Thursday, January 28, 2010

MẠNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM : SỰ LAN RỘNG TẤT YẾU

Mạng xã hội ở Việt Nam, sự lan rộng tất yếu
Việt Hà, phóng viên RFA
2010-01-26
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OneStoryaWeek/Social-Network-unstoppable-movement-in-Vietnam-VHa-01262010170610.html
Sau Trung Quốc, Việt Nam cũng tăng cường kiểm duyệt các website, các mạng xã hội; bắt giữ những blogger đã bày tỏ quan điểm đối nghịch. Nhưng chính quyền vẫn không thể ngăn cản sự phát triển của các mạng xã hội tại Việt Nam.
Những tranh cãi qua lại gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ quanh chuyện những tài khoản của người dùng google bị tấn công và việc Trung Quốc kiểm duyệt các website, các mạng xã hội, đã tốn khá nhiều giấy mực và khiến nhiều người chú ý.
Nhưng đấy là chuyện của các nước lớn, thế còn ở Việt Nam thì sao?
Ở Việt nam những năm gần đây, mạng xã hội cũng đã trở thành nhu cầu khá phổ biến của nhiều người, nhất là ở thành thị.
Và cũng rất nhanh chóng, Việt nam đã bị Mỹ và các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng chỉ trích về việc bắt giữ những blogger khi họ bày tỏ quan điểm đối nghịch với nhà nước của mình trên các trang mạng.

Mạng xã hội

Mạng xã hội là một từ mới xuất hiện trong 10 năm đầu thế kỷ 21. Nó được coi như cuộc sống ảo của con người trong xã hội hiện đại. Mạng xã hội được hình thành và phát triển nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, của internet. Và cũng từ lâu nay, nó đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với nhiều người Việt Nam.
Đa số người Việt Nam hiện sử dụng mạng xã hội như một diễn đàn để giải trí, làm quen, kết bạn và chia sẻ thông tin. Lúc đầu, những người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam làm quen với mạng xã hội qua các phần mềm chat trực tuyến như yahoo hay msn, vân vân.
Tiếp đến là viết blog, một hình thức để mọi người viết ra những cảm xúc của mình giống như trang nhật ký cá nhân trên mạng, chia sẻ thông tin với bạn bè xa gần. Gần đây nữa là các mạng xã hội như Facebook, hay Twiter.
Trong đó Facebook là mạng thu hút đến hơn 1 triệu tài khoản khách hàng từ Việt Nam. Đây được coi là một mạng xã hội có tính năng ưu việt, có độ tương tác cao, và người dùng toàn cầu. Đây cũng chính là một trong các mạng xã hội thống lĩnh thị trường Việt Nam.

Vậy người dùng Việt nam hiểu thế nào về mạng xã hội? Chị Lê Phương Lan, một tín đồ của mạng xã hội Facebook nói:
Lê Phương Lan: Nói chung mình nghĩ nó giống như là mối quan hệ. Mạng là một cuộc sống nữa, một cuộc sống ảo, mình giữ được các mối quan hệ. Mình biết được bạn bè đang làm gì mà bình thường thế này không có mạng xã hội mình không có thông tin bạn bè.
Đến khi có mạng xã hội, mình chỉ cần mở vào profile của người ta thì mình biết là họ đang làm gì, họ khỏe không, rồi họ có vấn đề gì không. Mình giữ mối quan hệ như vậy thì biết là bạn bè mình cách nửa vòng trái đất vẫn còn tồn tại hoặc có ốm đau gì không.
Còn nếu bình thường không có mạng xã hội mà gọi điện cho nhau thì chắc là giá tiền rất cao, rồi còn bạn, cuộc sống riêng, đâu phải lúc nào cũng có thời gian.


Đối với một số người khác thì họ tham gia các mạng này chủ yếu là để đọc tin tức và viết blog giống như blogger Lê Sơn cho biết:
Lê Sơn: Tôi lên mạng để kiểm tra và học hành. Bây giờ tôi có tham gia mạng vì chat chit và tìm hiểu thêm đời sống mạng. Tôi tham gia một số trang, một số blog ở các trang mạng.

Việt Nam là một nước có dân số khoảng 86 triệu người thì có từ 20 đến 25% dân số sử dụng internet.
Điều này lý giải tại sao các mạng xã hội sau khi xuất hiện trên thế giới, tại các nước phát triển đã nhanh chóng được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Mặc dù thịnh hành là vậy, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thời gian gần đây lại gặp không ít khó khăn. Trước tiên phải nói đến là chuyện các blogger bị chính quyền bắt giữ trong năm 2009 vì viết những bài chỉ trích chính sách của chính phủ liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường sa đang tranh chấp giữa Việt nam và Trung Quốc, và chuyện Việt Nam cho một công ty Trung Quốc vào Tây nguyên khai thác Bauxite.
Gần đây nữa là trường hợp Facebook được cho là đã bị chính quyền ngăn cản một phần khiến cộng đồng mạng bất bình.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực ngăn cản đó của chính quyền, người sử dụng các trang mạng xã hội ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhanh. Ông Shawn McHale, Giám đốc Trung tâm Sigur nghiên cứu châu Á thuộc đại học George Washington cho biết:
Shawn McHale: Trong suốt 5 năm qua, việc sử dụng web, blog, mạng xã hội ở Việt nam đã thực sự bùng nổ, mặc dù đã có những ngăn cản từ phía chính quyền bằng cách sử dụng biện pháp công nghệ. Rất nhiều người biết là Facebook hiện đã bị ngăn cản tại Việt nam.
Tuy thế họ đã không ngăn cản được hết bởi vì những người Việt Nam trẻ tuổi biết cách sử dụng các proxy vượt tường lửa để tiếp cận các trang mạng. Mặt khác chính phủ Việt Nam cũng không ngăn chặn thành công các website như Trung Quốc mà họ chỉ làm được với hình thức nửa vời.


Thay thế hay kiểm soát?

Ở Việt Nam trong vài năm gần đây cũng đã xuất hiện một số các mạng xã hội hoàn toàn do Việt nam xây dựng. Có thể điểm qua các tên như Vietspace, Yobanbe, Zingme. Thế nhưng theo các chuyên gia mạng thì các mạng này đều chưa phát triển được các ứng dụng như Facebook hay Google nên không thu hút đựơc người sử dụng.
Trong các mạng xã hội của Việt Nam hiện tại chỉ có Zingme là mạng xã hội do công ty Vinagame xây dựng là có tới khoảng 4 triệu tài khoản. Nhưng người dùng Zingme phần lớn lại là những người chơi game, những học sinh, sinh viên tuổi teen nên không tạo nên ảnh hưởng đến xã hội nói chung.
Mới đây, Bộ trưởng thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp nói rằng trong năm 2010, Việt nam sẽ xây dựng một mạng xã hội mang bản sắc Việt nam, tiến tới thay thế các mạng xã hội khác như Yahoo, Google.
Những cư dân mạng có phản ứng khác nhau về lời kêu gọi mới này của ông Bộ trưởng. Nhưng nhìn chung đều có một cái nhìn hoài nghi với tham vọng này của chính quyền Việt Nam.

Blogger Lê Sơn nói:
Lê Sơn: Theo tôi nếu xét về lời kêu gọi về một mạng đậm bản sắc dân tộc đối với mọi người dân Việt Nam, với lời kêu gọi đó thì ai cũng đồng tình thôi, ai cũng mong muốn nhưng nội dung của nó, cái kết quả nó thế nào thì phải chờ thời gian. Và xem lời kêu gọi đó có nội dung và kết quả ra sao, người dùng trang mạng đó cảm thấy thế nào thì còn là một câu hỏi lớn.

Blogger Bút thép, một blogger nổi tiếng thì nói:
Bút Thép: Cái đó là kiểu làm duy ý chí của những nhà lãnh đạo Việt nam, thứ nhất cái mạng mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam nếu có thành lập thì phải do những người yêu thích mạng lập chứ không thể nào bằng lời kêu gọi của lãnh đạo. Điểm thứ hai tôi không hiểu mạng thế nào gọi là mạng mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nó phải có những tiêu chí nào để gọi là mạng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tôi chắc chắn là không tham gia.

Một blogger khác, cũng là một chuyên gia mạng, xin được giấu tên đã thẳng thắn viết về lời kêu gọi đó của nhà nước Việt Nam thế này:
“Mục tiêu cuối cùng là kiểm soát thông tin và kịch bản tồi tệ nhất là sau khi các mạng này ra đời việc truy cập vào Google, Yahoo sẽ bị gây khó khăn như kiểu Facebook bây giờ nhằm hướng dần người dùng vào các mạng nội địa. Có thể thấy Việt nam đang học theo chiến lược của Trung Quốc.
Điều có thể họ chưa lường hết được hậu quả của việc block những site như Yahoo, Google (nếu có) là các nhân lực trí thức nước ngoài sẽ không bao giờ coi Việt nam là nơi làm việc tốt. Đất nước sẽ trở thành một vũng đen về thông tin, bị xa lánh và cô lập.”

Vậy nếu kịch bản đó mà thành sự thật thì sao? Blogger này cho rằng tinh thần phản kháng của người Việt rất cao. Trước kia khi khi thông tin bị kiểm soát gắt gao hơn bây giờ rất nhiều thì ở ngoài Bắc vẫn có nhiều người nghe lén đài BBC hàng ngày. Các mạng xã hội ép buộc kiểu này khó mà đi tới đâu.

Trải qua một năm 2009 nhiều trầm hơn thăng bởi những nỗ lực can thiệp của chính phủ, các mạng xã hội ở Việt nam hiện vẫn tiếp tục phát triển. Các mạng này giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của người Việt, bất kể dù chính phủ có mong muốn hay không.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: