Saturday, January 30, 2010

"HOÀ GIẢI" VỚI CỘNG SẢN ? KINH NGHIỆM của NGƯỜI TIỆP

“Hoà giải” với Cộng sản? Kinh nghiệm của người Tiệp
Nguyễn Gia Thức
31.01.2010
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=A957BD62CF7DC089027F9FFA4D5D4EF3?action=viewArtwork&artworkId=9862
Theo dõi cuộc tranh luận về những vụ việc chung quanh cuốn Thơ đến từ đâu? xuất bản ở Hà Nội hồi cuối năm 2009 vừa qua, cũng như những nhận định của một số người về trường hợp ông Đặng Tiến và những thái độ “hoà giải”, tôi đoán là trong những người góp ý kiến có lẽ chưa có ai là người Việt ở những nước Đông Âu hậu-cộng sản. Vậy nên tôi mạo muội đóng góp một góc nhìn khác, vì tôi sống ở Tiệp từ 1970 đến nay, lấy vợ người Tiệp và đã trở thành dân nước Tiệp.

Phải nói ngay rằng tôi sinh ra và lớn lên trong chế độ XHCN ở miền Bắc Việt Nam. Thuở còn trẻ tôi tin vào đường lối của Đảng Cộng sản vì chưa từng biết đường lối nào khác. Năm 1970, nhờ có kết quả học vấn tốt nên tôi được sang du học ở Tiệp. Khi được đi Tiệp, tôi hãnh diện lắm vì tưởng mình có cơ hội đến một nước cực kỳ văn minh. Lúc ấy tôi vừa xong trung học nên còn ngây dại lắm, nhưng càng lớn lên, tôi càng nhìn thấy sự thật. Sống ở Tiệp từ 1970 cho đến khi chế độ Cộng sản ở Tiệp sụp đổ cuối năm 1989, tôi chứng kiến vô số những bi kịch trên thân phận con người. Khi Cộng sản ở Tiệp và cả Đông Âu sụp đổ tôi vui sướng vô cùng. Kể từ đó tôi mới được hưởng không khí dân chủ.

Trở lại chuyện “hoà giải”, tôi đề nghị những ai có ý đồ “hoà giải” thì nên suy nghĩ lại. Vì sao? Vì không bao giờ có sự “hoà giải” giữa một bên là các cá nhân yếu đuối và một bên là cả guồng máy chính quyền độc tài sắt thép. Bên yếu chỉ có thể được thu nhận để phục vụ cho bên mạnh, chứ bên mạnh không đời nào nhượng bộ cho bên yếu.

Chuyện “hoà giải” ở Tiệp là một kinh nghiệm. Năm 1977, chính quyền Cộng sản độc tài Gustáv Husák tung ra chính sách “hoà giải”, kêu gọi cộng đồng Tiệp lưu vong trở về để cùng xây dựng đất nước, vì chủ tịch Gustáv Husák sẵn sàng ân xá cho những người “di tản bất hợp pháp” (tức là những người Tiệp đã vượt biên tỵ nạn sang các nước tự do). Kết quả là gì? Kết quả là trong cộng đồng người Tiệp lưu vong trên khắp thế giới, chỉ có khoảng hơn 10 ngàn người nộp đơn xin ân xá. Trong số hơn 10 ngàn người đó có khoảng một phần ba là muốn phục hồi quốc tịch Tiệp để hồi hương, và số còn lại thì chỉ muốn về thăm quê hương, làm những công việc hợp với đường lối của chính quyền Cộng sản, nhưng vẫn giữ quốc tịch ở nước ngoài.
Gia đình nội ngoại bên vợ Tiệp của tôi thời ấy có gần chục người lưu vong ở Pháp, Mỹ, Canada. Trong số đó có vài ba người âm thầm “hoà giải”.

Họ “hoà giải” với ai? Với các công an mật (Státní bezpečnost - StB)? Với các cấp chính quyền? Với các “soudruh” (đồng chí) của Đảng Cộng sản? Không, họ không “hoà giải” được với ai cả.

Đúng ra, một ít người có tài, có học vấn cao cũng được Đảng cho phép làm việc ở Tiệp. Một ông bác của vợ tôi là Giáo sư ở Canada, khi về Tiệp thì được cho dạy ở trường đại học, nhưng phải ở dưới trướng của những ông bí thư dốt nát, mặt mày lạnh như chì.

Ở nước ngoài, cộng đồng Tiệp lưu vong sáng tác ra từ “upravenec” (số nhiều là “upravenci”) để chỉ những người “hoà giải”. Từ “upravenec” đúng ra có nghĩa là “kẻ nâng cấp” , và “upravenci” là “bọn nâng cấp”, vì lúc ấy chính quyền Cộng sản Tiệp dùng cụm từ “upravili vztahy s ČSSR” (“nâng cấp quan hệ với nước Cộng hoà XHCN Tiệp”) để chiêu dụ “hoà giải”!
Cộng đồng Tiệp lưu vong lại còn có từ “kolaborant” để chỉ những kẻ “hoà giải” hay “nâng cấp quan hệ” quá nhiệt tình! “Kolaborant” là kẻ “hợp tác” hay “cấu kết”, nghĩa là kẻ sẵn sàng làm tay sai cho chế độ, ca tụng chế độ, làm tình báo, chỉ điểm cho chế độ.
“Hoà giải”, “nâng cấp quan hệ” hay “hợp tác” chẳng đến đâu, thì cuối năm 1989, đùng một cái, mọi sự chấm dứt. Chế độ Cộng sản sụp đổ.

Từ năm 1990 đến nay, hầu hết những người Tiệp lưu vong đều đã hân hoan trở về thăm quê hương, nhiều người quyết định hồi hương để sống và làm việc trong một nước Tiệp dân chủ.
Còn thân phận của “upravenci” và “kolaborant” thì ra sao? Những kẻ “hoà giải”, “nâng cấp quan hệ” hay “hợp tác” với chế độ Cộng sản trước kia, thì giờ đây rơi vào trạng huống khá là ngượng ngùng. Trong khi người lưu vong bày tỏ thái độ tự hào, thì kẻ “upravenci” và “kolaborant” lại mang mặc cảm, thấy xấu hổ.

Người lưu vong trở về Tiệp thì có thể thông cảm với các cán bộ hay Đảng viên trong sạch của chế độ Gustáv Husák thối nát, vì xem đó là hoàn cảnh bất khả kháng của họ trong một giai đoạn lịch sử. Nhưng người lưu vong lại coi khinh những kẻ “hoà giải”. Họ nhìn thấy kẻ “hoà giải” là mang bản chất của kẻ cơ hội, kẻ hèn, kẻ phản bội.

Đến nay đã hơn 20 năm sau ngày Cộng sản sụp đổ, nhưng cảm giác khinh bỉ ấy vẫn chưa phai. Đâu đây vẫn còn những lời bàn bạc về “upravenci” và “kolaborant”. Đâu đây vẫn còn những người đòi hỏi chính quyền hôm nay hãy công bố danh sách những kẻ đã nộp đơn xin “nâng cấp quan hệ với nước Cộng hoà XHCN Tiệp”.

Cách đây mấy năm, Stanislav Reiniš vẫn còn công khai chê trách thái độ mất đạo đức (morální poklesek) của những kẻ đã phản bội cộng đồng tỵ nạn lưu vong để “hoà giải” với chế độ độc tài.
[1] Năm 2006, đài Radio Praha còn phát thanh một chương trình về người Tiệp hồi hương, trong đó ông Vladimír Špaček, một người hồi hương năm 2000 sau hơn 30 năm lưu vong, còn lên tiếng tố cáo chính sách “nâng cấp quan hệ với nước Cộng hoà XHCN Tiệp” của Gustáv Husák là âm mưu chia rẽ và chinh phục (rozděl a panuj) cộng đồng lưu vong Tiệp.[2]

Cuối cùng, những kẻ vội vã “hoà giải” đã không “hoà giải” được với ai cả, để rồi suốt đời còn lại phải âm thầm hổ thẹn vì cũng khó lòng mà “hoà giải” được với chính bản thân mình.

_________________________

[1]Stanislav Reiniš - Je to stará historie - nebo není? (Neviditelný pes, Pondělí 5.7.2004).
[2]Milena Štráfeldová - Vladimír Špaček projel australskou buš jako zeměměřič (Radio Praha, 29-04-2006).



No comments: