Saturday, January 30, 2010

TÀU SÂN BAY và "CHIẾN LƯỢC BIỂN XANH" của TRUNG QUỐC

Tàu sân bay và “chiến lược biển xanh” của Trung Quốc
Thứ bảy, 30/01/2010, 19:27(GMT+7)
http://vitinfo.com.vn/Muctin/Quansu/LA72548/default.htm
VIT - Để đạt được tham vọng trở thành một cường quốc quân sự, vươn lên vị trí ngang hàng với các quốc gia sở hữu các tàu sân bay, từ năm 1998 Trung Quốc đã mua lại chiếc tàu sân bay Varyag cũ của Ucraina, với hy vọng sẽ đạt được những thành tựu nhất định dựa trên công nghệ của chiếc tàu cũ này.

Trước sự phát triển mạnh của nghành công nghiệp đóng tàu sân bay Mỹ, Nga và một số cường quốc hải quân khác, Trung Quốc đã tỏ ra “sốt ruột” và mong muốn được sở hữu những chiếc tàu sân bay như của Mỹ và Nga, dù rằng chỉ là một chiếc nhái lại.

Đối với một quốc gia có vùng lãnh hải như Trung Quốc thì việc phòng thủ không nhất thiết phải có tàu sân bay, nhưng ngược lại họ lại rất khát khao có một chiếc tàu mang tầm chiến lược này, điều này khẳng định rằng Trung Quốc đang ôm ấp một tham vọng vươn ra Thái Bình Dương và muốn tạo vai trò ảnh hưởng sâu rộng đối với khu vực và trên toàn thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc muốn thành lập một biên đội tàu viễn chinh cùng các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm và không quân hạm, tạo một lực lượng quân liên hợp trên biển, sẵn sàng tiến xa hơn ra hướng biển xanh.

Để đánh lạc hướng dư luận, tháng 4/1998 một công ty du lịch Macao đã mua lại chiếc tàu sân bay Varyag từ Ukraina với giá 20 triệu USD, sau đó chiếc Varyag được hoán cải thành một “casino nổi”, tuy nhiên sau đó, chiếc tàu này đã biến mất trong một thời gian ngắn trước khi nó xuất hiện trở lại tại căn cứ đóng tàu quân sự Đại Liên của Trung Quốc. Tiếp đó, Trung Quốc đã mua 4 hệ thống cất, hạ cánh trên boong tàu sân bay. Các hệ thống này cho phép những máy bay hải quân hạng nặng như Su-33 của Nga cất, hạ cánh an toàn. Sau đó, một hệ thống đã được các chuyên gia Trung Quốc tháo rời và sao chép lại, hệ thống thứ hai đã được lắp đặt trên tàu sân bay Varyag; hai hệ thống cất, hạ cánh còn lại sẽ được lắp đặt trên các tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc.

Khi nói về việc này, một chuyên gia của hãng tin quân sự Kanwa có trụ sở tại Hồng Kông cho hay, việc Trung Quốc mua T10K, một phiên bản của máy bay hải quân hạng nặng Su-33 từ Nga, cho thấy họ có kế hoạch đóng tàu sân bay cho loại máy bay tầm xa này. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia quốc tế đã nhận định, dự án đóng tàu sân bay của Trung Quốc sẽ được khởi động trong giai đoạn 2010-2012 và sẽ hoàn thành trước năm 2015. Theo báo Lenta của Nga, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ xuất hiện vào năm 2020 và có trọng tải 93.000 tấn.

Về phía Trung Quốc đã luôn phủ nhận kế hoạch đóng các tàu sân bay. Tuy nhiên, đến tháng 3/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt đã tuyên bố rằng, hiện nay lực lượng hải quân của họ không đủ mạnh cho nên Trung Quốc sẽ đóng tàu sân bay. Vì tàu sân bay sẽ là “biểu tượng sức mạnh dân tộc và khả năng cạnh tranh của hải quân”.

Tiếp đó, tháng 6/2009, sau khi tới thăm bến số 3 thuộc xưởng đóng tàu Changxing, Thượng Hải, các chuyên gia đóng tàu của Đông Âu đã khẳng định Trung Quốc đã bắt đầu công việc đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên. Theo các chuyên gia của Đông Âu, với những bằng chứng kỹ thuật họ đã thu thập được cùng với biểu lộ của Trung Quốc về sự giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng vũ trang tại bến tàu số 3 đã cho thấy Trung Quốc đang tiến hành một dự án đóng tàu quan trọng.

Ngoài những dấu hiệu trên, hiện nay tại xưởng đóng tàu này nhiều container được tập kết tại bến tàu số 3 và các chuyên gia cho rằng, những thùng hàng này chứa các máy phát điện và thiết bị chứa oxy để đóng tàu. Theo tạp chí UPI, Trung Quốc tới nay đầu tư 5,1 tỷ USD để mua sắm, xây dựng xưởng Changxing với tốc độ rất nhanh. Còn các chuyên gia về đóng tàu của Pháp cho rằng, các trang thiết bị mà Bắc Kinh mua có thể tập trung vào việc tinh chế thép và nguyên vật liệu đóng tàu khác. Giai đoạn đầu tiên sẽ gồm các hoạt động tinh chế, cắt thép và kết nối các bộ phận đơn chiếc.

Với những dấu hiệu nêu trên đã khẳng định rằng Trung Quốc đã và đang có những nỗ lực chế tạo những chiếc tàu sân bay nội địa, với mong muốn trở thành một cường quốc hải quân đứng ngang hàng với Mỹ, Nga và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, một khi tàu sân bay của Trung Quốc được xuất xưởng và biên chế cho hải quân thì việc gia tăng áp lực quân sự trên biển của Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức độ đe dọa các nước yếu trong khu vực. Trong khi hiện nay công nghệ đóng các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ mới trong thế kỷ 21 của Mỹ (CVN-21) đã đạt tới trình độ vượt bậc cả về khả năng hoạt động và tác chiến liên hoàn.

Tuy nhiên, khi các tàu sân bay của Trung Quốc hoàn thành và được biên chế cho hải quân, thì đó sẽ là một điều đáng lưu tâm đối với các quốc gia láng giềng. Theo biên chế của một biên đội tàu sân bay, ngoài tàu sân bay còn có một số tàu hỗ trợ tác chiến, yểm trợ hậu cần, tàu ngầm và 01 liên đội không quân hạm đi kèm. Vì vậy, sức mạnh của hải quân Trung Quốc sẽ trở nên khá mạnh, tạo một lực lượng hải quân mũi nhọn để có thể tiến xa hơn ra hướng Thái Bình Dương, sang Ấn Độ Dương và chiến lược “Biển xanh” của Trung Quốc sẽ có những bước tiến mạnh hơn.

Lan Hương (Tổng hợp)
Nguồn tin của VITINFO



No comments: