Saturday, January 30, 2010

RĂN ĐE CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG (I)

Răn đe chỉ là ảo tưởng (phần 1)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-01-30
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Deterrent-is-an-illusion-part1-tvan-01302010140613.html
Sau 16 tháng bị tạm giam, hôm qua, 29 tháng 1, cô Phạm Thanh Nghiên, từng được Human Right Watch (Tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế), trao tặng giải Hellman Hammett hồi năm ngoái, đã bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù kèm 3 năm quản chế, sau khi thi hành xong hình phạt tù.
Trí thức nói riêng và người dân trong nước nghĩ gì trước bản án dành cho cô Phạm Thanh Nghiên cũng như những bản án khác, mà hệ thống tòa án đã tuyên đối với những người tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam? Trân Văn đã đem thắc mắc đó trao đổi với ông Nguyễn Thượng Long – một nhà giáo hưu trí, đang sống tại thành phố Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Cuộc trò chuyện này gồm hai phần. Phần đầu là về vụ án Phạm Thanh Nghiên...

Vừa buồn, vừa thất vọng

Trân Văn: Thưa ông, ông nghĩ gì về bản án tòa án Hải Phòng vừa tuyên?
Ông Nguyễn Thượng Long: Tôi cũng chờ suốt ngày hôm nay đấy. Người ta xử kín quá, tôi không thấy rò rỉ thông tin nào cả. Vừa rồi tôi được biết rằng là người ta đã xử cháu Nghiên với 4 năm tù giam, tôi bất ngờ và tôi rất là buồn. Tôi rất thất vọng về án phạt đó.
Trân Văn: Thưa ông, Hiến pháp Việt Nam minh định là công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng cô Nghiên bị bắt khi cô đang tọa kháng tại nhà với biểu ngữ "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" và phản đối công hàm do ông Phạm Văn Đồng ký mà cô cho là “bán nước”. Cô bị kết tội vì một vài bài viết mà cô đã gửi lên mạng Internet để chia sẻ những suy nghĩ của cô về hiện tình đất nước, thế thì công dân có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí mà hiến pháp đã minh định như thế nào?
Ông Nguyễn Thượng Long: Qua sự kiện này tôi cũng rất thất vọng. Điều 69 của Hiến pháp ở đất nước chúng tôi quy định những quyền tự do cá nhân cũng rất đầy đủ đấy! Trong đó người ta khẳng định những quyền hội họp, quyền lập hội, quyền biểu tình, rồi quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và theo quy định của nhà nước thì tôi thấy một số việc làm của cháu Nghiên rất đúng với điều này. Ví dụ như là cháu làm đơn xin được biểu tình, thế rồi cháu cũng viết nhiều bài bày tỏ tư tưởng của mình một cách rất là đàng hoàng. Cháu cũng viết báo mạng. Tôi nghĩ là Nghiên không có gì sai sót về phương diện Hiến pháp của đất nước chúng tôi cả.
Nếu chúng ta soi vào Tuyên ngôn Nhân quyền thì chúng ta thấy là cháu cũng không làm điều gì vượt quá Tuyên ngôn Nhân quyền mà quốc tế đã kêu gọi và Việt Nam đã công nhận. Còn Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự, Chính trị và Xã hội thì cháu cũng không hề vượt quá những cái ngưỡng được phép.
Tôi nghĩ rằng việc cháu thực thi những quyền đó rất bình thường đối với các quốc gia dân chủ và các quốc gia văn minh. Rất tiếc là người ta vẫn có thể xử cháu được mà lại xử cháu ở mức án nặng nề như thế. Tôi rất là buồn. Tôi rất thất vọng.
Trân Văn: Thưa ông, trước đây ông đã từng gặp cô Phạm Thanh Nghiên chưa, hay ông chỉ biết cô qua những bài cô viết?
Ông Nguyễn Thượng Long: Tôi trực tiếp gặp cô Nghiên rồi, trong cuộc biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc. Hôm đó tôi vô cùng khâm phục, tôi vô cùng cảm động và ngưỡng mộ trước biểu hiện của một cô gái trẻ như thế.
Rất may là trong ngày hôm đó khi tôi quay trở lại nhà một người bạn mới quen biết của tôi thì tôi lại gặp lại cháu. Ở đó, tôi mới biết đầy đủ hơn về cháu Nghiên. Sau đó tôi thấy là những việc cháu làm thì tôi nghĩ là cũng không có cái gì là quá mức cả.
Sau lần đó tôi được biết là cháu có vào Thanh Hóa để thăm những ngư dân bị tàu Trung Quốc khủng bố trên Biển Đông. Sau đó một thời gian thì tôi thấy cháu viết một bài mà tôi rất xúc động. Đó là bài "Uất ức biển ta ơi!", trong đó cháu bày tỏ những đau xót của cháu khi đồng bào của mình bị hoạn nạn.
Một thời gian sau nữa tôi được biết là cháu đồng ký vào một cái đơn xin phép nhà nước cho tổ chức một cuộc biểu tình để lên án các tệ đoan, ví dụ như lạm phát, tăng giá, hay là tham nhũng tràn lan.
Thời gian sau thì tôi thấy hình như vì bức xúc, cháu có treo một khẩu hiệu là "HoàngSa - Trường Sa là của Việt Nam" và một khẩu hiệu về việc cháu không hài lòng với một công hàm ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958. Cháu treo ở nhà cháu chứ cháu chẳng có gây rối ren gì cho xã hội cả. Cháu lặng lẽ tọa kháng với những điều mà cháu nghĩ, cháu viết như vậy.
Một thời gian sau thì tôi thấy báo chí đưa tin là cháu đã bị bắt giữ. Tôi rất là buồn, tôi rất là thắc mắc và tôi cứ theo dõi mãi. Mãi người ta chẳng đưa cháu ra xử, tới mười bốn, mười lăm tháng thì mới có vụ xử ngày hôm nay và cách đây độ đôi tiếng thì tôi mới được biết kết quả qua những người bạn bè của tôi ở các cơ quan truyền thông quốc tế. Đến bây giờ, trong nước rất ít người biết kết quả của phiên xử đó.

Đàn áp sẽ không hiệu quả

Trân Văn: Thưa ông, quan sát các diễn biến trong thời gian vừa qua, người ta thấy hình như những vụ xử và những bản án dành cho những người tham gia chia sẻ thông tin, bày tỏ những suy nghĩ của họ mang tính răn đe. Theo ông, liệu những bản án đó có đạt được mục tiêu răn đe mà chính quyền Việt Nam mong muốn không?
Ông Nguyễn Thượng Long: Tôi nghĩ rằng tham vọng răn đe người Việt Nam có lẽ là một cái ảo tưởng đấy!
Tôi nghĩ rằng về phẩm chất thông minh, về ý chí quật cường là những phẩm chất tiềm ẩn từ xưa rồi. Cho nên nếu như chúng ta muốn khai thác khả năng răn đe một dân tộc đã có truyền thống như thế, tôi nghĩ rằng đó chỉ là một ảo tưởng thôi.
Tôi để ý là những án phạt đối với các trí thức trẻ như vừa qua và bây giờ là với cháu Nghiên thì có những hiện tượng mà tôi nghĩ rằng là không được bình thường lắm.
Tôi xin đơn cử ví dụ như là án phạt đối với doanh nhân - trí thức trẻ Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi thấy là không bình thường. Vì thực ra Viện Kiểm Sát chỉ đề nghị phạt 12 năm nhưng có lẽ vì thái độ của anh Thức và anh Long nữa, không làm hài lòng những người có trách nhiệm xét xử nên người ta đưa lên đến mức án mà tôi ngạc nhiên là 16 năm đối với Trần Huỳnh Duy Thức.
Tôi nghĩ rằng có lẽ đấy cũng là một lời cảnh báo của nhà cầm quyền trong nước đối với giới trí thức, đối với những người có tư tưởng dân chủ.
Tôi nghĩ rằng những án phạt đó cũng có thể làm hoang mang những người không có một lý tưởng, không có thái độ sống một cách nghiêm chỉnh. Có lẽ là người ta có thể run sợ. Thế nhưng với những người mà người ta đã có một thái độ sống, người ta có một trí tuệ và một lý tưởng cho người ta thì tôi nghĩ là mọi biện pháp khốc liệt sẽ không có tác dụng, đối với những người đã đạt tầm mức như vậy.
Tôi nghĩ rằng người Việt Nam chúng ta, những người có một ý tưởng, có một trí tụê và có một tấm lòng với đất nước như thế thì tôi nghĩ không ít đâu.
Cho nên nếu như chúng ta không nghĩ đến chuyện đối thoại với nhau, chúng ta không nghĩ đến chuyện chúng ta có thể trao đổi với nhau việc của người Việt Nam với người Việt Nam. Chúng ta không thể có cách ôn hòa hơn mà chúng ta cứ dùng những biện pháp khốc liệt như thế thì tôi nghĩ rằng cũng không có kết quả đâu.
Tôi thì tôi nghĩ như vậy còn không hiểu những người cầm quyền, những người đang quản lý đất nước thì họ nghĩ như thế nào?

Trên đây là phần đầu cuộc trò chuyện giữa Trân Văn và ông Nguyễn Thượng Long – một nhà giáo hưu trí về vụ án Phạm Thanh Nghiên. Mời quý vị tiếp tục xem tâm sự của ông Nguyễn Thượng Long, ở góc độ một người tham gia tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền đang thẳng tay đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến như vừa qua.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: