Sunday, January 31, 2010

RĂN ĐE CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG (2)

Răn đe chỉ là ảo tưởng (Phần 2)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-01-31
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Deterrent-is-an-illusion-part2-tvan-01312010083218.html
Trong lần phát thanh trước, quý vị đã nghe ông Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo hưu trí sống ở thành phố Hà Đông, thuộc Hà Nội, chia sẻ suy nghĩ của ông trước bản án mà Tòa án Hải Phòng mới tuyên đối với cô Phạm Thanh Nghiên, cũng như các bản án mà hệ thống Tòa án đã tuyên đối với những người tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam.
Lần này, mời quý vị nghe tiếp những tâm sự của ông Nguyễn Thượng Long với Trân Văn, dưới góc độ một người tham gia tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền đang thẳng tay đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến.

Giá của sự dấn thân


Trân Văn: Thưa ông, ông là một trong những người đã từng lên tiếng bày tỏ suy nghĩ, bày tỏ ý kiến của ông. Hình như là ông cũng có gặp một số rắc rối (?). Trong bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay, khi mà có rất nhiều người đã từng lên tiếng bày tỏ ý kiến, bày tỏ suy nghĩ như ông phải nhận lãnh những hình phạt rất nặng, ông có lo âu không? Rồi thân nhân của ông có lên tiếng can gián không?
Ông Nguyễn Thượng Long: Thực ra thì tôi không phải là một hiện tượng đặc biệt đâu. Tôi cũng như những người Việt Nam bình thường khác thôi. Có lúc mình cứng rắn, cũng có lúc mình yếu đuối, có lúc mình lạc quan, cũng có lúc mình thất vọng, mình bi quan.
Thực ra đúng như là anh vừa mới hỏi tôi đấy, từ ngày tôi dấn thân vào chuyện cổ suý cho tư tưởng tự do - dân chủ - nhân quyền và tôi bênh vực những đồng bào của tôi bị hoạn nạn, những nỗi niềm mà người ta không nói lên được thì tôi nói giúp họ, tôi cũng gặp phải những hệ luỵ. Cái giá phải trả cũng tương đối là đắt đấy ạ.
Ví dụ tôi cũng phải làm việc với cơ quan an ninh, rồi gia đình tôi cũng có những lúc không phải là bình thường. Ví dụ như là con trai, con gái tôi, rồi con rể tôi đều phải nhận những áp lực của chính quyền. Thậm chí đến cả cháu gọi tôi bằng bác ruột, rồi em trai tôi, rồi bà chị tôi,… cũng đều có những tác động từ những người có trách nhiệm.
Thế rồi lâu lắm tôi mới về quê thì tôi cũng được nghe những lời mà thân tộc của tôi ở đó nhắc nhở tôi về những điều mà chính quyền người ta đã đặt vấn đề về tôi ở quê tôi. Tôi nghĩ rằng những áp lực đó đến với tôi về cơ bản có lẽ cũng không còn cái mức độ nào nữa đâu.
Tôi cũng chỉ biết nói với mọi người rằng, tôi đã sống theo đúng tiếng gọi của lương tri và tôi cũng mong là trước khi làm cái gì, trước khi khẳng định điều gì thì mình phải là một con người chân chính đã. Lời dạy đó tôi cũng mang ra dạy cho con tôi, cháu tôi, em tôi, nói với người thân trong gia đình.
Tôi cho rằng hãy làm theo tiếng gọi của lương tâm mình, lương tri mình, còn những cay đắng của cuộc đời, lúc này nó đến hoặc lúc khác nó đến thì mình phải bình tĩnh, chứ đừng mất bình tĩnh trước chuyện như vậy. Mà tôi cũng tin rằng lương tâm của tôi, thái độ sống của tôi và sự chân thực của tôi với cuộc đời này thì lúc này, có thể tôi gặp những điều cứ tạm coi là bất hạnh nhưng tôi nghĩ rằng, lịch sử rất công bằng, lịch sử sẽ không bao giờ để cho một người Việt Nam nào bị oan khuất.
Tôi nghĩ rằng những việc tôi làm, thái độ sống của tôi như thế thì tôi không hối hận. Tôi không hề hối hận vì tôi biết là tôi không sai. Còn bây giờ người ta xử sự với tôi như thế nào thì bên cạnh tôi có gia đình, thân tộc tôi. Nói thực, đồng bào của tôi cũng là một phần theo lý lẽ ấy. Nếu mà mình không nghĩ đến đồng bào, không nghĩ đến dân tộc mình nữa thì nó lại khác nhưng mà với anh em chúng tôi, bên cạnh người thân, bên cạnh gia đình, chúng ta còn có một gia đình lớn nữa, đó là đồng bào và dân tộc. Chính vì vậy mà trong nhiều vấn đề tôi đã xử sự khác với những người khác, trong những vấn đề tương tự anh ạ.

Giữa riêng và chung


Trân Văn: Thưa ông, năm nay ông bao nhiêu tuổi?
Ông Nguyễn Thượng Long: Dạ, năm nay tôi đã vượt quá cái tuổi phải lao động trong xã hội rồi.
Tôi sinh sau Cách mạng tháng Tám và tôi trưởng thành từ các mái trường của chủ nghĩa xã hội. Thực ra thì tôi chẳng hiểu biết gì lắm về đế quốc, thực dân, phong kiến đâu. Từ khi tôi hoàn thành nghĩa vụ lao động với xã hội, tôi mới có thời gian để tôi suy ngẫm lại, tôi rà soát lại, tôi ngoái nhìn lại những việc mà tôi đã làm, những gì đã diễn ra trong cuộc đời mà tôi đã chứng kiến và tôi có một nguyện vọng là có điều gì mình nói được, mình viết được, mình nghĩ được mà nó có lợi cho số đông, có lợi cho nhân dân tôi, thì tôi không từ nan. Và cuộc sống đã đưa tôi đến những ngày tháng như thế này.
Trân Văn: Thưa ông, trên một số diễn đàn điện tử và trên một số blog, người ta nói nhiều đến chuyện trước hết phải sống có trách nhiệm đối với gia đình của mình và cách thể hiện trách nhiệm đó là không dây vào những yếu tố có liên quan đến chính trị, bởi vì sẽ gặp rắc rối. Hình như là ông không chia sẻ suy nghĩ đó của số đông?
Ông Nguyễn Thượng Long: Đúng là những lập luận và những lời khuyên răn của nhiều người đối với tôi cũng như điều anh vừa mới nói.
Nhiều lúc tôi cũng giật mình trước những lời khuyên đó. Tôi cũng rà soát lại xem mình đối xử với người thân của mình, với thân tộc, quê hương có điều gì không phải không. Tôi ngẫm nghĩ thì tôi thấy rằng cũng không hề có điều gì mà tôi có thể phải hối hận trước họ.
Còn những ý kiến kia, tôi tin họ cũng nói thật lòng thôi, chứ không phải là họ có ý không tốt, thế nhưng mà nghĩ đi, nghĩ lại thì tôi không tìm ra được những lỗi lầm của tôi để tôi phải tự dày vò, để tự dằn vặt mà phải sám hối, phải hối hận.
Tôi nghĩ là xung quanh tôi còn có nhiều những bất công, còn quá nhiều những người mà người ta đang gặp phải những điều bất hạnh, người ta không nói lên được, thế thì tôi nói lên được thì tôi cứ bênh họ. Tôi không biết là cuộc bênh của tôi nay mai nó sẽ như thế nào...

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


RĂN ĐE CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG (I)


No comments: