Friday, January 29, 2010

NẠN NHÂN của CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI và TƯ BẢN "NGẬM MIỆNG ĂN TIỀN"

Nạn nhân của chế độ độc tài và tư bản ‘ngậm miệng ăn tiền’
Hà Giang (Tóm lược)
Wednesday, January 27, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107525&z=1
Vụ xử án 4 trí thức đấu tranh dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long hôm 20 Tháng Giêng 2010 tại tòa án thành phố Sài Gòn, với bản án tổng cộng 33 năm tù giam cho 4 người, đã để lại nhiều ‘dư âm’ không chỉ với những ai là người Việt Nam.
Về bề nổi, họ là nạn nhân của chế độ độc tài đảng trị khi đòi hỏi đa nguyên đa đảng và một xã hội mà người dân có nhiều quyền tự do dân chủ hơn. Nhưng phía sau bản án ấy, họ còn là nạn nhân của giới tư bản ngoại quốc có mối quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo Cộng Sản ở Việt Nam vì quyền lợi.

Trong một bài viết mới đây của nhà báo Greg Rushford có tựa đề ‘Crony Commies’ ông đã vạch trần bản chất tráo trở của những kẻ ‘ngậm miệng ăn tiền’ này.
Greg Rushford là chủ bút kiêm nhà xuất bản, là cựu phóng viên điều tra ở Washington, là tác giả của The Rushford Report, báo cáo về chính trị trong lãnh vực tài chính và mậu dịch quốc tế. Ông cũng tham gia với nhiều tạp chí như Far Eastern Economic Review, the Milken Institute Review, và Seafood Business. Ông đóng góp bài vở cho các báo như Wall Street Journal, cùng những ấn bản ở Á và Âu Châu của báo này.

Khát vọng bị dập tắt
Mở đầu bài viết, nhà báo Greg Rushford nhận xét rằng, ‘Cho đến khi cơ quan an ninh đến gõ cửa nhà họ năm ngoái, Lê Công Ðịnh, Lê Thăng Long, và Trần Huỳnh Duy Thức được xem là những khuôn mặt tài năng và sáng giá nhất của lớp người trẻ chuyên nghiệp đang được thành hình tại Việt Nam.’
Ông dẫn chứng rằng Ðịnh, 41 tuổi, là một luật sư được đào tạo ở Mỹ, đã giao thiệp với những công ty bậc nhất của Việt Nam từ lúc anh ta còn trong tuổi ba mươi; là một thành viên năng nổ của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Ðối với những người ái mộ Ðịnh trong giới thương mại Hoa Kỳ, anh là hiện thân của những tiến bộ của Việt Nam trên con đường trở thành một quốc gia pháp trị.’
Còn Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức là những doanh nhân trẻ trong ngành tin học, từng đóng những vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành kỹ nghệ thông tin mới nổi của Việt Nam trong thập niên vừa qua.
‘Cũng như Ðịnh, họ tạo được những mối giao hảo rất tốt với các công ty điện toán cao cấp, đặc biệt là quan hệ đối tác của họ với Cisco Systems, công ty mạng lưới (network) hàng đầu của Mỹ từ thung lũng hoa vàng Silicon (cũng là một thành viên nặng ký của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Sài Gòn). Sự nghiệp sáng sủa của ba người bạn trẻ chuyên nghiệp Việt Nam này chứng minh một niềm tin chung là đất nước thuộc thế giới thứ ba của họ có thể trở thành một xã hội ngày càng có nền kinh doanh phồn thịnh.’
Những trí thức tinh hoa này được xem là ‘một phần của một Việt Nam đang hiện đại hóa, Ðịnh, Long và Thức cũng không giấu diếm niềm tin của họ là một chính thể dân chủ đa đảng là điều tốt nhất cho đất nước. Họ mong mỏi ngày mà người dân Việt Nam, giống như những sắc dân khác trong một thế giới văn minh thượng tôn pháp luật, sẽ được hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội, mà hiện giờ đang bị nhà cầm quyền Cộng Sản ngăn cấm.’
Nhưng họ đã lầm, như lời nhà báo Greg Rushford khẳng định, ‘Tất nhiên, Bộ Chính Trị đảng CSVN, do những kẻ bảo thủ nắm quyền đang tranh giành nhau những vị trí chóp bu trong đại hội đảng đang gần kề, đời nào để yên cho họ.’
Và khát vọng đã bị dập tắt bằng một phiên tòa giả mạo cố hữu hôm 20 Tháng Giêng 2010 tại sài Gòn khi họ lãnh những bản án rất nặng nề.

Những người ‘bạn’ bị bỏ rơi
Sau phiên tòa, tác giả Greg Rushford thừa nhận rằng, “Thế giới đã phản ứng rất mãnh liệt và nhanh chóng trước những bản án này. Ngày 21 Tháng Giêng, Ðại Sứ Hoa Kỳ Michael Michalak, phản kháng rằng những lời tuyên án đi ngược lại Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và đã khiến Hoa Kỳ đặt câu hỏi nghiêm trọng về cam kết tôn trọng pháp luật và cải cách của Việt Nam. Lãnh đạo của đại diện Liên Hiệp Âu Châu tại Hà Nội ban hành một công bố chung rằng phiên tòa và bản án là ‘một bước thụt lùi lớn và đáng tiếc cho Việt Nam’. Ðại sứ của các nước trong Liên Hiệp Âu Châu nhấn mạnh là bản án không phù hợp với những quyền căn bản của con người là tự do tư tưởng, và tự do phát biểu ôn hòa, theo đúng quy định của Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền và Ðiều 19 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, mà Việt Nam đã cam kết. Tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Human Rights Watch và Ân Xá Quốc Tế cũng tỏ mối quan tâm sâu sắc của họ về sự bất công của bản án.”
Thế nhưng, Greg Rushford nhận xét, “người ta thấy rõ ràng là những thân hữu cũ của Ðịnh, Long, và Thức trong giới doanh nghiệp Mỹ đã hoàn toàn im lặng. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Hà Nội và Sài Gòn cương quyết từ chối không biểu lộ bất cứ một quan tâm nào, ngay cả trong bối cảnh riêng tư, về số phận của những đồng nghiệp đáng quý trước đây của họ.”
Tác giả cho rằng, ‘Ðây không phải là một chuyện ngẫu nhiên, mà là một thái độ được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong thời gian 6 tháng vừa qua, các nhà lãnh đạo của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ (AmCham) đã cự tuyệt mọi yêu cầu nhận định về việc các nhà bất đồng chính kiến bị đàn áp.”
Greg Rushford dẫn chứng rằng, “Trong một e-mail tuần trước, tôi đã hỏi giám đốc điều hành AmCham tại Sài Gòn là ông có lo ngại rằng ông và các đồng nghiệp của ông đang tạo nên dư luận không thể tránh khỏi là ưu tiên hàng đầu cho giới doanh nghiệp Mỹ là ổn định chính trị, theo cách của ‘Bộ Chính trị CSVN’.
Ông Herb Cochran cho tác giả biết là ông sẽ ‘kiểm tra lại với hội đồng quản tri tại đây cũng như của chi nhánh AmCham tại Hà Nội.’ Kết cục là hóa ra cả hai ban quản trị đều không muốn phủ nhận những dư luận này, ngay cả khi nói chuyện riêng với nhau.”
Nhà báo Greg Rushford kết luận ‘đó là tín hiệu mà cộng đồng doanh thương ở Việt Nam đang gửi cho Hà Nội là một điều cố ý: Việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến được sự yểm trợ ngầm của các công ty Hoa Kỳ.’
Theo lời tác giả Greg Rushford, “Giới doanh thương Mỹ đã phát triển những mối quan hệ sâu sắc với nhà cầm quyền Cộng Sản, và những doanh nghiệp ‘quốc doanh’ đầy tham nhũng thuộc sở hữu của những lãnh đạo nhà nước. Quan hệ này sâu xa đến nỗi những người Mỹ thấy rằng quyền lợi song phương của họ với giới lãnh đạo Việt Nam phải đi song song với nhau.”
Và ông gọi tên cho hiện tượng này là “Cộng Sản và tay sai.”
Tác giả cũng chỉ ra cách mà “Cộng Sản và tay sai’ cùng nhau hoạt động.
“Khi nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế, thì giới doanh nghiệp Hoa Kỳ lại cho mình là những nhà cải cách kinh tế, háo hức đến giải cứu nền kinh tế thất bại của chủ nghĩa Marx-Lenin. Thoạt tiên, cũng có những dữ kiện chứng minh điều này đúng, nhưng dần dà, trong thập niên vừa qua, những công ty này thiết lập những quan hệ ngày càng mật thiết với những người Cộng Sản cũ hiện mà hiện vẫn còn nắm giữ quyền lực kinh tế trong nước. Ngày nay, những cải cách kinh tế mà Trưởng Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam hô hào, là những điều có ích cho lợi nhuận của họ.”
Còn đối với các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa như Ðịnh, Long và Thức, thì Phòng Thương Mại Hoa Kỳ AmCham tại Việt Nam chia sẻ quan điểm của Bộ Chính Trị: “Họ là những kẻ đang gây rối”.

Ngậm miệng ăn tiền
Khắc họa chân dung những nhà tư bản ‘ngậm miệng ăn tiền’, tác giả Greg Rushford đưa ra hình ảnh của ông Greig Craft, một trong những thành viên của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
“Làm chứng trước Hạ Viện Mỹ và ủy ban ‘đường lối và phương tiện’ vào ngày 17 Tháng Sáu, năm 1999, Greig Craft phát biểu những lý tưởng rất cao đẹp: ‘Quá trình phát triển kinh tế dần dà rồi sẽ báo hiệu việc mang đến tự do chính trị cuối cùng sẽ có ở Việt Nam’.
Ông Craft hiện giờ vẫn còn hoạt động tích cực tại Việt Nam, và vẫn còn nằm trong danh sách thành viên AmCham. Nhưng ông Craft lý tưởng đã không trả lời câu hỏi của báo chí đầu tháng này, là liệu ông còn dám đảm bảo với Quốc Hội như cách đây mười một năm là Việt Nam sẽ cho người dân của họ được tự do không. Những lãnh đạo đương thời của AmCham cũng không sẵn lòng bình phẩm về đề tài này.”
Còn chủ tịch của chi nhánh AmCham tại Sài Gòn, Tom Siebert, nói trong một email viết ngày 3 Tháng Mười Một năm 2009 rằng họ là một tổ chức “phi chính trị”. “Chúng tôi sẽ giới hạn ý kiến và đề nghị của chúng tôi vào những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mà thôi”.
Khi tác giả hỏi Siebert, ông sẽ trả lời thế nào với những người ở Capital Hill trước đây không mấy ủng hộ giao thương với Việt Nam, là chuyện gì đã xẩy ra cho những tự do chính trị mà hiện giờ lẽ ra đang phải có, ông từ chối trả lời.
Vẫn theo lời tác giả thì “không có nhà lãnh đạo nổi bật nào khác của AmCham muốn nói về vấn đề pháp trị, hay người bạn cũ tên Ðịnh của họ. Tôi hỏi ông quản lý Fred Burke, quản lý đối tác của văn phòng của Banker & McKenzie, tại Sài Gòn, chủ tịch của ủy ban pháp lý, mà Ðịnh là một thành viên cho tới ngày anh bị bắt, rằng ‘Ðịnh có phải là bạn của ông không?’ Ông ta không trả lời.”
Tương tự như Lê Công Ðịnh, hai người Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long cũng bị những ‘người bạn’ của mình đối xử tương tự.
Tác giả cho biết Burke, một tư bản Hoa Kỳ đã giúp “một hãng sản xuất bia Hoa Kỳ trong việc mua cổ phần của công ty Sài Gòn Bia Rượu-Nước giải khát” của Việt Nam giá trị lên tới 24 triệu Mỹ kim và nhiều dự án làm ăn bạc tỉ đô la tại Việt Nam, đã rất ngần ngại không muốn nhắc đến tên Ðịnh là vì công ty pháp lý của ông phụ thuộc rất nhiều vào việc không làm phật lòng các cơ quan nhà nước Việt Nam.
Còn phát ngôn nhân của ông John Chambers, giám đốc điều hành của Cisco, từ chối bình luận về quan hệ kinh doanh của Cisco với Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long. Nhưng với tài liệu công cộng không được đầy đủ, không có chút nghi ngờ gì là hai nhà doanh nghiệp người Việt này đã có quan hệ chặt chẽ với Cisco và kinh doanh của cộng đồng người Mỹ.

Cộng Sản, tư bản cùng ‘bắt tay’ làm giàu
Cuối cùng, nhà báo Greg Rushford nói rằng, “Ðể hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của những nhà tư bản ‘ngậm miệng ăn tiền’ này đến nền kinh tế Việt Nam ra sao, hãy xem xét một báo cáo ngày 21 Tháng Giêng của Bill Hayton (cựu phóng viên BBC tại Hà Nội) của báo Foreign Policy. Hayton trích dẫn những ví dụ cụ thể là ‘dù có một nguồn tài sản lớn mới đang đổ vào Việt Nam, đảng Cộng Sản vẫn còn nắm độc quyền được cả hai lĩnh vực kinh doanh công cộng và tư nhân.’ Ông nhấn mạnh rằng nhiều công ty ‘ngoài mặt là tư nhân’ chính là những công ty quốc doanh trước đây, hay vẫn còn một phần thuộc sở hữu của nhà nước, và đa số các công ty đều do các đảng viên điều hành. Ông nói thêm, ‘đa số những người nắm quyền chỉ huy cao cấp của các doanh nghiệp tư nhân đều được nhà cầm quyền bổ nhiệm, hay gia đình, và bạn bè của họ.’
Cấp lãnh đạo của Việt Nam đang biến nền kinh tế tư bản của Việt Nam thành một doanh nghiệp gia đình.”
Ðể dẫn chứng các kinh doanh gia đình làm việc như thế nào, Hayton đã chỉ ra một đám cưới được tổ chức vào năm 2008 tại khách sạn Caravelle sang trọng ở Sài Gòn: Việt kiều Nguyễn Bảo Hoàng, người quản lý của IDG Ventures Việt Nam, kết hôn với Nguyễn Thanh Phượng, con gái của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
IDG Ventures của Nguyễn Bảo Hoàng là một thành viên tích cực của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Nhà báo Greg Rushford, kết luận, “Ðiều này cho thấy, trong mắt của các lãnh đạo của giới doanh thương Mỹ, bày tỏ bất cứ sự thông cảm nào cho Lê Công Ðịnh, Lê Thăng Long, và Trần Huỳnh Duy Thức, thậm chí trong vòng không gian riêng biệt, cũng có thể là một đe dọa cho mối quan hệ kinh doanh béo bở của họ với chính phủ Việt Nam.”


No comments: