Thursday, January 28, 2010

NHÌN TÂY TẠNG THẤY VIỆT NAM

Nhìn Tây Tạng, thấy Việt Nam
Lê Minh Khôi
28.01.2010
http://damau.org/archives/10711
Rời Thành Đô trên chiếc phi cơ cánh quạt loại nhỏ chứa khoảng sáu chục người, sau hơn một giờ bay chúng tôi đã thấy nhấp nhô những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng của xứ Tây Tạng. Bỏ lại sau lưng căn nhà tranh di tích của Đỗ Phủ, bỏ lại mảnh đất dựng nghiệp của Lưu Bị thời Tam Quốc, bỏ lại miếu thờ Khổng Minh, Quan Công, Trương Phi cùng những thành lũy bằng đất xây dựng từ thời Tần-Hán nằm gần quận lỵ Đôn Hoàng, khi chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Lhasa thì kim đồng hồ chỉ 1 giờ 22 phút, giờ địa phương, buổi chiều.

Mỗi người được phát cho một túi nhỏ đựng dưỡng khí và được dặn dò phải cẩn thận kẻo bị choáng váng hay té ngã vì áp suất thay đổi. Trong số hơn 60 hành khách thì gần ba chục là du khách Âu Mỹ, 5 hay 6 người mặc binh phục, hơn hai chục là thường dân nói tiếng Hoa, và vỏn vẹn chỉ có 4 người Việt. Lúc rời Washington DC nhóm anh em chúng tôi có tới 12 người, nhưng lúc đi Tây Tạng chỉ còn lại vợ chồng anh chị Trần Dương và vợ chồng tôi. Trong lúc chuẩn bị rời máy bay, tôi bỗng chợt nhớ tới bài địa lý thuở còn nhỏ: Nước Tây Tạng rộng bằng hai nước Pháp, có dãy núi Hymalaya (Hy Mã Lạp Sơn) là dãy núi cao nhất thế giới, có ngọn Everest quanh năm tuyết phủ. Tuổi ấu thơ của tôi lại được kích thích khi nghe kể chuyện những nhà tu trên đất Tây Tạng ngồi xếp bằng tròn, bay vù vù từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác, hoặc những chuyện rùng rợn về thiên táng, xác người chết được đem lên đỉnh núi xẻ thịt ra từng mảnh quăng cho chim ăn theo triết lý: vật nuôi người, người nuôi vật, trái ngược với phong tục của chúng ta là địa táng, đào huyệt chôn dưới đất, hay hỏa táng là đem thiêu xác, lấy cốt về thờ. Lớn lên, đọc sách, đọc báo, đọc được những bức thư của nhà cách mạng Phan Bội Châu gữi cho nhà cách mạng Phan Chu Trinh, trên đầu thư cứ một điều Hy Mã Tôn Ông nhã giám, hai điều Hy Mã Tôn Ông nhã giám, thì lòng lại càng nao nức muốn biết Tây Tạng và Hy Mã Lạp Sơn lắm. Tưởng rằng “nhưng chỉ là giấc mơ thôi”, không ngờ có ngày tâm thành ý đạt.

Độ cao của nước Việt Nam ta trung bình so với mặt biển là khoảng 19 m (63 feet), nhưng độ cao của Tây Tạng so với mặt biển là 3,658 m (12,000 feet) và đỉnh cao của ngọn Everest so với mặt biển tới 8,848 m (29,000 feet). Cho nên, trừ dân địa phương, còn du khách khi đã có ý định mò lên thăm cái xứ sở nằm cao tít trên nóc nhà thế giới này thì đều đã dự liệu về chuyện áp suất không khí thay đổi. Tinh thần chuẩn bị kỹ càng như thế nhưng lúc máy bay đáp xuống phi trường, cánh cửa mở ra, chân mới chạm đất thì gió thổi mạnh đến nỗi không thể tự chủ nổi, chỉ bước được mấy bước thì cái mủ lưởi trai đem từ D.C. đã bị gió thổi văng xuống và cuốn đi như một chiếc lá. Một tay che đầu, một tay kéo cái túi hành lý nhỏ, chạy lọt được vào tới phòng chờ đợi thì cổ họng khô cứng lại như đã ba ngày không được một hớp nước.

Nhân viên hãng du lịch ra đón bốn người chúng tôi là một phụ nữ có tên Mã Dung. Cái tên này làm tôi chợt nhớ đến mấy cái tên Mã Đằng, Mã Đại và Mã Siêu trong bộ Tam Quốc Chí. Nghĩ vậy thôi, chứ cô Mã Dung không mang một nét đặc thù nào của Hán tộc. Thân hình dong dỏng cao, khoảng hơn thước rưỡi, tóc dài chấm lưng vai, da rám nâu, nói tiếng Anh đủ để chúng tôi hiểu được. Sau một vài câu trao đổi ngắn gọn, cô đưa chúng tôi lại chỗ lấy hành lý và ra ngay chiếc xe Van hiệu Toyota chờ sẵn. Trái với cô Mã Dung, người lái xe rõ ràng là một chú người Hoa chính hiệu, hai mắt ti hí, má phệ, tóc ngắn, nước da màu vàng tái, tương phản hẵn màu nước da của những người Tây Tạng mà chúng tôi từng gặp trong chùa Tây Tạng Labrang Monastery trên đất Sa Hẹ. Ra khỏi phi trường, xe chạy vòng vèo, một bên vách núi, một bên bờ sông, nước trong xanh ngắt. Độ chừng mười cây số xe dừng lại tại một khúc quẹo và người tài xế ra hiệu cho chúng tôi xuống để chụp hình. Đó là một cái hang thô sơ thờ hình Đức Phật ngồi thiền, miệng hang treo vô số tấm phướn và cờ đuôi nheo cùng những miếng vải to cỡ ba bốn bàn tay, màu sắc, xanh, trắng, đỏ, vàng, trông rất sặc sỡ. Chụp hình xong, chúng tôi lên xe về thẳng khách sạn Holiday Inn trên đường Beijing Lu.

Ở đâu quen đấy. Sau một buổi chiều và một đêm dài nghỉ ngơi chúng tôi đã làm quen được với thời tiết. Sáng hôm sau chúng tôi ra ngồi nhâm nhi cà phê trong phòng khách để chờ xe đến đón. Phía bên kia đường là một dinh thự lớn, bảng hiệu nền đỏ chữ vàng viết bằng chữ Hán, hai người lính gác, súng gắn lưởi lê, quân phục màu xanh phân ngựa, thứ quân phục của lính Trung Cộng mà chúng tôi từng gặp ở Bắc Kinh và Tây An. Tại tiền đình, trên đỉnh cao của cột cờ là lá cờ Trung Cộng, một ngôi sao lớn bốn ngôi sao nhỏ phất phơ trước gió. Ngôi sao lớn tượng trưng cho Đại Hán, bốn ngôi sao nhỏ tượng trưng cho bốn sắc dân chư hầu Mãn, Mông, Hồi, Tạng.

Mặt trời lúc này đã lên cao. Những tia nắng ban mai đã rọi xuyên qua khung kính cửa sổ của phòng khách dệt thành những sợi nắng đan chéo trên tường nhưng không khí vẫn còn se se lành lạnh. Xe cộ qua lại thưa thớt, lâu lắm mới thấy một chiếc xe tự chế, là chiếc xe có một bánh bằng gỗ do một người đẩy hay kéo, chậm chạp đẩy qua. Theo lịch trình, đúng 9 giờ cô Mã Dung cùng người tài xế mới có mặt đưa chúng tôi tới đền Jokhang là ngôi đền được Hoàng hậu Wengcheng, vợ thứ của vua Songtsen Gampo, xây cất vào năm 647, và sau đó tới đền Lublinka. Hai ngôi đền thờ này khá lớn nhưng chỉ có một tầng, tường xây bao bọc chung quanh, vôi tróc loang lổ, thiếu người săn sóc, cũng hệt như quang cảnh sở thú ở Trùng Khánh, cây cỏ thì xơ xác, con người thì nhếch nhác. Thỉnh thoảng một nhóm dân Tây Tạng ngồi nhặt cỏ nhìn chúng tôi đi qua với ánh mắt vô cảm lạnh lùng rồi sau đó họ lại ngồi chồm hổm tiếp tục dọn cỏ hay đứng lên uể oải cầm chổi quét những chiếc lá rụng. Không khí ở đây ảm đạm buồn tênh chứ chẳng thấy gì gơi cảm.

Đến bữa ăn trưa chúng tôi được đưa vào nhà hàng quốc doanh nằm cùng dãy nhà với siêu thị do nhà nước quản lý. Tổ chức du lịch của Trung Quốc rất chặt chẽ. Chuyên chở đưa đón thì có China Travel Services, viết tắt là CTS, và chúng tôi gọi đùa là Communist Total Shit. Bữa ăn thì bị lùa vào nhà hàng quốc doanh. Mua sắm thì vào các thương xá Friendship của nhà nước luôn luôn được xây cất kế ngay nhà hàng ăn, hoặc xe bus chở thẳng vào các công ty sản xuất. Tiếng gọi là công ty nhưng thực chất là công ty quốc doanh, nhân viên phục vụ đều là người của chế độ mặc thường phục. Hầu hết đồng tiền của du khách đều lọt vào túi của nhà nước chớ rất khó mà rớt đến tay người dân. Sau bữa cơm trưa, chúng tôi được đưa đi chơi băng qua sông Lhasa bằng thuyền Yak-Skin. Thuyền này làm bằng da con Yak, một loại bò đen to lớn, lông rất dài và rất dày để chống lạnh. Còn sống và khỏe mạnh thì con Yak được dùng để kéo cày và lấy sữa. Lúc chết thì thịt dùng làm thực phẩm, mỡ dùng làm dầu nến thắp, da dùng làm trống hoặc ghép lại làm thuyền. Con bò Yak mật thiết tới đời sống người dân Tây Tạng nên bò Yak là biểu tượng của xứ Tây Tạng. Con đường Beijing Lu kéo dài từ Bakhor tới Drapung Monastry chia thủ phủ Lhasa ra làm đôi, đoạn dẫn vào khu thương mại trung tâm thành phố cũng có tượng Yak. Đi xem trình diễn văn hóa dân tộc cũng có vũ điệu muá với bò Yak. Ở Lhasa thuyền Yak không đậu dưới sông mà được dựng ở các bến, mỗi bến có cả chục chiếc thuyền làm bằng da con Yak xếp thành dãy dài chờ du khách. Mỗi thuyền chở được sáu hay tám người và có thể chở thêm cả xe đạp hoặc xe gắn máy . Nước sông Lhasa rất trong nhưng do tuyết tan từ các đỉnh núi chung quanh đổ xuống nên thò tay xuống thấy lạnh buốt. Khi có du khách, một người Tây Tạng đưa lưng ra cõng một chiếc thuyền bằng da con Yak đến bến cho khách xuống và dùng sào chống con đò qua sông như hình ảnh người chèo đò Trương Chi trong truyện cổ Việt Nam.
Hôm sau chúng tôi đựợc đưa đến thăm cung điện Potala là nơi ngày trước các vị Phật sống Tây Tạng ngự trị. Cung điện này cao ba từng quét vôi nửa trắng, nửa nâu xây trên triền núi gồm nhiều dãy nhà nối tiếp nhau. Nửa trắng phía dưới là nhà khách, nhà ăn, nhà chứa vật cụ, phần trên màu nâu được phân chia thành các phòng thờ phượng. Phía trước, ở dưới thấp làmột sân rộng phía trước chừng hơn hai mẫu tây để tín đồ tụ hội, từng toán du khách đổ xuống từ những chiếc xe bus hòa nhập với những người dân địa phương chạy theo bán nhang đèn và các tu sĩ khoác áo choàng màu huyết dụ hay màu vàng nghệ làm không khí ở đây thêm nhôn nhịp. Từ trên cao, tôi nhìn khắp bốn phía để mong thấy những tín đồ đi hành hương, cứ bước một bước lại nằm dài thẳng cẳng xuống đất, duỗi hai tay về phía trước, miệng đọc kinh, sau đó lại dứng dậy bước thêm một bước khác, rồi lại nằm dài người xuống đất, như những con sâu đo. Chúng tôi đến cung điện Potala không nhằm vào ngày lễ nên ngoài du khách ra chỉ thấy những người dân Tây Tạng dẫn vợ con đến cúng vái. Người chồng nét mặt khắc khổ, quần áo nhiều mảnh, có khi khoác áo nhà binh sờn rách, người vợ mặc váy, cổ đeo nhiều chiếc vòng bằng đồng, đầu quấn khăn tua sặc sỡ, chân bước, tay cầm chiếc “vòng luân hồi” vừa đi vừa quay, miêng lẩm bẩm đọc kinh một cách thành kính.
Con đường đi lên điện Potala là những phiến đá lát bậc thang, không dốc lắm nhưng rất hẹp khiến người lên người xuống phải chen chúc len lách. Càng lên cao càng ngộp thở. Hơi người, hơi khói, và nhất là hơi bốc ra từ những ngọn nến và những bình dầu đốt bằng mỡ Yak khiến không khí thật ngột ngạt. Qua tầng một, tầng hai, là lên đến khu chánh điện, được chia làm nhiều gian nhỏ, cờ quạt, lọng phướn treo kín mít. Tại mỗi phòng đều có bàn thờ Phật hoặc bàn thờ linh vị các Đạt Lai Lạt Ma đã hóa kiếp. Mỗi phòng đều có một nhà sư lo việc đèn dầu và ngay gần cửa ra vào của mỗi phòng là một thùng kiếng để thập phương bỏ tiền dâng cúng. Một lần vừa lấy máy ảnh định chụp một tấm hình thì vị sư già khẳng khiu ngồi gần chánh điện xua tay ra hiệu chỉ thẳng vào một người to béo mặc thường phục ngồi ở góc cửa ra vào. Người đó mới thực sự quyền hành còn vi sư già chỉ là cây cảnh.

Rời tu viện Potala chúng tôi được đưa đi xem một khu sản xuất thủ công nghệ gồm nhà đan lát, nhà dệt thảm, nhà chạm khắc đồ gỗ. Mỗi nhà đều có khu sản xuất và khu bán hàng. Tại những khu sản xuất, nhân công là người Tạng, nét mặt khắc khổ chịu đựng, ngồi từng dãy im thin thít, quấn sợi, kéo chỉ. Ở khu dệt thảm đa số thợ là trẻ nhỏ, thấy du khách đến chúng lấm lét ra hiệu cho du khách lại gần rồi hai mắt dáo dác, đưa tay xin tiền. Không biết là chúng sợ bị bắt, bị trừng phạt, hay sợ bị thu lại số tiền xin được. Đến khu bán hàng thì chỉ thấy người Hoa, líu lo nói tiếng Hoa, nét mặt sung mãn. Buổi chiều chúng tôi được đưa đi mua sắm ở khu thương mại nằm phía đông thành phố, trong lòng bốn con đường chính có tên Wengduixinca, Dongzisu Road, Hebalinlu và Zinzudong Lu. Ở mấy dãy phố này không có nhà cao từng. Bảng hiệu hoặc viết bằng Anh Ngữ hoặc bằng chữ Hán. Bước vào đây không khác gì bước vào các khu phố Tàu ở Philadelphia hay phố Tàu ở Los Angeles. Có lẽ người dân Tây Tạng đã “tự nguyện xin đi các vùng kinh tế mới”, hệt như người Sàigòn tự nguyện dâng nhà dâng cửa cho Đảng cho Bác để đi lao động vinh quang tại các vùng đèo heo hút gió khỉ ho cò gáy Bù Đăng, Bù Đóp, Bù Gia Mập. Bữa ăn cuối cùng tại Lhasa chúng tôi được đưa vào nhà hàng uống sữa Yak, ăn cháo lòng Yak, có tiếp viên và nhạc công mặc xiêm y Tây Tạng, nhưng viên quản lý lại cũng là người Tàu. Khi sắp ra về cô Mã Dung choàng lên cổ chúng tôi mỗi người một khăn vải mỏng màu trắng, biểu lộ tình hữu nghị và sự hiếu khách của người Tạng.

Ở Tây Tạng bốn ngày, đi đâu cũng chỉ thấy người Hoa làm chủ. Trước đây Tây Tạng là một quốc gia độc lập cho đến năm 1959 thì bị Trung Cộng sát nhập. Trước năm 1950 dân số Tây Tạng gần một triệu nhưng năm 2000, theo thống kê, dân số lên đến hơn 2 triệu. Một triệu người thêm sau này chắc chắn có đến 80% là người Hoa vì dân Tây Tạng rất ít sinh đẻ. Giờ đây có lẽ dân số trên đất Tạng đã cao hơn nhiều, nhưng người Tây Tạng đích thực đã trở thành nô lệ của người Trung Hoa Hán Tộc. Lũ Tạng Gian trở thành cai nô còn người dân Tây Tạng thì làm thợ trong các xưởng máy hoặc làm nông nô tại các nông trường.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhân danh Tây Tạng vận động khắp thế giới xin cho Tây Tạng là một xứ tự trị Tibet Autonomy Region (TAR) cũng không được. Trung Cộng đã dựng lên một Ban Thiền Lạt Ma làm bù nhìn. Trước đây đến Tây Tạng phải bằng máy bay. Năm 2000, du khách từ Thành Đô tới Tây Tạng cũng phải đi bằng máy bay. Năm 2004 Trung Cộng xây dựng một thiết lộ nối liền Trung Quốc đến Tây Tạng. Có con đường này thì lên Tây Tạng sẽ dễ dàng và người Hán sẽ lên Tây Tạng thoải mái. Con đường này làm tôi liên tưởng đến con đường Trường Sơn được Hà Nội cho làm xuyên suốt từ biên giới Trung Cộng vô Nam.

Ôi! Dân Tạng chỉ có hơn một triệu nên phải chịu cảnh mất nước đã đành, còn dân Việt chúng ta có hơn tám chục triệu cũng đành chịu trở thành dân mất nước? Chẵng lẽ ngay trong cuộc đời trước mắt, chúng ta đứng yên để thấy những đảng viên cộng sản trở thành cai nô, người dân Việt Nam trở thành nông nô, tổ quốc Việt Nam là một ngôi sao nhỏ nằm chung với bốn ngôi sao nhỏ khác. Lá cờ Trung Cộng sẽ là lá cờ có một ngôi sao nhỏ lớn tượng trưng cho Đại Hán và năm ngôi sao nhỏ tượng trưng cho năm sắc dân bị mất nước là Mãn, Mông, Hồi, Tạng, Việt?


No comments: