31, 2010

VÌ SAO VIỆT NAM MỞ RỘNG CHIẾN DỊCH ĐÀN ÁP ?

Vì sao Việt Nam mở rộng chiến dịch đàn áp?
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2010-01-31
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Why-vietnam-embarks-campaign-of-tighter-repression-tquang-01312010125532.html
Trong thời gian gần đây, VN xem chừng như trở thành trọng tâm chú ý của công luận khi những vụ đàn áp, giam giữ, kết án diễn ra gần như dồn dập trong nước trước sự làm ngơ của giới cầm quyền đối với phản ứng khắp nơi.
Câu hỏi được nêu lên là vì sao VN đột nhiên tăng tốc chiến dịch đàn áp như vậy. Tổng hợp thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày tình hình này sau đây:
Kể từ tháng 3 năm ngoái, VN xem chừng như mở rộng chiến dịch đàn áp nặng tay đối với giới tu hành và những nhà bất đồng chính kiến, tiến hành đợt bắt bớ mới nhắm vào các luật sư độc lập, bloggers, những nhà hoạt động cho dân chủ dám chỉ trích đường lối, chính sách của giới cầm quyền, khiến hằng chục tù nhân lương tâm gần như liên tiếp lâm vào cảnh lao lý sau những phiên xử bất công.
Và rồi những bản án tù nặng nề gần đây nhất với những tội danh thường thấy như “xâm phạm an ninh quốc gia”, “tuyên truyền chống phá nhà nước”, thậm chí “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, đã dành cho những người có tâm huyết với đất nước.

Đại hội đảng XI, tranh giành quyền lực

Khi đề cập tới tình trạng đàn áp tại VN, qua bài “Những vụ kết tội nguy hiểm”, báo The Economist của Anh có nêu lên nghi vấn rằng “không rõ tại sao VN phát động chiến dịch đàn áp nặng tay hơn trong thời gian gần đây”. Bài báo trích dẫn lời một số quan sát viên cho rằng tình hình căng thẳng này diễn ra vì sắp sửa có đại hội đảng lần thứ 11 vào năm tới. Trong khi những người khác tin là chính cuộc đấu tranh trong Bộ Chính trị - giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Phương Tây - mới là thủ phạm. Theo bài báo thì tình trạng gọi là cởi mở chính trị tại VN có thể ví như chỉ số thị trường, trồi sụt theo thời gian. Nhưng bài báo khẳng định là chừng nào mà hệ thống giáo dục VN còn đưa thế hệ trẻ có khả năng đi du học nước ngoài, thì khi trở về quê, họ sẽ bị ảnh hưởng của những tư tưởng phương Tây.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ mới đây, qua bài tựa đề “Hà Nội đàn áp nhân quyền”, cũng nêu lên thắc mắc tương tự, rằng “Không rõ tại sao giới lãnh đạo VN bất ngờ áp dụng đường lối cứng rắn chống tự do bày tỏ cảm tưởng?”. Theo nhận xét của bài báo thì việc Hà Nội kết án 5 năm rưởi tù đối với cựu trung tá Trần Anh Kim về tội gọi là “thực hiện những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là một phản ứng hốt hoảng trước phong trào đối lập đang được sự ủng hộ của dân chúng”. Vẫn theo bài báo thì cũng có thể chiến dịch ngày càng nặng tay của giới cầm quyền là nhằm gởi một thông điệp cho phe cán bộ chủ trương cải cách, cũng như tìm cách đoàn kết lại các phe nhóm trong đảng trước kỳ đại hội toàn quốc vào năm tới. Bài báo kết luận rằng cho dù vì lý do gì đi nữa, thì hành động của VN gởi một thông điệp rõ ràng là mặc dù VN mong ước hội nhập chặt chẽ hơn với thế giới qua phương cách đối thoại về thương mại, chính trị, nhưng căn nguyên vấn đề là VN vẫn còn dưới thể chế độc đoán rất bấp bênh và lạc hậu.

Ngay sau vụ xử 4 nhà nhà dân chủ ở Saigòn, kể cả LS Lê Công Định và thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, tổ chức Ân Xá Quốc Tế trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc ra một thông cáo báo chí, trích dẫn lời ông Brittis Edman, chuyên gia nghiên cứu về VN của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lưu ý rằng “Vụ xử này là một hình thức hoàn toàn chế giễu công lý, bất chấp những nhân quyền căn bản...”. Vẫn theo viên chức vừa nói thì lẽ ra những nhà dân chủ ấy “không bao giờ bị bắt, chứ đừng nói tới chuyện bị buộc tội và lãnh án tù.” Vì sao, viên chức ấy giải thích, vì “phiên xử không cho bị cáo hưởng quyền được bào chữa đúng nghĩa, cho thấy rõ tình trạng VN thiếu tôn trọng tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến trong ôn hòa, cũng như tòa án không được độc lập”. Bản thông cáo báo chí của Tổ chức Ân xá Quốc tế kết luận rằng phiên xử cũng chứng tỏ VN cần phải cấp bách cải cách những khuyết điểm nghiêm trọng trong Bộ Luật Hình sự năm 1999, những điều khoản mơ hồ dùng để kết tội những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa – là điều đi ngược lại với nghĩa vụ của VN trong khuôn khổ luật quốc tế.

Tờ The Times ở Luân Đôn trích dẫn lời ông Brad Adams, Giám đốc Á Châu của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trụ sở tại New York lưu ý rằng “thái độ thù nghịch đối với tự do bày tỏ cảm tưởng và bất đồng chính kiến ôn hòa ngày càng trở nên trắng trợn trong giai đọan trước khi có đại hội đảng vào năm tới”. Và ông kêu gọi “VN phải chấm dứt hành động buộc tội và bỏ tù những người chỉ trích chính phủ chỉ vì họ thực thi quyền tự do ngôn luận, và VN cần phải bắt đầu tôn trọng nghĩa vụ của mình theo những công ước về nhân quyền mà chính Hà Nội đã ký kết”.

Theo tổ chức Ký Giả Không Biên Giới trụ sở tại Paris, Pháp Quốc, thì “những nhà dân chủ đấu tranh ôn hòa đang phải trả giá cho chứng hoang tưởng và những vụ tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cộng sản cầm quyền trước khi diễn ra đại hội đảng vào năm tới”.

Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới lưu ý rằng “Làn sóng bắt bớ đó sẽ không chấm dứt được cuộc tranh luận về tương lai đất nước (VN)”. Theo tổ chức này thì những nhà bất đống chính kiến bị tù tội “...đã trở thành biểu tượng thúc đẩy cuộc đấu tranh cho tự do tư tưởng tại VN và hải ngoại”. và “cộng đồng thế giới phải lên án những bản án nặng nề và áp lực chính phủ (VN) trả tự do cho những nhà hoạt động dân chủ”.

Qua tờ Wall Street Journal, luật sư quốc tế Robert Amsterdam có bài nói về “Ngôn ngữ nhân quyền, ngữ pháp công lý bị rơi vào tay những kẻ không thích hợp”, lưu ý rằng “một phiên xử mà không có quyền bào chữa nào cũng gọi là “phiên xử”, một sự kết tội nhận lệnh từ lãnh tụ độc đoán – chứ không phải quan tòa – vẫn gọi là “tội”, và rồi tiếp tục tồn tại một quan niệm sâu rộng và nguy hiểm rằng luật pháp và tòa án phối hợp hoạt động tốt đẹp...”. Vẫn theo luật sư này thì đối với những chính phủ độc tài, “việc áp dụng tội trạng là mục tiêu của họ hơn là thực trạng có tội, vì họ dựa vào quyền lực để xóa bỏ tình trạng được coi là vô tội khi chưa có án quyết. Họ biết rằng chỉ bằng cách gán cho những nhà bất đồng chính kiến hay đối lập là tội phạm, thì công chúng cũng sẽ xem những người này như vậy”.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments: