Friday, January 29, 2010

CỒN DẦU ƠI, NGƯƠI NHỎ NHẤT ...

Cồn Dầu ơi, ngươi nhỏ nhất ...
Gioan Lê Quang Vinh
28 Jan 2010 08:13
http://dcctvn.net/zzweb/99890vinh.html
Tôi đến Cồn Dầu mấy năm trước đây, khi một người bạn của tôi là linh mục Giuse Nguyễn Kinh lúc bấy giờ mới được thụ phong về làm cha xứ ở đó. Nhìn giáo xứ cổ kính hiền hoà giữa tứ bề sông nước, lòng tôi bình an và tin tưởng vào một ngày giáo xứ sẽ phát triển mạnh mẽ. Cách đây mấy hôm, khi gặp lại cha Kinh, chúng tôi biết một cha khác đang ở Cồn Dầu và cũng biết Cồn Dầu vẫn bình an. Nhưng thật bất ngờ, bây giờ Cồn Dầu đã biến thành chảo dầu sôi sục.

Cồn Dầu là xứ đạo lâu năm nhưng cũng là một xứ đạo nhỏ. Cồn Dầu nhỏ về diện tích và về số tín hữu, nhưng cũng như Bêlem xưa, Cồn Dầu được Chúa dùng như dấu chỉ của những điều rất lạ.

Như Thái Hà, như Đồng Chiêm, như Loan Lý và nhiều xứ đạo hiền hoà khác, Cồn Dầu được đề cập đến trước hết như một vấn đề đất đai. Ở đây chúng tôi không nói lại chuyện này, chuyện mà chính Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn đã trả lời công khai là “gây ra nhiều bất công”. Còn hơn chuyện đất đai, đàng sau tất cả những chuyện ấy là niềm tin của người Kytô hữu. Không phải đơn thuần là chuyện đất đai, là bởi vì đàng sau Thái Hà là hình ảnh của Mẹ là Nữ Vương Công Lý, đàng sau chuyện Núi Thờ Đồng Chiêm là bóng Thánh Giá trên cuộc đời người dân lam lũ, và đàng sau chuyện Cồn Dầu là bóng giáo đường đã phủ xuống đã một thế kỷ nay. Chuyện lạ đầu tiên của Cồn Dầu chính là chuyện lạ của Công Lý và của niềm tin.

Điều lạ thứ hai của Cồn Dầu chính là sự trưởng thành của người giáo dân miền quê nghèo ấy. Chúng ta đang chờ đợi, thiết tha chờ đợi sự lên tiếng của đấng bản quyền giáo phận địa phương và những vị chủ chăn khác trong giáo phận như chúng ta đã từng nhìn thấy ở Thái Hà, Loan Lý, Đồng Chiêm, nơi các vị chủ chăn sống chết với đoàn chiên. Chúng ta tin vào sự khôn ngoan (không chỉ là khôn khéo) nhưng cũng rất dũng cảm của các vị chủ chăn sở tại. Khi chúng ta đang tin chắc như thế và biế chắc sẽ thành hiện thực, thì người giáo dân Cồn Dầu đã lên tiếng. Họ hiểu rằng trong nhiều tình huống, chính người tín hữu phải là người giương cao ngọn cờ Thánh Giá, chứ không phải dựa vào bất kỳ ai khác. Đó là thái độ trưởng thành của niềm tin đích thực.

Và một điều lạ khác nữa. Người ta muốn để lại nhà thờ với cha xứ lẻ loi. Và chính lúc ấy, vị đại diện giáo dân, ông Thái Văn Liên Quyền Chủ tịch Ban Đại Diện Giáo Xứ nói:“Chắc chắn rằng giáo dân Cồn Dầu sẽ kêu cứu tới cùng, có thể họ cùng sống chết với nhà thờ và đất của mình. Giáo xứ của chúng tôi sang năm này kỷ niệm 135 năm Hạt Giống Tin Mừng và 80 năm thành lập giáo xứ vào tháng 8-2010.” Giáo dân hiểu rằng không thể có chuyện mừng kỷ niệm giáo xứ với nhà thờ và cha xứ, mà phải là đoàn dân thánh giữa giáo xứ, nơi Hạt Giống Tin Mừng đã được gieo vào lòng đất và lòng đời. Điềm lạ đặc biệt là người giáo dân giữa thời đại này, dám từ chối những chỗ ở được hứa hẹn, để “cùng sống chết” cho Đức Kytô, trung tâm cuộc đời họ.

Và như thế, chúng ta có thể nói như lời Kinh Thánh nói về Bêlem, rằng Cồn Dầu nhỏ nhất trong các làng mạc thành trì, nhưng nơi Cồn Dầu, Chúa lại thực hiện những điều cao cả cho Dân Thánh Ngài. Trong cuộc đời có lúc người ta phải nhắm mắt như khi ngủ để lấy lại sức, hay khi hôn nhau, để yêu thương. Nhưng quan trọng là biết lúc nào thôi đừng nhắm mắt nữa, để cùng vui buồn với anh em.

Xin Chúa cho chúng ta, từ những người bé nhỏ nhất là kẻ viết bài này, đến các vị chủ chăn uy quyền của địa phương, hiệp thông với Cồn Dầu cụ thể nhất trong phận sự Chúa giao cho mình.
Gioan Lê Quang Vinh


Giáo Dân Cồn Dầu Chống Lệnh Giải Tỏa
Nam Nguyên, RFA (27-Jan-2010 17:21)


VietCatholic News (27 Jan 2010 17:21)
http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=76214
Hai ngàn giáo dân Cồn Dầu Đà Nẵng vừa gởi thư kêu cứu tới các cấp lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội, với lý do nhà cửa đất đai của họ bị giải tỏa trắng để địa phương thực hiện dự án du lịch.

Kế hoạch giải tỏa
Quận Cẩm Lệ ở cửa ngõ tây nam thành phố Đà Nẵng, trong kế hoạch phát triển địa phương, phường Hòa Xuân giải tỏa trắng 430 ha để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Hòa Xuân. Nằm trong địa bàn phường, thôn Cồn Dầu với diện tích 100 ha cũng bị giải tỏa lấy mặt bằng phục vụ dự án.
Người dân ở đây đa số theo đạo công giáo với khoảng 400 hộ quây quần sinh hoạt tại Giáo Xứ Cồn Dầu. Ông Thái Văn Liên Quyền Chủ tịch Ban Đại Diện Giáo Xứ nói với chúng tôi:
“Chắc chắn rằng giáo dân Cồn Dầu sẽ kêu cứu tới cùng, có thể họ cùng sống chết với nhà thờ và đất của mình. Giáo xứ của chúng tôi sang năm này kỷ niệm 135 năm Hạt Giống Tin Mừng và 80 năm thành lập giáo xứ vào tháng 8-2010.”
Giáo xứ Cồn Dầu đã có từ lâu đời, người công giáo gắn bó với nhà thờ và cha xứ. Cách đây hai năm có một ngày người dân được biết mình sẽ phải rời bỏ ruộng vườn, từ giã nhà thờ và cha sở. Cả xóm đạo sẽ phải chuyển về khu vực tái định cư, để lại nhà thờ Cồn Dầu và cha quản nhiệm Emmanuel Nguyễn Tấn Lục với một xứ đạo không có con chiên.
Theo dự án của thành phố Đà Nẵng, thôn Cồn Dầu có thể trở thành khu biệt thự nhà vườn Hòa Xuân, một căn biệt thự như thế khi hoàn tất có thể trị giá cả triệu đô la. Đất Cồn Dầu đã trở thành đất vàng đất bạc và dĩ nhiên người dân Cồn Dầu chẳng thể chấp nhận số phận nghiệt ngã, bỏ cả ruộng vườn nhà cửa đổi lấy một số tiền đền bù ít ỏi, không thể xây dựng cuộc sống ở nơi chốn xa lạ.

Giáo dân bức xúc
Ông Thái Văn Liên cho biết lý do khiến giáo dân Cồn Dầu không chấp hành chủ trương giải tỏa đền bù và tái định cư:
“Lý do thứ nhất chúng tôi không đồng tình phải xa rời nhà thờ vì ông bí thư thành ủy nói là đưa chúng tôi đưa chúng tôi đi nơi khác, khu vực của chúng tôi để dành bán cho người khác. Thứ hai người dân chúng tôi trên 90% sống bằng nghề nông là chính, làm ruộng, nuôi gà, trồng rau màu cuộc sống rất ổn định. Thứ ba chính sách đền bù của thành phố với giáo dân chúng tôi rất bất công, đất nhà ở đền chúng tôi 250 ngàn một mét vuông, đất ruộng đền 50 ngàn một mét vuông.
Người dân chúng tôi sợ rằng đang có nhà trở thành mất nhà. Lý do lên trên kia mua lại đất của thành phố với giá 800 ngàn đồng một mét vuông nhà ở. Mà hiện giờ đất của chúng tôi rất rộng, gần 200 năm nay gánh đất dưới ruộng đổ thành nền, nhà có gác có sân có vườn có ruộng cuộc sống đang rất phát triển chúng tôi không chấp nhận phải bỏ đi.”

Sáng 27/1 theo giờ Việt Nam, ông Thái Văn Liên từ một nơi bên ngoài thôn Cồn Dầu cho chúng tôi biết là, công an và cán bộ chính quyền từ mấy ngày qua đã đóng chốt ở thôn, để tiến hành kiểm định do đạc đất đai và nhà ở của giáo dân dù không được sự đồng ý của họ:
“Hiện giờ người dân Cồn Dầu bị rất nhiều trở ngại cho cuộc sống, thứ nhất gần tới Tết rồi mà dân sợ quá, áp lực của chính quyền rất là cao đối với họ. Cho nên người dân tuy rất là bức xúc mà không biết kêu cứu với ai được, nhiều người bỏ nhà đi âm thầm cầu nguyện xin Thiên Chúa cho tai qua nạn khỏi.”

Đó là các thông tin từ người đại diện của giáo dân Cồn Dầu, về phía chính quyền Đà Nẵng, qua trang thông tin điện tử quận Cẩm Lệ chúng tôi ghi nhận ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy Đà Nẵng đã hơn 5 lần đối thoại trực tiếp với người dân Cồn Dầu nhưng quan điểm hai bên vẫn hoàn toàn khác biệt.

2.000 người dân Cồn Dầu muốn ở lại với ruộng vườn và căn nhà của mình, để trở thành những người tham gia vào dự án khu du lịch sinh thái Hòa Xuân.

Ông Nguyễn Bá Thanh xác định rằng không thể chấp nhận những yêu cầu không thể đáp ứng. Ngay trong phiên họp ngày 5/11/2009 ông Thanh đã răn đe: “nếu hộ dân nào không đồng ý với việc kiểm định thì chính quyền sẽ tiến hành kiểm tra hành chính về nhà cửa đất đai.”

Gần như toàn bộ giáo dân Cồn Dầu chống lại lệnh giải tỏa đền bù của chính quyền.

Theo tin địa phương, Ủy Ban Nhân Dân Quận Cẩm Lệ báo cáo là hiện vẫn còn 644 hồ sơ gồm 397 hồ sơ nhà và 247 hồ sơ đất nông nghiệp mà người dân Cồn Dầu chưa đồng ý kiểm định để chính quyền áp giá đền bù.
Nam Nguyên, RFA



No comments: